Báo điện tử trên thế giới:
Nan giải chuyện thu tiền độc giả

Đứng trước tình trạng thua lỗ liên tục, nhiều tờ báo tên tuổi, có truyền thống lâu đời trên thế giới đã buộc phải tuyên bố rao bán, hoặc giải thể bộ phận báo in để chuyển sang phiên bản báo điện tử. Thế nhưng, tình hình kinh doanh báo điện tử cũng chưa thực sự được thuận lợi. Nhiều người đã phải nghĩ tới cách thu tiền độc giả báo điện tử, hiềm một nỗi thay đổi thói quen đọc báo miễn phí từ trước nay của độc giả không phải là một câu chuyện dễ dàng.




Kết thúc một kỷ nguyên báo chí

“Một tờ báo tốt, tôi cho rằng đó chính là hình ảnh của một quốc gia khi nói về chính mình” (A GOOD newspaper, I suppose, is a nation talking to itself), nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ Arthur Miller thổ lộ chiêm nghiệm của mình như vậy vào năm 1961. Một thập kỷ sau đó, hai phóng viên của tờ Washington Post đã viết một loạt phóng sự khiến Tổng thống Mỹ hồi đó là Nixon đã phải từ chức và vị thế của báo in đã gia tăng đáng kể. Thế nhưng trong cái thế giới giàu có này, các tờ báo truyền thống đang trở thành những “loài có nguy cơ bị tuyệt chủng”…

Trên đây là đoạn viết mở đầu khá bi quan của bài báo có tựa đề “Ai là kẻ tiêu diệt báo giấy?” (Who killed the newspaper?”, xuất bản trên tờ The Economist cách đây 4 năm (số ra ngày 24/8/2006). Thế còn thực tế hiện nay thì sao?

Cách đây hơn một tháng, Erin Polgreen, một nữ nhà báo Mỹ hiện đang làm việc tại The Media Consortium viết trên blog của mình: “Tương lai của tạp chí Newsweek, một cơ quan báo chí lớn của Mỹ, hoạt động từ năm 1933 hiện đang bị đe dọa. Washington Post Company, công ty sở hữu tạp chí kể từ năm 1961 đã đưa ra một thông báo bất ngờ: rao bán tờ tạp chí lớn thứ 2 này của Mỹ”. Nhiều người cho rằng đây là “sự kết thúc của một kỷ nguyên báo chí”, nhưng bà Polgreen lại nghĩ: “Công ty báo chí khổng lồ không kịp quay đầu trước cơn bão lớn”. Năm ngoái, Newsweeks đã lỗ tới 24 triệu USD và theo đà đó, năm nay chắc chắn tạp chí còn tiếp tục lỗ.


Newsweek, tờ tạp chí lớn thứ 2 của Mỹ đã buộc phải rao bán vì thua lỗ trong kinh doanh

Tác giả của bài báo trên The Economist cách đây 4 năm cũng đã chỉ rõ nguyên nhân tại sao ngành báo chí truyền thống (old media) lại bị lỗ: đó là bởi sự xâm thực của thông tin miễn phí trên mạng trong khi phần lớn các tờ báo chưa thể có lãi từ các phiên bản điện tử của mình. Trong vòng cả thập kỷ nay, lượng ấn hành của các tờ báo giấy liên tục giảm xuống, không chỉ ở Châu Mỹ, mà còn cả ở khắp nơi trên thế giới, như Châu Âu, Úc, New Zealand… Philip Meyer, một giáo sư dạy báo chí ở Mỹ tính rằng đến quí đầu của năm 2043, toàn bộ báo giấy ở Mỹ sẽ biến mất khi không còn độc giả nữa. Ngay cả tờ báo lá cải nhất lúc đó chắc cũng không thể tồn tại trên phiên bản báo giấy bởi giới trẻ đọc thông tin ngày càng nhiều hơn trên mạng internet. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người Anh ở lứa tuổi từ 15 đến 24 đã giảm 30% thời gian đọc báo giấy kể từ khi họ bắt đầu sử dụng các trang web.

Sự lớn mạnh của loại hình “báo chí công dân” (citizen journalists và các bloggers) cũng là một trong những nguyên nhân khiến các tờ báo giấy ngày càng mất độc giả. Chính sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng trên nền internet đã khiến bất cứ người dân bình thường nào có chút kiến thức về công nghệ thông tin đều có thể trở thành các “nhà báo” hoặc “biên tập viên” và dùng máy tính cá nhân đưa thông tin lên mạng để “toàn cầu” được đọc. Tuy nhiên, báo chí không chính thống vẫn có nhiều hạn chế, khó có thể cạnh tranh được với các nhà báo chuyên nghiệp. Phần lớn các blogger đưa tin từ ở nhà, chứ không phải ở hiện trường và các “nhà báo công dân” có xu hướng bám vào các sự kiện địa phương chứ không phải ở phạm vi quốc gia hoặc toàn cầu.

Bên cạnh sự hờ hững của người đọc, nguy cơ chính “giết chết” báo giấy chính là sự sụt giảm về quảng cáo, nguồn cung tài chính quan trọng nhất đối với bất cứ tờ báo in nào.

 

Tìm lối thoát


Báo chí tương lai phải được thiết kế để có thể hoạt động trên bất cứ nền tảng công nghệ nào để có được bạn đọc

Nhưng các tờ báo không cam chịu ngồi để nhìn cái chết đến với mình. Một trong những phương cách để tự cứu mình chính là phát triển các phương thức thông tin mới trên nền internet và tìm cách thu tiền từ người đọc trên internet. Đây là một công việc khó khăn bởi người đọc trên mạng lâu nay ít phải trả tiền, hoặc qua các công cụ như trang tìm kiếm nổi tiếng Google, người đọc hoàn toàn có thể nhanh chóng tìm được các thông tin cập nhật, miễn phí. Sự việc căng thẳng đến mức cách đây không lâu, Rupert Murdoch, một ông trùm báo chí trên thế giới đã lớn tiếng gọi các công cụ tìm kiếm miễn phí và các trang web tổng hợp tin tự động là “những kẻ cướp” vì đã sống trên mồ hôi, nước mắt của người khác.

Ngày 26/5 vừa qua, hai phiên bản điện tử của tờ Times và Sunday Times thuộc sở hữu của Rupert Murdoch đã chính thức ra mắt giao diện mới, bước chuẩn bị cuối cùng để thu phí thông tin đối với người đọc các báo điện tử này. Đây là động thái được đánh giá để cứu lấy tương lai của ngành công nghiệp báo chí vốn đang ốm yếu, vật vã. Như vậy, bắt đầu từ tháng 6 này, người vào các báo điện tử nói trên phải đăng ký tài khoản và trả khoản tiền đọc theo ngày là 1 bảng Anh (28.000 đồng) hoặc theo tuần là 2 bảng Anh (56.000 đồng) để được đọc nội dung thông tin trên báo điện tử. Lý do được Murdoch đưa ra đối với việc thu tiền người đọc báo điện tử là: “để trang trải chi phí thuê phóng viên và biên tập viên giỏi, vốn rất tốn tiền”.

Theo kế hoạch, các tờ báo ở Mỹ thuộc sở hữu của ông trùm báo chí này như Wall Street Journal và New York Post hay các tờ báo lá cải khác ở Anh như The Sun và The New of the World cũng sẽ có kế hoạch thu phí nội dung trực tuyến. Công ty News International, công ty sở hữu các tờ Times và Sunday Times thừa nhận là với kế hoạch thu phí, các tờ báo này có thể mất đi tới 90% lượng độc giả trực tuyến. Nhưng bù lại, các tờ báo vẫn thu được tiền từ các độc giả trung thành. Theo tạp chí trực tuyến hàng đầu của Anh-New Media Age, quyết định này của Murdoch là “dũng cảm” và các tờ báo này có thể chỉ còn 5% lưu lượng truy cập. “Nhưng 5% người dùng này cũng sẽ trả khá nhiều tiền”, đại diện của New Media Age nói.

Cho đến nay, chưa ai có thể hình dung làm thế nào để rút ngắn được khoảng cách giữa báo in và báo điện tử.

 

Không dễ dàng

Xu hướng buộc bạn đọc phải trả tiền để đọc báo điện tử dường như đã khá rõ ràng, nhưng để biến điều này trở thành hiện thực không phải là điều dễ dàng.

Matthew Lynn, một cây bút của hãng tin kinh tế nổi tiếng Bloomberg có vẻ không tin mấy vào thành công của Rubert Murdoch. Mở đầu một bài viết về quyết định thu tiền đọc báo điện tử đối với bạn đọc của nhà tài phiệt này, bà viết: một trong những nguyên tắc để thành công trên thị trường là “đừng bao giờ đặt cửa ngược lại với Rubert Murdoch khi bạn đánh cược”.


Times Online, tờ báo của trùm báo chí Robert Murdoch tiên phong trong việc thu tiền bạn đọc, nhưng nhiều người còn nghi ngờ thành công của việc này

Tuy nhiên, các phân tích ở dưới của bà lại cho rằng: “Đã quá muộn để thay đổi cách tính tiền đối với các tờ báo mạng”, bởi theo phân tích của bà, hiện nội dung trên báo điện tử chưa thực sự tốt, bản thân các tờ báo điện tử chỉ là một sản phẩm của công nghệ và khó có thể tự vận hành tốt trong nền kinh tế số.

Quyết định của Robert Murdoch, theo Matthew Lynn, thực sự là một bước đi táo bạo bởi chẳng ai trong báo giới có thể quả quyết rằng nó có thể thành công. Hơn thế nữa, cho đến nay người ta vẫn thấy có quá ít dấu hiệu cho thấy doanh thu quảng cáo trên internet sẽ đủ bù đắp mức thu từ việc bán báo in truyền thống như trước kia.

Việc thu tiền bạn đọc đối với báo điện tử, theo Matthew Lynn, chưa phải phương cách hữu hiệu và có thể áp dụng được ngay. Theo phân tích của bà, nếu tờ báo muốn bắt đầu thu tiền từ trang web của mình thì việc này lẽ ra phải tiến hành từ một thập kỷ trước đây, khi internet bắt đầu xuất hiện như một loại hình thông tin mới. “Khi bạn định giá cho bất cứ một sản phẩm tiêu dùng nào, điều kiện tiên quyết là phải xác định ai sẽ trả giá cho sản phẩm đó”, bà viết. Nhưng trong trường hợp của báo điện tử, giá của nó là zero (0). Quan niệm này khó có thể thay đổi được trong đầu người tiêu dùng vì hiện tại thay vì phải trả tiền cho một vài báo điện tử, người đọc vẫn có thể đọc được các thông tin miễn phí từ các nguồn khác.

Cuối cùng, Matthew Lynn kết luận: lần này thì người ta có thể đặt cửa ngược lại với Robert Murdoch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với bất kỳ loại hình báo chí nào, để tiến được vào thế kỷ tới, chúng cần phải có ý nghĩa, được phục vụ một cách không vụ lợi và có thể hoạt động trên bất cứ nền tảng công nghệ nào.

Tương lai của báo chí thực sự chưa rõ ràng và chưa ai thực sự biết được câu trả lời. Trong khi các sáng chế công nghệ và lượng người sẵn sàng gia nhập thế giới sản xuất và phổ biến thông tin ngày càng nhiều hơn, chắc chắn sẽ chưa có bất cứ mô hình hứa hẹn mới nào có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu kinh doanh của báo chí./.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)