Bác Hồ với câu đối

Với nhãn quan chính trị sắc sảo, cùng vốn tiếng Việt và tiếng Hán sâu rộng, Bác đã làm nhiều bài thơ theo thể Đường luật mà các cặp câu thực và luận là những câu đối hoàn chỉnh. Trong những bài nói chuyện, hiệu triệu của Bác cũng có những đoạn mang dáng dấp câu đối.

Năm 1902, ở quê Kim Liên, Nguyễn Sinh Cung thọ học cụ cử Lương Thúc Quý (1862-1907). Ở huyện Nam Đàn có hai ngọn núi Chung Sơn (núi Chung) và Trắc Lĩnh (non Lĩnh), cụ cử Lương lấy hai ngọn núi này để làm nhân cho vế trên và vế dưới của một câu đối, Nguyễn Sinh Cung đã có câu đối:

“Chung sơn vượng khí thành kiên cố

Trắc Lĩnh đa vân thị lão niên”

(Núi Chung khí vượng nên bền vững

Non Lĩnh nhiều mây ắt lâu đời)

Một lần khác, cụ cử ra vế đối:

Thắp đèn lên, dầu vương ra đế

Nguyễn Sinh Cung xin đọc vế đối của mình:

“Cỡi ngựa dong, thẳng Tấn lên Đường”

Tấn và Đường là hai triều đại ở Trung Quốc nhưng hiểu theo thổ âm xứ Nghệ là: “tiến lên đường”.

Năm 1905, tại Huế, cụ Phan Bội Châu đến thăm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nguyễn Sinh Cung lo việc hầu trà nước. Cụ Sắc hỏi cụ Phan về công việc sắp tới, Cụ Phan tâm sự:

–        “Tiết hậu đăng trình, lao cán thiên trùng, vọng hoàn thanh viện”

(Sau tết sẽ lên đường, nghìn trùng vất vả, chỉ muốn được ngoại viện)

Nguyễn Sinh Cung xem câu nói cụ Phan như là vế đối nên đã xin phép ứng khẩu đáp lại:

“Đông tiền thượng lộ, tri khu vạn lý, cầu đại chính thư” (Đông này, bác sẽ ra đi, muôn dặm ruổi dong, mong tìm được kế sách đúng).

Cả cụ Phan và cụ Sắc rất đỗi ngạc nhiên về Nguyễn Sinh Cung một thiếu niên sớm có hoài bão lớn.

Sau này, khi hoạt động cách mạng ở Trung Quốc và trong nước, với môi trường ngôn ngữ quen thuộc, Bác Hồ lại có nhiều dịp ngẫu hứng đối, đáp.

Tháng 9-1943, sau khi ra khỏi nhà tù Quốc Dân Đảng (Trung Quốc), Bác được tướng Trương Phát Khuê mời dự bữa tiệc, có ý vận động Bác vào Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Trong buổi họp mặt có Nguyễn Hải Thần và một số khách Trung Quốc, Việt Nam, trong đó có ba người cùng tên là Chí Minh nhưng khác họ. Nguyễn Hải Thân nhân đó, ra vế đối:

“Hồ Chí Minh, Hầu Chí Minh, Nguyễn Chí Minh, đồng chí tam nhân, minh thả chí”.

Không phải suy nghĩ nhiều, Bác Hồ xin được đối bằng câu tiếng Việt:

“Cụ cách mạng, tôi cách mạng, nó cách mạng, chúng ta cách mạng, mạng phải cách

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ bằng chữ Hán khi đi thuyền du ngoạn trên sông Li Giang tháng 5/1961

Dụng ý của Bác là nhắc Nguyễn Hải Thần đừng quên tiếng mẹ đẻ và phải thực sự vì dân, vì nước.

Nguyễn Hải Thần dịch câu đối sang chữ Hán cho mọi người cùng nghe. Ai nấy cùng vỗ tay tán thưởng, nhất là cụm từ “mạng phải cách”.

Sau khi về nước, Bác thường “chơi” câu đối với nhiều đồng chí, tạo nên không khí lạc quan trong hoàn cảnh gian khổ.

Ở nguồn suối Lam Sơn (Cao Bằng) có một cái động rất đẹp. Tháng 4-1945, một đêm trăng sáng, Bác cùng sáu, bảy đồng chí đi tắm suối đêm. Thấy cảnh vật nên thơ, Bác ra câu đối, thách ai đối được, sẽ được làm rể Bác. Bác khởi xướng:

“Nguyệt chiếu khê tâm, tâm chiếu nguyệt”.

(Trăng chiếu xuống lòng khe, lòng khe soi lại mặt trăng).

Một đồng chí nhìn lên vách đá, nhanh nhẩu đọc:

“Hoa sinh thạch diện, diện sinh hoa”.

(Hoa nở trên mặt đá, mặt nở hoa).

Bác Hồ cười lên vui vẻ:

–        Bác không gả con gái cho người mặt rỗ đâu.

Mọi người cùng phá lên cười vì “diện hoa” theo tiếng Trung là “min phú” có nghĩa là mặt rỗ.

Cụ Hoàng Đức Triều, xin có vế đối khác:

“Lôi minh không cốc, cốc minh lôi”.

(Sấm dội hang không, hang dội sấm)

Bác Hồ khen: được nhưng nói thêm:

–        Đồng chí không làm rể mình được vì tuổi đồng chí gần bằng tuổi mình, vả lại đồng chí đã có gia đình rồi.

Ở Việt Bắc, trong kháng chiến chống Pháp, một hôm, đoàn cán bộ đến thăm, thấy Bác đang cặm cụi trồng khoai môn trước nhà. Sau khi trao đổi về việc tăng gia sản xuất, tự cải thiện, Bác lại ra câu đối:

“Trồng môn trước cửa” (môn cũng có nghĩa là cửa).

Một đồng chí đối:

“Bắt ốc sau nhà” (ốc cũng có nghĩa là nhà).

Lại một trận cười vui vẻ giữa núi rừng.

Ngày 20-5-1948, cũng tại Việt Bắc, hội đồng chính phủ họp, công bố Quyết định của Chủ tịch nước phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bác lại nhắc nhở trọng trách cho Đại tướng bằng một vế đối:

“Giáp phải giải Pháp”.

Và đề nghị mọi người đối lại.

Đồng chí Lê Văn Hiến, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Tài chính, xin đối:

“Hiến tài hái tiền”

Bác khen là Bộ trưởng Hiến biết lo toan nhiệm vụ.

Hữu Tuấn

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)