Âm nhạc và trái tim

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra rằng Luwig van Beethoven đã soạn nhạc theo nhịp đập trái tim mình. Theo họ, những nhịp điệu ấn tượng trong một số tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc có thể xuất phát từ chứng loạn nhịp tim của ông.

Một nhóm nghiên cứu ở Đại học Michigan và Đại học Washington gồm các chuyên gia tim mạch, chuyên gia lịch sử y khoa và chuyên gia âm nhạc học đã công bố nghiên cứu nói trên trên tờ Perspectives in Biology and Medicine, trong đó phân tích một số sáng tác của Beethoven để tìm ra manh mối về tình trạng tim mạch của nhà soạn nhạc mà một số người cho rằng ông mắc phải.

Nghiên cứu kết luận rằng nhịp điệu của một số đoạn nhạc trong các tác phẩm nổi tiếng của Beethoven có thể đã thật sự phản ảnh nhịp tim bất thường của ông.

Nhà nghiên cứu Joel Howell ở Trường Y thuộc Đại học Michigan nói: “Âm nhạc của Beethoven có thể đã được ông cảm nhận bằng cả trái tim theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhịp tim bất thường do bệnh tật đập theo những mô hình có thể dự đoán được. Và chúng tôi đã nghe thấy những mô hình nhịp điệu ấy trong nhạc của ông. Sự đồng vận giữa trí óc và cơ thể định hình nên cách chúng ta trải nghiệm thế giới. Điều này đặc biệt rõ ràng trong thế giới của nghệ thuật và âm nhạc vốn phản ảnh rất nhiều trải nghiệm nội tâm.”

Nhóm nghiên cứu tiến hành tìm hiểu các mô hình nhịp điệu trong một số tác phẩm có khả năng đã phản ảnh chứng loạn nhịp tim của Beethoven, chứng bệnh khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc có nhịp đập bất thường. Kết quả cho thấy, những thay đổi đột ngột và bất ngờ về tốc độ và điệu thức trong nhạc của Beethoven dường như ăn khớp với các mô hình nhịp tim bất đối xứng đó. Lấy ví dụ chương cuối “Cavatina” trong bản Tứ tấu đàn dây giọng Si giáng trưởng Op. 130, một tác phẩm mang nặng cảm xúc mà Beethoven từng thổ lộ rằng nó luôn khiến ông khóc. Ở giữa bản tứ tấu, điệu thức đột ngột chuyển sang cung Đô giáng trưởng kéo theo một nhịp điệu mất thăng bằng, gợi lên cảm xúc u ám, mất phương hướng và một trạng thái gọi là “cơn thở gấp”.

Trong các chỉ dẫn của nhà soạn nhạc dành cho nhạc công, đoạn nhạc này được đánh dấu là “beklemmt”, nghĩa là “tâm hồn trĩu nặng” trong tiếng Đức. Theo nhóm nghiên cứu, “tâm hồn trĩu nặng” có thể mang nghĩa là nỗi buồn nhưng cũng có thể là từ miêu tả cảm giác về áp lực, một loại cảm giác liên quan đến bệnh tim. Họ khẳng định: “Tính chất loạn nhịp trong đoạn nhạc này là không thể bác bỏ.”

Nhóm nghiên cứu cũng nhận dạng được các mô hình loạn nhịp trong một số tác phẩm khác. Họ nghiên cứu Piano Sonata giọng La giáng trưởng Op. 110 – bản sonata thứ hai trong chùm ba tác phẩm cuối cùng của Beethoven ở thể loại này – và phần mở đầu của bản Sonata “Les Adieux” (sonata Op. 81a, giọng Mi giáng trưởng) được viết trong thời kỳ quân Pháp tấn công Vienna năm 1809.

Người ta cho rằng Beethoven mắc một loạt các vấn đề về sức khỏe như viêm đại tràng, bệnh Paget xương (hay còn gọi là bệnh viêm xương biến dạng), bệnh gan, bệnh lạm dụng rượu, bệnh thận cùng chứng bệnh điếc thường được nhắc đến nhiều nhất. Nhóm nghiên cứu cho rằng chính căn bệnh này có thể đã khiến các giác quan khác trở nên nhạy bén hơn, thậm chí khiến ông nhận biết được nhịp tim của mình rõ ràng hơn.

Zachary Goldberger, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, nói: “Chúng tôi không thể chứng minh hay bác bỏ việc Beethoven mắc nhiều căn bệnh như người ta đồn đoán, bởi thế kỷ 18 không có những xét nghiệm chẩn đoán y khoa như ngày nay. Chúng tôi chỉ diễn giải các miêu tả y khoa từ mấy thế kỉ trước sang bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, từ các triệu chứng và mối liên hệ phổ thông giữa hiện tượng nhịp tim bất thường với nhiều căn bệnh khác nhau, chúng tôi có lý do để đưa ra giả định rằng Beethoven mắc chứng loạn nhịp tim – và các tác phẩm kể trên có thể là những kết quả ‘điện tâm đồ bằng âm nhạc’.”

“Có thể những đoạn ‘loạn nhạc’ này chỉ đơn thuần là biểu hiện thiên tài của Beethoven, nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại khả năng là nhịp đập của trái tim thiên tài đã chi phối một số kiệt tác vĩ đại nhất mọi thời đại.”

“Kê đơn” bằng âm nhạc

Một nghiên cứu khác của Đại học Oxford đối với các sáng tác của Verdi, Beethoven và Puccini lại chỉ ra rằng có thể sử dụng các nhạc phẩm phù hợp với nhịp điệu của cơ thể để kiểm soát tim mạch.

Nghiên cứu này khám phá ra rằng khi chúng ta nghe nhạc có nhịp điệu 10 giây lặp đi lặp lại, huyết áp sẽ hạ xuống, từ đó làm nhịp tim chậm lại. Các bản nhạc đáp ứng tiêu chí trên là “Va Pensiero” của Giuseppe Verdi, bản “Nessun Dorma” của Giacomo Puccini, và chương Adagio trong bản Giao hưởng số 9 của Beethoven. Bản “Ave Maria” bằng tiếng Latin của Franz Schubert cũng có hiệu ứng tương tự; tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng khi ca từ trong bản này được dịch sang thứ tiếng khác, nhịp điệu sẽ thay đổi.

Ngược lại, nhạc rock, pop và các bản nhạc cổ điển khác lại có tác động rất ít – hoặc thậm chí còn làm tăng huyết áp. Sở thích âm nhạc không đóng vai trò gì đáng kể ở đây. Nhạc êm dịu dễ làm bình tâm người nghe, dù họ thích nhạc có tiết tấu nhanh hơn.

Các chuyên gia tim mạch khảo sát một số nghiên cứu được tiến hành trong hơn hai thập niên qua về tác động của các loại nhạc khác nhau đối với huyết áp và nhịp tim. Sau đó, họ kiểm chứng các giả thiết đối với sáu loại nhạc khác nhau trong một nhóm nhỏ sinh viên.

Kết quả là, nhạc cổ điển tốc độ chậm theo nhịp 10 giây có tác động lớn nhất đến việc giảm huyết áp. Nhạc cổ điển có tốc độ nhanh hơn, bao gồm một trích đoạn trong tổ khúc “Bốn mùa” của Vivaldi, không có tác động nào đối với huyết áp. Trong khi đó, các ca khúc của nhóm nhạc rock Red Hot Chilli Peppers có tác động làm tăng nhịp tim. Theo các chuyên gia, phát hiện này cho thấy việc dùng liệu pháp âm nhạc làm bình tâm con người có thể khá đơn giản vì không cần điều chỉnh cho từng cá nhân.

Tác giả của phát hiện trên, GS Peter Sleight, chuyên gia tim mạch ở Đại học Oxford, nói: “Âm nhạc vốn đã và đang được sử dụng làm liệu pháp an thần nhưng chưa đi kèm với nghiên cứu nào để chứng minh cho tính hiệu quả của nó. Nghiên cứu của chúng tôi góp phần làm rõ tác động của âm nhạc, cụ thể là của nhịp điệu, đối với tim mạch ra sao. Tuy vậy, vẫn cần tới những nghiên cứu có sức thuyết phục hơn để giảm bớt sự hoài nghi về vai trò trị liệu của âm nhạc.”

GS Jeremy Pearson, Phó giám đốc Y khoa của Quỹ tim mạch Anh, nói: “Chúng ta biết rằng căng thẳng đóng một vai trò nhất định trong bệnh tim mạch, vì vậy âm nhạc có thể là một liệu pháp an thần tiềm năng. Tuy nhiên, như GS Sleight đã chỉ ra, cần có thêm nhiều bằng chứng vững chắc hơn để các bác sĩ tim mạch có thể ‘kê đơn’ bằng âm nhạc.”

Một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy âm nhạc có thể cải thiện khả năng phục hồi ở các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Trong nghiên cứu do Đại học Nis ở Serbia thực hiện năm 2013, các bệnh nhân tim mạch được chia thành ba nhóm. Một nhóm tham gia các lớp rèn luyện thể chất, một nhóm vừa tham gia rèn luyện thể chất vừa nghe nhạc theo sở thích với thời lượng nửa giờ mỗi ngày, và một nhóm chỉ nghe nhạc mà không tập luyện. Kết quả là nhóm nghe nhạc kết hợp rèn luyện thể chất có sự cải thiện về chức năng tim tốt nhất. Khả năng tập luyện của nhóm này cũng tăng lên đến 39%.

Ngọc Anh tổng hợp,
Trang Bùi hiệu đính  

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)