Akutagawa trên chuyến bay bằng lí trí (kỳ 1)

Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) – cha đẻ của thể loại truyện ngắn ở Nhật Bản – vừa nổi tiếng về lối viết duy lí đến lạnh lùng, vừa là một bệnh nhân tâm thần phân liệt tự kết thúc cuộc sống ở tuổi 35.

Akutagawa Ryunosuke.

Khi tìm hiểu những điều kiện cấu thành nỗi ám ảnh về lí trí ở Akutagawa, ta sẽ hiểu hơn về lối viết của ông, và về tính tiên phong của những “tiểu thuyết không cốt truyện” được ông viết lúc cuối đời mà ngày nay vẫn thường bị đánh giá thấp.

Lí trí – đôi cánh nhân tạo

Năm 1914, một sinh viên khoa tiếng Anh 23 tuổi tên Akutagawa Ryunosuke cùng bạn học kế thừa một tạp chí văn chương mà khóa trên để lại. Chỉ một năm sau, chàng trai toả sáng trên văn đàn Nhật Bản nhờ những truyện ngắn mổ xẻ bản chất phổ quát của con người dưới ánh sáng của lí trí. Tự gọi mình là trường phái Tân Hiện thực và chọn bút pháp duy lí, Akutagawa và nhóm bạn đã tách mình khỏi cả văn học dòng chính lẫn hai phái tiên phong tồn tại trước đó, là phái Tân Lãng mạn (xuất thân tiểu tư sản, theo đuổi các cao độ cảm xúc) và phái Bạch Hoa (xuất thân quý tộc, theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng và nhiều trào lưu cấp tiến mới du nhập từ phương Tây). “Tôi không có lương tâm, mà có một hệ thần kinh” – phát ngôn này của Akutagawa trong những năm cuối đời ít nhiều tiết lộ cả lối viết của ông lẫn hình tượng duy lí mà ông theo đuổi.1

Akutagawa đã thật sự để lại dấu ấn duy lí trong lịch sử văn chương nhờ thực lực. Để lấy ví dụ, hãy đọc lại La Sinh Môn (Rashomon) – truyện ngắn làm ông nổi tiếng ở nước Nhật năm 24 tuổi, trước khi nổi tiếng toàn cầu nhờ bộ phim chuyển thể cùng tên. Trong truyện, một võ sĩ cấp thấp mới bị đuổi việc tin rằng mình chỉ còn hai lựa chọn, hoặc chết đói, hoặc làm cướp đường. Suốt mấy ngày, y đứng do dự dưới đống đổ nát của La Sinh Môn, nơi từng là cánh cổng bề thế của kinh thành, nhưng nay đã chất đầy xác chết. Chập tối, khi thấy một mụ già đang vặt tóc của các tử thi để bán làm tóc giả, y rút kiếm trừng phạt tội ác của mụ, rồi cướp tấm áo mụ đang mặc và chạy biến vào màn đêm. Cái gì cho phép y thực hiện vụ cướp này: vì thấy người khác cũng ăn cướp để tồn tại, hay vì thấy một cơ hội “hành hiệp trượng nghĩa”? Y ác hay thiện, y và mụ già là nạn nhân hay thủ phạm? Phải chăng lòng tham sinh ra cả cái thiện, cái ác, lẫn ý thức phân biệt thiện-ác: người ta sẵn sàng nhân danh cái thiện để giành giật lợi ích cho mình, bằng một hành động ác trong mắt đối phương? Và phải chăng ý thức phân biệt thiện-ác được duy trì bằng bạo lực, cả bạo lực thể chất của những guồng máy chính trị – quân sự làm chức năng xét xử (chẳng hạn: tầng lớp võ sĩ), lẫn thứ bạo lực tinh thần mà mỗi người đã tự nội hóa vào tâm trí mình (lương tâm)? Để mô tả mối quan hệ phổ quát giữa quyền lực, tri thức và chủ thể – một chủ đề mà sau này sẽ lôi cuốn những tác giả phi hư cấu như Althusser và Foucault – Akutagawa đã chọn hai nhân vật và một sân khấu mang tính điển hình cao, nhằm dàn dựng một vở kịch không thiếu không thừa một chi tiết nào, như thể một cỗ máy tinh gọn và trơn tru ở mức hoàn hảo để truyền tải ý tưởng.  

Akutagawa chọn lí tính để chống lại thiên hướng trái ngược của mình, là sự đam mê, bốc đồng, nhạy cảm, mà ông cho rằng rất gần với bệnh điên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những câu chuyện không thiếu không thừa của Akutagawa quá máy móc, thiếu cái gì đó nằm trong nhân tính nhưng lại nằm ngoài các kỹ thuật văn chương, vì vậy những người quen đọc văn sẽ dự đoán trước được kết truyện và không còn thấy bất ngờ. Akutagawa, người mà trong các tác phẩm cuối đã so lí trí với đôi cánh nhân tạo đưa Icarus bay đến Mặt trời, có thể sẽ đồng cảm với luồng quan điểm đó.

Vì sao Akutagawa chọn lối viết duy lí, và biến nó thành một phần hình tượng của mình? Dù đây là lựa chọn cá nhân của Akutagawa, các lựa chọn của ông đã bị giới hạn khá nhiều bởi hoàn cảnh gia đình, quá trình Tây hóa của Nhật Bản thời Meiji, và bối cảnh của văn đàn khi ông mới cầm bút.

Akutagawa Ryunosuke sinh năm 1892 trong một gia đình thương nhân không quá phát đạt. Trong truyện ngắn “Sổ điểm danh những người đã khuất” (Tenkibo, 1926), ông kể rằng người mẹ phát bệnh tâm thần phân liệt ngay sau khi sinh nở đã chưa một lần chăm sóc ông. Ông được gửi làm con nuôi của một người bên họ mẹ, tức nhà Akutagawa, một gia tộc từng nhiều đời làm trà sư trong phủ tướng quân. Được đào luyện trong môi trường văn hóa này, cậu Ryunosuke sớm thuộc làu cổ văn Nhật Bản và Trung Hoa, nhờ đó có một xuất phát điểm thuận lợi cho nghề cầm bút1

Một cảnh trong phim Rashomon, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Akutagawa.

Thời đó, người Nhật tin rằng con cái của những người điên rồi cũng sẽ mắc căn bệnh tương tự. Nỗi lo rằng mình sẽ mất trí giống mẹ đã ám ảnh Akutagawa suốt đời, và nhiều lần được nhắc đến trong các tác phẩm cuối cùng của ông. Trong Kappa (1927), ông mô tả một con thủy quái sơ sinh từ chối ra khỏi bụng mẹ, phần vì thấy đời là khổ, phần vì không muốn sống với căn bệnh tâm thần di truyền từ mẹ mình. Trong tiểu thuyết tự thuật “Guồng máy” (Haguruma, 1927), nhân vật chính giải thích những rối loạn tâm thần của mình bằng cách nói rằng “con của một bà điên thì không thể trông chờ chuyện gì khác được”. Trong chương “Đôi cánh nhân tạo” của cuốn tự truyện “Cuộc đời một kẻ ngốc” (Aru Aho no Issho, 1927), ông mô tả mình “chuyển từ Anatole France sang các triết gia thế kỷ 18”, nhưng “chưa bao giờ tiếp cận Rousseau”, vì biết mình giống Rousseau ở chỗ dễ dàng khuất phục trước các đam mê. Thay vào đó, ông chọn cực đối nghịch bên trong bản thân mình, là phần lí trí lạnh lùng như trong cuốn Candide của Voltaire. “Dang rộng đôi cánh nhân tạo” mà Voltaire chắp cho, nhân vật chính bay vút khỏi những “niềm vui và nỗi buồn của thế gian” mà “ánh sáng lí trí” đang xóa bỏ, để rồi “thả mấy nụ cười mỉa mai xuống các thành thị khốn khổ dưới kia”, trước khi “bay đến Mặt trời” mà quên mất tấm gương Icarus.3

Như Akutagawa đã ghi lại một cách sắc sảo và trung thực, ông chọn lí tính để chống lại thiên hướng trái ngược của mình, là sự đam mê, bốc đồng, nhạy cảm, mà ông cho rằng rất gần với bệnh điên. Lí trí được ông đánh đồng với khả năng sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và tư duy: khi nhân vật chính trong “Kappa” và “Guồng máy” phát bệnh tâm thần, triệu chứng đầu tiên của họ là các rối loạn ngôn ngữ kèm theo ảo giác. Lí trí ấy mang tính phổ quát, khách quan, và thoát tục: nó là ánh sáng phát ra từ một mặt trời chân lí duy nhất, giúp xoá bỏ những vui buồn vị kỷ của thế gian. Và “đôi cánh nhân tạo” đưa ông bay đến chân lý này là khoa tiếng Anh ông chọn học và hiệu sách Maruzen ở Tokyo, nơi giá sách ngoại văn ở tầng hai giới thiệu những tác giả nước ngoài mà ông đề cập.3

Akutagawa tích hợp một lượng lớn sách vở của nhiều thời đại và nền văn hóa vào các chi tiết trong truyện ngắn của mình, nhằm khắc họa một đặc điểm phổ quát của con người ở mọi thời.

Khi đánh đồng lí trí với khả năng sử dụng ngôn ngữ, Akutagawa đã mô tả chính xác triệu chứng và bản chất của bệnh tâm thần phân liệt hành hạ ông lúc cuối đời.4 Trong khi đó, việc gắn lí trí với văn hóa đọc, và với việc đi tìm một thứ chân lí khách quan, dường như được đúc khuôn bởi quan niệm về tri thức trong thời Khai sáng ở phương Tây mà nước Nhật thời Meiji nhiệt tình bắt chước. Voltaire không phải là người duy nhất chắp cho Akutagawa đôi cánh nhân tạo bằng văn tự: vai trò tương tự đã được đảm nhận bởi Natsume Soseki (1867–1916), một trong hai cây bút định hình văn học Nhật Bản thời Meiji, đồng thời là thầy dạy kiêm người đỡ đầu của Akutagawa. Chịu ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc và bậc thầy thơ haiku Masaoka Shiki, Soseki liên tục đối thoại với văn học phương Tây bằng một quan điểm nghệ thuật mang màu sắc của triết lí Đạo gia và Phật giáo. Theo đó, nghệ sĩ nên trút bỏ những đam mê vị kỷ, trần tục và giữ vị trí của một người quan sát bị động, để có thể tự do rung động cùng những tạo vật thanh nhã trong thiên nhiên, rồi dần đạt đến một trạng thái vắng lặng mang lại sự thỏa mãn vượt mọi thú vui trong đời – điều có lẽ giống như trở về trạng thái trong bụng mẹ. Cuộc đối thoại Đông-Tây này, mà Soseki trình bày một cách tự châm biếm, phê phán trong “Gối đầu lên cỏ” (Kusamakura, 1906), trước khi tích hợp vào một lý thuyết lớn hơn trong “Văn học luận” (Bungakuron, 1907), hẳn đã lôi cuốn Akutagawa – người cũng đến với văn chương thông qua thẩm mỹ Á Đông vào thời thiếu niên và thông qua các sách tiếng Anh vào thời đại học. Dù màn đêm tĩnh lặng mà Soseki mô tả trong “Gối đầu lên cỏ” và mặt trời chân lí mà Akutagawa theo đuổi là hai đích đến rất khác nhau, có lẽ chính Soseki đã khuyến khích Akutagawa duy trì cái nhìn của loài chim – bay cao hơn các đam mê trần tục nhất thời để có thể quan sát bản thân và các nhân vật một cách khách quan nhất.5

Một cảnh trong phim Jigokuhen (Địa ngục trần gian).

Như vậy, lí trí của Akutagawa là một thứ lí trí văn tự. Lớn lên giữa cuộc hiện đại hóa và Tây hóa ráo riết của nước Nhật, ông nghĩ bằng cách đọc và viết, bằng cách truy tìm một sự thật phổ quát thông qua cuộc đối thoại giữa nghệ thuật cổ-kim, Đông-Tây. Đây chính là bối cảnh đã cho ra đời lối viết nổi tiếng của Akutagawa, theo đó ông tích hợp một lượng lớn sách vở của nhiều thời đại và nền văn hóa vào các chi tiết trong truyện ngắn của mình, nhằm khắc họa một đặc điểm phổ quát của con người ở mọi thời. Khi những tiền đề này khiến Akutagawa cùng các bạn học – vài người trong số đó cũng tôn Soseki làm thầy – phất ngọn cờ lí tính để tách khỏi những đam mê thái quá của phái Tân Lãng mạn và chủ nghĩa lý tưởng của phái Bạch Hoa, lý tính trở thành một “thương hiệu” mà ông cần duy trì, để khai thác một phân khúc của thị trường văn chương mà từ nay ông chiếm giữ.

Giới hạn của lí trí

Nhưng lí trí của Akutagawa có đạt đến sự khách quan và phổ quát mà ông mong muốn? Trước hết, có thể thấy nó là một thứ lí trí cục bộ, bị bó hẹp trong những mối quan tâm và giải pháp của tầng lớp ông. Nếu xuất thân quý tộc của phái Bạch Hoa cho họ phương tiện cần thiết để thúc đẩy thay đổi xã hội, còn trào lưu văn học vô sản cũng mưu cầu thay đổi vì “không có gì để mất ngoài xiềng xích” (K. Marx), thì tầng lớp trung lưu thành thị có khuynh hướng duy trì thực trạng xã hội đang nuôi dưỡng thân thể và phẩm giá họ bằng đồng lương nhỏ giọt mỗi ngày. Một người trung lưu luôn đối mặt với nguy cơ tụt xuống thành vô sản và cơ hội leo cao thành thượng lưu, tình thế này khiến họ gắn bó hơn với luật chơi hiện hành của xã hội so với các tầng lớp khác. Khi đã chấp nhận hiện trạng xã hội, các nghệ sĩ trung lưu đứng trước vài lựa chọn: hoặc thoát ly hiện trạng bằng những mơ mộng của phái Tân Lãng mạn, hoặc nghiên cứu để giải thích hiện trạng bằng lí trí của phái Tân Hiện thực, hoặc rong chơi và nhìn ngắm hiện trạng như Soseki… Trong cả ba trường hợp, nghệ sĩ giúp bảo trì, tô điểm, xoa dịu, và mua vui cho một trật tự xã hội chưa chắc đã tôn trọng họ. Đó là bi kịch mà Akutagawa mô tả trong truyện “Địa ngục trước mắt” (Jigokuhen, 1918), kể về một lãnh chúa thiêu sống cô con gái của họa sĩ thiên tài, khiến họa sĩ này, vì xúc động trước vẻ đẹp của đám cháy, lập tức ngồi vẽ bức tranh địa ngục trác tuyệt cho ông chủ, thay vì chạy đến cứu con. Sau truyện ngắn này, Akutagawa dần thoát ly khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, và bắt đầu viết những mẩu truyện về người vô sản như “Mấy trái quýt” (Mikan, 1919). Trong truyện, lòng tốt mang tính cụ thể, dị biệt của một cô hầu nghèo đã vượt khỏi mọi xét đoán mang tính khái quát hóa của một anh trung lưu thành thị có nét giống Akutagawa, khiến anh xét lại cái nhìn đen tối của mình về người đời, nhờ đó thấy đời đáng sống hơn. Đây là lần đầu Akutagawa tuyên bố sự thất bại của lí trí mình, và không phải tình cờ khi ông gắn nó với hoàn cảnh đặc thù của giai cấp2 

Cái nhìn duy lí của Akutagawa có phần thiên lệch. Nó là một nhãn quan hoài nghi, yếm thế, đánh giá con người chỉ dựa trên các động cơ vị kỷ ngầm ẩn, nhằm tìm các giới hạn kiểu ngõ cụt thay vì tìm lối thoát cho nhân sinh.

Cái nhìn duy lí của Akutagawa có phần thiên lệch. Nó là một nhãn quan hoài nghi, yếm thế, đánh giá con người chỉ dựa trên các động cơ vị kỷ ngầm ẩn, nhằm tìm các giới hạn kiểu ngõ cụt thay vì tìm lối thoát cho nhân sinh. Nhãn quan ấy, ngoài việc được đúc khuôn bởi cảnh huống tha hóa (alienated) của con người thành thị như Akutagawa thừa nhận, liệu có bị giới hạn trong kinh nghiệm sống của bản thân ông – một người chưa từng được mẹ đẻ chăm sóc, bị cha mẹ nuôi ép từ bỏ hôn sự, quanh năm bận bịu làm việc với chữ nghĩa, để rồi có rất ít kỷ niệm đẹp và trải nghiệm yêu thương trong đời? Không phải tự nhiên mà khi viết về chuyện lứa đôi, ông dường như quên mất sức mạnh của sự đồng cảm và các kỷ niệm cá nhân – hai đặc điểm phổ quát khác của con người – để rồi nhìn tình yêu đơn thuần như một cuộc chiến. 

Akutagawa dần hiểu rõ các giới hạn của lí trí mình, và đã vật lộn để thay đổi. Kỳ sau của loạt bài sẽ trình bày mối quan hệ tay ba giữa quá trình phản tư của ông, bệnh tâm thần phân liệt ngày càng trầm trọng, và cuộc thử nghiệm “tiểu thuyết không cốt truyện” mà ông tiến hành vào lúc cuối đời – cả ba tạo nên một sự song hành thú vị giữa kiểu hình thần kinh và lối viết.□ (còn tiếp)

——

Nguồn tham khảo:

1 http://chimviet.free.fr/vannhat/nguyennamtran/nnts048.htm 

2 https://www.encyclopedia.com/arts/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/akutagawa-ryunosuke 

3 https://www.cambridge.org/core/journals/journal-of-asian-studies/article/abs/disintegrating-machinery-of-the-modern-akutagawa-ryunosukes-late-writings/63080CD3C7261498D427E49244A82680 

4 https://www.academia.edu/66465864/The_Effect_of_Ryunosuke_Akutagawa_Schizofrenia_on_the_Behavior_of_Boku_in_the_Short_Story_Entitled_Haguruma_ 

5 https://escholarship.mcgill.ca/concern/theses/8623j2705 

Tác giả

(Visited 109 times, 1 visits today)