Alfred Hitchcock: bậc thầy gây hồi hộp

Alfred Hitchcock sinh năm 1899 tại London, Anh và mất năm 1980 tại Los Angeles, Mỹ. Trong 81 năm sống trên đời và hơn 50 năm trong sự nghiệp làm phim, Hitchcock đã đạo diễn khoảng hơn 50 bộ phim truyện dài, một vài series truyền hình và để lại một di sản điện ảnh đồ sộ. Giới làm phim gọi ông là “master of suspense” (bậc thầy gây hồi hộp) hay dùng tính từ “Hitchcockian” để gọi phong cách và kỹ thuật làm phim không thể trộn lẫn của ông.

Diễn viên Kim Novak trong thiết kế của Edith Head, phim Vertigo (1958).

Hàng loạt đạo diễn tên tuổi ngày hôm nay như Steven Spielberg, Martin Scorsese, Brian De Palma, John Carpenter, Sam Raimi, M. Night Shyamalan, William Friedkin, David Cronenberg… hay Quentin Tarantino đều thừa nhận họ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ di sản điện ảnh của Alfred Hitchcock. Cho dù chưa bao giờ đoạt giải thưởng điện ảnh danh giá (5 lần được đề cử Oscar cho đạo diễn xuất sắc, 6 lần được đề cử giải DGA của Hiệp hội Đạo diễn và 3 lần được đề cử Cành cọ vàng), Alfred Hitchcock vẫn luôn được xem là một trong những bậc thầy của nghệ thuật thứ 7 và là người đặt nền móng cho điện ảnh hiện đại.

Đạo diễn của ba giai đoạn điện ảnh

Alfred Hitchcock là một trong vài đạo diễn trong lịch sử điện ảnh từng trải qua ba giai đoạn điện ảnh khác nhau, đó là giai đoạn phim câm, giai đoạn phim đen trắng có tiếng và giai đoạn phim màu có tiếng. Những bộ phim câm của ông bắt đầu trong những năm giữa thập niên 20 của thế kỷ 20 và được ít người biết đến. Trong giai đoạn này, ông chủ yếu thực hiện những bộ phim tại Anh với những thể loại đa dạng, từ lãng mạn, hài đến phiêu lưu, bí ẩn, hình sự chứ chưa hình thành nên một thể loại hình sự, tội phạm theo phong cách “Hitchcockian” như sau này. Nhiều bộ phim câm trong giai đoạn đầu của Hitchcock bị thất lạc khá lâu. Năm 2011, Viện phim Anh (BFI) đã phục chế 9 bộ phim câm, trong đó có một vài phim bị thất lạc trong thời kỳ này của ông và được công nhận là di sản văn hóa của Anh, xuất hiện trong danh sách bảo tồn Ký ức về thế giới của tổ chức UNESCO.

Trong giai đoạn phim có tiếng sau đó, Hitchcock đã dần dần hình thành nên phong cách làm phim đặc trưng của mình, đó là đánh mạnh vào yếu tố gây hồi hộp, những bí mật tinh vi, những âm mưu bí ẩn và đánh vào nỗi sợ hãi của khán giả rồi mang lại cho họ một cái kết thỏa mãn. The Man Who Knew Too Much (1934), Sabotage (1936), The Lady Vanishes (1939) hay Rebecca (1940)… là những bộ phim nổi bật nhất trong giai đoạn này của ông. Trong đó bộ phim Rebecca, với diễn xuất của hai ngôi sao lớn Laurence Olivier và Joan Fontaine đã giành chiến thắng lớn khi đoạt 2 giải Oscar (trên tổng số 11 đề cử) cho Phim và Quay phim hay nhất vào đầu năm 1941. Đây là bộ phim đầu tiên Alfred Hitchcock thực hiện tại Mỹ và mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong sự nghiệp điện ảnh của ông và để lại những kiệt tác điện ảnh vẫn được truyền tụng đến ngày nay và có thể rất lâu nữa như Spellbound (1945), Notorious (1947), Rope (1948), Strangers on a Train (1951), Rear Window (1955), Vertigo (1958), North by Northwest (1959), Psycho (1960) hay The Birds (1963)…

Phong cách kể chuyện có một không hai, kỹ thuật làm phim thượng thừa, lối dựng phim tài hoa và sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn với âm nhạc, âm thanh, ánh sáng… đã khiến những bộ phim trong giai đoạn này của Alfred Hitchcock trở nên ngày càng hấp dẫn khán giả và biến ông trở thành một trong những nhà làm phim thành công nhất trong giai đoạn vàng son của điện ảnh Hollywood này. Những bộ phim như Rear Window, Vertigo, North by Northwest đem lại doanh thu lớn cho ông, nhưng nổi bật nhất phải kể đến Psycho, bộ phim được Viện Phim Mỹ bình chọn là Phim kinh dị hay nhất mọi thời đại và mang lại cho ông khoản lợi nhuận khoảng 15 triệu USD ở thời điểm năm 1960 (tính trượt giá vào năm 2006 là 150 triệu USD)

Để minh chứng cho di sản điện ảnh của Alfred Hitchcock vẫn được khán giả hôm nay yêu thích, dù kỹ thuật và kỹ xảo điện ảnh đã phát triển vượt bậc, ta có thể kể tên những bộ phim nổi bật của ông trong các danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Trong danh sách 250 bộ phim hay nhất do khán giả của IMDB bình chọn, Alfred Hitchcock là đạo diễn có nhiều phim nhất (9 phim). Còn trong bản in lần thứ 5 của tuyển tập “1001 Movies You Must See Before You Die” (1001 bộ phim phải xem trước khi chết), Alfred Hitchcock có tổng cộng 18 bộ phim, trải dài trong cả ba giai đoạn làm phim của ông.

Những dấu hiệu để nhận dạng phim của Hitchcock

Với những khán giả mới gia nhập câu lạc bộ “Hitchcockian”, hãy ghi nhớ những dấu hiệu sau:

Cameo (Diễn viên khách mời)

Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp, Hitchcock luôn biết cách để quảng bá tên tuổi và hình ảnh của mình bằng cách xuất hiện với những vai diễn “cameo” (diễn viên khách mời) trong các bộ phim do mình đạo diễn. Tổng cộng, Hitchcock đã xuất hiện trong 39 bộ phim do ông đạo diễn, từ bộ phim câm thời đầu như The Lodger (1927) đến những bộ phim hoàng kim giai đoạn giữa như Vertigo (1958), Psycho (1960) cho đến những bộ phim cuối đời của ông như Frenzy (1972), Family Plot (1976). Thực ra, có những vai diễn chỉ thoáng qua màn hình và chủ yếu gây cười cho khán giả, nhưng Hitchcock luôn tìm cách cho nhân vật của mình xuất hiện trên màn ảnh. Một trong những vai “cameo” thú vị và hài hước nhất của ông xuất hiện trong bộ phim Lifeboat (1944). Vì toàn bộ bối cảnh phim chỉ diễn ra trên một chiếc tàu nên hầu như không có chỗ cho những diễn viên khách mời. Nhưng Hitchcock vẫn tìm cách cho nhân vật của mình xuất hiện bằng cách in một tấm hình chân dung của ông trên một bao bì quảng cáo loại thuốc giảm cân mà một vài người sống sót sau vụ đắm tàu nhìn thấy.

Những cô gái tóc vàng xinh đẹp.

Không chỉ “Gentlemen Prefer Blondes” như tên một bộ phim nổi tiếng của Marilyn Monroe, Hitchcock cũng rất yêu thích những cô gái tóc vàng (nhưng ông chưa bao giờ chọn Monroe đóng phim của mình). Xem những bộ phim của ông, ta có thể nhận thấy hàng loạt mỹ nhân tóc vàng nổi tiếng của Hollywood đóng những vai chính như Ingrid Bergman, Grace Kelly, Joan Fontaine, Kim Novak, Eva Marie Saint, Janet Leigh, Tippi Hedren… Nhiều người thường hỏi ông tại sao ông luôn chọn những nhân vật nữ chính tóc vàng luôn được chải chuốt rất cầu kỳ trong các bộ phim của mình, Hitchcock trả lời rằng: “Những cô gái tóc vàng là những nạn nhân tốt nhất. Họ giống như tuyết trắng trinh nguyên soi rõ dấu chân đẫm máu của tội ác. Không chỉ vậy, họ còn rất đẹp.”

Những biểu tượng kiến trúc

Khi xem những bộ phim nổi tiếng của Hitchcock, ta như được đặt chân đến những địa danh nổi tiếng của nước Mỹ và luôn xuất hiện trong những cảnh cao trào khiến khán giả luôn phải nhớ. Trong Saboteur là cảnh chiến đấu cuối cùng của phim diễn ra trên cơ thể của tượng Nữ thần Tự do; trong North by Northwest là cảnh đấu giá bên trong tòa nhà của Liên Hợp Quốc và cảnh cao trào ở ngọn núi Rushmore; thậm chí, nhan đề ban đầu của bộ phim này có tên “The Man in Lincoln’s Nose” (Người đàn ông ở bên trong mũi của Lincoln). Thậm chí, Hitchcock còn đưa khán giả ra bên ngoài nước Mỹ như cảnh quay ở Royal Albert Hall ở London trong The Man Who Knew Too Much hay cảnh diễn ra ở Riviera ở Pháp trong phim Catch a Thief…

Những kẻ phản diện quyến rũ

“Các nhân vật phản diện càng quyến rũ thì bộ phim càng hấp dẫn” – Hitchcock lý giải khi xây dựng những nhân vật xấu trong phim của ông rất lôi cuốn. Từ nhân vật do Cary Grant đóng trong Suspicion đến nhân vật do Robert Walker đóng trong Strangers on a Train, từ chú Charlie trong  Shadow of a Doubt đến kẻ sát thủ trong Frenzy… vẻ ngoài quyến rũ và hấp dẫn của họ là cách hiệu quả nhất để tiếp cận nạn nhân và khiến họ không nghi ngờ.

Và những kẻ sát nhân dấu mặt

Ám sát, giết người trở thành một thứ nghệ thuật kinh điển trong phim của Hitchcock. Ví dụ nổi tiếng nhất là cảnh giết người bằng dao trong phòng tắm ở Psycho, Hitchcock hoàn toàn sử dụng kỹ thuật điện ảnh của mình khiến khán giả phải sợ đến chết điếng mà không cần phải sử dụng những hình ảnh quá máu me hay bạo lực. Đến nay, đây vẫn là một cảnh giết người kinh điển và chưa có bộ phim nào có thể vượt qua.

Nhạc nền của Bernard Herrmann

Cuộc hợp tác giữa nhà soạn nhạc Bernard Herrmann và đạo diễn Alfred Hitchcock luôn được xem là một trong những mối quan hệ cộng sự thấu hiểu, thành công và hiệu quả nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Khó mà tưởng tượng những hình ảnh phim gây ấn tượng mạnh mẽ trong Psycho hay Vertigo mà thiếu phần nhạc nền cực kỳ xuất sắc của Herrman. Thậm chí, phần nhạc nền gây ám ảnh, đe dọa và đáng sợ trong Vertigo hay cảnh sát hại ở phòng tắm trong Psycho khiến chúng đáng sợ hơn rất nhiều. Ngay cả trong bộ phim The Birds, dù không sử dụng nhạc nền, nhưng hiệu ứng âm thanh của Herrman vẫn tiếp tục khiến khán giả phải hoảng sợ.

Và trang phục của Edith Head.

Hầu hết các nhân vật trong những bộ phim của Hitchcock (đặc biệt là những bộ phim thực hiện tại Mỹ) đều do các diễn viên ngôi sao đóng chính và phong cách ăn mặc lịch thiệp, trang nhã của họ là một trong những dấu hiệu nhận biết các bộ phim của ông. Nhà thiết kế thời trang Edith Head là cộng sự hợp tác ăn ý với Hitchcock không kém gì nhà soạn nhạc Herrmann. Được xem là một trong những nhà thiết kế trang phục nổi tiếng nhất trong lịch sử Hollywood, Edith Head đoạt tới 8 giải Oscar cho Thiết kế trang phục đẹp nhất trong số 35 đề cử. Hai bộ trang phục đẹp nhất của Edith Head thiết kế cho phim của Hitchcock phải kể đến chiếc váy của nhân vật do Grace Kelly đóng trong Rear Window hay Kim Novak đóng trong Vertigo.

Có thể nói, cho đến hôm nay, những bộ phim của ông vẫn không ngừng khiến khán giả và giới phê bình phải kinh ngạc vì sức hấp dẫn kỳ lạ của chúng.

VERTIGO – BỘ PHIM HAY NHẤT MỌI THỜI ĐẠI
Trong số di sản mà Alfred Hitchcock để lại cho điện ảnh có rất nhiều bộ phim được xem là “kiệt tác”, nhưng nổi bật nhất trong số đó là Psycho và Vertigo.
Trong lần bình chọn mới đây nhất, tạp chí điện ảnh uy tín Sight and Sound của Viện Điện ảnh Anh đã bình chọn Vertigo (1958) của Alfred Hitchcock trở thành bộ phim điện ảnh hay nhất mọi thời đại, vượt lên trên Citizen Kane (1941) của Orson Welles – bộ phim luôn dẫn đầu trong các cuộc bình chọn trước đó.
Với một cốt truyện ly kỳ và cú “twist” bất ngờ ở giữa phim gây choáng váng làm thay đổi toàn bộ nội dung và cả cách tiếp cận của khán giả, biến họ từ những kẻ ngoài cuộc theo sự dẫn dắt đánh lừa của đạo diễn ở nửa đầu phim trở thành những kẻ dự cuộc để tiếp tục theo dõi cuộc hành trình “lộng giả thành chân” của hai nhân vật chính (do James Stewart và Kim Novak đóng), Vertigo là một bộ phim thể hiện rõ nhất phong cách và tài năng kể chuyện bằng hình ảnh xuất chúng của Alfred Hitchcock.
Ẩn sau một câu chuyện tội ác ly kỳ, bí ẩn và những bức màn bí mật được hé lộ – như hầu hết các bộ phim của Hitchcock, Vertigo thực ra là một câu chuyện tình yêu lãng mạn và bi thảm giữa kẻ điều tra và thủ phạm, giữa thật và ảo, giữa cái giả biến thành cái thật và khiến họ không còn đường lùi để buộc phải chọn một bi kịch đắng cay.
Nhưng để được hàng trăm Viện sĩ Viện Hàn lâm và giới phê bình tán thưởng và bỏ phiếu là bộ phim hay nhất mọi thời đại; Vertigo không chỉ có một kịch bản xuất sắc mà còn là kỹ thuật dựng phim, hiệu ứng âm nhạc, âm thanh và sử dụng ánh sáng xuất sắc. Tất cả những điều này làm nên phong cách “Hitchcockian” có một không hai.
Trong phim, nhân vật John do James Stewart đóng là một thám tử điều tra mắc chứng sợ độ cao và bị ám ảnh sau cái chết của một đồng nghiệp mà anh ta gián tiếp gây ra do nỗi sợ của mình. Để mô tả nỗi sợ độ cao và ám ảnh của nhân vật, Alfred Hitchcock đã sử dụng những góc máy từ cao xuống thấp và chuyển động camera cực kỳ thông minh, khiến cho những khung hình luôn sâu hun hút một cách đáng sợ hoặc gây chóng mặt cho khán giả, khiến họ như đang mang nỗi sợ của nhân vật. Lối cắt dựng nhanh với tiết tấu gãy gọn, hiệu quả càng làm tăng nỗi ám ảnh của nhân vật, nhất là khi anh ta lần theo dấu vết của Madeleine, người phụ nữ xinh đẹp bị ma ám ở nửa đầu phim.
Đúng 60 năm kể từ khi Vertigo ra đời, bộ phim xứng đáng là một kiệt tác của điện ảnh và di sản của nó để lại cho nghệ thuật thứ 7 chắc chắn vẫn còn lâu dài.

Tác giả

(Visited 83 times, 1 visits today)