Bản “Độc tấu” của Nguyễn Sơn
Nguyễn Sơn của năm 2009 trở về trước là con người của lý tính, với những nỗ lực biểu đạt lộ rõ trên bề mặt tác phẩm từ năm 2010, Nguyễn Sơn là con người đi tìm tiếng vọng nội tâm ở bên trong, âm vang bên dưới bề mặt của bức tranh.
Thời gian chuẩn bị cho “Độc tấu” của Nguyễn Sơn là gần hai năm. Hai năm chưa phải là khoảng thời gian dài, nhưng đủ để tác giả đạt được sự hoàn thiện đáng kinh ngạc cho một mạch sáng tạo. Ẩn đằng sau 23 tác phẩm của người nghệ sỹ là một bước phát triển dài về tư duy nghệ thuật, sự chín muồi trên bề rộng và chiều sâu của xúc cảm.
Nguyễn Sơn của năm 2009 trở về trước là con người của lý tính, với những nỗ lực biểu đạt lộ rõ trên bề mặt tác phẩm từ năm 2010, Nguyễn Sơn là con người đi tìm đến tiếng vọng nội tâm ở bên trong, âm vang bên dưới bề mặt của bức tranh.
Điệu Blues và sương mù, sơn dầu, 2011
Tính biểu cảm của bề mặt là mấu chốt làm nên sự khác biệt của Nguyễn Sơn qua chuỗi tác phẩm năm 2010 và 2011. Trước đây, anh biểu đạt sự phức tạp của mình qua hình, nét, màu sắc. Tinh tế, sâu sắc, phức tạp, nhưng vẫn chưa thật sự là tìm thấy mình. Qua loạt tác phẩm lần này, sức biểu cảm của các bề mặt tạo ra điểm tựa cần thiết để Nguyễn Sơn tìm và được chính mình.
Các bề mặt mà Nguyễn Sơn tạo ra vô cùng đa dạng. Những mảng tường mốc, ván gỗ, sắt gỉ, cùng những vết trầy xước tạo thành những không gian phong phú của hoài niệm, những biến đổi vô thường của đời sống, nỗi cô đơn của kiếp người qua thời gian. Những bề mặt này chồng chéo lên nhau, gợi tả sự giao thoa và tương tác giữa các vỉa tiềm thức. Tư duy này khởi phát từ tranh Trừu tượng của Mark Rothko, nhưng khi Nguyễn Sơn đưa vào hội họa Siêu thực cho các mảng bề mặt của anh lại mang một sức sống khác, với nhiều khả năng biến hóa mới. Tính hiệu quả rõ rệt của phong cách biểu đạt này tạo lập thành một bản sắc riêng biệt của Nguyễn Sơn.
Thế giới không phẳng, Sơn dầu, 2010 |
Trên bức tường, Sơn dầu, 2010 |
Tinh thần phê phán, và tự hoài nghi – đặc điểm chung thường thấy ở nghệ thuật Đương đại – của Nguyễn Sơn tập trung vào những biểu tượng siêu thực: những tay nắm kim loại bị gãy vỡ, chiếc điện thoại bọc giấy, cây vĩ cầm không dây đóng ghim vào tường. Tác giả cố gắng miêu tả chúng một cách xác thực để rồi lại cố tình vẽ chèn thêm vào những vệt sơn tùy tiện như chứng minh với người xem rằng chúng không có thật, chỉ là một trong những lớp tâm tưởng hỗn độn, và giả tạm của con người. Thậm chí có cả những vệt sơn vẽ đè lên với tính chủ động rõ rệt, như thể hiện rằng người vẽ đang trong quá trình xóa đi cái cũ đi để vẽ lại cái mới – thay thế cái ngụy tạo này bằng một cái ngụy tạo khác.
Thời gian trôi, Sơn dầu, 2010 |
Nỗi cô đơn và những tự vấn dằn vặt xuyên suốt chuỗi tác phẩm trong Độc tấu. Bên cạnh đó là sự trong sáng và dũng cảm ngây thơ của kẻ đi tìm chân tướng giữa mớ giả tạm. Nhưng quan trọng hơn tất thảy là cái tình của kẻ độc hành chảy âm thầm và tự do dưới bề mặt tác phẩm. Tất cả chúng ta đều sống và dưới góc độ nào đó thì đều đang độc tấu. Nhưng mấy ai tìm thấy bản ngã mình trong cái tình âm vang miên man suốt hành trình.
————-
(*) Triển lãm được tổ chức tại Âu Cơ Gallery, số 1- ngõ 124/22 đường Âu Cơ, Tây Hồ, từ ngày 7 tới 30/3/2011.