Ba vòng Bờ Hồ

Chắc chẳng bao giờ tôi quên được cái tâm trạng lạ thường ấy. Sau nhiều năm tha hương (dù chỉ là cách quê nhà 36 tiếng đường tàu/gần hai giờ bay, song vẫn là tha hương), sáng sớm hôm ấy, xích lô về đến căn nhà tổ phụ giữa lòng Hà Nội là lúc 5 giờ. Quẳng mấy cái va li vào nhà xong, hai vợ chồng lập tức ra đường, thẳng tiến đến Bờ Hồ.

Bờ Hồ, cái tên thân thiết nhất với người Hà Nội. Một tiếng bật ra tràng tràng kỷ niệm. Những cây kem mát rượi tuổi thơ, những đêm giao thừa nô nức quốc tế vũ bừng bừng hạnh phúc cả một dân tộc trẻ trung vừa thắng thực dân Pháp – niềm hạnh phúc chẳng bao giờ còn có lại, cầu Ngọc Sơn gãy rụp dưới sức nặng của những người hái lộc đầu năm, “những chiều thứ bảy, hây hẩy gió nam…” tiếng hát Quốc Hương trên loa mênh mang nỗi niềm thương nhớ miền Nam của người “tập kết”…
Chúng tôi như chạy đến Bờ Hồ để nhập vào dòng nam thanh phụ lão đủ màu trang phục đang phăm phăm jogging theo nhiều tốc độ khác nhau vòng quanh hồ.  
 

Vòng thứ nhất. Tiếng nhạc thể dục vang vang, mờ tỏ trong sương sớm từng đội hình “tri thiên mệnh” uyển chuyển những đường kiếm quạt dưỡng sinh. Một tốp trai gái Tây ba lô vừa qua đêm ngay trên ghế đá, ngồi dậy dụi mắt, cười cười ngắm cảnh người Việt ham sống. Lập tức mấy đứa trẻ như phục sẵn từ đâu, xô đến chìa xấp bưu ảnh: “He-lô pot cạc” tiếng Anh không chê vào đâu được. Bỗng có tiếng reo: “Rùa nổi, Rùa nổi”. Chúng tôi lao theo toán người hiếu kỳ, lũ trẻ con dẫn đầu, chạy đến ngắm cụ hậu duệ bao nhiêu đời của vị thần ngậm kiếm đang ngoi đầu tranh thủ chút khí trời để rồi lại lặn xuống tiếp tục cuộc đời âm thầm trong lòng nước xanh lè ô nhiễm.
Vòng thứ hai, thư thả hơn. Vừa đi vừa thưởng thức cảnh vật. Đã bao lần đi dạo tuyến đường độc nhất vô nhị này, mà đây là lần đầu tiên tôi phát hiện: hàng trăm cây đứng quanh hồ là hàng trăm vũ công đang cùng diễn một màn múa kỳ lạ, mỗi cây một tư thế, một dáng ngả mình, vươn đầu, xoè tay, khuỵu chân, xõa tóc… không ai giống ai, nhưng lại hòa hợp trong một nhịp điệu chung của gió, của tiếng nhạc, của người đi và người tập, của bình minh đang lên dần trên bầu trời, của lòng hồ đang trong ra để hiện hình những đám mây đầu tiên. Chúng tôi nóng lòng đi tìm cây lộc vừng chín gốc nổi tiếng mà mình quan liêu đến mức sống ở thủ đô hàng hai chục năm vẫn không biết nằm ở chỗ nào. Hỏi nhiều người cũng không ai biết. Mãi mới có một chị công viên cây xanh đang trồng hoa ven hồ chỉ cho: “Ở chỗ mấy cái xe rác ấy”. Một hàng dài xe rác ba bánh chắn ngay trước mặt cây. Chưng hửng. Hình như cái cây đã bực mình từ lâu không nói được, chỉ buông lấy lệ vài dòng hoa lác đác, nào đâu vẻ tưng bừng như thấy trên họa báo. Tôi thở dài nói với bà xã: “Ở nước khác, cái cây như thế này sẽ được tôn vinh như một bảo vật quốc gia.”
Vòng thứ ba, chầm chậm. Phóng mắt sang dãy phố bên kia đường. Một khối xám xì bè bè vuông tức anh ách là cái anh Bưu điện. Một cái máy chém trắng bệch hơi lùi vào bên trong là cái mà ở nước khác gọi trang trọng là Tòa Thị chính với tất cả niềm tự hào về vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của nó. Rồi đến một cái… hàm cá mập kinh dị từng là đề tài nuôi bao nhiêu tờ nhật báo. “Làm sao cho những ngáo ộp kia biến đi để Hồ Gươm trở lại là bài thơ đẹp nhất giữa lòng Hà Nội?” Vợ tôi buột miệng.
“Một giấc mơ trong đời chúng mình”, tôi đáp.
“Nói chuyện mơ, thì cứ mỗi lần đi quanh Bờ Hồ, em lại mơ cảnh tượng bao quanh hồ là một công viên, đường quanh hồ chỉ có người đi bộ và đạp xe thong thả. Và cứ từng canh giờ, không gian vang âm tiếng trống cầm canh từ đền Ngọc Sơn. Rồi đúng Ngọ, một hồi chuông ngân nga lan tỏa khắp mặt hồ trong vắt…”
Tôi không biết nói sao, chỉ lặng lẽ cầm tay vợ, và hai chúng tôi đi nốt vòng Bờ Hồ cuối cùng, trước khi rẽ vào Hàng Hành thưởng thức một ly cà phê Nhân thơm phức.

Ảnh, Tranh: Lê Thiết Cương

Hoàng Hưng

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)