2 & 3

Khi phần lớn mọi người đã bỏ chụp ảnh bằng phim để chuyển sang chụp bằng máy số thì hai tác giả Bùi Quốc Trung và Phạm Đức Long vẫn kiên trì với máy phim. Khi mà phần lớn mọi người đã chơi ảnh mầu thì hai tác giả Trung và Long vẫn kiên trì với ảnh đen trắng. Khi mọi người thường bày ảnh đơn thì họ lại bày ảnh bộ (3 ảnh). Nhưng nếu đi đến tận cùng thì thử hỏi ảnh phim hay ảnh số, mầu hay đen trắng, một hay ba có giá trị gì? Người xem chỉ quan tâm đến một điều duy nhất, bức ảnh trước mắt tôi có phải là ảnh hay không thôi. Tất nhiên những giá trị lao động thủ công (tráng phim, in, phóng ảnh trong buồng tối) vẫn được coi trọng, vẫn đáng quý nhất là trong thời buổi cái gì cũng máy. Nhưng tôi muốn nói rằng cái được trong ảnh của hai tác giả này là ở những điều khác.

Bùi Quốc Trung học hành bài bản ở nước ngoài (sau 6 năm dùi mài kinh sử anh có bằng thạc sỹ nhiếp ảnh ở Đại học Mỹ Thuật Leipzig). Phạm Đức Long có vẻ “giang hồ” hơn, gạo chợ nước sông hơn. Anh tự học và nghe nói những bài học vỡ lòng về nhiếp ảnh là học chính từ Trung. Nhưng trong nghệ thuật thì học cũng rất quan trọng mà cũng rất không. Một lần nữa tôi tự hỏi học hay “học” có giá trị gì? Cho dù ảnh của Trung trông có vẻ hàn lâm hơn, Châu Âu hơn và kỹ thuật cũng điệu nghệ hơn ảnh của Long đi chăng nữa.

 
Câu chuyên vui- Phạm Đức Long

Sau khi đã dũng cảm loại bỏ những vai phụ, những râu ria, những thứ dễ lòe người xem thì phần còn lại sẽ là tinh chất nhất. Chả cứ xem ảnh mà bất kể xem cái gì dù là xem tranh, xem nhạc, xem cây hoặc xem người cũng nên xem như vậy.
Tôi thuộc loại quảng giao, đi nhiều, xem nhiều, gặp nhiều. Lại hay được gần gũi các anh chị nghệ sỹ nhiếp ảnh. Bất phân già trẻ, tôi thường thấy có mấy loại như sau:
Loai 1: chiếm số đông là các nhiếp ảnh gia chuyên chụp các cô gái trẻ đẹp, hoặc các phong cảnh đẹp kiểu mộng mị, mướt mát, lơ mơ, vô thưởng vô phạt.
Loại 3: người chụp thường hướng ống kính đến các đề tài to tát như thân phận, tín ngưỡng, tôn giáo, các đề tài có tính chất “sâm nhung quế phụ”
Loại 2: là loại ở giữa, có sao chụp vậy, nhiều tính thời sự. Phạm Đức Long ở loại này.

 
Đi xe đạp trên đê- Phạm Đức Long

Long không cố tình tô vẽ cho cuộc sống thật êm dịu, thật mượt mà, nuột nà mà cũng không cố tình làm cuộc sống thêm buồn khổ với hình ảnh những ông bà già miền núi bế cháu ngồi bậc cửa, da nhăn nheo. Long chỉ chụp những gì quanh anh ta, hàng ngày diễn ra, quen thuộc. Ví dụ như: Hai mẹ con, Quán nước đầu làng, Đi lễ… Long vẫn còn biết ngạc nhiên với những gì quen thuộc thì cũng là đáng quý. Giá như trong ảnh của Phạm Đức Long ngoài cái hàng ngày ra, có thêm cái tín hiệu hôm nay, cái chỉ hôm nay, chỉ hiện tại, chỉ bây giờ, chỉ lúc này, chứ trước và sau nó sẽ không bao giờ có thì sẽ “ảnh” hơn biết mấy. Chẳng hạn như trong bức ảnh Tắm bò, bức Trẻ em tắm sông, tôi cố tìm mà không hề thấy một chút gì dù chỉ là chi tiết nhỏ để thấy được “thời điểm” bấm máy. Họa hoằn Long cũng làm được như trong bức Thật giả. Nhưng thôi, Long còn trẻ tuổi, cả tuổi bấm máy nữa thì thế đã là tàm tạm rồi. Cũng khó mà ai có thể khuyên bảo được gì ai (nhất là trong nghệ thuật), mỗi người mỗi đường, mỗi số mỗi mệnh. Hơn nữa Long lại là người học không trường, ít nhất theo nghĩa đen, thì biết đâu đấy trường đời sẽ dạy Long, nói cách khác chính cuộc sống sẽ dạy anh, người thầy- cuộc đời sẽ dạy anh, mách bảo anh, mách nốt cho anh những gì còn lại.
Còn Bùi Quốc Trung, anh ấy không thuộc kiểu nào trong 3 kiểu ở trên. Ảnh của Trung khá chung chung, mơ hồ, mông lung. May mà ảnh của Trung mới suýt chạm đến ranh giới của thơ chứ nếu không thì… (thơ không sao cả nhưng ảnh không nên là thơ có lẽ tốt hơn). Trung thích cận cảnh những gì đã qua, một cái cầu thang cũ lở lói, một chút rêu phong trên bức tượng Chàm, những cánh cổng chạm trổ họa tiết cổ tự (chữ Thọ, chữ Phúc gì gì đó) đã mục, một giá sách cũ kỹ. Mọi người đều chụp để lưu giữ hiện tại vì nó sẽ qua đi thì Trung lại lưu giữ những cái cũ, những cái đã qua, đã hỏng, đã phai tàn, đã mục nát. Đó cũng là một cách lập ý khang khác giống như có một sử gia nào đó chỉ thích viết lịch sử của tương lai vậy. Nhưng làm sao có thể khuyên nhủ ai được điều gì (nhất là trong nghệ thuật) nhất là với Trung, anh ấy cũng đã có một chút láu lỉnh, một chút kinh nghiệm sống, một chút trải đời. Vả lại Trung đâu còn trẻ trung như Long nữa.

 
Nguyên Hồng- Bùi Quốc Trung

L’espace gần đây hay làm được những triển lãm ảnh đáng xem như triển lãm “Những bức chân dung Mkơng” của Lâm Đức Hiền, triển lãm “Đứng, cuộc sống chảy đi” của Nicolas Cornet. Triển lãm “Ảnh 3” của hai nhiếp ảnh gia Trung và Long cũng đáng xem dù mỗi người chỉ có đôi bức đúng là ảnh thôi nhưng xét ở khía cạnh tổng thể thì triển lãm này hấp dẫn chính vì họ rất tương phản. Long thích động, Trung thích tĩnh, Long đi để chụp còn Trung đứng lại, đứng im, đứng lâu mới chụp. Long muốn chụp cái hàng ngày để thấy những nếp sống cũ, người cũ, cảnh cũ sắp mất còn Trung lại chụp cái cũ, cái cổ để thấy cái hàng ngày đang lướt qua, trào qua, vút qua. Chụp tĩnh để thấy động. Trong khi Long thích trung cảnh còn Trung thì lại thích cận cảnh, toàn cảnh, thích đặc tả. Long thích lùi xa còn nhiếp ảnh gia Trung thì ngược lại, Trung thích đến gần, xán đến thật gần để nhìn rõ đối tượng, hiểu rõ đối tượng. Xin mời các bạn cùng đến, cùng xem “Ảnh 3” và cùng chia sẻ với họ.

Triển lãm  diễn ra từ ngày 2/8- 31/8/2007 tại L’espace- 24 Tràng Tiền  Hà Nội.

Ảnh trên cùng: Bậc thềm- Bùi Quốc Trung

Lê Thiết Cương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)