Âm nhạc, âm thanh, tiếng động… và một vài suy nghĩ

Tuần trước, nhân chuyến công tác tại TP.HCM, tôi có cafe với mấy người bạn làm bên ngành báo chí, quán Highlands (Cao nguyên) sang trọng nằm ở góc đường Đồng Khởi nhìn xế sang Nhà thờ Đức Bà, dưới tán ô che nắng vừa ngắm cảnh khôn, người đẹp, vừa thưởng thức...

Tiếng ồn bởi dòng xe cộ chạy đều đều dưới phố. Các bạn tôi rục rịch chuyển vào phía trong nhà cách khỏi đường bởi những tấm kính lớn, máy lạnh, tiếng nhạc dịu dàng, “ồ, đã thật, vừa mát mẻ, vừa nhẹ nhàng, vừa êm ái”, cô bạn ngồi bên quay sang thắc mắc “xin phép cho vặn vẹo một câu nhé, vậy âm nhạc mình đang nghe đây với tiếng ồn ào ngoài đường kia có cùng bản chất không nhỉ?”.
Từ điển Bách khoa trực tuyến Wikipedia phần tiếng Anh định nghĩa về âm nhạc (music), là “… một hình thức biểu đạt nằm trong và dựa vào thời gian, sử dụng cấu trúc, sự chuyển động và tương tác giữa các âm với những khoảng im lặng, tạo nên những hình thái bố cục đa dạng trong thời gian thông qua các tổ hợp âm thanh định hình, không định hình, hoặc đang chuyển động…, tùy theo mỗi nền văn hóa và hoàn cảnh cụ thể, âm nhạc có thể mang những ý nghĩa (và được định nghĩa) ở các sắc thái khác nhau…”.
Trong một trình diễn âm thanh tại Hội Đồng Anh (HN) đầu năm 2005, tôi đã sử dụng máy tính xách tay với những phần mềm làm nhạc chuyên dụng kết hợp hệ thống bàn trộn (mixer) để dồn một số mẫu (sample) nhạc, âm thanh, tiếng ồn thành những tuyến (lines) chạy song song nhau. Cuối chương trình, trong phần Hỏi – Đáp, một vài khán giả đã chất vấn, rằng “anh đã làm cái mà, theo chúng tôi vừa được nghe, không phải là âm nhạc, chẳng phải tiếng ồn, gần như một đám âm thanh rối…, vậy theo anh, có thể gọi nó là gì?”. Tôi đã trả lời rằng có thể gọi là âm nhạc, cũng có thể gọi là âm thanh, hoặc gộp chung thành âm nhạc/âm thanh đều được, vì trong chương trình, tôi đã sử dụng 6 kênh tiếng, trong đó có 3 kênh nhạc, 2 kênh âm thanh điện tử, 1 kênh tiếng động thu âm từ tiếng ồn ào đến giọng rao hàng ngoài phố, với sự trợ giúp của bàn trộn và máy tính, tôi đã đẩy âm nhạc sang hướng âm thanh, đưa âm thanh lại gần âm nhạc, và trộn lẫn chúng với nhau.
Từ những thập niên 1970, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ, John Cage, người đi đầu trong việc (sáng) tạo ra âm thanh từ các nhạc cụ thuộc dàn nhạc giao hưởng cổ điển, và ngược lại, tạo (ra) âm nhạc từ những dụng cụ (đồ vật, vật dụng) không phải là nhạc cụ. Ông đã từng viết trong tập Owen xuất bản năm 2000, rằng “không có tiếng ồn (tiếng động), chỉ có âm thanh”, và “tất cả những âm thanh mà tai chúng ta nghe được, đều là âm nhạc!”.
Trong hầu hết các từ điển âm nhạc ngày nay, từ “music” đều được định nghĩa là “thuộc về nghệ thuật của thời gian, sử dụng và nằm trong thời gian, là sự tương tác giữa những âm thanh và các khoảng lặng…”.
Trên thế giới ngày nay, giới làm nhạc (cả chuyên và không chuyên) hầu như đã đồng ý với nhau rằng, không có khoảng cách (và sự phân biệt) giữa âm nhạc và âm thanh, âm nhạc có thể là âm thanh và ngược lại, hoặc là cả hai, tùy vào mục đích sử dụng, hoàn cảnh, và tùy quan niệm cá nhân nữa.

 Ở ta đã bao giờ có được một kênh (ti vi hoặc radio) dành riêng cho âm nhạc giao hưởng thính phòng, hoặc cần thiết hơn nữa, là dành phần đặc biệt cho vốn âm nhạc cổ truyền của chính chúng ta đang mất dần mất mòn hàng ngày, và có bao nhiêu dự án bảo tồn âm nhạc cổ truyền vẫn chỉ nằm trên giấy…?

Vậy còn tiếng động, vẫn tra trong từ điển trực tuyến Wikipedia, thì “… tiếng động là những âm thanh không mong muốn, gây ồn, và nằm ngoài khả năng kiểm soát…”, một định nghĩa thú vị và… dễ hiểu, bởi theo đó thì “tiếng ồn” cũng là một dạng (và thuộc về) âm thanh, nhưng là thứ âm thanh ta không mong muốn và không kiểm soát được. Tiếng ồn ào ngoài phố không mấy khi đem lại cảm giác dễ chịu như khi được nghe âm thanh mềm mại của một bản giao hưởng cổ điển, nhưng cũng tùy, ví như khi tôi đang cần thu âm sự ồn ào đường phố về nhào nặn trong một tác phẩm mới, thì tiếng ồn ấy lại có ích và đôi khi còn hay nữa. Nhưng vào đêm đã khuya, nhu cầu ngủ dưỡng sức đã gần kề, mà lại phải nghe tiếng nhạc của một bản giao hưởng mạnh mẽ phát ra từ hệ thống loa loại tốt của anh hàng xóm, thì quả thật là một thứ… tiếng ồn (không mong muốn) và phiền toái.
Giới làm nhạc trong nước hiện nay đang rất lúng túng về… âm nhạc. Một thực tế là Hội nhạc sĩ Việt Nam với hơn một ngàn hội viên, mà phần (rất) lớn trong số đó chỉ (có thể) viết được bài hát, ta quen gọi là ca khúc. Đối với họ, âm nhạc giao hưởng là thứ hàng xa xỉ, xa lạ, và… chẳng để làm gì. Thử dạo quanh vài kênh ti vi và radio mà xem, chiếm tới hơn chín mươi chín phẩy bốn số chín phần trăm tiếp theo là ca khúc, rồi thị trường băng đĩa nhạc cũng vậy, cũng chỉ toàn ca khúc và các kiểu “liveshow”, trong khi báo chí thì quanh năm ngày tháng bỏ công sức giấy mực cũng chỉ để lăng xê các “sao” thuộc thị trường ca nhạc phổ thông (!).
Phần (rất) lớn giới làm nhạc mê mải chạy theo ca khúc thị trường như vậy, hệ thống thông tin đại chúng thì bỏ công tung hô một chiều cuốn công chúng theo như thế, thì cái sáng tạo, cái tìm tòi, cái mới, và sự bảo tồn nữa, còn đứng vào chỗ nào? Nằm ở đâu trong cái gọi là “nền âm nhạc” nước nhà?
Nếu có viết về âm nhạc giao hưởng, xa hơn là âm nhạc đương đại, và rộng hơn là về âm thanh và tiếng động, cũng chỉ để bàn cho vui… mà thôi!

Vũ Nhật Tân

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)