Ảo ảnh trêu ngươi và những mảnh vỡ của niềm tuyệt vọng

Phải minh định rằng quan niệm “truyện cực ngắn là một thể loại bình dân” như có người từng nói là một quan niệm hết sức phiến diện và sai lầm.

Rơi vào tay cao thủ thì một lá cỏ mong manh không những có thể triển khai được một tầm sát thương rộng lớn mà còn thể hiện được một đường bay thanh thoát, phiêu diêu. Xưa nay không hề có cái gọi là thể loại bình dân hay quý tộc mà chỉ có người sử dụng thể loại ấy quý tộc hay bình dân mà thôi. Ngôn ngữ nói chung và thể loại nói riêng tự bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Ta nói cái gì và nói như thế nào mới chính là điều cốt tủy. Nếu như có sức nén của tư tưởng thì một quyển tiểu thuyết, một dòng thơ ngắn hay vài ba dòng chữ cũng gây nên một hiệu ứng thẩm mỹ như nhau. Cho đến giờ nhiều người vẫn chưa xem trọng đúng mức vai trò của truyện cực ngắn, chỉ coi trọng đến chức năng giải trí, như một chỗ ghé qua thoáng chốc rồi thôi.

Không cần biện giải dài dòng, chỉ đưa ra một hình ảnh rồi ngay lập tức rút lui, truyện cực ngắn đôi khi hiện ra như một công án Thiền. Sự khai ngộ có thể diễn ra trong một chớp mắt nhưng sự cảm thụ có thể kéo dài qua tháng năm mà mỗi lần đọc lại là một lần cảm thấy tươi mới. Đó là sự dồn nén năng lượng ngôn từ đến cực hạn để chỉ phóng ra một chiêu duy nhất, chỉ trong chiêu đó thôi là đủ phân chia thắng bại, có thể gọi là “nhất kích tất sát” hay cùng lắm là “lưỡng bại câu thương”. Sự khó khăn này đã khiến cho nhiều người e ngại vì viết dài bao giờ cũng dễ hơn là rút ngắn. Ta có thể viết tràng giang đại hải nhưng cuối cùng chẳng nói lên được điều gì cả. Cứ cho hai nhân vật gặp nhau kể lể cà kê dê ngỗng là ra một quyển tiểu thuyết thôi. Trái lại, truyện cực ngắn không có chỗ cho hoa mỹ ngôn từ hay múa may bay bướm. Đơn giản và sắc bén hết mức có thể,  truyện cực ngắn là lưỡi phi đao của Lý Tầm Hoan trong một khoảnh khắc có thể đâm xuyên yết hầu anh mà không tự biết. Và rồi sau cái chết ấy là sự tái sinh.

Nếu tác gia có tư tưởng, những truyện cực ngắn sẽ là một chuỗi liên hoàn, những mảnh vỡ của một thế giới riêng biệt mà ta có thể hình dung bằng cách lắp ghép chúng lại với nhau như trò chơi xếp hình. “Một trong tất cả và tất cả trong một”. Có thể nói công cuộc sáng tạo là sự phát kiến tâm linh. Qua cái chỉ tay của bản thân ta mà sự vật có thể hiện ra một tiếng nói, dù là phảng phất mơ hồ. Sự rèn luyện tâm linh chính là sự khơi dậy những bản năng nghệ thuật. Trước truyện cực ngắn, con người ta thể hiện rõ nhất bản chất của mình mà vốn có thể bị che mờ đi trong sự diêm dúa phù hoa của ngôn từ dông dài ở các thể loại khác. Việc nói lên tư tưởng bằng hình ảnh khiến cho ta cũng có thể suy ra được tầm tư tưởng của tác giả thông qua hình ảnh được gợi ra trong tác phẩm. Nói như Thanh Tâm Tuyền thì tác giả cần phải “sống thường trực bằng hình ảnh”.

Nhìn vào thực trạng sáng tác truyện cực ngắn ở Việt Nam hiện nay, ta thấy một sự thiếu vắng toàn diện cả về sáng tác, phê bình lẫn tiếp nhận. Người sáng tác thiếu một hệ tư tưởng rõ ràng, người đọc thiếu một hệ thống mỹ học tiếp nhận, phê bình thiếu những bài viết chuyên sâu.

Chính vì vậy, những tập truyện cực ngắn ra đời đều là thử nghiệm cho cả người viết và người đọc. Có những thử nghiệm gây bất ngờ như tập truyện cực ngắn của tác giả Lưu Đức Trung.

Những người đã biết đến một giáo sư Lưu Đức Trung điềm đạm qua những công trình nghiên cứu về văn học Nhật Bản và Ấn Độ hay một người thơ với những bài haiku hiền minh “Mảnh ngói rơi/giật mình/ánh trăng soi”, “Dưới bóng trăng thanh/ bóng người lữ thứ/ dạo bước vườn hồng” hẳn sẽ rất bất ngờ trước một Lưu Đức Trung tươi trẻ, đắm say, khao khát trong thế giới truyện cực ngắn. Quả thật người thơ không có tuổi. Vì thế, ta cứ tạm gọi là Chàng.

Như một thanh niên mới bước vào đời, còn ham mê đưa tay “vói bắt mấy hương màu, miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc” (Bùi Giáng) để rồi vướng lấy chua cay, cái ngỡ-là-hạnh-phúc đã tan thành ảo ảnh, truyện cực ngắn của Chàng phơi bày một thế giới đam mê và tất nhiên, sau đó là khổ lụy. Chàng chới với giữa hai bờ hư thực, đuổi bắt bong bóng bảy màu để rồi nhận thấy toàn là hoa đốm giữa hư không. Như Chàng đã thú nhận:

Trước mắt tôi vẫn là cái bong bóng mà từ xưa tôi đã đuổi bắt. Nó cứ bay lơ lửng khi thấp khi cao trong không trung, lúc thì lóe những màu sắc xanh đỏ tím vàng thật kỳ diêu, nhưng có lúc nó cũng trong veo… Dù thất vọng tôi vẫn cứ đeo đuổi. Hình như tôi ngày ngày cứ đeo đuổi như vậy thấy đời vui hơn. Nó như là một trò chơi trẻ con cứ tung tăng đuổi bắt con bướm, dù không bắt được  vẫn vỗ tay reo vui. Tôi cảm nhận cái vui nho nhỏ thường nhật đó cộng lại trở thành niềm hạnh phúc. Hạnh phúc đó dù ngắn ngủi, chốc lát hay lâu dài… đều là hạnh phúc.

Hạnh phúc, tuy nhiên, đối với Chàng lại không phải là thứ gì trừu tượng. Một chiếc nơ xanh, bông sen trắng, một đôi mắt lấp lánh, đám mây hồng hay mái tóc dài. Tuy gần gũi như vậy nhưng lại thật xa xôi, cứ hiện diện ngoài tầm tay với. Chàng lại vỡ mộng và tuyệt vọng. Nhưng không nản chí, vì kiếm tìm dường như là ý nghĩa sống của cuộc đời Chàng nên Chàng tiếp tục lang thang và lại vấp phải niềm tuyệt vọng để rồi lại chìm đắm trong cõi mơ màng.

Đó đại khái là thế giới truyện cực ngắn của tác giả Lưu Đức Trung qua tập Đuổi bắt bong bóng* mà mỗi truyện là một mảnh vỡ, một tấm nhỏ trong bức tranh ghép hình. Để cho công bằng, chúng ta phải thừa nhận rằng Chàng đã thấu hiểu bi kịch của mình và thâu gọn lại nỗi niềm của mình trong các “phiến khúc vô thanh”:

Ta muốn hóa thân cùng bong bóng bay cao vươt không gian này để lên tận bầu trời xanh; nhưng bất chợt ta thấy những giọt nắng rọi qua kẽ lá rơi trên đỉnh đầu đốm bạc khiến mắt ta nhòa đi và chỉ thấy đốm vàng đốm xanh trong ánh nắng.

Nhưng Chàng không thể dừng lại. Cái ảo ảnh của hạnh phúc vẫn đuổi bám theo Chàng (hay chính xác là Chàng vẫn luôn hoài mê đắm ảo ảnh) như bóng hình của Thu. Chàng rên rỉ, Chàng khóc than:

…Hình bóng Thu vẫn theo tôi suôt cuộc đời. Thu vẫn sánh vai cùng tôi dạo bước dưới ánh trăng vàng  quanh  hồ nước xanh biếc. Thu vẫn ru tôi ngủ khi gió heo may về xào xạc lá vàng. Thu tỉ tê bên tai tôi như những giọt mưa tí tách ngoài hiên. Thật hạnh phúc khi Thu đưa lên môi tôi quả hồng chín mọng với bàn tay nõn nà của nàng. Thu còn rót cho tôi chén trà pha sương phảng phất hương sen cuối hạ. Đêm trăng hoa quỳnh nở, Thu hát cho tôi nghe bài hát quen thuộc “Mùa thu còn đó” với giọng ca đầy quyến rũ… “Xin đừng nói thu chết, không, thu vẫn sống đem hình bóng cho cuộc đời…”.

và lại đầy thắm thiết:

Ôi! Thu vẫn sống với tôi như vậy trong cuộc đời này.

Chàng tìm cách dỗ dành cái tâm hồn đau đớn bằng vào những lời phỉnh gạt, bằng vào những giấc mơ ám ảnh như một cái giá phải trả cho “cái án phong lưu khách tự mang”. Chỉ trong mơ, Chàng mới gặp được bông sen trắng, mới tưởng mình đã đến được chân trời, “thấy tim tràn đầy nước màu hồng đang rửa sạch những vết thương bên trong cơ thể”, mới được cùng người thương đi đến cuối đường “trong giấc say”. Nhưng thường mơ càng càng đẹp thì tỉnh càng đau. Chàng biết và chàng muốn tìm diệt đi cái bong bóng ảo ảnh. Nhưng thất bại vì  “ngươi và cả loài người của ngươi chẳng bao giờ tiêu diệt được ta, ta được tạo ra bằng chất liệu đặc biệt, chất liệu đó không tìm thấy trên trái đất này. Trừ khi ngươi chết nằm dưới mặt đất, lúc đó ta sẽ theo ngươi và ta sẽ biến ngươi thành một bông hồng đỏ tươi thắm”. Cái chất liệu đặc biệt ấy chính là những tập khí di truyền nội tại và ngoại tại, của Mạt na thức không ngừng khuấy động con người ta vọng động lang thang tìm kiếm những vật ngoại thân và cho đó là hạnh phúc. Nhưng hẳn nhiên, đó không bao giờ hạnh phúc thật sự. Bình an sẽ đến khi người ta biết dừng lại, nhìn sâu vào chính bản thân mình và thấy mình cũng đủ đầy châu báu, không cần phải kiếm tìm đâu xa. Nhưng đó là một câu chuyện khác. Chúng ta chỉ cần biết rằng Chàng Lưu (tức Lưu Đức Trung mà cũng có thể là Chàng Lưu, Chàng Nguyễn đi tìm Thiên Thai) này đã tận tụy kiếm tìm, đã chết bao lần trên mặt đất để thấy trên bàn mình một bông hồng đỏ. Bông hồng tươi thắm ấy chính là tập truyện cực ngắn này đây. Sự sáng tạo không ngừng trôi chảy ấy đã làm cho bao hàng cây phải im tiếng rì rào trước màu hồng im lặng và kiêu hãnh.

Cuối cùng xin trích dẫn ra đây một truyện như một lời vĩ thanh mà theo thiển ý là tuyệt diệu nhất trong tập này. Truyện bảng lảng như sương, như một bài thơ du dương, hình ảnh truyện hiện ra như một bức tranh đẹp và buồn. Đó là truyện Em rất thích mưa:

Chiều nào cũng vậy, khi hoàng hôn buông xuống đã thấy đôi trai gái cùng đi cùng tâm sự trên con đường vắng.

Một hôm hai người đang đi trời bắt đầu rơi vài hạt mưa. Người con trai nhìn lên trời và nói: “Trời sắp mưa rồi em ạ!” Người con gái không trả lời vẫn bình thản đi. Đi một đọan mưa rơi nặng hạt, người con trai bảo: “Ta vào trú mưa đi em!”. Người con gái nhìn lên trời, đưa bàn tay đón những hạt mưa rơi và nói: “Em rất thích mưa”. Cô ta vẫn chậm rãi bước, càng đi mưa càng to dần. Người con trai kéo tay người con gái lên vỉa hè trú mưa. Người con gái không chịu lên vẫn đi tiếp dưới mưa. Người con trai đành đứng một mình dưới hiên ngôi nhà cạnh con đường, anh đưa mắt nhìn theo bóng ngừoi yêu đi trong mưa cho đến lúc trời tối đen lại.

Chiều hôm sau khi hoàng hôn buông xuống người ta không thấy đôi trai gái đó dạo bước trên con đường vắng nữa.   

Một nỗi niềm tan vỡ. Nhưng vì đâu ư? Cơn mưa chợt mở hai lối người, tôi đứng buông tay với ngậm ngùi, em về tóc ướt và mắt ướt, đường nhỏ chẳng còn ai sánh đôi. Để rồi riêng biệt trong thế giới, hư ảo bay qua một thoáng đời.

Nagoya, tháng 4/2012

* NXB Lao Động và Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây xuất bản tháng 11/2012; Số trang: 88; Kích thước: 13.5 x 20.5cm; Giá bìa: 22.000 đồng

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)