Bản giao hưởng số 10 của Beethoven

Những năm giữa thế kỷ 19, Mendelssohn, Chopin và Schumann lần lượt qua đời, những trào lưu nghệ thuật cấp tiến lan tỏa khắp bầu trời âm nhạc châu Âu với sự ra đời của thể loại âm nhạc có chương trình kể từ bản giao hưởng Cuồng tưởng của Hector Berlioz và giao hưởng thơ của Franz Liszt. Trường phái Weimar do Liszt và Richard Wagner đứng đầu đã ảnh hưởng sâu rộng và có xu hướng dập tắt mọi nỗ lực nhằm kế tục và phát huy truyền thống cổ điển.

Johannes Brahms có lẽ là người duy nhất dám chống lại trường phái Weimar, dám bỏ ngoài tai những vận động cấp tiến cuồng nhiệt và đầy sức nặng lý luận của Wagner. Brahms, nhà soạn nhạc bản lĩnh nhất thế kỷ 19, đã quyết định sáng tác những bản giao hưởng với hình thức kế thừa sâu sắc các truyền thống từ thời Bach, Mozart và Beethoven. Thành công của ông đã trở thành tấm gương lớn để nhiều nhà soạn nhạc cùng thời nhận ra được những sai lầm chủ quan, tùy tiện, mơ hồ, ngộ nhận và thiếu chính xác về hình thức, nảy sinh từ tính xu thời cấp tiến của họ.
Bốn bản giao hưởng của Brahms toát lên phẩm chất anh hùng, cao thượng, tự trọng, điềm đạm và tính chất suy tư minh triết. Brahms cũng cất giấu trong các tác phẩm của ông niềm xúc động lãng mạn chủ nghĩa, tình cảm mãnh liệt, chân thành và cả sự nâng niu trìu mến trong tình yêu với thiên nhiên, con người. Brahms đã luôn xây dựng cho âm nhạc của ông cái vỏ bọc duy lý, khắt khe, cứng rắn và nghiêm trang. Nhưng vỏ bọc ấy dường như là để cố che giấu đi phần yếu đuối của tâm hồn người nghệ sỹ.
Brahms đã bắt đầu sáng tác một bản giao hưởng từ năm 1854, nhưng cuối cùng thì nó lại trở thành bản Concerto cho Piano số 1 của ông. Sang đầu thập kỷ 1860, Brahms lại bắt đầu lại từ đầu những nỗ lực sáng tác giao hưởng. Công việc này đối với Brahms đòi hỏi sự bền bỉ và khắt khe đến mức mãi đến năm 1873 giám đốc nhà xuất bản Fritz Simrock đã phải sốt ruột hỏi Brahms: “Chẳng nhẽ ông không sáng tác gì nữa sao? Liệu tôi có thể có một bản giao hưởng của ông trong năm nay được không?” Có lẽ ông giám đốc đã không quan tâm đến một thực tế là Brahms bị ám ảnh bởi cái bóng quá lớn của Beethoven. Một năm trước đó, chính Brahms đã từng nói: “Tôi sẽ không bao giờ viết giao hưởng. Tôi không thể nảy ra ý tưởng nào cả khi luôn phải nghe thấy những bước chân của một người khổng lồ ở ngay sau lưng mình”.        
Hồi năm 1862, Brahms đã có gửi cho Clara Schumann phác thảo chương một bản giao hưởng đầu tiên của ông. Nhưng mãi đến mười bốn năm sau đó, ngày 4/10/1876, bản Giao hưởng số 1 giọng Đô thứ của Brahms mới được trình diễn lần đầu tiên ở Karlsruke (Baden). Vì sao Brahms lại chọn Karlsruke chứ không phải Vienna, thành phố ông đang sống? Brahms là con người thận trọng và suy nghĩ thấu đáo. Thành Vienna vốn là nơi tôn thờ Beethoven và có nhiều nhà phê bình khắt khe. Việc sáng tác một giao hưởng theo kiểu âm nhạc thuần túy như của Brahms là rất mạo hiểm. Nó chắc chắn sẽ phải thách thức lớn trong sự so sánh với các kiệt tác của Beethoven. Thêm vào đó, Brahms có quá nhiều đối thủ mạnh đi theo trào lưu âm nhạc chương trình, họ sẵn sàng tấn công, phê phán ồ ạt và thậm chí thẳng tay bác bỏ bất cứ tác phẩm âm nhạc phi chương trình nào mới ra đời.
Lần trình diễn đầu tiên khá thành công, chỉ có một ý kiến tỏ ra không hài lòng lắm. Nhưng ý kiến đó lại chính là của Brahms, ông nói rằng bản giao hưởng mới này “hơi dài và không êm tai cho lắm”. Tuy nhiên, Giao hưởng Đô thứ thực sự là một “cây to mọc chậm”. Nó là thành quả xuất sắc của trí tuệ thiên tài và quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ. Hans von Bülow (học trò của Liszt) vốn là người của trường phái Weimar nhưng đã bị âm nhạc Brahms thuyết phục và chuyển sang ủng hộ Brahms. Chính Bülow đã gọi Giao hưởng Đô thứ là “Giao hưởng số 10” của Beethoven, đặt nó ngang hàng với những đỉnh cao nhất của truyền thống cổ điển.
Chương 1 (Un poco sostenuto – Allegro – meno Allegro) được mở đầu hùng vĩ và căng thẳng cao độ. Âm nhạc chuyển mình theo một giai điệu gian truân nhưng đầy quả cảm và thống thiết của bè dây. Chương nhạc không thuần tuý là hình thức sonata allegro vẫn phổ biến trong giao hưởng cổ điển mà được thiết kế quy mô hơn, hòa âm phong phú và đồ sộ hơn.
Chương 2 (Andante sostenuto) là phần tâm hồn vừa hiền hậu vừa trữ tình say đắm của Brahms. Âm nhạc đi từ bình thản đến niềm xúc động da diết. Đôi khi, cả dàn nhạc dừng lại để nhường chỗ cho những đoạn độc tấu thanh tao, trìu mến của oboe và violin.
Chương 3 (Un poco Allegretto e grazioso), clarinet và bè dây lần lượt hát lên một giai điệu đồng quê thanh bình và rộng mở. Chương nhạc như một khúc intermezzo với những nét dịu dàng, trẻ trung đặc trưng của Brahms.
Chương 4 (Adagio – Più Andante – Allegro non troppo ma con brio – Più Allegro), có đoạn mở đầu, theo như lời của một nhà phê bình, “vẽ lên giới hạn cuối cùng của nỗi tuyệt vọng”. Sắc thái này làm gợi lại kịch tính giao hưởng ở chương một. Hình thức ở đây được thiết kế khá phức tạp. Đoạn Adagio tạo bầu không khí bí ẩn. Bộ đồng và bộ gỗ diễn tấu một nhạc điệu chậm rãi và mờ đục như một khung cảnh trước lúc bình minh. Bước vào đoạn Allegro, một chủ đề anh hùng ca phóng khoáng vang lên làm thay đổi hoàn toàn sắc thái của chương nhạc. Nhiều nhà phân tích khẳng định rằng, Brahms có dụng ý xây dựng chủ đề này tương tự với chủ đề “hướng tới niềm vui” trong chương 4 Giao hưởng số 9 của Beethoven.
Khi có một số người đến gặp Brahms để “chỉ ra” cho ông thấy sự tương đồng này, Brahms đã có một câu trả lời hoàn toàn thích đáng: “Bất cứ kẻ ngu ngốc nào cũng nhận ra điều đó”. 

“Trong thời đại mà những làn sóng của chủ nghĩa lãng mạn tràn ngập châu Âu và biến chủ nghĩa cổ điển trở thành quá khứ, một bản giao hưởng đã vươn lên như một ngọn hải đăng giữa biển cả, khẳng định sức sống và sức phát triển lớn lao của truyền thống cổ điển. Johannes Brahms đã đứng trên ngọn hải đăng đó, hiên ngang trong chiếc áo khoác cũ sờn quen thuộc của ông, chiến đấu, bảo vệ và làm đẹp thêm truyền thống cổ điển của Mozart và Beethoven. Liệu Brahms có đơn giản là một nghệ sỹ cổ điển hay không, có phải là người sống ngoài thời đại hay không, hay thậm chí có phải là một người lỗi thời, lạc hậu theo như nhiều nghệ sỹ thù địch cùng thời vẫn chê bai ông hay không? Không, vấn đề hoàn toàn ngược lại. Brahms là một nghệ sỹ lãng mạn thực thụ, với những niềm đam mê thắm thiết nằm bên trong hình thức cổ điển. Brahms đã kìm nén và cố gắng giam giữ lại những cảm xúc xuất phát từ tâm hồn lãng mạn lớn lao của mình. Vì sao Brahms phải kìm nén như vậy? Ông có nhiều nỗi phẫn uất. Ông phẫn uất vì hết lần này đến lần khác người ta đã từ chối không cho một vị vua âm nhạc của thành Vienna như ông được làm nhạc trưởng tại thành phố Hamburg quê hương. Ông phẫn uất trước những định mệnh đã huỷ hoại Robert Schumann của ông, thần tượng thời tuổi trẻ của ông. Ông phẫn uất trước những thế lực, những rào cản vô hình đã ngăn cản ông, không cho ông có được tình yêu với một người phụ nữ, không cho ông có được niềm hạnh phúc gia đình, có được những đứa con – Brahms yêu những đứa trẻ biết bao! Và còn nhiều điều nữa ở con người Brahms mà chúng ta không biết, chúng ta chỉ có thể đoán. Tôi tin rằng, trong sâu thẳm con người ông đã nảy sinh một sự cần thiết phải kìm nén, Brahms đủ thiên tài để trở thành nhà tâm lý cho chính mình, dĩ nhiên là một cách vô thức. Brahms đã tự đặt mình trong vị trí người bảo vệ trật tự âm nhạc trong một thời đại lãng mạn đầy phóng túng. Nhưng cái mà ông đang thực sự bảo vệ lại là những xúc động của chính mình, những xúc động đó tạo ra những xung đột mà bất cứ lúc nào chúng cũng có thể làm ông bật khóc. Sự tự kìm nén có lẽ đã cứu cuộc đời ông, đã giữ lại cho ông sự sáng suốt, minh mẫn, triết lý và trí tuệ”.    

Leonard Bernstein

Trần Trung

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)