Alina Ibragimova: Chơi đàn như hít thở

Alina Ibragimova không chơi nhạc một cách dễ dãi, và đó là lý do vì sao âm nhạc của cô vừa nguyên sơ đáng sợ vừa chứa đựng khối năng lượng bùng nổ.

Có những nghệ sĩ thay vì diễn giải lại hóa thân vào âm nhạc, như thể họ đã trở thành một bộ phận của nó, đến mức không còn sự phân biệt giữa nghệ sĩ, âm nhạc, nhà soạn nhạc và khán giả khi họ biểu diễn. Trong số những nghệ sĩ violin trẻ tài năng trên thế giới hiện nay, Alina Ibragimova là người mang nhiều phẩm chất này nhất. Cách cô chơi các bản nhạc của các tác giả từ Bach – mà bản thu âm các sonata và partita độc tấu của cô được coi là kinh điển – đến Huw Watkins1, từ Beethoven đến Karl Amadeus Hartmann2, thể hiện một sự toàn tâm và mãnh liệt, giúp cô trở thành một nghệ sĩ có khả năng chinh phục vô đối.
 Tôi hỏi điều ấy do đâu mà có. “Tôi cũng không biết nữa,” cô nói, “nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là âm nhạc phải nói một cách trực diện nhất có thể. Trong âm nhạc, chúng tôi luôn phải cố gắng đạt tới một cái gì đó gần như là bất khả.”

Mặc dù chủ yếu sống ở Anh nhưng Ibragimova vẫn nói với ngữ điệu Nga rõ rệt. Cô cân nhắc từng từ một cách cẩn trọng như thể ngôn ngữ có gì đó xa lạ với cô, tăng thêm ấn tượng rằng cô chỉ thoải mái “cất tiếng” khi chơi nhạc, như thể cô giao tiếp với thế giới qua cây đàn violin. Tôi hỏi cô có bao giờ căng thẳng khi chơi đàn không. “Không, không bao giờ.” Với cô, việc chơi đàn tự nhiên như hít thở vậy. “Chỉ cần ngừng chơi đàn một chút là tôi sẽ bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn.”

Tuổi thơ của cô, ở Nga và Anh, thấm đẫm âm nhạc. Cha cô, Rinat Ibragimov, là nghệ sỹ bè trưởng contrabass của London Symphony Orchestra; ông đưa gia đình tới Anh khi ông bắt đầu làm việc ở đây. Lúc đó Alina lên 10 tuổi. Mẹ cô là một nghệ sỹ violin và bà giảng dạy ở Trường Yehudi Menuhin, một địa chỉ âm nhạc đỉnh cao ở Surrey, nơi đào tạo ra Nigel Kennedy và hàng trăm nghệ sĩ khác, và cũng là nơi Alina theo học. Liệu có hình mẫu nghệ sĩ nào mà cô muốn trở thành hoặc tranh đua từ ngày nhỏ không? “Mẹ của tôi, tất nhiên rồi! Và mẹ bảo tôi nghe nhiều nghệ sỹ violin khác nhau. Tôi nhớ mình đã nghe bản thu âm bản violin concerto của Beethoven do Menuhin chơi qua một chiếc đài cassette, và cả Jascha Heifetz rồi Vadim Repin nữa. Tôi đồ rằng lúc còn nhỏ tôi đã muốn trở thành Anne-Sophie Mutter.” Mutter có thể đóng vai trò như một hình mẫu quan trọng của Ibragimova, nhưng lối chơi giàu trí tưởng tượng kết hợp với nguồn năng lượng không bị kiềm tỏa và cả cảm thức lịch sử của cô giờ đã thuộc về một thế giới khác với siêu sao người Đức này.

Ở tuổi niên thiếu, sự nghiệp của Ibragimova cũng phát triển theo lối thường – luyện tập và tham gia các cuộc thi – nhưng sau khi giành học bổng của London Symphony Orchestra vào năm 17 tuổi, cô quyết định như thế là quá đủ với mình. “Có quá nhiều tiêu chí bạn phải đáp ứng ở các cuộc thi. Hồi đó tôi đã có những thể nghiệm riêng, đặc biệt với Bach, và chúng sẽ không bao giờ phù hợp với các cuộc thi. Đó là một quyết định rất khó khăn và có đôi chút nổi loạn.”

Đây chẳng phải là một sự cao hứng như khi một thiếu niên đùa giỡn với ma túy và rock’n’roll, mà là điều gì đó nghiêm túc hơn nhiều: cô chơi các tác phẩm độc tấu của Bach – sáu bản sonata và partita, những tác phẩm khó chơi nhất, và có tính biểu cảm mạnh mẽ nhất – theo cách bằng phẳng, hoàn toàn trái ngược với ý của những người thầy. Thay vì thể hiện sự lãng mạn theo lệ thường, Ibragimova đã thể nghiệm với âm hưởng hoàn toàn Baroque, thay âm hưởng sang trọng êm tai và kỹ thuật vibrato (rung dây) có tính an toàn (nghĩa là kỹ thuật nâng vĩ, và rung ngón tay ở bàn tay trái mà hầu hết các nghệ sĩ violin mọi thời thảy ưa chuộng) bằng âm hưởng mong manh táo bạo. Bạn phơi bày bản thân mình hoàn toàn khi chơi Bach theo lối đó bởi làm sao có thể ngụy trang cách phân nhịp hoặc sự điều chỉnh của bạn, sự kết nối của bạn với âm nhạc. Đó là hành trình từ phong cách này tới phong cách khác mà một nghệ sỹ violin như Viktoria Mullova3 phải mất vài thập kỷ để đi; còn Ibragimova đã cố gắng làm được điều đó trong vài năm.

“Tại Trường Menuhin vào thời điểm đó người ta không lưu tâm nhiều đến cách chơi trong quá khứ, vì thế khi tôi chơi một buổi hòa nhạc ban ngày gồm toàn các tác phẩm của Bach mà không dùng đến kỹ thuật vibrato, tất cả mọi người đều tìm cách bảo tôi đừng làm như thế. Khi ấy cách chơi của tôi chưa đạt được kết quả tốt, mà chỉ là sự bắt đầu của một cái gì đó. Nhưng không ai thật sự thích nó cả.”

“Cô ấy là một trong những nghệ sỹ violin biểu cảm nhất trên thế giới” .

BBC Magzine

Trở lại với hiện tại, vấn đề không phải ở chỗ Ibragimova trình diễn Bach như những người chuyên chơi nhạc Baroque, vốn chỉ chơi trên những nhạc cụ của thời kỳ đó; cô tìm kiếm bất kỳ cách trình diễn nào có thể giúp cô biểu lộ chất nhạc đó, biểu lộ bản thân cô và cảm xúc của cô nhiều nhất. Kết quả cô đạt được là một thứ âm nhạc của Bach vượt quá những nhãn hiệu như phong cách “lãng mạn” hay “Baroque”; đó là thứ âm nhạc được tạo ra bởi sự nguyên sơ đáng kinh ngạc, làm sống lại tột cùng cảm xúc của một số tác phẩm khó chơi nhất của Bach.

Cuộc tìm kiếm phong cách của cô liên quan đến mọi thứ cô làm. Ibragimova không chịu đóng khung mình trong một dòng tác phẩm hay lối chơi nào: cô chơi Tchaikovsky, Berg, Saint-Saens, và các bản concerto kinh điển của các tác giả khác với dàn nhạc giao hưởng trên cây vĩ cầm hiện đại, nhưng cô chơi một cây đàn cổ hơn với nhóm tứ tấu của mình, Chiaroscuro Quartet. Cô mới thu âm một CD bản concerto Mi thứ nổi tiếng của Mendelssohn và một tác phẩm ít quen thuộc hơn giọng Rê thứ của ông với nhạc trưởng Vladimir Jurowski và Orchestra of the Age of Enlightenment (OAE). Bản concerto Mi thứ là một trong những tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất, nhưng phần trình diễn của Ibragimova cùng với OAE sẽ cho bạn cảm giác như được nghe nó lần đầu: mỗi nhịp, mỗi nốt đều huyền diệu và mới mẻ.

“Càng biết nhiều về cuộc sống, tôi càng cảm nhận được nhiều hơn, càng biểu lộ được nhiều hơn,” cô nói. “Tôi chơi bản Concerto số một của Shostakovich hồi năm ngoái, và giữa những buổi trình diễn, tôi đọc Bác sỹ Zhivago. Và thế nào đó mà cách tôi cảm nhận về bản concerto đã thay đổi hoàn toàn, có quá nhiều mối liên tưởng giữa hai tác phẩm – bản nhạc và cuốn tiểu thuyết. Bạn luôn có thể tìm thấy nhiều màu sắc hơn, nhiều cảm xúc hơn. Đôi khi âm nhạc làm cho bạn nhớ lại một sự kiện nào đó trong cuộc đời với một cảm xúc hoàn toàn khác mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đó. Công việc của tôi là như vậy, luôn cố gắng truyền đạt nhiều hơn nữa.”

Nghĩa là có một mối quan hệ mật thiết có tính trái nghịch trong những gì cô đang cùng các dàn nhạc mang đến cho công chúng trong các phòng hòa nhạc trên toàn thế giới, và đó là một trong những lý do vì sao các buổi biểu diễn của cô có sức hút của nam châm. “Tôi luôn cảm thấy mọi người đang tham dự vào buổi biểu diễn,” cô nói. “Tất cả chúng ta cùng tụ lại với nhau, để nghe hoặc chơi nhạc. Đó là một việc làm từ cả hai phía. Những gì tôi làm sẽ được phản chiếu qua khán giả.”

Ibragimova sống cuộc sống của một nghệ sỹ độc tấu lưu động, mỗi tháng chỉ có vài ngày nghỉ ngơi tại London hay Berlin (“nơi ẩn náu của tôi”), tập luyện trong phòng khách sạn với mọi vật dụng sinh hoạt cần thiết đều nằm trong chiếc vali. Tuy vậy vẫn có những chiếc neo neo giữ cuộc sống của cô: gia đình, và mối liên hệ ngày càng lớn với nước Nga và TP Ekaterinburg gần nơi cô sinh ra. Cô nói một cách nhiệt thành về việc Công ty kịch nghệ Kolyada của thành phố này thường biểu diễn trong một nhà hát tí hon chỉ có vỏn vẹn 50 chỗ ngồi. “Tôi cảm thấy mình cần phải khiêm nhường khi xem họ; các nghệ sỹ không muốn bất cứ điều gì khác ngoài việc họ được lắng nghe. Họ quá nồng nhiệt và tận tụy. Điều đó cũng giống với quan niệm của tôi, tôi nghĩ rằng khi người ta làm một việc chỉ bởi họ có nhu cầu mãnh liệt phải làm việc đó, thì nó không liên quan gì đến vật chất, tiền bạc hay danh vọng.” Cô cũng nói về tứ tấu của mình với một thứ ngôn ngữ tương tự. “Chúng tôi không muốn làm bất cứ thứ gì hơn là đi vào âm nhạc.”

Âm nhạc, với Ibragimova, là điều không thể cưỡng lại được. Điều đặc biệt ở cô là sức mạnh ma thuật khi cô trình diễn khiến cho âm nhạc của cô cũng trở nên khôn cưỡng với bất cứ ai lắng nghe nó.

Alina Ibragimova (1985) bắt đầu tập đàn từ năm lên bốn. Cô đã giành nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Nghệ sĩ trẻ của Royal Philharmonic Society năm 2010; giải Emily Anderson Prize (là người trẻ nhất đoạt giải), cũng của Royal Philharmonic Society, năm 1999; giải Borletti-Buitoni Trust [quỹ hỗ trợ cho các nhạc công và nhạc sĩ trẻ toàn cầu] năm 2008; và giải Classical BRIT năm 2009 [cho hạng mục Young British Classical Performer]. Cô có những CD được ca ngợi và đưa tên tuổi cô vào danh sách các nghệ sỹ violin xuất sắc mọi thời đại, như Bach: Sonatas & Partitas for Solo Violin (2009). Cô nói, “Tôi cho là không có đứa trẻ nào lại muốn tập luyện khắc nghiệt cả nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ rằng tôi cần phải làm như vậy để trui rèn bản thân. Tôi có những người bạn không chơi nhạc cụ nào và điều đó có vẻ lạ lùng đối với tôi, họ làm gì với thời gian nếu họ không luyện tập hằng ngày? Tôi đoán họ xem truyền hình hoặc đi chơi. Tôi cũng muốn tham gia với họ, nhưng chỉ sau khi đã tập đàn khoảng ba giờ. Với tôi điều đó hết sức tự nhiên.” Ibragimova còn muốn thử chơi cả nhạc jazz, nhạc biến tấu ngẫu hứng, nhạc dân gian, bên cạnh danh mục biểu diễn vốn đã rất rộng bao gồm các tiết mục cổ điển, baroque và đương đại. Cô sử dụng chiếc đàn do nghệ nhân người Ý Pietro Guarneri chế tác năm 1738.

Thanh Nhàn tổng hợp

http://www.guardian.co.uk/music/2012/oct/18/alina-ibragimova-violinist-rawness-energy và http://www.ariama.com/ features/the-futures-bright)

1. Huw Watkins (1976) là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano người Anh.

2. Karl Amadeus Hartmann (1963) là nhạc soạn nhạc người Đức.

3. Viktoria Yurievna Mullova (1959) là nghệ sĩ violin nổi tiếng người Nga.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)