Abdulrazak Gurnah: Người trả bóng đêm về với bóng đêm

Từ Shakespeare đến Abdulrazak Gurnah, văn chương rồi cũng chỉ trả sự rối rắm về với sự rối rắm, trả sự mơ hồ về với sự mơ hồ, trả những câu hỏi về người hỏi, trả bóng đêm về với bóng đêm, ngoài ra, đừng chờ đợi gì thêm ở nó. Nhưng ta còn nên chờ đợi gì thêm ở nó?

Trong cuốn Desertion (Tạm dịch: Sự ruồng bỏ) của Abdulrazak Gurnah – nhà văn gốc Tanzania, chủ nhân của giải Nobel Văn chương 2021, có một chi tiết khi nhân vật kể chuyện Rashid kể về một người bạn học cũ của mình giờ đã là một nhà văn thành danh và giờ bắt đầu quay qua viết những cuốn tiểu thuyết đầy trêu người và cũng rất phong cách về châu Phi hậu thuộc địa và hậu phong kiến được nhiều người mến mộ. Rashid cũng đã đọc hết chúng, nhưng không còn mong chờ chúng nữa. Anh cho rằng chúng đầy nhiệt huyết và rất trôi chảy, nhưng chúng ngày càng trở nên chắc chắn với những phán xét của mình, và “một khi ta bắt đầu quá chắc chắn vì điều gì đó thì đó là nơi bắt đầu của sự mù quáng. Nó là một giáo điều tự do, tự thân nó là một nghịch lý, và nếu đi quá xa, nó sẽ dẫn ta đến cái ý tưởng rằng sự bông lơn là sự nghiêm túc đích thực duy nhất”.

Khi phê bình Ngũgĩ wa Thiong’o, một trong những nhà văn Phi châu lớn nhất đương thời, và thực tế đây mới là ứng cử viên được dự đoán cho giải Nobel Văn chương nhiều năm qua, Abdulrazak Gurnah cũng nhận định rằng ông có thiên hướng coi tính phức tạp trong quan hệ giữa người châu Phi – người châu Âu như thể nó có thể được diễn tả theo kiểu “những phần dễ dàng xếp đặt”, như thể nó phụ thuộc vào những khuôn mẫu đã được duy trì một cách khá cứng nhắc như “người Phi châu man dã” và “người châu Âu nhẫn tâm”1.

Tôi sẽ không giả vờ như mình đã biết Abdulrazak Gurnah trước khi tên ông được xướng trong lễ trao giải Nobel vừa qua, cũng không giả vờ như tôi đã không chọn đại một tiểu thuyết của ông để đọc và viết cho kịp một bài điểm sách có tính thời sự, tôi cũng thừa nhận mình tiếp cận ông không bằng sự thuần khiết của niềm ham thích đọc mà đã dựa dẫm khá nhiều vào sự chỉ dẫn trong những khen ngợi của hội đồng Viện Hàn lâm. Bất chấp điều đó, mặc dù chỉ mới đọc xong duy nhất cuốn Sự ruồng bỏ và một phần ba Memory of Departure (tạm dịch: Hồi ức về cuộc ra đi), cuốn tiểu thuyết đầu tay của Gurnah, tôi nghĩ mình có cơ sở để tin rằng ở ông, dường như có một quan điểm nhất quán về việc chống lại sự phân cực, sự minh định, sự gỡ rối. Tôi thậm chí bắt đầu tin rằng từ “penetration” trong lý do mà Viện Hàn lâm trao giải cho ông2 chỉ là một từ gần đúng. Nếu hiểu “penetration” là sự đâm xuyên vào bên trong mớ bòng bong mối quan hệ giữa các nước thuộc địa và các nước bị thuộc địa thì chắc chắn không phải. Gurnah không phải kiểu nhà văn đi đường thẳng hay dùng một mũi khoan vuông góc theo cách ấy, ông thường đi đường vòng. Còn nếu hiểu “penetration” là sự thành công trong việc hiểu tường tận về vấn đề đó thì lại càng không phải. Chính Gurnah sẽ nói với bạn ông không hiểu hết ngay cả những gì ông đã kể ra, đừng nói những thứ không thể kể.

Trước hết, hãy nói về con đường vòng của Gurnah, ít nhất là trong Sự ruồng bỏ. Cuốn tiểu thuyết khiến ta nghĩ nó đang kể câu chuyện ở ngôi thứ ba cho đến hết chương thứ 6 (và nó chỉ có 8 chương, thêm 2 tiểu chương), để rồi nó lộ ra cho ta rằng tất cả từ đầu chí cuối là câu chuyện kể theo ngôi thứ nhất, với nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất ít đáng tin cậy hơn bất cứ ai, và hẳn đến một nửa trong những gì anh kể là từ trí tưởng tượng của anh hơn những gì có thực. Nghĩa là anh khám phá lịch sử và hồi ức không phải bằng một trải nghiệm chắc chắn, mà bằng sự thêu dệt mong manh. Và khi nhận ra điều ấy, một độc giả có cảm giác như mình đã đi trên mặt băng từ đầu đến cuối, và bất cứ lúc nào mặt băng cũng có thể rạn vỡ, tất cả những gì ta đã biết đều có thể là điều ta vẫn chưa hề biết.

Sự ruồng bỏ bao gồm ba câu chuyện, một câu chuyện diễn ra vào năm 1899, tại một thị trấn nhỏ ở Kenya, nơi Pierce – một người đàn ông Anh quốc phải lòng Rehana – một người phụ nữ Phi châu và họ có một đứa con. Câu chuyện thứ hai diễn ra vào nửa thế kỷ sau xoay quanh một gia đình tại Zanzibar với ba người con, người con cả Amin ôm một tình yêu bị ngăn cấm với nàng Jamila cháu ngoại của Rehana, người con thứ Rashid sang Anh du học và một đi không trở lại, còn cô em út Farida từ một thợ may trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Nối liền hai câu chuyện ấy là câu chuyện của châu Phi từ những năm tháng bị thuộc địa đến khi được giải phóng, nhưng tự do cũng không làm tan nổi những kết tủa bám cứng trong một châu lục đã bị giày vò quá lâu. Và tất cả những câu chuyện ấy là một nỗ lực hoài nhớ và tái tạo lại bởi một kẻ đã chạy trốn, đã lạc loài, đã gần như “ruồng bỏ” quê hương.

Tính phức tạp của Sự ruồng bỏ nằm ở chỗ ta không thể xác định được đâu là nguyên nhân đã đem các nhân vật đến với số phận của mình. Mỗi người trong số họ như một lục địa bị xô dạt bởi lực đẩy từ biến động của thế giới xung quanh, lực nén của khao khát trong tâm hồn, lực hướng tâm của nguồn cội, lực li tâm của những khác biệt, lực kéo từ nỗi hổ thẹn quá khứ, lực bẩy từ kỳ vọng hão huyền vào tương lai. Ta rốt cuộc không thể đi đến một kết luận rõ ràng rằng ai đã gây cho ai cái gì, và vì sao lại thế.

Rashid luôn thắc mắc, làm sao Rehana và Pierce lại yêu nhau, nó đã diễn ra bằng cách nào, như thế nào, anh khăng khăng chối từ những diễn giải tối giản vấn đề, một cơn mất trí, một cám dỗ hương xa, một cơn mộng du của một nhà Đông phương học, hay đơn giản hơn nữa, một tình yêu. Anh chối từ chúng nhưng anh cũng bất lực trong việc diễn giải. Cơn bất lực của anh và cũng là cơn bất lực của văn chương, nhưng vẻ đẹp của văn chương lại nằm ở đó. Khác với sự hiểu lầm của rất nhiều người, văn chương tồn tại không phải để soi chiếu một điều gì đó, như là tâm hồn con người, như là một bước ngoặt của thế giới, mà để chứng minh rằng điều đó, dù là tâm hồn con người hay bước ngoặt của thế giới, đều là bất khả soi chiếu, nơi đây, luôn là hang tối.

Có hai điều hay nhất ở cuốn tiểu thuyết này. Điều thứ nhất, châu Phi. Một châu Phi đầy hương liệu, gia vị, những lời kinh cầu, những cây phi lao, những người đàn ông rảnh rỗi ngồi trên băng ghế chuyện trò, những ngôi nhà tồi tàn luôn trên bờ vực sụp đổ của những người đánh cá – nhưng dường như sẽ không bao giờ sụp đổ, những nhà thờ quét vôi trắng với ô cửa sổ khép hờ được sơn xanh – mà trong mắt một mzungu, tiếng Swahili vừa nghĩa là một hồn ma lang thang, vừa nghĩa là một người da trắng – giống như màu áo choàng của Đức Mẹ trong tranh của Titian, những con phố đêm ánh đèn leo lét. Điều thứ hai, cũng là châu Phi, một châu Phi hậu thuộc địa, nơi tự do không đem lại điều gì ngoài sự nổi loạn, cảnh tắm máu, không điện, không đài, không nước, nơi con người “không còn biết làm cho thứ gì hoạt động được nữa, chúng tôi chẳng biết làm gì cho chính mình nữa, chẳng thứ gì chúng tôi từng dùng đến hay từng ước ao, kể cả một bánh xà phòng hay một gói dao cạo”, và vì chẳng có thể làm gì khác, họ chỉ có thể già đi, hoặc chết đi, hoặc mù đi, còn nếu muốn làm thơ, họ phải đến một nơi nào thật xa. “Làm sao chúng tôi lại đã để mình rơi vào tình cảnh này?”, Amin viết trong cuốn nhật ký của anh, và một lần nữa, cũng như thắc mắc của Rashid rằng làm sao Rehana và Pierce lại yêu nhau, không ai biết.

Ở đoạn cuối của Sự ruồng bỏ, Rashid có nhắc tới Othello của Shakespeare – Shakespeare và sự phổ biến của ông như biểu tượng cho đế chế Anh, cho châu Âu như là trung tâm thế giới. Rashid, giờ đã là một tiến sĩ, thay vì trình bày một luận văn về sự phối ngẫu giữa những chủng tộc khác dòng trong Othello như lời mời, đã quan sát cùng chủ đề ấy trong văn chương Kenya, và trong chính câu chuyện của Rehana và Pierce. Mặc dù thế, tôi cho rằng sự xuất hiện của Othello, dù chớp nhoáng, cũng muốn nói điều gì đó với ta. Othello là một người Moor, và trong những diễn giải truyền thống, các học giả coi điểm yếu chí mạng (tragic flaw) đã đẩy Othello đến thảm kịch là lòng ghen tuông của chàng. Song, có chắc chỉ như vậy thôi không? Liệu có phải chính sự bất an của một người đàn ông da đen trong tình yêu với một người đàn bà da trắng đã khiến cho chàng luôn ngờ vực nàng Desdemona và bóp cổ nàng đến chết? Nhưng sự bất an ấy phát ra từ chính chàng hay thâm nhập từ định kiến của những kẻ khinh thường chàng? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho bi kịch của Othello, là Brabantio người đã cho rằng chàng dùng tà thuật mê muội con gái ông và thật phi tự nhiên khi nàng lại say đắm cái “bờ ngực bồ hóng” kia, hay chính Othello phải chịu trách nhiệm cho số phận của mình? Và vẫn câu hỏi cũ: ai đã gây cho ai cái gì, có bao giờ ta tường tận được không? □
————-
1. Theo tiểu luận “Abdulrazak Gurnah and the “disabling complexities of parochial realities”, tác giả J.A.Kearney, đăng trên tạp chí English in Africa số tháng 5 năm 2006.
2. “for his uncompromising and compassionate penetration of the effects of colonialism and the fates of the refugee in the gulf between cultures and continents” (tạm dịch: “vì sự xuyên thấu không khoan nhượng và đầy trắc ẩn về những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn nơi vực thẳm giữa các nền văn hóa và các lục địa”).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)