Ấn Độ, Pakistan và bom: PHẦN 2. “TRẺ CON ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG”
Thánh chiến và Thần Chết Hiệp ước Cấm thử Toàn diện và rút bớt các kho siêu vũ khí được đưa ra thương thuyết vào năm 1996. Nhưng năm cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc vẫn khăng khăng quyết định giữ lại các kho vũ khí hạt nhân của họ. Thực tế mỉa mai này đã chỉ làm tăng thêm sự cuồng nộ trong những vận động hành lang cho việc chế tạo bom ở Ấn Độ và Pakistan.
Những vấn đề trong nước cũng gây nhiều áp lực. Ấn Độ đã từng chứng kiến sự phát triển ngày càng mạnh của chủ nghĩa dân tộc Hindu. Trong hàng thập kỷ, những đảng đi theo tư tưởng này, chẳng hạn như Đảng Bharatiya Janata (BJP) đã tán thành việc xây dựng tiềm lực quân sự mạnh hơn nữa, bao gồm cả các vũ khí hạt nhân. Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi chính BJP đã đòi thực hiện các vụ thử hạt nhân ngay sau khi nó lên nắm quyền vào tháng 3/1998.
Các thử nghiệm của Ấn Độ lại một lần nữa châm ngòi cho sự kích động của Pakistan, bây giờ Pakistan lại có thêm một lý do hoàn hảo để đẩy mạnh các vụ thử. Và ở đây, một lần nữa, lại là các tín đồ cực đoan đòi làm bom. Năm 1993, Qazi Hussain Ahmad của Jamaat-e-Islami, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Pakistan, đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ bắt đầu thánh chiến vì Kashmir. Với một trận chiến lớn, đất nước Pakistan với vũ khí hạt nhân trong tay sẽ làm nhụt chí Ấn Độ”.
Sau những vụ thử của Ấn Độ, sự can thiệp bằng ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc cũng đã xoa dịu được phần nào lò lửa hạt nhân ở Pakistan. Thêm vào đó, những nhà phân tích và những người vận động chống hạt nhân đã nhắc lại cho Ấn Độ và Pakistan các hậu quả không hay về sự trừng phạt kinh tế vẫn luôn đi kèm theo sau các vụ thử. Họ khuyên rằng, Pakistan không nên chạy đua theo Ấn Độ, cứ để Ấn Độ phải một mình đối mặt với sự phẫn nộ của quốc tế. Nhưng lời khuyên đó là vô hiệu. Chỉ ba tuần sau các vụ nổ của Ấn Độ, Pakistan tiếp tục dấn thân vào vòng xoáy đáng sợ của thử nghiệm hạt nhân.
Các đám mây bụi trong những vụ thử của Pakistan vào ngày 11/5/1998 |
Trong nhiều trường hợp, những tín hiệu địa chấn nhỏ từ các vụ thử đã khiến người ta nghi ngờ về sức nổ của những quả bom mà hai nước này vẫn loan tin. Các số liệu mà Ấn Độ đưa ra để làm bằng chứng thường bị thiếu sót nghiêm trọng. Chẳng hạn, một đồ thị về sự sinh phóng xạ hoàn toàn bị thiếu những đơn vị cần phải ghi trên các trục. Các nhà khoa học ngoài cuộc không tài nào có thể xác minh được những điều mà hai nước này tuyên bố về tiềm lực vũ khí của họ.
Những người phản đối mặc những bộ đồ thần Chết và mang cờ Ấn Độ tập trung trước đại sứ quán Pakistan ở New Delhi sau những vụ thử hạt nhân của Pakistan năm 1998. Một số người còn mang theo những chai sữa trẻ con để nhạo báng Pakistan là một đất nước trẻ con. Tuy nhiên, chúng ta cũng không rõ là liệu những người này có phản đối chính những vụ thử hạt nhân của Ấn Độ đã diễn ra vài tuần trước đó hay không. |
Dù sao đi chăng nữa thì những cuộc thử nghiệm này cũng đã làm thay đổi trầm trọng tình hình quân sự ở Nam Á. Chúng đã kích thích sự phát triển của các vũ khí hiện đại, các tên lửa, các tàu ngầm và các hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Tháng 8/1999 Ấn Độ đã dự định triển khai các vũ khí hạt nhân theo một thế chân kiềng bao gồm “không quân, các tên lửa mặt đất di động và các căn cứ trên biển”. Một hệ thống như vậy ngốn tới khoảng 8 tỷ đô la. Hồi tháng giêng, Ấn Độ cũng đã từng tuyên bố là sẽ triển khai một loại tên lửa tầm xa mới của nước này. Một tháng sau, trưởng đại diện hải quân Pakistan cũng tuyên bố rằng, Pakistan đang nghĩ đến việc sẽ trang bị các tên lửa hạt nhân cho ít nhất một trong những tàu ngầm của nước này.
Phải tìm ra một kịch bản khôn ngoan hơn
Các tên lửa bay qua bay lại giữa hai nước này chỉ mất từ 3 đến 5 phút, do đó những hệ thống cảnh báo sớm là vô dụng. Các nhà cầm quyền có lẽ sẽ không thể biết được đối phương đã bấm nút phóng tên lửa cho đến khi họ ló đầu ra ngoài cửa sổ và nhìn thấy một quầng sáng chói mắt của vụ nổ. Do đó, họ sẽ luôn phải để sẵn những ngón tay lên các nút bấm hoặc làm những việc tương tự như vậy.
Về đại để là có hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất giả sử rằng, Ấn Độ đi quá một số giới hạn trong một cuộc chiến. Quân đội nước này áp sát ngoại ô Lahore, tàu chiến của nước này cũng phong tỏa vùng Karachi. Và Pakistan đáp trả với một sự cảnh cáo bằng những vũ khí hạt nhân chiến thuật. Kịch bản thứ hai giả định rằng, trong những tình huống tương tự, Pakistan cho là một sự cảnh cáo sẽ không hiệu quả và quyết định tấn công trực tiếp một thành phố của Ấn Độ. Hồi năm 1998, một trong các tác giả của bài viết này (Ramada) đã thực hiện những tính toán đầu tiên về sự thiệt hại khi Bombay bị thả xuống một quả bom cỡ trung bình có sức nổ 15 kiloton. Sau vài tháng đầu tiên, từ 150.000 đến 850.000 người sẽ chết.
Quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị cho những cơn ác mộng không thuần túy là ác mộng này. Họ đã thực hiện những cuộc tập trận lớn nhất chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ vừa qua. Mười nghìn quân được yểm trợ bởi xe tăng và máy bay đã tập trận ở khu vực gần biên giới với Pakistan. Ấn Độ đã muốn thể hiện rằng, mục đích của cuộc tập trận là để rèn luyện quân đội chiến đấu trong “một môi trường chiến tranh hóa học, sinh học và hạt nhân,” cũng như “dạy cho kẻ thù một bài học nhớ đời.” Trong một đợt tập trận khác, họ đã đặt ra “tình huống chiến tranh mà trong đó máy bay đối phương mang một đầu đạn hạt nhân”. Abdul Kalam, người đứng đầu chương trình tên lửa của Ấn Độ đã nói rằng, các vũ khí hạt nhân của Ấn Độ “đang được thử nghiệm cho các tác chiến quân sự… để rèn luyện lực lượng của chúng tôi”.
Thậm chí cho đến trước sự kiện 11 tháng 9 ở Mỹ, Nam Á đã có công thức cho một cuộc chiến hạt nhân, nó bao các yếu tố sau: phát triển bom và tên lửa, triển khai các vũ khí hạt nhân, những phòng ngừa sơ sài để tránh việc sử dụng trái phép những vũ khí này, sự gần gũi địa lý, leo thang xung đột ở Kashmir, các động thái tôn giáo cực đoan mang tính quá khích quân sự, và những người đứng đầu dường như tỏ ra lạc quan trước các mối họa của bom hạt nhân.
Khi Mỹ chỉ huy liên quân tấn công các mục tiêu ở Afghanistan, Ấn Độ đã nhanh tay cung cấp các căn cứ không quân và hỗ trợ hậu cần nhằm mục đích cô lập Pakistan. Ấn Độ đã cố gắng gắn chặt các vần đề của họ ở Kashmir với sự quan tâm toàn cầu về nạn khủng bố. Các quan chức Ấn Độ thậm chí đã đe dọa tấn công các đường tiếp tế của Pakistan và tìm cớ để gây đánh nhau ở Kashmir. Pakistan thì đã phải cân nhắc kỹ trước khi đồng ý hỗ trợ cho cuộc chiến chống Taliban, bởi vì từ lâu nước này đã nhận ra cả lợi thế về địa chính trị của họ cũng như những mối nguy hại làm mất ổn định đời sống nhân dân. Những mưu lược ngoại giao mang đầy tính chất cơ hội của cả Ấn Độ và Pakistan đã chỉ làm xấu đi triển vọng hòa bình. Sự dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đã chỉ tạo thuận lợi về kinh tế cho hai nước này tiếp tục đổ tiền vào vũ khí.
Chính sánh không phổ biến hạt nhân của phương Tây rõ ràng là không hiệu quả. Nó chủ yếu dựa trên việc kiểm soát nguồn xuất khẩu và ngăn chặn việc tiếp cận các công nghệ hạt nhân. Chính chương trình của Pakistan đã cho thấy rằng, chính sách kiểu như vậy là không thỏa đáng. Bất cứ chiến lược hiệu quả nào cho việc chống phổ biến hạt nhân cũng cần phải chú trọng đến phương diện nhu cầu – tức là những chính sách phải đảm bảo rằng, các nước sẽ không cần phát triển bất cứ thứ vũ khí hạt nhân nào để đảm bảo an ninh cho chính họ. Những biện pháp nhắm vào nhu cầu chính là quá trình để tiến đến sự cắt giảm hạt nhân toàn cầu. Một số người lý luận rằng, “sự cắt giảm hạt nhân” và “sự không phổ biến hạt nhân” chẳng liên quan gì đến nhau cả. Nhưng theo như George Perkovich (thuộc Quỹ W. Alton Jones) đã viết trong nghiên cứu nổi tiếng của ông về chương trình hạt nhân Ấn Độ, cái lý luận như vừa rồi chính là “sự ảo tưởng lớn nhất của thời đại hạt nhân”.
SẢN XUẤT VẬT LIỆU CHO VŨ KHÍ HẠT NHÂN
Công đoạn khó nhất của việc chế tạo vũ khí hạt nhân là sản xuất nhiên liệu, đó có thể là plutonium hoặc uranium được làm giàu ở mức độ cao. Xuất phát điểm là uranium tự nhiên, có 99,3% uranium 238 và 0,7% uranium 235. Chỉ uranium 235 mới duy trì phản ứng dây chuyền. Để làm một quả bom uranium, người ta phải tăng hàm lượng uranium 235 lên 80% hoặc hơn. Ấn Độ và Pakistan đều có những cơ sở làm giàu uranium rất hiện đại, sử dụng những máy li tâm tốc độ cao.
Plutonium cũng là một loại nhiên liệu bom, nhưng nguyên tố này không có trong tự nhiên. Nó được sinh ra bằng cách chiếu xạ uranium trong các lò phản ứng hạt nhân, sau đó được tách ra theo một quá trình hóa học được gọi là sự tái xử lý.