150 năm ngày sinh Claude Debussy: Lặng lẽ và khiêm tốn

Các tổ chức âm nhạc cổ điển thường rất nhạy bén với lễ kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của các nhà soạn nhạc nổi tiếng. Thậm chí giờ đây họ đã sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Wagner và Verdi vào năm tới. Nhưng điều gì xảy ra với Debussy, nhà soạn nhạc ra đời cách đây 150 năm tại St.-Germain-en-Laye, phía Tây Paris ngày 22-8-1862?

Lễ kỷ niệm ngày sinh của ông diễn ra một cách lặng lẽ và khiêm tốn tại các địa điểm âm nhạc chính của New York. Không có bất cứ sự kiện hoặc festival đặc biệt nào trong chương trình của Carnegie Hall, New York Philharmonic và Lincoln Center. Lần cuối Nhà hát Metropolitan Opera diễn lại vở opera “Pelléas et Mélisande” của Debussy là trong lễ ra mắt muộn màng của nhạc trưởng Simon Rattle [nhạc trưởng chính và giám đốc nghệ thuật của Berlin Philharmonic từ năm 2002 đến nay], vào năm 2010, nhưng cũng chỉ diễn có năm buổi.

Thực tế là các tổ chức âm nhạc lớn vẫn thường coi lễ kỷ niệm như một cái cớ để đưa vào chương trình biểu diễn rất nhiều tác phẩm quen thuộc, vì vậy việc để lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Debussy diễn ra một cách mờ nhạt là điều vô cùng hổ thẹn. Sơ xuất này của các nhà tổ chức có vẻ khá kỳ lạ.

Có lẽ Debussy không được coi là đủ sức lôi cuốn đối với khán giả, nhưng tôi ngờ rằng nguyên nhân đích thực có thể còn phức tạp hơn thế. Chúng ta thích nghĩ rằng mình biết và khâm phục Debussy, rằng Debussy là nhà soạn nhạc Ấn tượng vĩ đại! Với hội họa Ấn tượng thì Monet là đại diện tiêu biểu, còn với âm nhạc Ấn tượng là Debussy. “La Mer” (Biển cả) mới kỳ diệu làm sao. Những tiểu phẩm đầy sáng tạo viết cho piano mịn màng như nước với những tên gọi gợi mở như “Estampes” (Những bức tranh khắc), “Images” (Những hình ảnh). Và tất nhiên là cả tác phẩm viết cho dàn nhạc mang vẻ đẹp mờ ảo “Prelude to the Afternoon of a Faun” (Prelude Giấc ngủ trưa của thần Điền dã).

Tuy nhiên bề ngoài quyến rũ ở các tác phẩm của Debussy có thể đã che khuất sự táo bạo dữ dội của âm nhạc, cũng như những vẻ đẹp bề ngoài của những bức tranh Ấn tượng có thể đã che giấu những thử nghiệm đột phá táo bạo của chúng. (Tôi sẽ trở lại câu hỏi Debussy có thể được gọi là người theo trường phái Ấn tượng hay không.)

Tôi nghĩ chúng ta coi những gì Debussy làm được là thường tình, và điều này có thể giải thích vì sao lại hiếm các sự kiện kỷ niệm ông trong năm nay. Nhưng theo bất kỳ thước đo nào thì Debussy vẫn là một trong những nhà soạn nhạc cấp tiến nhất trong lịch sử âm nhạc. Nhà soạn nhạc thiên tài này có một lý lịch rất khiêm tốn, ông hầu như không được hưởng sự giáo dục chính quy nào, ngoại trừ âm nhạc: ông được nhận vào Nhạc viện Paris ở tuổi lên 10.

Thuyết cấp tiến của ông thể hiện ở nhiều khía cạnh, trước hết là ở ngôn ngữ hòa âm phá cách mang tính mở đường. Debussy yêu thích những hợp âm nghịch tai, mà ngày nay chúng ta thấy giống nhạc jazz, như những hợp âm mà Duke Ellington và Bill Evans đã sử dụng. Nhưng trong ngôn ngữ hòa âm của Debussy còn có những đồng vọng của thời kỳ Phục hưng, cũng như âm nhạc ngũ cung Nam Á mà ông nắm bắt được sau một buổi biểu diễn của các nghệ nhân Indonesia tại hội chợ triển lãm quốc tế ở Paris năm 1889.

Nhưng yếu tố cấp tiến nhất trong nghệ thuật của Debussy là cách tiếp cận và xử lý yếu tố thời gian. Sau hàng trăm năm âm nhạc cổ điển phụ thuộc vào giai điệu, Debussy đã dám viết thứ âm nhạc hầu như tĩnh tại trải dài suốt tác phẩm. Ông đã viết rất nhiều những điệu nhảy, những tiểu phẩm piano ngất ngây, một tứ tấu đàn dây [cung Son thứ mang tính chất bước ngoặt trong lịch sử âm nhạc thính phòng], và đến cuối đời, là ba bản sonata theo phong cách Tân Cổ điển độc đáo [Sonata cho cello; Sonata cho flute, viola và harp; Sonata cho violin và piano]. Tuy nhiên, kéo giãn thời gian tới những giới hạn của nó là một đặc điểm nổi bật trong các sáng tác của Debussy.

Trước đó, đã có những nhà soạn nhạc từng thử nghiệm cách này ở một mức độ nhất định, đặc biệt là Wagner, người mà trong suốt cuộc đời mình, Debussy giữ thái độ yêu-ghét lẫn lộn. Vào giữa những năm 1880, Debussy thực sự là “một người ngưỡng mộ Wagner nhiệt thành tới mức quên cả những nguyên tắc xã giao thông thường”, như ông hồi tưởng lại. Debussy kiếm tiền từ các nhà xuất bản nhờ việc soạn bản rút gọn cho các vở opera của Wagner. Một người bạn của ông, Pierre Louys, nói rằng Debussy từng có lần thắng cược về việc ông có thể chơi từ đầu đến cuối vở opera “Tristan und Isolde” mà không cần nhìn bản nhạc. Nhưng kể từ sau chuyến hành hương đến Festival Bayreuth [nơi chỉ chuyên biểu diễn các vở opera của Wagner], ông lại thường xuyên chỉ trích một cách chua cay Wagner.

Nếu sự kiện kỷ niệm ngày sinh Debussy đã không mấy được quan tâm bởi âm nhạc của ông khó nắm bắt, thì ông cũng có phần có lỗi. Ông thuộc mẫu người mâu thuẫn, một nghệ sỹ luôn biết những gì mình không thích nhưng lại không biết nơi mình thuộc về.
Nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Anh, Edward Lockspeiser, trong cuốn tiểu sử quan trọng về Debussy xuất bản năm 1936 và sau đó nhiều lần được tái bản có bổ sung, đã nhận ra bản chất con người và bản chất nghệ sĩ ở Debussy khi ông cho rằng nhà soạn nhạc “che đậy bản thân khỏi thế giới bên ngoài bằng một bức màn châm biếm mỉa mai.”

Lockspeiser đã trích dẫn một bức thư do Debussy viết gửi nhà soạn nhạc Ernest Chausson vào năm 1893: “Tôi giờ đây, vừa bước sang tuổi 31, vẫn không hoàn toàn chắc chắn về thẩm mỹ của mình. Vẫn còn những việc tôi chưa làm được – viết ra những kiệt tác chẳng hạn, hoặc trở thành người thực sự có trách nhiệm – bởi tôi có sai lầm là suy ngẫm quá nhiều về bản thân mình và chỉ nhìn ra thực tế khi tôi phải đối diện nó và không thể vượt qua.”

Vậy Debussy có phải là một nhạc sỹ thuộc trường phái Ấn tượng không? Trong mục từ hết sức tường tận về Debussy trong Từ điển Âm nhạc và Nhạc sĩ của NXB New Grove năm 2001, nhà âm nhạc học người Pháp François Lesure đã quả quyết rằng không. Ông xếp Debussy trong Phong trào Biểu tượng của Nghệ thuật và văn học Pháp, phát triển mạnh mẽ suốt hơn 10 năm, kể từ năm 1885. Thẩm mỹ của Debussy, Lesure viết, được đặc trưng bởi “sự từ bỏ chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện thực, và các hình thái rõ ràng thái quá; căm ghét sự cường điệu; thờ ơ với công chúng; và ưa thích những điều bất định, huyền bí, thậm chí cả những thứ bí truyền.”

Vài điều trong những nguyên lý này nghe cũng giống những gì nhiều người trong chúng ta vẫn gán cho chủ nghĩa Ấn tượng. Khi “La Mer” ra mắt vào năm 1905, Debussy đồng ý để tờ chương trình miêu tả tác phẩm như “chủ nghĩa Ấn tượng du dương”, “một công thức đặc trưng riêng của người viết ra nó” Nhưng đến năm 1908, Debussy đã gửi thư cho nhà xuất bản của ông rằng ông đang thử làm “một điều gì đó khác biệt” và đó là “thứ mà những kẻ ngốc nghếch gọi là chủ nghĩa Ấn tượng, một thuật ngữ kém phù hợp nhất”.

Vậy chúng ta có thể rút ra được gì? Ồ, hóa ra các thuật ngữ đáng ngờ, như chủ nghĩa Ấn tượng, vô điệu thức (mà Schoenberg ghét cay ghét đắng) hoặc chủ nghĩa Tối giản (thứ bị Philip Glass chối bỏ), chỉ thuận tiện cho những người mà nghề của họ là giới thiệu âm nhạc đến với công chúng rộng rãi mà thôi.

Lesure miêu tả vở opera “Pelléas et Mélisande” ra mắt lần đầu vào năm 1902, như “một kiệt tác của chủ nghĩa Tượng trưng Pháp.” Debussy đã chuyển thể từ vở kịch theo chủ nghĩa Tượng trưng cùng tên mà Maurice Maeterlinck sáng tác năm 1893. Chàng Golaud u sầu nhưng tao nhã trong lúc đi lạc trong rừng đã tìm thấy nàng Mélisande, một cô gái đáng yêu, mong manh và hay giấu kín ý nghĩ của mình, cũng đang lạc trong rừng. Golaud muốn cưới nàng làm vợ. Nhưng người em trai Pelléas của Golaud cũng không thể kìm nén được tình yêu với Mélisande, nguyên nhân chính dẫn đến tấm thảm kịch tình yêu tay ba. Phần âm nhạc tuyệt vời của Debussy chạm được vào dòng chảy ngầm mãnh liệt bên dưới dưới những lời thoại có vẻ như tầm thường, tránh bộc lộ phô trương ra bên ngoài, trong khi soi tỏ được tiềm thức.

Maeterlinck, người rất ít quan tâm đến các nhạc sỹ và âm nhạc, không chịu nổi vở opera, như ông thể hiện rõ ràng trong một bức thư gửi báo Le Figaro: “Những cắt gọt tùy tiện và vô lý khiến cho vở kịch không thể nào hiểu được”.

“Tôi chỉ có thể chúc cho nó thất bại ngay lập tức”, ông kết luận.

Trong những năm cuối đời, Debussy bị căn bệnh ung thư trực tràng hành hạ và vào năm 1915, ông đã trải qua một trong những ca mổ thông ruột kết đầu tiên. Rút cục Debussy cũng chỉ sống thêm ba năm sau ca phẫu thuật, ông qua đời vào năm 1918 ở tuổi 55.

Nếu không có festival Debussy nào ở New York vào năm 2012 thì vẫn có một số bản thu âm đầy ý nghĩa được phát hành. Một trong số đó là của nghệ sỹ piano Pháp xuất sắc Pierre-Laurent Aimard với cả hai tập Prelude của Debussy, do Deutsche Grammophon phát hành ở Mỹ vào tháng 10 này. Aimard, người sẽ biểu diễn tập 2 Prelude tại Carnegie Hall vào tháng 11 tới, đã nắm bắt được nét kín đáo và bâng khuâng, nồng nhiệt và dị thường trong những tác phẩm đa dạng này khi thể hiện chúng như những tác phẩm đương đại táo bạo, đúng với bản chất của chúng.

Nhân đây cũng nên biết rằng, để chống lại cái nhãn chủ nghĩa Ấn tượng, Debussy đã đặt những tiêu đề đầy sức khơi gợi trí tưởng tượng cho các khúc prelude này nhỏ xíu ở cuối mỗi tác phẩm. Tuy nhiên, ông vẫn đặt cả những tiêu đề kiểu như “Feuilles Mortes” (“Dead Leaves” – Những chiếc lá chết). Đó hoàn toàn vẫn có thể là tên của một bức họa thuộc trường phái Ấn tượng.

“Pelléas et Mélisande”, vở opera duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của Debussy, đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi cũng như chê bai sau buổi công diễn đầu tiên, tại nhà hát Opéra-Comique ở Paris vào ngày 30-4-1902 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng André Messager. Nhiều nhà phê bình cho rằng âm nhạc của vở opera này là sự pha trộn của “sự ốm yếu và hầu như thiếu sức sống” và âm thanh “giống như tiếng ồn của cánh cửa kêu cót két tiếng đồ nội thất mới được khuân về, hoặc một đứa trẻ đang khóc”. Camille Saint-Saens, đối thủ khắt khe của Debussy thì tuyên bố rằng ông đã buộc phải bỏ kỳ nghỉ hè và ở lại Paris chỉ để “nói những điều xấu xa về Pelléas”.

Nhưng những người khác – đặc biệt là các nhà soạn nhạc thế hệ trẻ, sinh viên và các nhà thẩm mỹ học – thì lại say mê nó. Bạn của Debussy, nhà soạn nhạc Paul Dukas ca ngợi vở opera, Romain Rolland miêu tả nó như “một trong số ba hoặc bốn thành công rực rỡ trong lịch sử âm nhạc Pháp”.

Ngày nay, vở nhạc kịch được coi là bước ngoặt quan trọng trong đời sống âm nhạc thế kỷ 20.


Thanh Nhàn dịch

  

Tác giả