Ai đêm Hà Nội đây!

Một trong những cái thú của người lang thang giữa đêm Hà Nội là chuyến trở về. Ta có thể gà gật ngồi trên một chiếc xích lô hoặc cuốc bộ xuyên qua những con phố tối.

Phố phường hầu như đã vắng lặng, nhưng nếu nhìn cho tinh hoặc nghe cho thính, ta sẽ thấy cuộc sống vẫn lẩn lút hiện tồn ở đó, dưới cái mờ ảo của lác đác những cột đèn.

Rõ nhất là những chị lao công. Họ làm việc xuyên đêm, những chiếc chổi tre xạc xào liếm trên miệng cống, gom lại những vỏ dừa, sợi mì, túi rác, những cuống rau xương cá bỏ thừa. Sau đó, những người phụ nữ cần mẫn này vun rác thành từng đống lớn, hốt vào xe chở rác rồi đẩy tới điểm tập kết.

Ở vài ba góc phố, ta có thể bắt gặp những người bán hoa quả bày hàng dưới cái ánh sáng lờ mờ lúc 2 giờ sáng. Là họ đang chờ để phân phối hàng cho những khách mua buôn, ồn ào mặc cả rồi mang đi bán lấy lời ở các khu chợ khắp nơi trong thành phố.

Còn có những cô gái điếm đạp xe thoắt ẩn thoắt hiện dưới vòm cây, bám theo những người khách vừa muộn màng rời quán bar mà lả lơi gọi tình.

Và đây đó còn có cả những người đàn ông ngồi sùm sụp trong bóng tối, phơi ngực trần hoặc vén áo phông quá bụng cho mát. Ta hầu như không biết đến sự hiện diện của họ cho tới khi thoáng thấy đốm thuốc lá lập lòe sau những ô cửa kín đáo.

Đó là Hà Nội trong những khoảnh khắc viên mãn nhất. Thật yên tĩnh. Ta có thể nghe thấy mọi thứ, từ tiếng bàn đạp cót két của người lái xích lô cho tới hơi thở của anh ta khi phì phèo điếu thuốc Vinataba trên môi. Ta ngồi yên chờ đợi những điều không-thể-tránh-khỏi: những làn khói thuốc lá khó chịu phả qua đầu mình và những lời khàn khàn đầy bí hiểm của người lái xích lô lùng bùng trong tai khi anh ta rướn người về phía trước mà thì thào xúi giục ta về cái sôi động của Hà Nội đêm với cần sa và gái gọi.  

Những giây phút yên bình nhất – gần như là đê mê – mà tôi từng trải qua ở Hà Nội đều diễn ra trên những chuyến xích lô muộn như thế này. Tôi thường ngủ thiếp giữa đường.
                                                                                           ***
Cái đêm tôi phát hiện ra Phở Thìn là khi tôi rời khỏi quán bar Lypse lúc 2 giờ sáng và loạng choạng bước về nhà trên phố Lò Đúc. Tiết trời tháng Một, khoảng 6°C, lạnh thấu xương đối với Hà Nội.

Qua những chiếc bóng hắt ra từ ánh đèn halogen mờ tỏ, tôi thấy ba chiếc xích lô nằm bất động chắn ngang vỉa hè.

Cả ba người lái xích lô đều đang ngủ say sưa, thây kệ những nỗi phiền toái của buổi tối mùa đông khắc nghiệt. Từ trước đến giờ tôi vẫn chắc mẩm rằng những người lái xe hẳn đều có nhà để về. Nhưng dường như, hay chí ít ra là đối với ba thanh niên già này, xích lô chính là nhà của họ.

Phải đến khi chầm chậm đi qua họ tôi mới cảm nhận được hơi ấm tỏa ra. Nhìn gần hơn vào bức tường nơi họ dựa lưng, tôi thấy một tia sáng mỏng lập lòe từ dưới một chiếc nồilớn hắt qua tấm phên sắt dựng trước mặt tiền quán ăn. Đích thị là nó rồi! Tôi có thể ngửi thấy cái âm thanh sôi sục của một nồi nước dùng phở bò khổng lồ. Ra vậy. Những người lái xích lô này núp vào đây để tìm hơi ấm, và có thể là tiện cho một bữa sáng sớm sủa nữa. Thật thông minh. Bất kỳ một tiệm ăn nào đỏ lửa 24/24 hẳn đều phải có bí quyết riêng. Không phải là ngọn lửa Olympic, tôi nghĩ, mà còn hay ho hơn nữa kia: một ngọn-lửa-đun-nước-dùng-bò-vĩnh-cửu.

Ngày hôm sau tôi phát hiện ra rằng Phở Thìn tuyệt đối trung thành với nguyên tắc nhà xí. Họ thể hiện nó bằng âm thanh, đóng khung nó lên góc cửa, và nện nó vào miếng thịt bò. Phở Thìn là một nhà xí hạng nhất.

Tiệm ăn day mặt ra phía vỉa hè, trước cửa là hai chiếc thùng khổng lồ và cáu bẩn, mang dáng vẻ của những tàn tích thời Cách mạng Công nghiệp. Khu vực bếp phủ kín bồ hóng, bếp lò đặc quánh vết dầu mỡ, và xương bò thì lủng lẳng treo trên những chiếc móc lớn bẩn thỉu bên trên những vạc chảo.

Lối ra vào của thực khách khin khít những hàng bát đã biện sẵn phở và hành lá. Phía đối diện là một giá đựng trứng sống và một con dao đặt trên một chiếc thớt. Bản thân cái thớt nhớp nhúa kia hẳn đã từng nghe đồn về một thứ gọi là nước rửa bát từ những năm đầu thập niên 80, song chắc nó mắc chứng quên từ hồi đó tới giờ. Bên cạnh cái thớt dơ dáy, những chồng thịt sống và thịt chín tênh hênh nằm cạnh nhau.

Quán chỉ có một món – phở bò – và sự lựa chọn cũng ở mức tối thiểu: bò tái, bò chín, hay tái chín; trứng chần hay không trứng chần. Khách thoải mái chọn, mà phải chọn nhanh, ăn gọn, rồi cun cút đi ra. Đó là tất cả những gì cần nhớ ở Phở Thìn.

Một trong ba người phục vụ đứng ở cửa nhận yêu cầu của tôi – bò tái trứng chần. Tôi khó nhọc len qua đống ngổn ngang ẩm thấp đó để vào bên trong, tìm một chỗ ngồi tại một trong bốn chiếc bàn bằng sắt không gỉ đang khuyến mãi thêm cả tầng dầu mỡ. Ba chiếc quạt trần bình thản nhìn xuống đống bầy hầy bên dưới: những chiếc tăm xỉa răng la liệt như bày trận, những mẩu giấy ăn vụn nằm vung vãi, những chiếc đũa hay thìa lạc đường, những mẩu xương ăn thừa, những bãi nước miếng, những sợi phở, những nhánh hành, và những giọt nước xốt ớt đỏ au au.

Từ lâu tôi đã quen với cái phong cách kỳ quặc “vừa phục vụ vừa chửi khách” của Hà Nội. Ở Phở Thìn thì giản dị hơn, không có “phục vụ” mà chỉ có “chửi” thôi.

Trong lần đầu tiên bước chân vào quán hôm đó và trong tất cả những lần sau, lần sau nữa tôi quay lại, những người phục vụ vẫn kiên quyết thọc ngón tay cái của mình vào bát phở mà họ đại để đặt ở đâu đó phía tôi ngồi – và dĩ nhiên đó là những ngón tay có móng dài dễ sợ, một gợi ý thẳng tuột cho thấy sự vắng mặt của cái gọi là nét tao nhã trong con người họ.

Những anh chàng này điềm nhiên không đếm xỉa gì đến sự hiện diện của tôi – hay bất kỳ ai khác. Cái mà họ quan tâm, tôi nghĩ, là bát phở của họ.

Đó là một thái độ đặc tinh thần punk rock mà dần dà tôi cảm thấy tôn trọng. Thi thoảng tôi lại ngồi tưởng tượng rằng nếu như ẩm thực đường phố Hà Nội do dân punk rock vận hành, thì những chàng trai phục vụ ở Phở Thìn hiển nhiên sẽ là Sex Pistols đình đám trong đó. Đừng bận tâm tới những thứ rác rến, phở đây!

Graham Holliday sinh ra tại Anh, đã từng sinh sống ở Iksan, Hàn Quốc và Việt Nam. Anh viết bài cho các tạp chí The Guardian, The New York Times Magazine, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Time, BBC, CNN, và nhiều đơn vị truyền thông khác. Hiện anh đang sống tại Dakar, Senegal.

Quỳnh Ca dịch theo Lithub

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)