Bảo tàng Khoa học và Kỹ thuật ở Hà Nội – một phác thảo

Hà Nội là trung tâm khoa học, nơi tiếp nhận trước hết nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong suốt hơn 100 năm qua thế nhưng đến nay, thành phố lại chưa có bảo tàng khoa học nào. Nói đúng ra, Hà Nội đã có một bảo tàng về một lĩnh vực khoa học, đó là Bảo tàng Địa chất nhưng bảo tàng này lại bị chìm đắm và lu mờ, hầu như không có khách.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra là: Bảo tàng Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) có phải là nhu cầu của Hà Nội không? Bảo tàng tương lai đó sẽ mang tính chất như thế nào: chuyên về một lĩnh vực khoa học cụ thể, giới thiệu những thành tựu khoa học của thế giới được ứng dụng ở Việt Nam, hay là một bảo tàng về các nguyên lý khoa học được ứng dụng trong cuộc sống…?

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một số kiến giải bước đầu để chúng ta cùng bàn thảo, định hướng trả lời cho các câu hỏi trên.

Tiềm năng của Hà Nội

Để chuẩn bị cho một bảo tàng phải có đồng thời ba điều kiện sau đây:

 Trước nhất: Định hướng được nhu cầu xã hội, nhu cầu của công chúng

 Thứ hai: Có nguồn hiện vật

 Thứ ba: Có nguồn nhân lực để thực hiện

Với bề dày lịch sử lâu dài, là trung tâm khoa học và kỹ thuật của cả nước, Hà Nội hội tụ tất cả các vấn đề của cuộc sống có liên quan đến khoa học kỹ thuật: từ kỹ thuật truyền thống đến kỹ thuật hiện đại; từ những thiết bị hơn trăm năm trước đây đến những trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện nay. Hà Nội cũng là nơi chứng kiến và thể hiện rõ nét nhất những biến đổi và phát triển của khoa học kỹ thuật về mọi mặt từ nhận thức, đến quan niệm, quan điểm…

 Một tiềm năng lớn và quan trọng khác của Hà Nội là tiềm năng về con người. Hà Nội có nhiều trường đại học lớn, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học-kỹ thuật, nhiều nhà máy, xí nghiệp… Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà khoa học, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, thợ thủ công lành nghề… Nhân tố con người này vô cùng quan trọng trong việc xây dựng ý tưởng về bảo tàng KH&KT, thiết kế nội dung cũng như cách thức giảng giải, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến khoa học và kỹ thuật – một trong những yêu cầu mấu chốt cho một bảo tàng khoa học. Như vậy, Hà Nội có đầy đủ tiềm năng cho sự ra đời và phát triển một Bảo tàng Khoa học Kỹ thuật.

Tên gọi

Tùy theo mục đích và phạm vi quan tâm rộng/ hẹp của Bảo tàng để lựa chọn tên gọi cho nó. Có các phương án về tên gọi như sau: Bảo tàng Khoa học, Bảo tàng KH&KT, hay Bảo tàng Kỹ thuật. Các tên gọi này có khác nhau không?

 Bảo tàng Khoa học: sẽ có phạm vi bao quát rất rộng, tới tất cả các lĩnh vực liên quan đến khoa học. Có thể xây dựng chiến lược trước mắt và lâu dài, tùy theo điều kiện và kinh phí mà lựa chọn ưu tiên các lĩnh vực khoa học triển khai trước hay sau.

 Bảo tàng KH&KT: cũng như Bảo tàng Khoa học, có sự chú ý cả về khoa học và kỹ thuật, trong đó các vấn đề kỹ thuật có thể là lựa chọn ưu tiên hơn.

 Bảo tàng Kỹ thuật: Thuần túy trình bày các vấn đề kỹ thuật trên nền tảng khoa học.
 Chúng tôi thiên về tên gọi: Bảo tàng KH&KT. Việc xác định tên gọi của Bảo tàng rất quan trọng vì tên gọi sẽ phản ánh nội dung của bảo tàng, định hướng của bảo tàng. Tên gọi đúng, chính xác cũng là một cách tiếp thị nữa.

Định hướng trưng bày

Ở Việt Nam, Bảo tàng Yersin (Nha Trang) là bảo tàng đầu tiên và duy nhất cho đến nay trưng bày về một nhà khoa học, đó là nhà vi trùng học Pháp đã dành cả cuộc đời nghiên cứu khoa học tại Việt Nam với nhiều đóng góp cho y học. Gần đây, với mong muốn lưu giữ và bảo tồn di sản của các nhà khoa học Việt Nam, tháng 9 – 2008, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập và trong tương lai, đây sẽ là Bảo tàng về các Nhà khoa học Việt Nam.

Đối tượng: Đối tượng đầu tiên Bảo tàng KH&KT ở Hà Nội hướng tới là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và khách gia đình bởi vì trưng bày của Bảo tàng sẽ bổ sung trực tiếp kiến thức về khoa học và kỹ thuật cho chương trình học tập trên lớp và sự hiểu biết về cuộc sống hàng ngày. Trẻ em sẽ được học bằng nhiều cách tiếp cận: có thể học bằng trải nghiệm qua hiện vật, qua tự mình vận hành thực tế, qua hệ thống câu hỏi, qua các hiện vật với các bảng giải thích… Điều quan trọng là trẻ tự khám phá để hiểu các nguyên lý và nguyên tắc vận hành của kỹ thuật và công việc của nhà khoa học…

Nội dung: Bảo tàng không thiên về trình bày những vấn đề lịch sử của kỹ thuật mà chủ yếu trình bày các nguyên lý kỹ thuật trong ứng dụng vào thực tế, các kiến thức khoa học và kỹ thuật, và công việc cụ thể của nhà khoa học. Đến bảo tàng, khách tham quan sẽ được tìm hiểu các nguyên lý khoa học về vật lý, hóa học, điện tử, sinh học, con người… và các nguyên lý đó đã được ứng dụng trong cuộc sống như thế nào; cũng như được cung cấp những kiến thức cơ bản về các thành tựu khoa học trong toán học, vật lý, hoá học, sinh học và khoa học trái đất (ví dụ như: định luật vạn vật hấp dẫn, vấn đề ánh sáng và tốc độ ánh sáng, hệ sinh thái và hiện tượng quang hợp…). Bảo tàng cũng giới thiệu những tiến bộ mới nhất về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, năng lượng và môi trường…

Một nội dung quan trọng khác của Bảo tàng là giới thiệu những thành tựu ứng dụng của khoa học và kỹ thuật truyền thống Việt Nam, như những kiến thức liên quan đến khoa học về đất và nông nghiệp, kỹ thuật thuật từ các ngành thủ công, kỹ thuật dựng nhà, … – là những sáng tạo của nhân dân, vừa đơn giản, tiện lợi, rẻ tiền lại hiệu quả. Vấn đề tiếp nối kỹ thuật truyền thống sẽ rất được coi trọng ở Bảo tàng này.

 Nguyên tắc trưng bày: Từ nguyên lý khoa học dẫn đến những ứng dụng thực tế hoặc ngược lại, từ hiện vật thực tế, giải thích các nguyên lý kỹ thuật đã được ứng dụng. Có thể kể ra nhiều ví dụ. Chẳng hạn:

 – Khoa học công nghệ: Lý giải nguyên lý về sự bay hơi của nước thông qua các công cụ và công việc trưng cất rượu (thủ công), nấu rượu (trong nhà máy); sản xuất nước cất; đầu máy xe hỏa chạy bằng hơi nước; ô tô chạy điện, xe đạp hai bánh… Lý giải nguyên lý về khí động lực đến việc sản xuất máy bay cánh quạt, máy bay phản lực, thủy phi cơ…; Lực học được áp dụng thế nào vào các kỹ thuật xây dựng cầu đường, hầm giao thông…; Các nguyên lý về hóa học qua kỹ thuật pha chế các chế phẩm như: nhuộm màu (nhuộm màu truyền thống trong dệt và sản xuất gốm sứ) đến pha chế và nhuộm màu hiện đại…

 – Khoa học về con người (y học): cơ chế vận hành của tim, mạch máu và những nguyên nhân gây bệnh tim mạch, cách phòng tránh; giải phẫu sinh lý người với các ứng dụng của y học.

 – Thông tin: từ cách truyền tin cổ điển (tín hiệu moóc-xơ) đến internet được xây dựng dựa trên các nguyên lý kỹ thuật nào.

 – Sinh học: sự sinh trưởng, phát triển của cây cối hoặc đời sống của các sinh vật; cuộc đấu tranh sinh tồn giữa chúng…

 Phương pháp trưng bày không thực hiện theo hình thức diễn giải mà chủ yếu thông qua việc đặt và trả lời các câu hỏi. Có thể phân loại kỹ thuật từ nhiều ngành khoa học, nhiều ứng dụng khác nhau trong cuộc sống để lý giải những kiến thức khoa học phổ thông qua hệ thống hiện vật và giải thích nguyên lý kỹ thuật của nó.

Cách tiếp cận trưng bày sẽ hoàn toàn mới, chủ yếu khuyến khích trải nghiệm tại chỗ. Toàn bộ hệ thống trưng bày chính sẽ được gắn kết chặt chẽ với quá trình trải nghiệm của cá nhân. Có các phòng thí nghiệm, phòng khoa học dành cho trẻ em, tao ra môi trường trải nghiệm thú vị và phù hợp với ước mơ của tuổi trẻ.

Hiện vật: Loại hình bảo tàng này không quá coi trọng hiện vật gốc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những hiện vật gốc mang tính minh họa để giải thích thì rất cần thiết. Nhiều loại hiện vật sẽ không quá khó khăn để sưu tầm, như các công cụ cơ khí, công cụ sản xuất đơn giản, dụng cụ trưng cất rượu, các công cụ truyền tin, các phương tiện vận tải từ thô sơ đến phức tạp như đầu máy hơi nước, máy bay cánh quạt, máy bay trực thăng …

Các hiện vật tái tạo hay mô hình sẽ là chủ yếu bởi mục đích lớn nhất của Bảo tàng là giúp người xem khám phá, tìm hiểu và thực hành những nguyên lý khoa học từ những ứng dụng đơn giản nhất đến những thành quả hiện đại nhất. Thí dụ như tạo ra một mô hình lớn về quả tim mà người ta có thể chui vào bên trong để đi theo và hiểu được cơ chế và quá trình hình thành máu đen và máu đỏ trong tim như thế nào. Hay tạo một thiết bị mô phỏng với kỹ thuật 3D để khách có thể cảm nhận một cuộc động đất, một cơn bão lớn. Cũng có thể tạo các thiết bị để các em biết được sấm chớp xuất hiện như thế nào và cách tránh sét đánh…
 
 ***
Trên đây chúng tôi trình bày một số vấn đề rất cơ bản về ý tưởng Bảo tàng KH&KT. Bảo tàng tương lai này sẽ là nơi vừa học tập, vừa vui chơi thông qua tiếp cận, làm quen và thử nghiệm những thành tựu về khoa học và kỹ thuật được ứng dụng trong cuộc sống thường ngày và trong lao động, sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Chúng tôi cho rằng đề xuất hình thành ý tưởng về Bảo tàng KH&KT ở Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của người Hà Nội hiện nay, phù hợp với công chúng mục tiêu và công chúng tiềm năng khi hệ thống bảo tàng Việt Nam còn thiếu vắng hoàn toàn bảo tàng thuộc loại hình khoa học, phù hợp với những mục tiêu phát triển dân trí, khả năng nguồn nhân lực và vật chất của thành phố.

Ý tưởng này đưa ra là đúng thời điểm. Bởi vì, chính lúc này, lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Xây dựng, Chính phủ và Quốc hội đang chuẩn bị và thông qua Quy hoạch Hà Nội. Bản Quy hoạch còn đang được thảo luận. Nếu Hà Nội và các cơ quan hữu quan không quan tâm, không đề xuất và đưa được ý tưởng việc thành lập và xây dựng một loại hình bảo tàng mới – Bảo tàng KH&KT – vào Quy hoạch Hà Nội 2020-2030 thì sẽ là bỏ lỡ một cơ hội.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)