Âm nhạc trong cuộc đời Heisenberg

Trong thời niên thiếu, điều khủng khiếp nhất mà Werner Heisenberg hình dung được là mẹ ông có thể sẽ bán mất chiếc piano của ông để mua thêm đồ ăn! Nhà bác học kiệt xuất vào bậc nhất thế kỷ 20 này đã từng có giấc mơ trở thành một nghệ sỹ piano.

Heisenberg bắt đầu học piano từ bao giờ thì không ai còn nhớ, nhưng có một điều chắc chắn là ngay từ năm 16 tuổi, ông đã đủ khả năng để biểu diễn các Rhapsody của Liszt và violin sonata của Grieg với người anh trai Erwin. Heisenberg đặc biệt say mê các concerto cho piano của Beethoven. Chỉ trong bốn năm tập luyện, từ 1932 đến 1936, ông đã gần như thuộc hết cả 5 bản concerto này. Ngay khi mới vào Khoa Vật lý Lý thuyết ở Leibzig, ông đã tìm ngay cho mình một chiếc piano để tiếp tục học.
Thực ra, từ 1927, Heisenberg đã được học nhạc với Hans Beltz, một nghệ sỹ piano có tiếng thời bấy giờ. Beltz đã dạy Heisenberg tất cả nền tảng lý thuyết cho việc tiếp cận âm nhạc: các cadenza, phép đối âm, hình thức sonata, lý thuyết về phức điệu, cách phát triển chủ đề…Từ đó, Heisenberg đã có thể tìm ra trong âm nhạc những nguyên lý có cấu trúc toán học mới mẻ mà ông chưa từng gặp trong khoa học thông thường. Heisenberg coi âm nhạc là một trong những nguồn gốc của cái đẹp và sự hài hòa. Chơi piano là một trong những cách giúp Heisenberg có thể đồng cảm với những nhà soạn nhạc vĩ đại và đem những tư tưởng của họ trở về với cuộc sống. Ông viết: “Những cách thức diễn tả của âm nhạc hay mỹ thuật tưởng chừng như khác xa so với khoa học chính xác, nhưng lại có thể vén lên những bí mật nội tại sâu sắc của sự vật, mà xét cho cùng, tất cả chúng đều liên quan đến những định luật toán học. Những định luật này có thể tự biểu lộ chúng một cách rõ ràng, giống như một bản fugue của Bach hay một hoa văn trang trí đối xứng. Hãy thử phân tích kỹ hơn vẻ đẹp của một giai điệu, chúng ta sẽ có thể phát hiện ra những đối xứng toán học đơn giản, giống như trong lý thuyết nhóm của các nhà toán học. Chẳng hạn như ở chủ đề hai trong chương một Concerto cho Violin giọng Rê trưởng của Beethoven, có một sự đối xứng tuyệt đẹp dễ dàng được nhận ra khi nhìn vào tổng phổ.” Chắc hẳn là Heisenberg đã không ít lần giới thiệu với các đồng nghiệp của ông về những quy luật có cấu trúc toán học này.

 
Buổi biểu diễn ở Munich nhân sinh nhật lần thứ 70 của Heisenberg

Đối với Heisenberg, âm nhạc còn là một phương thức tuyệt vời để giao tiếp. Thậm chí chính Heisenberg cũng đã từng “thú nhận” rằng âm nhạc gần với trái tim ông hơn là khoa học và công nghệ. Đến bất cứ nơi nào, Heisenberg cũng tìm kiếm cơ hội để biểu diễn cùng những người bạn. Sang Gottingen, ông cùng với Max Born chơi các piano concerto của Mozart và Beethoven trên hai đàn piano. Sang Copenhagen, ông biểu diễn cùng gia đình Bohr, thậm chí trong chuyến sang châu Mỹ năm 1929, ông cũng đánh đàn với các đồng nghiệp ở Boston và Montreal. Heisenberg cũng quen thân với khá nhiều nghệ sỹ tên tuổi, từng nhiều lần song tấu với các nghệ sỹ violin nổi tiếng như Karl Klinger và Denes Zsigmondy. Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Heisenberg, Dàn nhạc Đài phát thanh Bavarian đã mời ông cùng chơi một concerto cho piano của Mozart. Heisenberg mặc dù không tự nghĩ mình đủ chuyên nghiệp để làm một nghệ sỹ độc tấu nhưng vẫn nhận lời vì quá ham thích được chơi nhạc của Mozart với một dàn nhạc chuyên nghiệp. Khi được thông báo là màn trình diễn của mình sẽ được phát trên đài, Heisenberg đã bị sốc và cố ngăn lại chuyện đó.
  
Vì sao Heisenberg lại quyết định trở thành một nhà vật lý mà không phải là một nghệ sỹ piano? Có một lý do khách quan là, đôi tay của Heisenberg không đủ tố chất cơ học để có thể giúp ông trở thành một nghệ sỹ bậc thầy. Ông chưa bao giờ muốn ngồi bên cây đàn Steinway có âm thanh sắc sảo, mà thay vào đó ông chỉ khiêm tốn gắn bó với âm thanh mềm dịu của cây Blüthner mà ông đã tự mua cho mình bằng tiền nhận giải Nobel. Phong cách biểu diễn của Heisenberg rất thích hợp với hòa tấu thính phòng bởi tiếng đàn mềm mại, chân thành và giản dị của ông. Ông có khả năng biến chủ đề nhạc thành một bài hát, khiến nó ngân vang và khám phá những cấu trúc bí ẩn của nó.
Có một lý do nữa là, những xu hướng âm nhạc mới đầu thế kỷ 20 đã không thuyết phục được Heisenberg. Mặc dù trong khoa học, Heisenberg là một trong những người tiên phong sáng lập cơ học lượng tử và vật lý hiện đại, nhưng trong âm nhạc, ông vẫn mãi mãi tôn thờ vẻ đẹp của truyền thống cổ điển và lãng mạn. Ông viết: “Trong suốt thế kỷ 17, âm nhạc vẫn còn bị định hướng theo đời sống tôn giáo. Đến thế kỷ 18, thế kỷ của trường phái cổ điển, thế giới cảm xúc cá nhân đã bắt đầu hình thành. Và sang thế kỷ 19, âm nhạc đã chạm đến chiều sâu tận cùng của tâm hồn con người. Nhưng tôi thấy các sáng tác trong những năm gần đây không còn hấp dẫn như các thời đại đó nữa”.
Ông đã nhận thấy trong âm nhạc cuối thể kỷ 19, ở Wagner cũng như ở các nhà soạn nhạc ấn tượng người Pháp là Debussy và Ravel, cấu trúc hòa âm cổ điển đã bị sụp đổ. “Nếu những giới hạn của cách thức diễn đạt bị gạt qua một bên, và nếu trong âm nhạc, chúng ta có thể tạo ra bất cứ âm thanh nào mà chúng ta thích, thì mọi nỗ lực của người nghệ sỹ sẽ là vô ích”. Sau chiến tranh, ông cũng thường xuyên tham dự các buổi hòa nhạc, nhưng âm nhạc hiện đại vẫn còn xa lạ đối với ông và ông không cảm thấy thích nó. Kiểu âm nhạc mới với các quy tắc 12 âm dường như quá khó chấp nhận đối với Heisenberg. Ông đã viết trong nhật ký của những cảm giác buồn chán khi nghĩ về “thời đại hoàng kim của âm nhạc châu Âu đã ra đi mãi mãi.”  
Kiểu nhạc 12 âm do Acnold Schoenberg sáng tạo ra và được Thomas Mann đưa vào cuốn tiểu thuyết Doctor Faustus của mình. Trong những năm đầu thập kỷ 1940, có một sự trùng hợp kỳ lạ là những suy nghĩ của cả Heisenberg và Thomas Mann đều xoay quanh sáng tác cuối cùng của Beethoven, bản Piano Sonata số 32, Op.111. Trong cả một chương của cuốn tiểu thuyết Doctor Faustus, Mann đã nói về bản sonata của Beethoven và Heisenberg cũng đã phân tích kiệt tác này trong cuốn sách của ông về hiện thực và trật tự của nó (Reality and its Order). Trong những ô nhịp đầu chương biến tấu (Arietta: Adagio molto, semplice e cantabile), Mann đã viết rằng: “chủ đề trong sáng điền viên không hề biết có một định mệnh khắc nghiệt đang ngấm ngầm chờ đợi nó”. Ở chương nhạc này, Beethoven đã tạo ra sự tương đồng giữa âm nhạc và những số phận con người trong thời đại của nhà soạn nhạc. Về phần Heisenberg, ông đã cố gắng qua chương nhạc này giải mã tính hiện thực và trật tự của nó bằng một phương pháp có hệ thống và tới một độ chính xác tối đa của ngôn ngữ. Chủ đề Arietta ở đây đã cung cấp cho ông một ví dụ về “những thực thể hoàn toàn thuần khiết của tư duy và tách rời khỏi mọi thứ trần tục”, chúng chỉ có thể được tạo ra bởi những người giống như Beethoven, những người có được sức mạnh sáng tạo của tâm hồn.
Ngược lại với Thomas Mann, Heisenberg không dùng nhiều ngôn từ để mô tả chủ đề nhạc này, bởi vì ông không có khả năng nói về những điều tối hậu. Thay vào đó, âm nhạc sẽ phải tự nói, thậm chí chỉ qua hình ảnh của một tổng phổ. Bây giờ, nếu muốn nói chuyện với một người thân thiết nào đó, với bố, hoặc với vợ chẳng hạn, Heisenberg chỉ bước đến và ngồi xuống bên cây đàn piano, diễn tả qua âm nhạc những gì mà ông muốn nói.
Xem thêm:
• Heisenberg’s letters (werner-heisenberg.unh.edu)
• Heisenberg – Reality and its Order
• Heisenberg – Physics and Beyond
• Barbara Blum – Heisenberg and Music (werner-heisenberg.unh.edu)

TT

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)