Âm nhạc Italia và thế giới

Không hoài nghi gì nữa, Italia là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Nhiều quốc gia khác đã chiếm lĩnh lấy vị thế này vào thế kỷ 19 nhưng bất chấp điều đó, uy thế của Italia vẫn còn tồn tại trong suốt khoảng thời gian dài này, vốn được bắt đầu từ trước khi đế chế La Mã sụp đổ.

Cội nguồn
Những bài hát tôn giáo, đóng vai trò quan trọng trong suốt thời kỳ Trung cổ, đã có cơ sở từ thời thánh Ambrose và giáo hoàng Gregory XIII. Những bài hát này bao gồm 8 thanh điệu khác biệt, nhằm sử dụng trong âm nhạc của những nghi thức tôn giáo. Tuy nhiên phải đến thời đại của đức vua Charlemagne của xứ Frank thì các bài hát này mới được phát triển thực sự. Khi Đức vua Charlemagne tìm thấy sự khác biệt giữa cách hát của các nghệ sỹ Italia và Pháp trên lãnh thổ của mình, ông đã hỏi cận thần: “Nơi nào là cội nguồn thực sự của các bài hát?” Khi nhận được câu trả lời, đức vua đã hạ lệnh “Hãy đến Italia và học lấy những phương pháp đúng đắn từ đó”.

Trong thế kỷ 15 và 16, Italia trở thành nơi trình diễn của âm nhạc đối âm. Nước Anh là nơi sản sinh ra phương pháp sáng tác này và Hà Lan đã đưa đối âm vào những ý tưởng âm nhạc nhưng chính Italia đã đem lại cho nó một giá trị mới chưa từng được biết đến trước đây. Và nhà soạn nhạc Giovanni Pierluigi da Palestrina là người đem đến đỉnh cao tột bậc cho trường phái Italia. Các nhạc sỹ Hà Lan đã đưa yếu tố “thời trang” này vào các mass với những âm điệu phổ biến, và ca sỹ terno, người giữ giai điệu chính, thường hát những lời riêng biệt thay vì những đoạn trích tôn giáo thiêng liêng. Chính xu hướng này đã bị Hội đồng giáo hội chỉ trích nhưng may mắn thay, một vài thành viên của Hội đồng đã nhìn thấy những giá trị đích thực trong những sáng tác của Palestrina, vì thế đã quyết định đặt ông sáng tác một mass. Cuối cùng, nhạc sỹ đã không chỉ sáng tác một mà là ba tác phẩm. Sự cao quý và thanh nhã của phong cách đã được công nhận và Hội đồng giáo hội cũng phải thừa nhận rằng đối âm đã đem lại những giá trị đích thực cho “đơn đặt hàng” này. Kể từ đó, Palestrina được gọi là “Đấng cứu thế của âm nhạc”.

Trong số các nghệ sỹ Hà Lan học tập tại Italia, nhạc sỹ Adrian Willaert, cuối cùng đã trở thành một nhạc sư nổi tiếng ở Venice. Những nhạc sỹ Đức cũng tới Italia và nhà soạn nhạc Hans Leo Hassler của thời kỳ cuối Phục hưng, đầu Barocque đã theo học nhà soạn nhạc Andrea Gabrieli, cũng tại Venice. Hai nhà soạn nhạc Andrea Gabrieli và Claudio Merulo đã đi tiên phong với tư cách là nhạc sư organ, và góp phần phổ biến âm nhạc qua những người học trò đến từ nhiều đất nước khác nhau.

Opera, oratorio và sonata
Opera và oratorio là hai thể loại âm nhạc khởi nguyên ở Italia. Sáng tác của Cavaliere thời kỳ sau và Peri, Caccini thời kỳ trước, đã đặt những bước đầu tiên đến với thứ âm nhạc sân khấu và những tác phẩm hợp xướng vĩ đại mà chúng ta vẫn nghe ngày nay. Trong opera, Peri đã nhanh chóng bị lu mờ bởi Monteverdi, trong khi vào thời kỳ cuối thế kỷ 17, Alessandro Scarlatti đã bao trùm tất cả. Trong lúc đó, nhiều quốc gia khác đã nối tiếp theo sự dẫn đầu của Italia. Tại Pháp, Jean-Baptiste Lully viết nhiều vở ballet hơn cả opera, nhưng vẫn lấy nền tảng Italia làm khuôn mẫu. Tại Anh, Henry Purcell là người mở đường của thể loại opera, và sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc. “Dido và Aeneas” của ông vẫn được dàn dựng bởi sự tươi mát và vẻ đẹp của âm nhạc nhưng điều quan trọng hơn cả là sự quan tâm đến những giá trị lịch sử của tác phẩm.

Italia là nơi chứng kiến sự phát triển của sonata, dẫu cho cuối cùng những người tạo nên sự hoàn hảo của thể loại này là C. P. E. Bach, Haydn và Mozart. Người ta cũng tìm thấy rằng Domenico Scarlatti đã sáng tác rất nhiều fugue, sonata và nhiều tác phẩm độc tấu khác. Các tác phẩm này được trình tấu với những kỹ thuật hết sức khéo léo, vì thế ông được gọi là cha đẻ của nghệ thuật chơi piano hiện đại.


Domenico Scarlatti

Người ta đã hiểu được vì sao các thuật ngữ âm nhạc lại đều là tiếng Italia, chúng tạo thành một danh sách các từ chuyên biệt về âm nhạc và được biết đến rộng rãi hơn bất kỳ thứ tiếng nào khác. Thậm chí, điều đó khiến nỗ lực của một vài nhà soạn nhạc hiện đại trở thành thất bại khi cố gắng giới thiệu một số thuật ngữ từ thứ tiếng của đất nước mình.

Cây đàn violon ở Italia
Trong lĩnh vực này, Italia cũng đi tiên phong. Mặc dù Pháp và Đức cũng đã sớm có những nghệ sỹ violon nhưng Corelli và Tartini vẫn là những người đi tiên phong ở cả phương diện sáng tác và biểu diễn. Tại Pháp, thành công lớn đã đến với Leclair, người đã được chính học trò của Corelli là Somis dạy. Vào khoảng thế kỷ 18, Viotti, một người Italia nổi tiếng khác, đã định cư tại Paris và lập ra một trường phái, trong đó có cả Kreutzer, Rode, Baillot và nhiều nghệ sỹ violon ưu tú khác. Nhiều học trò của Tartini cũng đã tới Đức dạy học nhưng trường phái violon Đức lại không có được sự phát triển mạnh mẽ như ở Pháp.

Italia đã sản sinh ra một nghệ sỹ violon vĩ đại nhất mà thế giới chưa từng biết đến trước đó, Nicolo Paganini. Câu chuyện về cuộc đời của ông luôn nhận được sự quan tâm khác thường, nhưng không chỉ vì tài năng phi thường mà còn vì sự bi thảm và những bất công ông phải gánh chịu. Kỹ thuật của Paganini là xuất chúng vì ông có thể thực hiện được những tác phẩm khó chơi nhất mà không một người kế vị ông nào lặp lại được. Không còn hồ nghi gì nữa đó là kết quả của một quá trình tập luyện hết sức dài lâu. Từ nhỏ ông đã bị cha bắt tập violon nhiều giờ mỗi ngày và kết quả là sau đó ông say mê tập luyện một cách tự nguyện. Tuy Paganini đã không thiết lập được trường phái nào như Corelli hay Tartini vì những sáng tác của ông không có nhiều nét đặc biệt nhưng thành tựu từ kỹ thuật của ông đã đem lại một kiểu mẫu cho tất cả các nghệ sỹ biểu diễn sau này.

Ảnh hưởng lên Gluck và Mozart
Gluck tới Italia dưới sự bảo trợ của hoàng tử Melzi. Những sáng tác thời kỳ đầu của Gluck đều theo phong cách Italia, bao gồm các vở opera “Artaserse”, “Cleonice”, “Siface” và nhiều vở khác. Điều đó đã đem lại thuận lợi cho ông vì ông đã được mời tới London để trở thành nhà soạn nhạc tại Haymarket Theatre. Sau này, thành công tiếp tục đến với Gluck qua những cải cách trong thể loại opera đã phần nào làm lu mờ đi chính những sáng tác ban đầu của ông. Nhưng không thể nghi ngờ gì nữa, tất cả những phương pháp của opera Italia mà Gluck học được đã đem lại những thành công ấy.

Mozart đã tới Italia vào năm 1770 và sau đó cũng có một thời gian sống ở đây. Giống như Gluck, Mozart đã thu hái được thành công vang dội từ một loạt vở opera và nhận được nhiều danh hiệu, trong đó có tước hiệp sỹ. Một điều khác thường ở ông là có thể ghi lại một tác phẩm hoàn toàn bằng trí nhớ sau chỉ một lần nghe, đó là “Miserere mei, Deus” tác phẩm trứ danh của Gregorio Allegri, vốn chỉ được hát trong nhà nguyện Sistine của Apostolic Palace tại Vatican. Mặc dù Mozart là một thiên tài thiên bẩm nhưng không thể phủ nhận những ảnh hưởng của âm nhạc Italia trong những sáng tác của ông.

Những nhà soạn nhạc Italia ở nước ngoài
Nếu những nhà soạn nhạc nước ngoài đến định cư tại Italia thì cũng có nhiều nhà soạn nhạc Italia ra nước ngoài và thu được nhiều thành công ở đó. Theo cách đó, trong năm 1776, nhà soạn nhạc Giovanni Paisiello được giao phụ trách vấn đề âm nhạc tại cung điện Sa hoàng Nga và sau đó trở thành một phần quan trọng trong đời sống âm nhạc ở đây. Khoảng 10 hay 11 năm sau, Domenico Cimarosa cũng được trọng dụng ở Nga theo lời mời của Nữ hoàng Catherine II, trong khi Paisiello được Naponeon sùng bái. Năm 1792, Cimarosa tới Vienna để trở thành người có ảnh hưởng ở đây và sáng tác kiệt tác “Matrimonio Segreto”.

Rossini cũng là một nhà soạn nhạc Italia nổi bật ở nước ngoài. Vienna, London và Paris đều chứng kiến những thành công của ông. Những tác phẩm của Rossini, Bellini, Donizetti và Verdi thời kỳ đầu dù thể hiện ở bề mặt nhiều hơn là chiều sâu nhưng không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của họ trong âm nhạc thế giới. Sự vĩ đại của Rossini đã được công nhận bởi vở opera cuối cùng của ông, “William Tell”, trong tác phẩm này ông đã đạt tới trình độ cao hơn hẳn so với phong cách cổ truyền của những vở opera thời kỳ đầu.

Một nhà soạn nhạc vĩ đại hơn cả Rossini là Cherubini. Với sự cách tân trong những tác phẩm viết cho dàn nhạc, Cherubini được nói đến như một người Italia sống ở Pháp và viết âm nhạc Đức. Các khúc overture của ông vẫn còn được ngưỡng mộ và những vở opera của ông vẫn còn xuất hiện trên sân khấu, đặc biệt những tác phẩm mang tính chất thiêng liêng của thời kỳ cuối đời chứa đựng nhiều vẻ đẹp thuần khiết.

Suy tàn và phục hưng
Thế kỷ 19 được nhìn nhận như một thời kỳ suy tàn của âm nhạc Italia. Những nét duyên dáng, ngọt ngào của âm nhạc đã bị đánh mất, và ở đây không còn cả những Scarlatti hay Cimarosa để làm khuây khỏa đi sự buồn tẻ thời kỳ hậu trường phái Rossini. Trong khi nước Đức đã tìm được cho mình những Beethoven, Schumann và Wagner thì Italia vẫn đứng lặng. Người ta thấy rằng vào năm 1850 Italia hầu như không có phòng hòa nhạc. Một vài năm sau đó, Pinelli đứng ra tổ chức một buổi hòa nhạc tại Roma và chỉ có 60 nghệ sỹ tham gia. Nhưng đáng buồn là phòng vé chỉ thu được 14 franc. Nhà soạn nhạc Giovanni Sgambati dàn dựng một bản giao hưởng của Beethoven, nhưng phải móc tiền túi ra chi trả bởi vấp phải sự phản đối. Sự phản đối này đến từ hai phía, một là những người không thích khí nhạc và phía còn lại gồm những người đấu tranh chống lại ảnh hưởng của Đức. Nhưng chỉ đến năm 1870 nhờ sự ủng hộ của nữ hoàng, mọi việc mới dần được thiết lập lại. Kể từ đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu trả lại một phần trong “khoản nợ” mà họ đã vay từ Italia.

Cuối cùng Italia không ở lại lâu trong hoàn cảnh ấy, ít nhất là với opera. Những tác phẩm của Verdi thời kỳ cuối đã đem lại tiếng tăm cho Italia, trong khi “Cavalleria rusticana” của Pietro Mascagni đã đưa đến thế giới một hình mẫu mới về opera một màn và mang những xúc cảm mãnh liệt. Leoncavallo bước tiếp theo Mascagni và Puccini còn đưa ra một phong cách cao hơn cả Leoncavallo. Sgambati đã viết nhiều bản giao hưởng, Bossi cho ra đời nhiều bản organ concerto vĩ đại và nhiều tác phẩm quy mô lớn khác, trong khi các bản cantata và opera của Wolf-Ferrari đã được chào đón ở nhiều quốc gia. Trong âm nhạc viết cho nhà thờ đã có nhiều đổi mới do công sức của Perosi.

Italia đã trở thành quốc gia hàng đầu sau những gì đất nước này đem đến cho âm nhạc. Từ những bài hát tôn giáo thời kỳ đầu, Italia đã đưa đến sự phát triển của nghệ thuật đối âm, opera, oratorio, violin và piano, đem lại cho mình một vị trí vững chắc trong thế giới âm nhạc..

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)