Tác động Covid-19 đến Châu phi: Tử vong thấp, thiệt hại kinh tế cao
Khi xảy ra đại dịch nhiều chuyên gia ái ngại virus corona sẽ tàn phá nặng nề châu Phi do hạ tầng cơ sở y tế ở đây khá tồi tệ. Tuy nhiên cho đến nay, con số tử vong ở đây thấp hơn so với các châu lục khác. Tại sao lại như vậy? Điều gì sẽ đe dọa châu lục này tới đây? Sau đây là 5 luận điểm về diễn biến của đại dịch tại đây.
1. Số liệu không được báo cáo cao hơn nhiều so với giả định
Theo số liệu của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) châu Phi, chỉ có 41.000 ca tử vong vì corona, chiếm 3% tổng số ca tử vong của toàn thế giới. WHO “không thấy có dấu hiệu” làm sai lệch số liệu các ca tử vong do đại dịch corona gây ra ở Châu Phi. Tuy nhiên còn có nhiều tranh cãi về con số này. Trong những tháng qua điều ngược lại đã diễn ra ở nhiều nước. Thí dụ từ tháng năm đến đầu tháng mười một ở Nam Phi số người chết tăng gần 50.000 so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên con số thống kê lại nêu chỉ có 19.539 người chết vì Covid-19. Chênh lệch đến 30.000 là quá lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng có trên 70 % ca tử vong tăng lên này là có liên quan đến virus corona, có tiên đoán thậm chí lên tới 97%.
Ngay cả số liệu về xét nghiệm cũng không thật rõ ràng, số liệu chính thức tại châu Phi đã có gần 2 triệu xét nghiệm. Thậm chí ở Nam Phi, có số lượng xét nghiệm đứng đầu tuyệt đối ở châu Phi, thì tỉ lệ xét nghiệm trên số dân chỉ bằng 1/5 của nước Anh.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy số người bị lây nhiễm ở đây thực tế cao hơn nhiều so với dự đoán.
2. Cơ cấu tuổi có ý nghĩa quyết định
Tại Châu Phi trên 60 % dân số dưới 25 tuổi, chỉ có 3% hơn 65. Không ngạc nhiên khi tuổi bệnh nhân Covid-19 ở đây trẻ hơn so với các lục địa khác, phần lớn các ca lây nhiễm đều chỉ bị nhẹ. Ở vùng Cận Sahara –châu Phi, trên 90% các ca lây nhiễm đã phát hiện đều dưới 60 tuổi, 80% các ca lây nhiễm đều ở thể không có triệu chứng. Tình trạng này cao hơn hẳn các lục địa khác.
WHO giải thích điều này liên quan đến mật độ dân số thấp và điều kiện đi lại ít hơn, khí hậu ấm hơn và có tuổi bình quân thấp hơn. Các kịch bản kinh hoàng mà ban đầu các chuyên gia dự đoán đối với lục địa này thường xuất phát từ các điều kiện của làn sóng Covid-19 đầu tiên ở châu Âu. Bên cạnh đó các yếu tố bị coi là tăng nguy cơ đối với châu Phi như HIV và lao, nếu được dùng thuốc đúng thì không nguy hiểm bằng các bệnh tiểu đường và béo phì khá phổ biến ở châu Âu. Chưa kể, người già ở châu Phi hiếm khi ở các trại dưỡng lão hoặc khu chăm sóc người cao tuổi. Còn ở các nước công nghiệp, đại dịch corona thường lây lan nhanh chóng tại các cơ sở dưỡng lão.
Ảnh: Fredrik Lernery/AFP/Getty.
3. Nhiều câu hỏi còn để ngỏ
Dù sao vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Phần lớn các nước châu Phi tuy sớm có phản ứng khá nhanh. Ở một số nước như Nigeria, Liberia và Congo, nhà chức trách còn có lợi thế về kinh nghiệm chống virus ebola hay một số bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên ngay cả một số nhà virus học hàng đầu cũng chưa thực sự có câu trả lời vì sao đại dịch ở nhiều nước châu Phi chỉ diễn ra một cách nhẹ nhàng. Ông Shabir Madhi, một trong những nhà miễn dịch học hàng đầu lục địa này cũng chỉ phỏng đoán có thể một số loại virus corona trước đó đã góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng ở lục địa này.
Vai trò của vitamin D thì sao? Trong một số trường hợp bị lây nhiễm nặng virus Corona-19 ở châu Âu có hiện tượng thiếu vitamin D. So với các châu lục khác thì châu Phi không thiếu ánh sáng mặt trời do đó da được cung cấp đủ tia UV. Tuy nhiên cho đến nay giới khoa học chưa chứng minh được tác dụng phòng chống Corona của vitamin D. Các nhà nghiên cứu Đại học Cape Town đã nghiên cứu về tiêm chủng BCG chống lao ở trẻ em. Tại châu Phi tỷ lệ trẻ em chích ngừa bệnh lao cao hơn so với các lục địa khác, tuy nhiên không phát hiện được sự liên quan nào với đại dịch.
4. Không chủ quan quá sớm
Trước mắt không có lo ngại về một làn sóng corona thứ hai như ở châu Âu đối với châu Phi. Tháng 10 vừa qua Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở châu Phi (Africa CDC) cho hay số ca mắc mới chỉ tăng 4%. Ở Tây Phi hầu như không có báo cáo về các ca lây nhiễm mới. Nigeria, đất nước với trên 200 triệu dân, nước đông dân nhất châu Phi, số ca lây nhiễm mới cũng ít.
Tuy nhiên ở một số nước như Nam Phi, Uganda và Kenya số ca lây nhiễm mới đang tăng lên, tại Nam Phi các chuyên gia lo ngại sẽ xẩy ra làn sóng thứ hai. Viện Thống kê Y tế và Viện Đo lường đánh giá y tế của Hoa Kỳ cho rằng, do xóa bỏ hầu hết các biện pháp ngăn chặn từ cuối tháng 11 nên châu Phi sẽ có khoảng 50.000 cả tử vong trong làn sóng thứ hai cho đến cuối tháng hai.
5. Dự đoán sẽ có thêm 43 triệu người đói nghèo do thảm họa kinh tế
Khác với ở châu Âu, phần lớn các nước châu Phi đã chấm dứt các biện pháp ngăn chặn bệnh ngay trong làn sóng thứ nhất khi số ca lây nhiễm vẫn còn tăng – chủ yếu vì các lý do kinh tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng sẽ có thêm 43 triệu người ở châu lục này bị rơi vào tình trạng cực kỳ đói nghèo do thảm họa kinh tế.
Tại nhiều quốc gia Châu Phi, những tiến bộ trong việc cung cấp điện bị ảnh hưởng nặng nề, sẽ có thêm 13 triệu người lâm vào tình trạng không có điện, một yếu tố quan trọng đối với phát triển giáo dục và kinh tế. Giá lương thực, thực phẩm tăng, tại nhiều nước các chính phủ bỏ trợ giá xăng dầu, ngân sách dành cho y tế vốn không được bao nhiêu nay tiếp tục bị cắt giảm. Điển hình như, đã có 2,2 triệu việc làm tại Nam phi bị mất trong sáu tháng đầu năm nay. Lần đầu tiên Nam Phi phải vay tiền của Quỹ Tiền tệ quốc tế với điều kiện ngặt nghèo. Trong quý II kinh tế Nam Phi sụt giảm 51%. Tương tự, nhiều nước có nguy cơ lâm vào tình trạng bất ổn trong vài tháng tới.
Xuân Hoài lược dịch