Bản sắc dân tộc– sáng tạo độc đáo của cá nhân nghệ sĩ

Bản sắc dân tộc là cụm từ được dùng nhiều bậc nhất thập kỷ này. Tuy nhiên theo tôi nó không phải là một khái niệm có một nội hàm thống nhất mà có nhiều lớp khái niệm với các tầng nội hàm khác nhau.

Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là một khẩu hiệu chính trị, giống như trước đây có khẩu hiệu dân tộc-khoa học-đại chúng được biến thành chủ trương và chính sách đường lối  áp dụng vào công tác quản lý văn nghệ, thậm chí nhiều lúc người ta còn muốn cụ thể hóa vào phương pháp sáng tác của mỗi tác giả, tác phẩm. Thực tế chứng minh rằng không tác giả nào có thể chuyển hóa khẩu hiệu đó vào tác phẩm mà không thất bại. Các tác phẩm, tác giả thành công thì thường từng “vướng”, “chệch”, “không bám sát” khẩu hiệu đó: Kịch của Tào Mạt, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ… thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Bùi Giáng… tranh Nguyễn Sáng, Bùi xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm…, nhạc Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… và văn của nhiều người… Đơn giản vì thời thế thay đổi thì khẩu hiệu chính trị phải thay đổi. Chính trị cần có chủ trương đường lối văn hóa văn nghệ của mình để định hướng và quản lý cụ thể đời sống văn hóa, sự “tiêu dùng” văn nghệ của dân. Còn văn nghệ có quy luật sáng tạo độc lập tương đối của nó. Nếu trước đây có các tác giả muốn tác phẩm cụ thể của mình đạt chuẩn dân tộc-khoa học -đại chúng thì hiện nay không ai “quyết chí”, nhăm nhăm làm cho tác phẩm của mình “đậm đà bản sắc dân tộc” cả. Đó là vì sáng tác bây giờ là tự do cá nhân và chính trị bây giờ cũng không muốn áp đặt công thức nào cho sáng tác nữa. Đó là một sự tiến bộ của xã hội hơn là của văn nghệ. Cũng không thể phủ nhận trong lịch sử xã hội luôn có dòng văn nghệ dấn thân, nhiều nhà văn nghệ làm chính trị và ngược lại. Họ có thể gặp những vinh quang và cay đắng đương thời nhưng nói chung thời gian rất công bằng. Các giá trị văn nghệ và các thành công chính trị lại được tách bạch và đánh giá đúng lại. Vậy bản sắc dân tộc trong khẩu hiệu đó là gì, và thế nào là đậm đà với tư cách là  hai phạm trù chính trị? Các nhà chính trị cho chúng một nội hàm và cụ thể hóa chúng trong lập pháp và hành pháp. Còn người sáng tác (như tôi) chỉ có thể thực hiện tốt chủ trương chính sách ấy bằng cách không vi phạm pháp luật và quy chế quản lý văn nghệ mà thôi. Ngoài ra thực tình tôi không thể/biết  làm gì hơn với/cho khẩu hiệu đó. Các nhà khoa học xã hội giúp các nhà chình trị đưa ra các định nghĩa  ứng dụng tùy thời. Nếu ở giai đoạn sau do thời thế quy định Đảng, chính phủ thay chủ trương khác  không dùng khẩu hiệu này nữa thì “khái niệm khoa học ứng dụng này” cũng sẽ lỗi thời để trở thành một trường hợp hẹp.
Tôi nghĩ  rằng khi nêu khẩu hiệu này các nhà chính trị muốn bảo vệ văn hóa Việt Nam trước nguy cơ bị nô dịch bởi văn hóa đại chúng ngoại lai, tránh các tệ nạn mà giao lưu văn hóa mới có thể mang tới đồng thời gìn giữ những di sản tốt đẹp cần phát huy của cha ông ta. Đó là chủ trương đúng mà người sáng tác như tôi nhiệt tình ủng hộ.

 
Tranh: Lý Trần Quỳnh Giang

Bản sắc văn hóa quốc gia, vùng miền nằm trong chiến lược đa dạng văn hóa toàn cầu, như đa dạng sinh học, là khái niệm được các nhà văn hóa học và các nhà hoạt động văn hóa quốc tế nêu ra, được Liên Hiệp quốc ủng hộ. Nó là sản phẩm hậu hiện đại đề cao yếu tố địa phương, bản địa. Nội dung chủ yếu là sự khác biệt, tính độc đáo, thậm chí là viễn dị của văn hóa du lịch, văn hóa đại chúng cùng sự đề cao những di sản độc đáo của mỗi nước, mỗi vùng miền. Nguy cơ bị “nô dịch văn hóa” của các nước nghèo, sự đại chúng hoá toàn cầu các biểu hiện và thành tựu văn hóa các nước giàu có nguy cơ xóa nhòa, bào mòn đa dạng văn hóa trên trái đất. Với người dân nó bao gồm cả  các thói quen ứng xử, tập tục, văn nghệ dân gian, lễ hội… Với các chính phủ là các chính sách biện pháp bảo vệ di sản, bảo hộ văn hóa, văn nghệ trong nước từ điện ảnh, truyền hình, sân khấu truyền thống tới các dòng nhạc bản địa hay các môn mỹ thuật dân gian, làng nghề thủ công… Khái niệm này cũng khích lệ sự giao lưu văn hóa có nhấn mạnh các nét độc đáo bản địa. Sự phát triển kinh tế trong bối ảnh toàn cầu hóa, chuyển giao công nghệ nhanh chóng và sự dư thừa sản phẩm cũng đòi hỏi hàng hóa có bản sắc quốc gia vùng miền để dễ bán hơn.

 
Tranh: Đào Hải Phong

Đối với một cộng đồng người- nguồn nhân lực thì bản sắc dân tộc có lẽ là những đặc điểm tính cách, phẩm chất đã cố kết trong lịch sử, qua lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia được đúc kết và khái quát hóa để khơi dậy hay triệt tiêu đi trước nhu cầu tiến hóa, phát triển của đương thời. Thường những đặc điểm này không hoặc khó được định lượng mà chỉ “chung chung” song lại có giá trị như một “thương hiệu” và rất có hiệu quả khi xây dựng lòng tự hào dân tộc. Nó cũng được các chuyên gia nghiên cứu để ứng dụng trong các chiến lược phát triển nguồn nhân lực (thí dụ như ta hay nói: người Đức chính xác và kỷ luật, người Hoa thực dụng và khôn khéo, người Nhật đoàn kết và trung thành, người Tây Ban Nha cuồng nhiệt và nghệ sĩ…) Có hai luồng song song khi nghiên cứu các đặc tính này: Một là đề cao các bản tính  tốt như nói người Việt thông minh, cần cù, giỏi biến hóa, ứng biến, hiếu hòa, dễ tha thứ… Hai là vạch ra các thói hư tật xấu để “chừa” dần đi như háo danh, thiển cận, hay đố kị, không đoàn kết trong kinh doanh, không chịu học đến nơi đến chốn, kém khả năng tư biện trừu tượng hóa… Và cái lý thú là thường một đặc tính “tốt” (tức hợp với thời thế cụ thể) thường đi liền với một đặc tính “xấu” (không hợp thời). Kỷ luật quá thì giáo điều, giỏi ứng biến quá thì thiếu triết học và chiến lược, học lỏm giỏi, học thi giỏi thì dễ tự vừa lòng và thiếu sáng tạo bất ngờ, đột phá, hiếu hòa quá thì dễ xuê xoa… Cá nhân tôi vẫn cho rằng các đặc tính, bản tính của người Việt tùy thuộc và thể hiện ở các mẫu người Việt đã hình thành trong lịch sử cụ thể  mà tôi đã trình bày: Người Làng- Người lính -Người mở đất. Các mẫu người này quy tụ cả các đặc tình “tốt”  lẫn “xấu” tùy theo thời thế cụ thể (Bởi bản thân bản tính không có tốt – xấu). Trong cách mạng có thể phát huy bản tính này mà triệt tiêu bản tính kia, trong chiến tranh có khác đi và nay trong hòa bình xây dựng xã hội công nghiệp, đô thị hóa, toàn cầu hóa thì lại càng phải khác. Cái “tốt” cái “xấu” cũng thay đổi. Cái cần phát huy, cái cần triệt tiêu cũng khác đi. Nếu không tùy thời mà dùng thì sẽ phạm sai lầm. Ta từng đưa các tướng tá quân đội, các nhà thơ sang làm kinh tế, quản lý vì họ có những “bản tính rất tốt” của thời chiến song đã thất bại. 

 
Tranh: Đinh Thị Thắm Poong

Bản sắc dân tộc là sự khác biệt độc đáo của một cá nhân nghệ sĩ, thể hiện trong tác phẩm. Câu hỏi mà họa sĩ các nước nghèo gặp phải khi đối diện với văn nghệ các nước giàu là: Bản sắc hội họa nước bạn là gì? Và hình như bạn chịu ảnh hưởng của họa sĩ A,B,C nổi tiếng của Phương Tây? Khi Picasso chép tượng châu Phi, Matisse vẽ như tranh nhà Phật, Van Gogh chép tranh Nhật thì họ được coi là sáng tạo. Khi họa sĩ nước nghèo có nét giống Picasso, Matisse hay Van Gogh anh ta lập tức bị chê là quay cóp, ăn phải bả Tây . Tuy nhiên khi gặp một họa sĩ có những sáng tác độc đáo nhà phê bình không ngần ngại nói Tôi thấy tranh của bạn rất Việt Nam, rất Thái Lan… Song làm cho ý kiến xác đáng đó thành phổ quát, có trọng lượng trên thị trường tranh thế giới thì cần cả một nền văn hóa và nền kinh tế hùng mạnh của quốc gia để tựa lưng. Sự độc đoán, lũng đoạn của phương Tây và các nước giàu trong thẩm định và quảng bá văn nghệ là quá lớn và bất công. Tất nhiên Trung Hoa và Ấn Độ là hai nền văn hóa khổng lồ nên con cháu của họ không dễ bắt nạt như vậy và nếu độc đáo họ có lợi thế được công nhận hơn các nghệ sĩ các thuộc các nền văn hóa “nhỏ, ngoại vi”. Văn nghệ phương Tây (được gọi luôn là thế giới) sẵn sàng ưu ái văn nghệ các nước nghèo với tư cách văn nghệ du lịch, bản địa, thổ dân, thiểu số hay văn nghệ vùng biên. Câu chuyện trên cũng chứng tỏ một biện chứng cưỡng bức là chỉ có giao lưu, trao đổi sống chung với văn nghệ quốc tế ta mới có bản sắc cá nhân, từ thời thực dân -cuộc toàn cầu hóa I -văn nghệ phương Tây đã lấy hiểu biết và cảm hứng từ các xứ sở khác làm thức ăn cho cuộc tiến hóa của mình. Ta không thể bảo vệ thụ động bản sắc mà chỉ hòa nhập cọ sát và biến đổi bản sắc mới xuất hiện và chói sáng. Truyện Kiều, thơ Nôm hay Điêu khắc Chăm, Việt, tranh khắc gỗ dân gian, tuồng chèo, nhạc Cung Đình Huế, Quan họ hay Ca trù… chứa đựng bản sắc dân tộc vì từng là sự giao thoa, cọ sát, khai thác lẫn nhau của các dòng văn nghệ, văn hóa khác nhau. Gần đây thì  cái áo dài, cái nón tới tranh sơn mài, lụa, sơn dầu từ Đông Dương tới Đổi mới, Thơ Mới, tiểu thuyết, kiến trúc “Đông Dương”, cải lương… đều là những suối nguồn, và “kho chứa” của bản sắc dân tộc. Nó trừu tượng song không chung chung mà nằm ở các tác phẩm cụ thể của các tác giả cụ thể. Nếu có những nghiên cứu nhận dạng được những nét chung nào đó của các tác phẩm, tác giả đó thì ta có thể mơ hồ gọi tên “bản sắc dân tộc” ta. Ở dạng rút gọn thì lịch sử văn nghệ là lịch sử của các tác giả độc đáo và các tác phẩm xuất chúng.
 


Tranh: Lê Thiết Cương

Với văn nghệ tôi thiết nghĩ chỉ có mỗi một cách để có “đậm đà bản sắc dân tộc” là trở thành tác giả độc đáo ở tầm dân tộc với những tác phẩm xuất chúng. Tôi cũng tin rằng mình đã vinh dự được đã gặp một số vị đó trong 2/3 thế kỷ qua.

ảnh trên cùng: Tranh: Nguyễn Quân

Nguyễn Bỉnh Quân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)