Âm nhạc cổ điển hậu COVID-19: Bên bờ vực thẳm?

Virus Corona đang đẩy các buổi hòa nhạc cổ điển truyền thống đến bờ vực thẳm.


Âm nhạc cổ điển phải có những cách tiếp cận khán giả khác sau Covid-19? Một buổi diễn vở opera “Peter Grimes” của Britten bên bờ biển Aldeburgh, Suffolk. 
Ảnh: David Levene/The Guardian

Chưa bao giờ, âm nhạc cổ điển lại rơi vào tình huống trớ trêu như hiện nay. Ở mọi quy mô và hình thức, từ nghệ sỹ tự do đến nghệ sỹ trực thuộc các dàn nhạc, từ các nhóm nhạc thính phòng khiêm tốn đến những dàn nhạc lớn, giới nghệ sĩ nhạc cổ điển đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử tồn tại. Với phần lớn các nghệ sỹ, ngay cả thành viên của nhiều dàn nhạc lớn danh tiếng ở Vương quốc Anh, việc không có hợp đồng biểu diễn có nghĩa là không có thu nhập. Còn với những người hành nghề tự do thì chỉ một số có đủ điều kiện để được trợ giúp. Các nhạc viện – chiếc nôi đào tạo các nghệ sỹ và nhà sản xuất tài năng trong tương lai – đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính khi sinh viên nước ngoài đều đã trở về nước hoặc học trực tuyến. Tất cả những người làm việc ở hậu trường, những người thường lo chạy chương trình, từ các đại lý đến các nhà xuất bản, đều đang trong cảnh rỗng túi. Hơn ai hết, các phòng hòa nhạc và nhà hát opera không thể kiếm ra tiền vì không thể tổ chức biểu diễn.

Tại London, Phòng hòa nhạc Royal Albert và South Bank đã cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra. Giám đốc điều hành Alex Beard cho biết: “Nhà hát Opera Hoàng gia chỉ có thể tiếp tục hoạt động ‘trong vài tháng nữa’. Nhưng rõ ràng khi hình thức nghệ thuật thông thường của nhà hát opera là “một trăm người trên sân khấu, một trăm người dưới hố nhạc và 2.700 khán giả trong khán phòng” thì cảnh rủi ro rất dễ xảy ra. Theo phân tích của Alex Beard, ngay cả bán tới 95% số vé còn hỗ trợ của chính phủ tương đương 20% thu nhập thì các mô hình tài chính của nhà hát opera đều sụp đổ (ở Đức, Chính phủ còn hỗ trợ tới 80%). 

Trong bối cảnh đó, John Gilhooly, giám đốc Phòng hòa nhạc Wigmore ở London, mặc dù thừa nhận “theo nhiều cách, tất cả những chuyện xảy ra là một sự thanh lọc, một cơ hội để các nhà hát có thể bắt đầu lại chiến lược phát triển” nhưng anh cũng nhấn mạnh “hiện tại ai cũng phải đối mặt với rất nhiều lo lắng và khó khăn, thậm chí các dàn nhạc có thể sẽ phá sản trong 12 tuần nữa”.

Những tình thế khác biệt

Phần lớn các quốc gia châu Âu đều loan báo những biện pháp cụ thể để hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa của họ trong khủng hoảng Covid-19, đặc biệt với nhạc cổ điển, trải rộng từ những khoản tài trợ và cho vay đến những kế hoạch hàng tỷ euro như ở Đức, Pháp và Anh… Tuy nhiên sự sống sót của ngành công nghiệp văn hóa dường như được ưu tiên ở một số quốc gia, ví dụ ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết phục hồi văn hóa, bao gồm một chuỗi các đề xuất nghệ thuật cấp liên bang và Chính phủ Đức loan báo dành riêng một tỉ euro cho nghệ thuật với những khoản đầu tư theo cấp vùng. Do đó, Christoph Lieben-Seutter, giám đốc nghệ thuật của Elbphilharmonie ở Hamburg cho rằng “Chúng tôi không sợ viễn cảnh tối tăm bởi văn hóa có tầm quan trọng lớn trong lĩnh vực công ở Đức và chúng tôi không thể được phép phá sản”. Ông đã thông báo toàn bộ lịch diễn mùa thu cho phòng hòa nhạc dù với điều kiện là mọi thứ có thể thay đổi.


Một nhân viên của nhà hát La Scala theater ở Milan đeo mặt nạ và khẩu trang nhìn xuống khán phòng trống rỗng trong thời kỳ giãn cách xã hội ngày 6/7/2020. Ảnh: Antonio Calanni/AP Photo

Quả thật, Đức là một trong những quốc gia đầu tư dài hạn cho văn hóa bởi “đây là đất nước có thể và đủ sức thực hiện điều đó”, Katharina Schmitt, giám đốc và nhà soạn kịch sống ở cả Đức và Czech, nói. Dẫu tương tai còn bất định nhưng các khoản hỗ trợ công truyền thống đã được trao để bù vào khoản thất thoát thu nhập vì không được phép biểu diễn. Chị cũng chỉ ra là dàn nhạc Berliner Philharmonie, nơi có giá vé trung bình 48,90 euro vào năm 2014, nhận được hỗ trợ 66,90 euro từ các khoản đầu tư công cho mỗi tấm vé được bán ra. Ngay cả ở Hungary, chính quyền cánh hữu cũng có một kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cho nghệ thuật. Các nhà soạn kịch và và nhà soạn nhạc nhận được một số khoản tài trợ nhỏ để viết những sáng tác mới.

Có sự tương phản thực sự giữa Vương quốc Anh và phần lớn lục địa châu Âu. Do đầu tư công vào văn hóa lớn hơn và các tổ chức ít phụ thuộc hơn vào thu nhập từ phòng vé, cuộc khủng hoảng Covid-19 không phải là một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn như ở Anh. Mới đây Simon Rattle thổ lộ với đồng nghiệp, nhạc trưởng Alan Gilbert trong một cuộc trò chuyện trên Facebook: “Tôi vô cùng lo lắng cho dàn nhạc của mình ở London, tôi rất sợ khó khăn tài chính mà họ sẽ phải trải qua”.

Nỗ lực của các nghệ sĩ Anh

Tuy nhiên, khi bị dồn đến chân tường thì các nghệ sĩ buộc phải xoay xở. Các buổi độc tấu bắt đầu diễn ra tại phòng hòa nhạc Wigmore (Anh) và được tiếp âm tới những thính giả cuối cùng đang phải giãn cách xã hội, những thính giả của kênh Radio 3 và khán giả online. Các ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ nằm trong số những hoạt động cuối cùng được nối lại sau thời gian phong tỏa. Kathryn McDowell, giám đốc điều hành Dàn nhạc giao hưởng London, nói rằng bà đang dự tính để dàn nhạc trở lại bằng các chương trình hòa nhạc có thể kéo dài hàng giờ và được chia thành hai phần trong một buổi tối với khán phòng được dọn dẹp ở giữa hai phần dành cho những khán giả đang phải giãn cách xã hội. Những người khác, gồm cả John Summers, giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Phòng hòa nhạc Hallé ở Manchester, lại nghĩ khác. Ông nói: “Đã đến lúc phải chuẩn bị vượt qua thách thức. Tổ chức các buổi hòa nhạc cho một số lượng nhỏ khán giả chẳng để làm gì ngoài việc phải tiêu nhiều tiền.”

Martyn Brabbins, giám đốc âm nhạc của Nhà hát Opera Quốc gia Anh, nói lên những suy nghĩ của người trong cuộc, đó là cần phải tiếp tục biểu diễn càng sớm càng tốt: “Chúng tôi có một dàn nhạc, một dàn hợp xướng, một đội ngũ ánh sáng và kỹ thuật xuất sắc – tất cả những người chúng tôi cần để cùng nhau tạo nên một chuỗi các sự kiện tuyệt vời. Nếu không cố gắng làm điều gì đó thì sẽ thật vô trách nhiệm và lười biếng. Do đó, chúng tôi đang lên kế hoạch cho một buổi diễn vở La Bohème tại quảng trường Alexandra mà khán giả có thể ngồi ngay trong xe ô tô để xem.

Có những quan điểm khác nhau về vấn đề này nhưng thực ra, việc có những nhà hát chỉ đầy 20-30% số ghế, như đang được lên kế hoạch cho các buổi biểu diễn giãn cách xã hội ở châu Âu, là điều không thể về mặt kinh tế ở Anh nếu không có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ. Ngoài thực tế đó là hàng chục rắc rối khác. Phải làm gì với các nhà vệ sinh? Phải làm gì với các quầy bar? Liệu khán giả có trả đủ tiền cho một buổi hòa nhạc ngắn? Họ sẽ đến chứ, nhất là những người lớn tuổi? Bạn sẽ làm gì nếu bạn lưu diễn nhiều địa điểm mà mỗi địa điểm lại có cách thu xếp bảo hiểm riêng? Và bạn sẽ di chuyển như thế nào? Bạn sẽ làm gì nếu bạn sống ở Wales, nhưng lưu diễn đến Anh, nơi có các quy định khác? Bạn sẽ làm gì với bằng chứng về sự lây lan của virus qua không khí? Phun nước bọt là chuyện không thể tránh khỏi khi hát và chơi kèn đồng. Cuộc khủng hoảng này phần lớn đều khuất mắt công chúng. 

Dù giới nhạc cổ điển ở Anh đã quen với thế phòng thủ, một phần để bảo tồn di sản quý giá của mình từ quá khứ nhưng cũng có nhà hát đã bắt đầu quen với việc tạo ra những câu chuyện mới. Kate Romano, nhà sản xuất kiêm nghệ sỹ kèn clarinet nói: “Chúng ta đã nói mãi đến phát ngán về cuộc khủng hoảng âm nhạc cổ điển trong nhiều năm như việc khán giả đang bị già hóa. Giờ thì chúng ta thực sự gặp khủng hoảng, một thử thách mà chúng ta không nghĩ mình sẽ gặp. Chúng ta cần tìm kiếm thứ gì đó tốt hơn hiện nay, bắt đầu từ việc có can đảm để nói về nó”.

Cái can đảm cần thiết đó là cơ hội để giới nhạc cổ điển nhìn lại mô hình của mình, vốn đang như chiếc máy bay phản lực kiểu cũ bị rung lắc đến độ phải dừng khẩn cấp. Nhạc trưởng Simon Rattle nói: “Cái thời mọi dàn nhạc đều hoạt động trên toàn cầu này lại trở thành điều không thể tưởng tượng nổi” và bối cảnh hiện nay khiến việc lưu diễn – đưa 90 nghệ sỹ và nhạc cụ lên máy bay đến một nơi nào đó đã có dàn nhạc của riêng mình – là một hình thức “xuất bản phù phiếm”, theo nhận xét của John Summers của phòng hòa nhạc Hallé.

Một tiếng nói khác từ Dàn nhạc giao hưởng London của McDowell: “Chúng tôi có thể hạn chế lưu diễn đường dài xuống còn một năm một lần. Đối với châu Âu là một chuyến đi dài duy nhất bằng tàu hỏa. Thế sẽ tốt hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mọi người.” John Gilhooly, người điều hành phòng hòa nhạc Wigmore, nói rằng thay vì mời một nghệ sỹ piano như Igor Levit đến và rời London vài lần trong mùa diễn để biểu diễn một loạt chương trình, ông đang nghĩ đến việc mời nghệ sỹ tham gia một giai đoạn tập trung duy nhất. 

Levit là một trong những nghệ sỹ đã dốc hết tâm huyết trên mạng xã hội khi đăng các buổi biểu diễn lên tài khoản Twitter trong suốt thời gian phong tỏa ở Berlin. Khán giả đã cảm thấy cuốn hút trước kiểu chơi nhạc chân thực, rất thân tình, không hoàn hảo một cách rất con người và bạo dạn này. Loại bỏ nghi thức thông thường quanh các buổi hòa nhạc, những màn biểu diễn như vậy dường như tiến gần hơn đến việc bộc lộ chất liệu thô sơ của chính âm nhạc hơn là nhiều bản dàn dựng bóng bẩy và trang trọng hơn.

Tuy nhiên ai cũng tự hỏi làm thế nào để huy động số tiền đáng kể ở địa hạt trực tuyến? Nhiều nghệ sỹ và tổ chức đang bắt đầu phải tính đến phương tiện thứ yếu trong biểu diễn này song phải đối mặt với thực tế: thu nhập từ các dịch vụ phát trực tuyến như Spotify như một trò đùa. Nghệ sỹ vĩ cầm Tasmin Little gần đây đã nói với Radio 4 rằng cô đã kiếm đượckhoản tiền quý giá là 12,34 bảng từ hơn 5 triệu lượt người xem qua phát trực tiếp. David Burke, giám đốc điều hành của Dàn nhạc London Philharmonic thừa nhận là “thu nhập của chúng tôi từ việc này vào khoảng 30.000 bảng một năm. Khoản đó đủ chi trả cho các buổi diễn tập cho mỗi một buổi phát sóng.” Các nhà soạn nhạc và nghệ sỹ biểu diễn bức xúc vì các dịch vụ phát trực tuyến không tính đến độ dài của một bản nhạc, một ca khúc dài hai phút đến một tác phẩm viết cho dàn nhạc dài một giờ đều nhận được số tiền như nhau.

Một tương lai bất định

Trong suốt năm 2020, Creative Europe – cơ quan văn hóa EU, sẽ hỗ trợ các nghệ sĩ 48,5 triệu euro thông qua một chương trình đi kèm các giải pháp để tối ưu cơ hội có được trước khi các tổ chức phá sản. Được thành lập vào năm 2014, Creative Europe đặc biệt chú trọng vào các dự án xuyên biên giới và các tổ chức văn hóa ở những quốc gia ít nguồn lực đầu tư. Với sự tham gia đóng góp của các quốc gia EU, con số này đã lên 1,64 tỉ euro. 

Tuy thế nó vẫn còn là con số nhỏ so với nhu cầu của ngành công nghiệp văn hóa nói chung, trong đó có lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Có lẽ, tương lai của âm nhạc cổ điển không chỉ phụ thuộc vào những gói cứu trợ bên ngoài mà còn phụ thuộc vào chính họ. Nhiều người trong giới nhạc cổ điển thấy trước chuyện sẽ không trở lại những cách thức cũ. Nhạc trưởng Simon Rattle vừa buồn rầu vừa hi vọng: “Nhiều người đang tưởng tượng chúng tôi sẽ trở lại như cũ đang tự huyễn hoặc mình. Các tuần và tháng tiếp theo có thể sẽ vô cùng đau đớn nhưng với sự hỗ trợ thích hợp của chính phủ và việc tự tìm kiếm giải pháp hợp lý, âm nhạc sẽ tìm thấy khán giả theo hướng tốt hơn”.

Vậy âm nhạc cổ điển sẽ lụi tàn? Tere Badia, tổng thư ký của Culture Action Europe, một mạng lưới kết nối các tổ chức văn hóa và nghệ sĩ châu Âu, cho rằng “văn hóa là một phần cơ bản của châu Âu. Chính văn hóa chứ không phải lĩnh vực nào khác đã gắn kết chúng ta lại với nhau. Hãy thử tưởng tượng một đất nước không có văn hóa, những gì sẽ còn lại?”. Đó là lý do để văn hóa không thể lụi tàn. □

Ngọc Anh tổng hợp

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2020/jun/09/we-could-go-to-the-wall-in-12-weeks-why-isnt-classical-music-putting-up-a-fight-coronavirus
https://www.politico.com/news/2020/08/10/europe-theaters-artists-tours-393362

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)