Ngân sách cho nhiệm vụ KH&CN phải phù hợp tiến độ phê duyệt

Tại sao việc cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN lại chậm trễ, cần phải cải cách như thế nào về cơ chế tài chính để việc cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN trở nên hợp lý và kịp thời… Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã giải đáp những câu hỏi đó trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” ngày 7/4 trên sóng VTV1.

VTV1: – Gần đây các nhà khoa học có bày tỏ thời gian cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước rất chậm, nhiều nhà khoa học cho biết đã phải từ chối nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước của mình bởi khi nhận được kinh phí thì nhiệm vụ nghiên cứu đó trở nên lỗi thời, không còn tính thời sự hoặc là kinh phí không đủ để thực hiện nhiệm vụ này do yếu tố trượt giá, Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói, nguyên nhân gốc rễ trong thời gian vừa qua là chúng ta đã hành chính hóa hoạt động nghiên cứu và triển khai các hoạt động KH&CN. Chính vì thế chúng ta yêu cầu các nhà khoa học, cơ quan quản lý về KH&CN phải phê duyệt các nhiệm vụ về KH&CN như là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Có nghĩa là trước ngày 31/7 hàng năm, Bộ KH&CN đã phải phê duyệt toàn bộ nhiệm vụ KH&CN của năm sau để gửi sang Bộ Tài chính và tổng hợp vào dự toán ngân sách của Nhà nước, sau đó trình Quốc hội phê chuẩn ngân sách của năm sau sẽ giao kinh phí ấy cho các nhà khoa học.

Để có được danh mục các nhà khoa học được phê duyệt vào 31/7 hàng năm thì Bộ KH&CN phải thông báo cho các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ, các Bộ, ngành, sau đó thành lập các Hội đồng (từ Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đến Hội đồng xét chọn, tuyển chọn làm việc rõng rã 5,7 tháng trước đó). Vì thế các nhiệm vụ khoa học khi được cấp kinh phí là các nhiệm vụ được đề xuất trước đó ít nhất là một năm.

– Một bài báo gần đây đăng tải ý kiến của một cán bộ ngành tài chính cho rằng nếu các cơ quan KH&CN rút ngắn thời gian thẩm định thì kinh phí sẽ đến tay các nhà khoa học được nhanh hơn, Bộ trưởng nghĩ thế nào về lý do này?

Khi tiền đã ở trong tài khoản cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN thì các cơ quan này sẽ rút ngắn về quy trình thẩm định, chắc chắn các nhà khoa học sẽ được tiền sớm hơn. Nhưng hiện nay chúng ta làm kế hoạch cho KH&CN như là cho kế hoạch xây dựng cơ bản, vì thế nếu có giao ngay cũng không khắc phục được bất cập này.

Vài năm gần đây, Bộ KH&CN còn bị áp đặt phải thẩm định lại một lần nữa, tức là năm trước thẩm định xong để tổng hợp vào ngân sách Nhà nước, đến khi được Thủ tướng Chính phủ giao kinh phí phải chờ đợi quá trình thẩm định mà không phải từ Bộ KH&CN cho nên việc giao kinh phí lại càng chậm.

Ví dụ như kinh phí nghiên cứu các nhiệm vụ Nhà nước năm 2011 đến tận tháng 2/2012 mới được giao, kinh phí nghiên cứu cho các nhiệm vụ cấp Nhà nước năm 2012 đến tháng 10/2012 cũng mới được giao và kinh phí nghiên cứu đến 2013 đến thời điểm này mới được giao.

– Vậy theo Bộ trưởng, cơ chế tài chính ở đây cần được cải cách theo hướng nào để kinh phí được giao cho các nhiệm vụ KH&CN được kịp thời và đáp đứng được tính trực tiếp thời sự của các nhà khoa học?

Trong Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI có một nội dung rất quan trọng về việc tài trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các nhiệm vụ KH&CN phải phù hợp với tiến độ phê duyệt của các nhiệm vụ này. Hơn nữa, Trung ương cũng đã nhất trí rất cao việc mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của Quỹ phát triển KH&CN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Đây là hai điểm mấu chốt có thể giải quyết được những bất cập của các nhà khoa học đang đề xuất. Khi chúng ta có cơ chế để các nhà khoa học có nhiệm vụ KH&CN lúc nào thì được phê duyệt và có kinh phí, có tiền ngay lúc đó, với cơ chế quỹ chúng ta có thể giao quyền chủ động cấp kinh phí ấy cho các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN. Sau khi đã tổng hợp được dự toán kinh phí và được Quốc hội phê chuẩn, được Chính phủ giao thì tiền đã sẵn sàng để các nhà khoa học, để nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ nào thì Bộ KH&CN sẽ thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá và sau đó sẽ phê duyệt nhiệm vụ đó và cấp kinh phí ngay lập tức.

Đặc biệt đối với Quỹ không phải cấp phát theo năm tài chính mà quyết toán theo hợp đồng, đồng thời kinh phí của năm trước sử dụng không hết sẽ được chuyển nguồn tự động sang năm sau, không phải báo cáo xin phép. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học.

Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương và trong thời gian tới sẽ được cụ thể hóa bằng Luật KH&CN sửa đổi chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng bất cập này.

– Thưa Bộ trưởng, việc thay đổi và áp dụng trên thực tế không phải là chuyện một sớm một chiều, một số nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm rằng quy định đều do chúng ta đặt ra. Vậy tại sao trong quá trình cải cách này chúng ta không chủ động đề xuất ra những điều chỉnh để các quy định phù hợp với thực tiễn trong hoạt động KH&CN hiện nay cũng như là phù hợp với các thông lệ quốc tế?

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó, từ trước đến nay chúng ta làm KH&CN theo cách hành chính hóa, tuy nhiên hiện nay hội nhập quốc tế chúng ta nên điều chỉnh cách hành xử của chúng ta với khoa học theo thông lệ quốc tế. Một bài học của các nước phát triển trong thời gian vừa qua công nghiệp hóa rất thành công trong đó có việc xây dựng kế hoạch theo phương thức chứ không nên theo đầu tư xây dựng cơ bản, không hành chính hóa.

Cần phải có một cơ chế đặc thù, nhất là sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 36 về phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của Trung ương, trong đó có rất nhiều các nhiệm vụ giao cho các Bộ, ngành để sửa đổi các Luật hiện hành kể cả Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật trong chuyên ngành của KH&CN.

Chúng tôi hy vọng các Bộ, ngành phối hợp tốt sẽ có những quy định mới phù hợp với kinh tế thị trường và với đặc thù của KH&CN. Điều này đòi hỏi những người làm quản lý Nhà nước, Lãnh đạo các Bộ, ngành đổi mới tư duy. Nếu chúng ta lúc nào cũng nói Luật ngân sách là chân lý không thể thay đổi được và yêu cầu phải thực hiện theo những điều Luật đã trở nên lạc hậu thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ đổi mới được hoạt động KH&CN nói riêng cũng như cơ chế chính sách phát triển đất nước nói chung.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)