Bảo tàng: Sức sống và lẽ sống

Chuyên gia về bảo tàng Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 1995 đến 2006, nói về sức sống của bảo tàng trong mối quan hệ với các nguồn tài chính mà nó có thể thu hút được và về chức năng giáo dục của bảo tàng.

PV: Năm 2010, chúng ta đã khánh thành Bảo tàng Hà Nội với kinh phí xây dựng hơn 2.300 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính cũng được yêu cầu lập kế hoạch vốn cho đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày. Có vẻ như chúng ta không tiếc tiền chi cho các bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng tầm cỡ quốc gia?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Có thể nói, cái thiếu nhất của các bảo tàng hiện nay, đặc biệt là các bảo tàng quốc gia, không hẳn chỉ là vấn đề kinh phí mà còn cả trình độ chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao nữa.

Muốn thực sự có bảo tàng đàng hoàng phải có đủ kinh phí cho xây dựng, nghiên cứu, và trưng bày; mặt khác, bảo tàng là tổng hòa của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao từ những chi tiết nhỏ như bố cục, màu sắc, ánh sáng, giá kệ… – đó là chưa nói đến nội dung. Nhưng do sự tréo ngoe về mặt chính sách, những người làm chuyên môn về bảo tàng đã bị tách ra khỏi quá trình xây dựng bảo tàng ngay từ đầu, hay nói cách khác, việc xây dựng bảo tàng hiện nay đang được giao cho những người không có chuyên môn về bảo tàng. Vì thế mới xảy những chuyện như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Quảng Ninh chưa rõ ý định trưng bày những gì nhưng tủ, kệ đã được đóng trước.

Cá nhân tôi cảm thấy khá may mắn khi bắt tay vào xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những năm 1990, ở vị trí Giám đốc bảo tàng, tôi đương nhiên được kiêm nhiệm trưởng ban quản lý công trình, quá trình xây dựng cơ bản vì vậy luôn có sự song hành của chuyên môn về bảo tàng.

Nhưng kể từ năm 2006, chúng ta ra quy định mới về Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản, theo đó, việc xây dựng cơ bản bảo tàng hoàn toàn được ủy thác cho các kiến trúc sư, kỹ sư với lý do giám đốc bảo tàng không đủ năng lực quản lý việc xây dựng. Giám đốc bảo tàng và nhân viên trở thành người làm thuê cho Ban quản lý xây dựng, bởi vậy không có gì khó hiểu khi tiếng nói của họ trở nên kém trọng lượng, không có tính quyết định. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang trong quá trình chuẩn bị khởi công cũng thuộc vào trường hợp này, Ban quản lý xây dựng của nó nằm ở Bộ Xây dựng chứ không phải Bộ Văn hóa, là cơ quan chủ quản Bảo tàng trong tương lai.

Ông có cho rằng được bao cấp kinh phí đầu tư xây dựng và hoạt động là một lợi thế của bảo tàng không, thưa ông?

Kinh phí là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Sẵn kinh phí xây dựng chỉ có nghĩa là chắc chắn sẽ có tòa nhà kịp hoàn thành nhân dịp lễ trọng nào đó; sẵn kinh phí hoạt động chỉ có nghĩa là các trưng bày chắc chắn sẽ được cắt băng khánh thành đúng hẹn, bất kể chất lượng như thế nào, người đến xem có đông hay không. Nhìn từ góc độ này, có tiền lại là có hại, vì nó không thúc đẩy người ta cải tiến, sáng tạo.

Sẵn kinh phí xây dựng chỉ có nghĩa là chắc chắn sẽ có tòa nhà kịp hoàn thành nhân dịp lễ trọng nào đó; sẵn kinh phí hoạt động chỉ có nghĩa là các trưng bày chắc chắn sẽ được cắt băng khánh thành đúng hẹn, bất kể chất lượng như thế nào, người đến xem có đông hay không. Nhìn từ góc độ này, có tiền lại là có hại, vì nó không thúc đẩy người ta cải tiến, sáng tạo.

Thực tế cho thấy, mặc dù kịp khánh thành chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long nhưng Bảo tàng Hà Nội sau đó vắng hoe khách thăm do nội dung trưng bày sơ sài bên trong. Cần lưu ý rằng, Bảo tàng Hà Nội trước đây không có ngôi nhà riêng của mình nên cũng không có nhiều sưu tập riêng. Phần lớn các hiện vật trưng bày có được đều là tang vật từ các vụ buôn đồ cổ, hoặc theo liệt kê thì có tới vài vạn món nhưng riêng mũi tên đồng đã chiếm đến hầu hết số lượng trong danh mục. Thực trạng này đang được khắc phục bằng kế hoạch mua hiện vật, đồ cổ về trưng bày. Tôi từng nêu ý kiến, trong điều kiện như hiện nay, Bảo tàng Hà Nội nên tập trung vào đời sống đương đại, chẳng hạn như kể câu chuyện về các nghề thủ công, các làng nghề và các lễ hội ở Hà Nội, như thế cũng đủ phong phú, màu sắc lắm rồi. Đồ cổ không phải là tất cả, cái đó có thể tích lũy dần theo thời gian, nhưng trước mắt, nên làm những việc phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.

Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới, sáp nhập hai bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, lại gặp vấn đề khác. Tôi nghĩ rằng bảo tàng này không lo thiếu hiện vật trưng bày, vấn đề bây giờ là nghiên cứu, tìm kiếm, bổ sung thông tin cho những hiện vật đã có để kể được câu chuyện hấp dẫn về các hiện vật hay nhóm hiện vật. Cá nhân tôi cho rằng một việc quan trọng của bảo tàng này là “cấp cứu” (qua băng ghi âm, ghi hình và sưu tầm tư liệu) những câu chuyện mà những nhân chứng sống của các sự kiện lịch sử đương đại quan trọng sở hữu, nếu không chỉ vài năm nữa thôi, những câu chuyện đó sẽ vĩnh viễn mất đi cùng những chủ nhân tuổi cao sức yếu của chúng, chứ không phải là bỏ tiền đi săn lùng đồ cổ- vâng, bảo tàng này cũng có kế hoạch mua đồ cổ về phục vụ các trưng bày của mình.

Có vẻ như, việc được bao cấp kinh phí luôn khuyến khích người ta chọn việc dễ hơn để làm.

Vậy tức là ông cho rằng một bảo tàng tốt phải là một bảo tàng sống được bằng tiền bán vé vào cửa, chứ không phải nhờ kinh phí bao cấp từ nhà nước?

Không bảo tàng nào sống được chỉ bằng tiền bán vé vào cửa, mặc dù đó là nguồn thu đáng kể. Vấn đề ở đây chúng ta phải thay đổi quan điểm về cách tài trợ cho bảo tàng. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản: Trước kia, chính phủ nước này cấp kinh phí cho từng bảo tàng, nhưng gần đây, khoản cấp cho các bảo tàng được đưa chung vào một quỹ, các bảo tàng phải viết dự án xin tài trợ, và tất nhiên, để giành được tài trợ, không có cách nào khác là phải động não sáng tạo để có dự án tốt nhất với những chủ đề hay hoạt động thiết thực, hấp dẫn. Dự án được duyệt rồi lại phải lo làm cho có chất lượng để giành lấy uy tín, năm sau còn tiếp tục xin tài trợ.

Ngoài ra, trên thế giới, bất kỳ bảo tàng nào cũng phải có bộ phận phát triển ngân quỹ tức là thu hút tài trợ cho các hoạt động khác nhau của bảo tàng. Trưng bày thường xuyên của bảo tàng thường phải 10-15 năm mới thay đổi một lần, nên các trưng bày chuyên đề đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo điểm nhấn, mà những trưng bày chuyên đề này có phong phú hay không phụ thuộc rất nhiều vào tài trợ bên ngoài.

Tôi cũng thường hay được hỏi, vì sao Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong điều kiện kinh phí eo hẹp, lại có thể tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn như vậy. Thực tế, ngoài khoản thu từ việc bán vé vào cửa mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng, ngay từ đầu, tôi và các đồng nghiệp đã xác định phải tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ bên ngoài thì mới đủ chi cho các hoạt động trưng bày, bởi vậy Ban đối ngoại chuyên lo việc hợp tác quốc tế và xin tài trợ được thành lập từ rất sớm với ba nhân viên. Phần lớn các hoạt động trưng bày, bao gồm một chục ngôi nhà của các dân tộc được dựng lên trong khuôn viên bảo tàng, đều do các quỹ văn hóa quốc tế và các đại sứ quán tài trợ. Nếu hoạt động tìm tài trợ hiệu quả, các dự án có thể gối nhau kéo dài đến 5-10 năm, như trường hợp của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tôi cho rằng, đã làm bảo tàng thì phải quan niệm khách không đến với trưng bày của mình là một thất bại lớn. Đáng buồn là nhìn theo tiêu chí này thì phần lớn bảo tàng ở Việt Nam đang hoạt động không thành công, số bảo tàng đạt khoảng 500 nghìn  lượt khách thăm/năm đếm trên đầu ngón tay, còn phổ biến chỉ vài chục khách thăm mỗi ngày.

Ông có biết những bảo tàng nào hiện nay thành công nhất tính theo số lượt khách thăm không?

Nếu tính riêng hệ thống những bảo tàng thu phí vào cửa thì Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) hay Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP Hồ Chí Minh), là những bảo tàng thành công nhất.

Tôi nhận thấy, gần đây, một số bảo tàng bắt đầu lo lắng câu chuyện khách thăm, như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bảo tàng này rất tích cực tổ chức nhiều hoạt động bên ngoài, với quan niệm rằng, chỉ cần khách bước qua cổng bảo tàng là quý rồi. Khách đến bảo tàng công nhận có tăng lên thật, nhưng câu chuyện này còn phải bàn tiếp ở chỗ như vậy đã hẳn là tốt chưa khi khách đến là đến với các hoạt động bên ngoài chuyên môn chứ chưa thực sự đến với các trưng bày của bảo tàng. Theo tôi, bảo tàng, một khi đã được mở ra, là phải dùng hoạt động chuyên môn để tạo nên nguồn sống và sức sống cho mình, và phải lấy đó làm lẽ sống.

Những đối tượng khách thăm nào phải được coi là lẽ sống của bảo tàng, thưa ông?

Bảo tàng đầu tiên và trước hết là để phục vụ cộng đồng ngay tại chỗ, nhưng hiện nay, bảo tàng ở Việt Nam đầu tiên và trước hết nhằm đến khách du lịch.

Để phục vụ tốt nhất cộng đồng thì không thể bỏ qua mối quan hệ giữa bảo tàng và giáo dục.

Cách đây vài năm, chúng tôi đã đưa ra khái niệm “Di sản ở quanh chúng ta”. Đồng Văn, Mèo Vạc, Mù Căng Chải lấy đâu ra bảo tàng cho học sinh đến học nhưng ở đó có những di sản tri thức dân gian như kỹ thuật trồng ngô trên các hốc đá nuôi sống bao thế hệ người Mông, kỹ thuật làm ruộng bậc thang, kỹ thuật xây nhà trình tường… Nhà trường, thầy cô giáo cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa cùng có trách nhiệm nhận diện những giá trị đó và giúp học sinh khám phá và trân trọng nó, đó chính là một dạng bảo tàng mở rộng, là sự vươn dài cánh tay của bảo tàng ra khỏi khuôn viên vật chất hạn hẹp của mình.
 

PGS. TS Nguyễn Văn Huy

Về nguyên tắc, bảo tàng là nơi để học sinh đến khai thác học tập. Chưa làm được việc này là một lỗi rất lớn của cả ngành giáo dục và bảo tàng. Ngành giáo dục của chúng ta từ lâu đã có chủ trương, nhà trường phải đưa học sinh đến bảo tàng một số lần nhất định trong năm. Và kết quả là, để đạt chỉ tiêu đó, các trường thường tổ chức cho những nhóm học sinh lớn, 500 – 800 – 1.000 em, đến thăm bảo tàng mỗi lần, một cách hết sức phi giáo dục. Một số trường thì thuê các trung tâm giáo dục truyền thống đưa học sinh đi thăm bảo tàng, việc tổ chức có vẻ nề nếp, trật tự hơn nhưng cũng chỉ có nghĩa là tất cả xếp thành hàng lướt qua một lượt các trưng bày. Theo tôi, những cách làm đó đều là vô bổ bởi chúng không tính gì đến chất lượng, phương pháp khai thác bảo tàng. Nó cũng cho thấy thói chuộng thành tích và cả biểu hiện ngại khó ngại khổ của nhà trường trong việc tìm kiếm các tiếp cận giáo dục bảo tàng một cách hiệu quả nhất.

Ở nhiều nước, học sinh đến bảo tàng là để học tập, để khám phá, giáo viên phối hợp với bảo tàng làm chương trình giáo dục riêng cho các em theo từng nhóm nhỏ. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng từng tổ chức những chương trình phát hiện, khám phá riêng cho học sinh và ra quy định, nếu đưa học sinh đến theo từng nhóm dưới 50 em thì chúng tôi miễn phí vé vào cửa nhưng không được hưởng ứng.

Rất nhiều trường học nằm cận kề bảo tàng như trường Trưng Vương, trường Lý Thường Kiệt ngay cạnh Bảo tàng Phụ nữ; trường Lê Quý Đôn gần Bào tàng Dân tộc học Việt Nam; trường Phan Chu Trinh rất gần Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng thử hỏi, trong số các trường này đã có trường nào đặt vấn đề phối hợp với bảo tàng tổ chức những lớp học riêng cho học sinh của mình chưa?

Trong khi đó, một sự so sánh thật đáng buồn, các trường quốc tế ngay ở Hà Nội đang khai thác một số bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hết sức bài bản. Sau mỗi chuyến đi đến bảo tàng, học sinh sẽ làm bài thu hoạch, nhưng không phải để tường thuật về những điều mắt thấy tai nghe ở bảo tàng mà để tự trả lời những câu hỏi mang tính khái quát hơn, chẳng hạn thế nào là đa dạng văn hóa, là sự bình đẳng về nhân chủng, giới tính…

Chúng ta đã tạo ra một thiết chế để phục vụ giáo dục nhưng lại không khai thác được nó, đó là do nhận thức của ngành giáo dục mới chỉ dừng ở bề nổi.

Cách đây vài năm, chúng tôi đã từng đề xuất để Luật Di sản ghi vào một câu là bảo tàng có chức năng giáo dục nhưng không được chấp nhận – những nhà làm chính sách nói như vậy là dẫm chân lên chức năng của ngành giáo dục (!). Đó thật sự là điều rất đáng tiếc vì Luật Di sản nếu có sửa đổi thì cũng phải chờ ít nhất 10 năm nữa.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Gần đây ở Việt Nam xuất hiện xu hướng mở ra các bảo tàng ngành – có thể kể tên một số bảo tàng đang hoạt động tích cực như Bảo tàng Hải quan, Bảo tàng truyền thống ngành Ngân hàng, hay Bảo tàng truyền thống ngành Điện lực. Những bảo tàng này đều xuất phát từ các phòng truyền thống, nhưng khi nâng nó lên mang tính chất bảo tàng ngành tức là đã quan niệm đề cao chất lượng, không dừng ở chỗ có gì trưng bày nấy. Những bảo tàng này nhỏ, nhưng nếu được đầu tư tốt, được giao cho nhóm chuyên gia có năng lực, trọng chất lượng thì sẽ có tác động trở lại các bảo tàng quy mô, bởi nó đưa ra những mô hình đáng tham khảo về cách quản lý chất lượng.

PV: Ngoài ra, những bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, và sắp tới là Bảo tàng Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (cả hai đều ở Hoài Đức, Hà Tây), Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam (ở Cao Phong, Hòa Bình) mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị tư liệu để phục vụ các trưng bày của nó, có dự báo xu hướng nào không và chúng có khả năng đóng góp ra sao cho đời sống bảo tàng ở Việt Nam, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Tôi mong muốn trong bối cảnh kinh tế, xã hội và cả thực lực của giới bảo tàng nước ta hiện nay thì nên khuyến khích phát triển các bảo tàng nhỏ. Các bảo tàng này đi sâu vào một lĩnh vực, một chuyên ngành nào đó nhưng phải được đầu tư đầy đủ để có được chất lượng cao. Nhiều bảo tàng như vậy có thể hình thành ở các tỉnh, thành phố. Đó sẽ là cơ hội để xã hội biết đến những bảo tàng chất lượng cao, cũng là cơ hội để giới bảo tàng xốc lại hành trang chuyên môn của mình. Và từ kết quả đó, các nhà quản lý sẽ có cách nhìn mới và ứng xử đúng với nghề bảo tàng. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)