Bảo tồn di tích: Nhiều công trình chưa đảm bảo chất lượng

Công tác bảo tồn di tích trong những năm qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhiều công trình tu bổ không đảm bảo chất lượng do không tuân thủ các nguyên tắc khoa học của lý thuyết bảo tồn.

Đó là nhận định mà Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) đưa ra tại hội thảo khoa học “Xây dựng nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam” do Viện tổ chức hôm 10/1.

Theo Viện, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân cơ bản được xác định là năng lực quản lý và thực thi công tác bảo tồn còn hạn chế, không chuyên nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, GS TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, hệ quả là có biểu hiện nhận thức khác nhau về những nguyên tắc, quan điểm bảo tồn di tích. Hơn thế nữa, tính chuyên nghiệp trong đặc thù công việc này chưa cao, lực lượng phân tán, người được đào tạo tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn di tích phần lớn không được sử dụng đúng chuyên môn, thậm chí trở thành người ngoài cuộc đối với các dự án bảo tồn di tích ở nhiều địa phương. Nhà nước ta chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực này. Những người làm công tác trên lĩnh vực bảo tồn di tích hiện nay được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau: sử học, khảo cổ học, kiến trúc… Chính vì vậy nên xảy ra trường hợp ngay trong Hội đồng khoa học về bảo tồn di tích đôi khi cũng có những nhận thức chưa thật phù hợp với nguyên tắc về tu bổ, phục hồi di tích.”

Nhiều ý kiến khác cũng nhất trí rằng việc đào tạo nhân lực ngành bảo tồn di tích hiện nay thực chất chỉ là đào tạo bổ sung – tức là bổ sung những kiến thức còn thiếu của chuyên ngành bảo tồn di tích cho những người đã được đào tạo một chuyên ngành cơ bản liên quan đến di tích và hoạt động bảo tồn như kiến trúc, xây dựng, lịch sử, văn hóa…

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao nguồn lực phục vụ hoạt động bảo tồn di tích đã được đề cập tại hội thảo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hóa đội ngũ.

Theo PGS TS Trương Quốc Bình, chuyên viên cao cấp của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, một giải pháp quan trọng là từng bước xây dựng Viện Bảo tồn di tích thành trung tâm đào tạo chuyên ngành về bảo tồn di tích ở Việt Nam. Đồng thời có thể phối hợp với Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Kiến trúc tổ chức đào tạo hệ cao học chuyên ngành về bảo tồn.

Thạc sĩ Chu Thu Hường, cán bộ Phòng Nghiên cứu bảo tồn di tích, thuộc Viện Bảo tồn đánh giá cao vai trò của cộng đồng như một bộ phận không thể tách rời của việc bảo tồn di tích. Tham luận của bà nêu bật nhận định: “Di tích sống trong sự chăm sóc của cộng đồng dân cư truyền thống, đó là điều kiện duy nhất và có thể hiện nay để gìn giữ chúng lâu dài. Đưa cộng đồng trở thành nguồn nhân lực hàng đầu bảo vệ di tích là vấn đề nên được quan tâm, tiến hành hiệu quả hơn nữa và đi liền với nó là nâng cao năng lực của cộng đồng đảm bảo họ có đủ hiểu biết để đảm nhiệm vai trò chủ sở hữu. Có thể mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn đối với đối tượng này để họ có thể hiểu biết đúng đắn nhất về giá trị di tích mà họ sở hữu, cũng như những kiến thức cơ bản nhất về trùng tu di tích. Từ đó đối tượng này sẽ đưa hiểu biết của họ phổ biến đến cả cộng đồng. Đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm trong cộng đồng. Thông qua đó, người dân thấy gắn bó và có trách nhiệm hơn với di tích, tài sản của chính họ. Huy động sức mạnh của cộng đồng là một các hiệu quả nhất.”

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)