Bảo tồn di sản đô thị – trách nhiệm từ ai?

Di sản đô thị Sài Gòn chỉ trong vài năm gần đây đã bị phá một cách triệt để ở khu trung tâm thành phố. Dấu vết cảnh quan đô thị xưa biến mất chen vào đó là những công trình mới, như đánh giá của nhiều nhà chuyên môn là không độc đáo về kiến trúc và không hài hòa về cảnh quan, nhất là trên tuyến đường Đồng Khởi.

Vào năm 2016 di tích lịch sử Ba Son bị xóa sổ là một thất bại nặng nề của việc bảo tồn di sản đô thị ở TP.HCM. Không chỉ là di tích lịch sử 200 năm từ thời Chúa Nguyễn Ánh, Ba Son còn là di tích hiếm hoi về công nghiệp đóng tàu của nước ta. Lẽ ra, toàn bộ cảnh quan sông nước và di tích cần được trả về phục vụ lợi ích cộng đồng cư dân nhưng hiện nay nó hoàn toàn nằm trong dự án dành cho một thiểu số người. Và đến năm nay, 2018 là thông tin về tòa nhà “Dinh Thượng Thơ” ở ngay phía sau Dinh Xã Tây – UBNDTP sẽ bị đập bỏ để xây một công trình “hiện đại” chức năng như trung tâm hành chính của thành phố.

Vào năm 2016 di tích lịch sử Ba Son bị xóa sổ là một thất bại nặng nề của việc bảo tồn di sản đô thị ở TP.HCM.

Có một vấn đề luôn được đề cập đến trong quy hoạch đô thị lâu nay, đó chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị: bên nào sẽ thắng hay có phương pháp nào để hai bên cùng thắng? Hầu như ở đô thị các di sản luôn đứng trước sự lựa chọn: lợi ích kinh tế trước mắt hay lâu dài, lợi ích của một nhóm nhỏ hay của cộng đồng? Câu trả lời của chính quyền thế nào sẽ tìm ra phương pháp giải quyết như thế.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, sau khi xác định giá trị di sản, các nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, lịch sử, bảo tồn sẽ đề xuất phương án lưu giữ công trình cổ làm bảo tàng hoặc làm khu nghệ thuật cho người trẻ; thậm chí là khu thương mại nhưng bên trong cái “kiến trúc cũ” chứ không phải phá đi xây công trình mới. “Lợi nhuận” từ di sản sẽ đạt được bằng cả kinh tế và văn hóa, lợi nhuận ấy là bền vững và tích lũy theo giá trị di sản. Thực tế ở nước ta nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng không được như vậy, các nhà đầu tư thường chọn “tiền tươi thóc thật” ngay và luôn! Đáng tiếc là các nhà quản lý, chính quyền đô thị cũng không quan tâm đến một phương thức khác!

Hiện nay, chính quyền đô thị vẫn quan niệm vùng lõi đô thị nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa chỉ là vùng “đất vàng”, thậm chí “đất kim cương”, chưa quan niệm là “vùng di sản, vùng ký ức”. Do đó, việc thực thi bảo tồn di sản chưa nhất quán theo quan điểm: Di sản phải quý hơn vàng hơn kim cương! Vì đây là sự kết tinh bao nhiêu giá trị, được lưu truyền lại và là tài sản chung của tất cả cư dân. Không thể đánh đổi vội vã trong một thế hệ hay một “nhiệm kỳ” – để lấy sự tăng trưởng (?) kinh tế nhất thời!

Để bảo tồn di sản đô thị có hiệu quả cần có sự kết hợp giữa ba thành phần liên quan về “trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ” là nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng dân cư đô thị và những người quan tâm. Trên thựctếngoài ba thành phần trên giờ đây có thêm một đối tượng nữa chính là những nhà đầu tư vào đô thị. Trong quá trình hiện đại hóa đô thị hóa hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư ở đô thị hoặc từ là nơi khác đầu tư vào đô thị. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản mang lại kết quả tốt nhất thì nhà đầu tư cũng phải có sự liên kết với ba đối tượng kia. Mối liên kết ở đây là gì?

Chính quyền là người thay mặt dân cư quản lý đô thị, trong quy hoạch của chính quyền phải có hoạch định và quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản: phá hay giữ? Nếu như chính quyền kiên quyết giữ, thì phần tiếp theo là lắng nghe tư vấn từ các nhà chuyên môn xem giữ như thế nào, giữ đến đâu. Không phải cái gì thuộc về “đồ cổ” cũng giữ nhưng nếu có giá trị di sản đô thị thì bắt buộc phải được bảo tồn, trùng tu và sử dụng có hiệu quả!

Sau khi lắng nghe tư vấn, phải lựa chọn nhà đầu tư có cùng quan điểm và tôn trọng quyết định của chính quyền, tức là nhà đầu tư có tầm văn hóa và có tâm vì “lợi ích muôn đời”. Cái tầm  văn hóa ở đây thể hiện nhà đầu tư hiểu biết về giá trị di sản. Nhà đầu tư có thể không có lợi nhuận ngay nhưng sẽ nhận được sự tôn trọng của cộng đồng, và khi nhà đầu tư có những cách thức “khai thác” phù hợp thì di sản ấy phát huy giá trị nhiều hơn, tăng giá trị văn hóa và cả giá trị kinh tế của nó. Tầm nhìn của chính quyền và nhà đầu tư là ở đây: không phá di sản đi chỉ để kiếm tiền từ đất.Vì vậy nếu cạnh chính quyền, nhà đầu tư không có tầm văn hóa, không có tâm với di sản của một vùng đất, mở rộng hơn là của đất nước thì tất yếu dẫn đến thực trạng di sản văn hóa bị phá hủy. 

Cuối cùng là ý thức cộng đồng, thể hiện sự hiểu biết và trách nhiệm bảo vệ và lưu truyền “tài sản văn hóa”, “vốn xã hội” cho đời sau. Sự quý trọng và “công nhận” của cộng đồng đối với di tích cổ là bước đầu buộc chính quyền có cách ứng xử phù hợp: làm hồ sơ công nhận di tích và những việc tiếp theo. Ở thời điểm hiện nay tiếng nói của cộng đồng rất quan trọng nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn là chính quyền. Khi chính quyền không có thái độ rõ ràng, quan điểm đúng đắn đối với di sản thì không thể thực thi bảo tồn di sản.

 Tình trạng phá hủy di sản tại khu trung tâm Sài Gòn hiện nay đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của người dân,việc chính quyền cần ứng xử là không để cho người dân có thêm những phản ứng tiêu cực. Không thể cho rằng, bảo tồn làm hạn chế phát triển hoặc đã phát triển thì dứt khoát phải phá di sản. Qui hoạch đô thị các nước xung quanh đã có rất nhiều bài học mà Việt Nam, TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng được.

Trong quy hoạch phát triểnTP.HCM dứt khoát khu vực di sản phải được bảo tồn tuyệt đối. Tất cả những công trình mới không được xây dựng trong vùng lõi di sản của đô thị chính là khu vực quận Một. Nếu lấy Nhà Thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất làm tâm thì có thể kéo ra bán kính khoảng 1- 2km là khu vực rất “nhạy cảm” về di sản, có tác động lớn đến ký ức, tình cảm, thái độ của cộng đồng.

Di sản đô thị tốt đẹp, đặc sắc của Sài Gòn là một lợi thế để các nhà đầu tư vào đây vì mang lại cho họ sự thiện cảm với thành phố. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng coi di sản văn hóa là một lợi thế, thậm chí họ coi đó là vật chướng ngại để phá đi chứ không phải là giá trị để giữ lại. Nhưng nhà đầu tư không thể làm điều đó nếu không được chính quyền đồng ý. Quyết định bảo tồn di sản đô thị và “phát triển bền vững”hay không là trách nhiệm của chính quyền.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)