Austerlitz: Hồi ức của hồi ức của hồi ức

Ai mau quên, kẻ đó có nhiều cơ hội hơn để sống hạnh phúc. Sebald, một trong những nhà văn Đức nổi tiếng nhất của thế hệ mình, nói trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi bất ngờ qua đời trong một tai nạn ở tuổi 57 vào năm 2001.

Cuốn Austerlitz, Một cái tên của ông khi đó mới xuất bản được một thời gian ngắn. Giữa những lần trượt dài của hồi ức và giấc mơ trong tiểu thuyết ấy, một nhân vật đã nói về những người đã chết quay lại dương gian trong bộ dạng co rút và bước đi trên những đỉnh đồi, những mong cướp lại những gì đáng ra thuộc về họ. Nếu hồn ma của Sebald cũng quay trở lại, ông sẽ muốn cướp lấy điều gì? Điều gì đáng ra thuộc về ông nhưng đã bị tước đoạt đi?

Austerlitz có bề mặt trơn trượt lạ lùng. Như một mặt nước đóng băng, ta bước chân lên một phiến hồi ức, và chân ta lê theo lực kéo kỳ lạ nào đó qua những phiến ký ức khác. Như một hồi ức về vườn thú nhòe vào hồi ức của một nhà ga, một hồi ức về ngôi nhà màu thổ hoàng thì mở ra hồi ức về một người đàn bà thời trẻ. Cuốn tiểu thuyết di chuyển trơn tru từ bàn bida đã nằm qua cả trăm năm không đổi đến sự xóa trắng thời gian, đến niềm đau của những con ngài, và tất nhiên, cả niềm đau của những con người đã mất hút vào một lò hơi ngạt lịch sử nào đó.

Hẳn bạn đang thấy bài điểm sách như thế này thì có gì đó bất thường. Về mặt lý thuyết, một bài điểm sách chí ít cũng nên bắt đầu bằng nội dung của tác phẩm trước khi nói về cảm giác của tác phẩm. Nhưng như nhà phê bình Roger Ebert đã viết những dòng sau về bộ phim Năm ngoái ở Marienbad của đạo diễn thời kỳ Làn Sóng Mới Alain Renais: “Điều tôi không được chuẩn bị là vẻ khêu gợi của Marienbad, sự điều khiển về giọng điệu và bầu không khí của nó, cái cách đầy thôi miên để lôi cuốn ta vào câu đố của mình, vào vẻ đẹp nghiêm cẩn trong hình ảnh của mình. Vâng, nó có một câu chuyện đến nay vẫn là bí ẩn, ngay cả đối với các nhân vật trong phim nó vẫn là bí ẩn. Nhưng không ai muốn biết câu trả lời cho bí ẩn ấy.” – tôi cho rằng Austerlitz cũng là một kiểu tác phẩm như vậy, ta thậm chí đôi khi bắt gặp mình đang mất dấu trong chuỗi hồi ức miên viễn ấy, và không thật sự biết nội dung câu chuyện đã diễn tiến tới đâu, nhưng ta không thể quên cảm giác khi ta đọc nó. (Sự so sánh với Năm ngoái ở Marienbad không phải ngẫu nhiên, nhưng điều này sẽ được dành ở sau).

Sự quy hoạch của cuốn tiểu thuyết này thật kỳ lạ vì nó một mực không đi vào một trọng tâm nào, khi dường như đã chuẩn bị đến rất gần một chủ điểm thì nó lại đột ngột bẻ cong để tạo ra một độ mờ nhất định. Rốt cuộc nó là lịch sử một đời người hay lịch sử một thời đại, hay nó là một tiểu luận về kiến trúc, hay một luận đề về thời gian?

Dù sao thì, Austerlitz là câu chuyện về một người dẫn truyện không tên tình cờ gặp Jacques Austerlitz. Austerlitz đang đứng trong Sảnh chờ của nhà ga, ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết thuộc về công trình kiến trúc ấy. Và đúng như những thứ chỉ có trong tiểu thuyết, họ sáp vào nhau chuyện trò về kiến trúc, rồi tình cờ gặp lại, lại tiếp tục nơi câu chuyện vẫn còn dang dở, cứ thế, dần dần, một người đã trút cả đời mình cho người kia. Cảm tưởng họ là những khối đá đã lơ lửng giữa không trung hàng triệu năm bỗng vô tình cùng bị một hành tinh kéo vào vành đai xoay quanh, và từ đó mãi mãi bị giữ trong cùng một quỹ đạo vô hình của định mệnh, không thể tránh khỏi những lần chạm mặt. (Cả so sánh này cũng không phải ngẫu nhiên, nó được gợi cảm hứng từ tựa đề một cuốn tiểu thuyết khác của Sebald mang tên Vành đai sao Thổ).

Sự quy hoạch của cuốn tiểu thuyết này thật kỳ lạ vì nó một mực không đi vào một trọng tâm nào, khi dường như đã chuẩn bị đến rất gần một chủ điểm thì nó lại đột ngột bẻ cong để tạo ra một độ mờ nhất định. Rốt cuộc nó là lịch sử một đời người hay lịch sử một thời đại, hay nó là một tiểu luận về kiến trúc, hay một luận đề về thời gian? Nó tấp vào tất cả mọi thứ gặp phải trên đường: cả những thứ cứng chắc và những thứ chóng qua, cả động vật và thực vật, cả pháo đài và những chữ “a”. Đồng hồ, vẹt, ảnh, mặt trăng, ba lô, tàu hỏa, ấm trà, một thước phim cũ,… – những đồ vật dày đặc trong Austerlitz , mỗi món đồ là một khối hồi ức, và nếu ví đời người là một căn phòng thì những đồ vật ấy được chất trong những ngăn kéo cao vút đến nỗi khi đứng giữa cái thế giới mà Sebald tạo ra, một người có thể bị những đồ vật và những hồi ức chất chồng chôn vùi bất cứ lúc nào, bởi chỉ cần một cơn địa chấn của tâm trí là tất cả sẽ rụng đổ. Và cũng vì thế, nhân vật Jacques Austerlitz rón rén bước về quá khứ, ông chạm vào mọi thứ nhưng không thể đi đến tận cùng và xuyên thấu vào bất cứ sự kiện hồi ức nào, chúng cứ chưa kịp hiện lên rõ ràng thì đã tan đi như khói, ngay cả hồi ức về cha mẹ ông trên thước phim cũ cũng chỉ là bộ dạng với đường viền cơ thể nhòe nhoẹt không rõ nét, ngay cả tấm ảnh của mẹ ông cũng chìm khuất một nửa vào bóng tối đen tuyền.

Cách kể chuyện mà Sebald lựa chọn càng làm vùng sương trong tiểu thuyết dềnh lên. Nó vốn dĩ không phải tự sự của nhân vật tôi mà là tự sự của Austerlitz qua tự sự của nhân vật tôi, rồi thậm chí có những đoạn là tự sự của một người nào đó qua tự sự của Austerlitz qua tự sự của nhân vật tôi. Hay nói cho cùng, Austerlitz rất khác với À la recherche du temps perdu của Proust. Tác phẩm của Proust là hồi ức, tác phẩm của Sebald là hồi ức của hồi ức, có khi, hồi ức của hồi ức của hồi ức. Mà mỗi lần đi qua một cánh cổng của hồi ức, vật thể nguyên bản lại co lại, rung rinh, bất định, nhạt mờ dần đi, như những hồn ma trở về trần thế từ cõi chết mà Sebald mô tả. Bước vào hồi ức là bước vào cõi chết. Ở đây là hai, và thậm chí, ba cõi chết.

Cuốn Austerlitz, Một cái tên của Sebald do NXB Penguin xuất bản.

Đến những bức ảnh trắng đen được chèn vào cũng không khiến Austerlitz thêm sáng rõ. Susan Sontag trong cuốn Về nhiếp ảnh từng viết rằng: “Chụp ảnh mang lại bằng chứng. Một điều gì ta nghe mà ngờ vực, lại có vẻ minh xác khi ta được xem một tấm ảnh về nó”. Đó là bản chất của nhiếp ảnh. Mỗi tấm ảnh là một lần đóng đinh vào thời gian. Rõ ràng là thế. Nhưng bằng cách nào đó, thực hành lồng ghép nhiếp ảnh với văn chương nơi Sebald tuy khiến tác phẩm của ông mang dáng dấp một tài liệu chân thực, nhưng cả nó vẫn không thể cố định được tấm màn sương hồi ức bồng bềnh.

Giờ, ta hãy nói chút về Marienbad. Marienbad xuất hiện như một thiên đường tuổi thơ trong Austerlitz, nơi nhân vật chính đã trải qua ba tuần tuyệt vời cùng cha và mẹ – những người sau này đã biến mất như ai đã đem một cục gôm tẩy xóa đời họ vào hư rỗng và ông chẳng nhớ được họ thực sự là ai. Còn trong Năm ngoái ở Marienbad, có một người đàn ông  gắng thuyết phục một người đàn bà rằng, tại đây, vào năm ngoái, họ đã gặp nhau, đã yêu nhau cuồng nhiệt. Anh đưa cho cô xem một tấm ảnh, và anh hỏi cô: “Và em không nhận ra tấm hình này hay sao?” Một bằng chứng tưởng xác đáng thế, mà mãi mãi ta không biết ở bộ phim ấy, tấm hình có thật hay chỉ là ngụy tạo, hồi ức có thật hay chỉ là ngụy tạo.

Ngụy tạo hồi ức là một chủ đề lớn. Austerlitz cũng có một sự ngụy tạo hồi ức. Sự “ngụy tạo” ấy không chỉ nằm trong kỹ thuật viết roman d’essai (tiểu thuyết tiểu luận) thượng thừa của Sebald. Nó nằm cả trong thái độ đối với toàn bộ câu chuyện này, thái độ mà người Đức hồi tưởng về Auschwitz, về SS, về thảm sát Holocaust.

Tờ New York Times từng gọi Primo Levi và Sebald là những tác giả hay nhất viết về Holocaust. Một người là người Do Thái, một người là người Đức. Primo Levi viết về sự suy đồi của cả những tù nhân Do Thái khi bị giáng cấp không còn được làm người. Sebald lại né tránh gần như mọi đổ máu và bạo lực, ông cố tình viết về Holocaust với những điểm mù. Một người trực diện, một người mộng du. Trong Có được là người, mọi tội ác phơi bày. Còn trong Austerlitz, quá khứ đi đường vòng không bao giờ đến đích.

Jacques Austerlitz là một người Do Thái thất lạc cha mẹ khi họ bị đưa đến Trại tập trung. Ông là một người không mang ký ức Holocaust. Và gần như suốt tuổi thơ mình, ông mang một hồi ức ngụy tạo. Jacques Austerlitz là đại diện của một thế hệ bị thôi miên để lãng quên những chấn thương quá khứ (không thế, làm sao sống tiếp?), trong mắt họ, thời kỳ ấy có lẽ giống như những vệt sáng mà đàn bướm để lại sau một cú lượn vòng mà Sebald đã mô tả. “Chúng thực ra không hề tồn tại. Chúng chỉ là những ảo ảnh được tạo ra từ phản ứng chậm chạp của đôi mắt con người: dải sáng phía sau đó kỳ thực chỉ là tập hợp những đốm sáng từ ngọn đèn phản chiếu trong tích tắc lên vẩy của con bướm trong lúc bay.” Nhưng người ta có chạy trốn hồi ức bao nhiêu cũng sẽ bị hồi ức bắt kịp. Một lần trong khi đứng trong một tiệm sách Bloomsbury và nghe bản tin về một chuyến phà mang tên Prague, quá khứ đã bất thần dội vào ông, kêu gọi ông lên đường. Ai mau quên, kẻ đó có nhiều cơ hội hơn để sống hạnh phúc. Austerlitz đã quên, nhưng lại nhớ ra quá chóng.

Và quay lại câu hỏi đầu tiên ta đã đặt ra, nếu hồn ma của Sebald cũng quay trở lại, ông sẽ muốn cướp lấy điều gì? Điều gì đáng ra thuộc về ông nhưng đã bị tước đoạt đi? Nên nhớ rằng, Sebald là một người Đức, cha ông làm việc trong Wehrmacht, lực lượng vũ trang quân đội của Đức Quốc Xã. Và Đức Quốc Xã là một hồi ức, mà hơn bất cứ ai, nước Đức cần ngụy tạo, để coi như nó chưa tồn tại bao giờ. Nhưng Sebald đã ngoảnh lại, như người vợ của Lot trong Kinh Thánh đã không nghe lời những thiên thần mà ngoảnh lại nhìn thành phố Sodom sụp đổ trong sự trừng phạt của Chúa trời, và nàng bị biến thành một cột muối. Giá có ai đã nói với nàng,  Ai mau quên, kẻ đó có nhiều cơ hội hơn để sống hạnh phúc.

Bất chấp thế, với Sebald, tôi cứ nghĩ ông sẽ không lấy cái vệt sáng không tồn tại kia, dẫu cho nó là điều kiện duy nhất để hạnh phúc. Tôi vẫn nghĩ ông sẽ đuổi theo con bươm bướm của sự thật, dù có lẽ chính ông biết sẽ không bao giờ bắt được sinh vật dập dờn, rung rinh, bất định ấy.□

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)