Bảo tồn và chế tạo di sản đô thị

Ở một góc độ, quá trình đô thị hóa đã làm mất nhiều dấu vết của các công trình lịch sử xa xưa, nhưng ở một góc độ khác, đô thị hóa cũng là một sản phẩm của quá trình tích lũy thặng dư trong lịch sử.

Ngay từ khi thiết lập chế độ thuộc địa và trong nhiều thập niên sau đó, sự phát triển của đô thị Sài Gòn gần như không phải đối diện với thách thức của việc bảo tồn. Ảnh: Nguyễn Văn Hợp.

Một phản lực của hiện đại hóa

Ý niệm hiện đại hóa xuất hiện trong xã hội Việt Nam mới hơn một thế kỷ, và khi các đô thị lớn của nước ta được thiết lập, chúng cũng đồng thời trở thành địa bàn đi đầu trong việc phô bày quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ nhất. Xét cho cùng, ngày nay không có thành phố nào xây dựng trên bình địa. Chúng luôn là kết quả đi sau của một quá trình kiến tạo vào không gian đã có hay nói cách khác, là quá trình can thiệp vào cái cũ để tạo dựng cái mới. Dưới quan điểm của ngành bảo tồn mới xuất hiện trong vòng một thế kỷ qua, những sự can thiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ di sản. Nhưng bản thân khái niệm di sản cũng là một yếu tố mang tính hiện đại, mới chỉ được tư duy như một phần trong hệ thống các thực hành văn hóa của Việt Nam, khởi sự từ những chương trình triển lãm thuộc địa tại Pháp từ cuối thế kỷ 19 hay các chương trình khảo cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Mà cũng chỉ những thành phố được xây dựng từ đô thị trung đại như Hà Nội, Huế – chứ không phải những thành phố được xây mới hoàn toàn, phục vụ cho những cuộc khai thác thuộc địa của thực dân như Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Vinh-Bến Thủy… – mới đặt ra các vấn đề về bảo tồn di sản như một phản lực đối với quá trình hiện đại hóa.

Trên thực tế, bảo tồn di sản là một ý niệm vốn mờ nhạt trong tư duy người Việt. Các thế hệ trước không để lại nhiều thông tin về quy chế tồn giữ các di chỉ vật chất. Tuy nhiên, ý niệm bảo tồn trong tư duy cũng được chứng minh qua những cuộc tranh cãi về nghi thức cung đình, mũ áo, nhạc lễ, là trung tâm của nhiều cuộc bàn luận triều chính. Việc phân định các chi tiết, mô tip điêu khắc, kiến trúc gần như chỉ bắt đầu khi có sự xúc tiến của những nhà dân tộc học phương Tây. Vì thế, bảo tồn di sản vật thể thực tế là một ý niệm hiện đại nhập cảng vào Việt Nam. Về phía người Việt, những người sớm có ý thức về bảo tồn di sản chính là những trí thức tân học thời đầu, trong đó có thể kể đến Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim. Ngay cả những người đề xướng canh tân mạnh mẽ cũng ý thức mình đứng trước công việc đầu tiên là ứng xử với di sản tinh thần của người Việt như nền giáo dục cựu học, các văn bản tài liệu kinh điển, v.v… Trong khi đó, bảo tồn di sản thiên nhiên tại các đô thị như các hệ thống sông hồ, cây xanh, cho đến những quy hoạch đầu thập niên 1940 chưa thực sự được chú trọng.

Trong trường hợp Sài Gòn và Hà Nội, hai đô thị này thường được đặt ra như hai phép thử cho việc kiến thiết cũng như xử lý mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống. Có thể thấy ngay từ khi thiết lập chế độ thuộc địa và trong nhiều thập niên sau đó, sự phát triển của đô thị Sài Gòn gần như không phải đối diện với thách thức của việc bảo tồn. Những thứ được truyền thông ngày nay tranh luận về việc bảo tồn, chính là những dấu mốc của quá trình hiện đại hóa Sài Gòn, như nhà văn Sơn Nam đã viết:

“[Khoảng 1860-1862], chúng mở vài con đường nhằm lợi ích quân sự và giao thông vận tải. Trước tiên là chỉnh đốn, mở rộng những con đường mòn có sẵn từ trước. Rồi thêm đường nay là Lê Thánh Tôn, từ Sài Gòn tới mé sông. Đường trải đá ong, không sạch sẽ cho lắm… Từ xưa, Bến Nghé có sẵn nhiều kinh thoát nước ở vị trí đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Pasteur và nhiều rạch nhỏ đổ ra sông Sài Gòn. Bấy giờ, có ý kiến nên để y như cũ rồi đào thêm nhiều kinh khác cho ghe thuyền tới lui dễ dàng, đường thủy thay thế cho lộ xe. Ban đầu thì nạo vét cho sâu, cho ăn thông vào nhau với con kinh mới đào nằm ngang (lấp lại trở thành đường Lê Lợi). Nhưng sau rốt lại đảo lộn kế hoạch cho lấp tất cả kinh rạch với đất từ vùng cao đem xuống. Thời ấy bên Pháp còn dùng loại xe có ngựa kéo làm phương tiện tư hoặc công cộng, chưa hoàn chỉnh việc sáng chế xe hơi. Với lộ xe dùng cho xe có ngựa kéo, thực dân tưởng là đường sá rộng rãi, nào ngờ sau này với xe hơi thì trở thành chật hẹp”. (Sài Gòn)1

Những công trình lớn của Sài Gòn nhiều thập niên, là những vật chứng của quá trình hiện đại hóa như dinh Norodom mang phong cách kiến trúc cổ điển đế chế đặc trưng những năm 1860-1870, và một thế kỷ sau thay bằng dinh Độc Lập cũng mang tinh thần hiện đại giai đoạn đương thời.

Ở hướng ngược lại, khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội và tiến hành quy hoạch thành phố theo mô hình phương Tây vào cuối thế kỷ 19, họ đã tranh cãi về việc giữ lại những di sản kiến trúc hay cảnh quan. Và cuộc tranh cãi này báo hiệu cho hơn một thế kỷ các quy hoạch được đặt dưới áp lực bảo tồn.

Di sản được chế tạo mỗi ngày

Cuộc tranh cãi về định nghĩa phạm vi bảo tồn đặt ra câu hỏi bảo tồn đến đâu là vừa, vì đòi hỏi để dành đất cho các thế hệ sau có chỗ thay đổi và phát triển tiếp với các tiêu chí sống của thời đại tương ứng.

Nếu nhìn ở góc độ tiêu cực, quá trình đô thị hóa đã làm mất nhiều dấu vết của các công trình lịch sử xa xưa – nhưng đô thị hóa cũng là một sản phẩm của quá trình tích lũy thặng dư trong lịch sử. Ở trường hợp Sài Gòn, bản chất đô thị này phát triển trên nền tài chính tư bản tích lũy; những giai đoạn kinh tế trầm lắng chính là giai đoạn ít xây dựng, chẳng hạn thời bao cấp. Điều này thấy rõ hơn ở Hà Nội. KTS Christian Pedelahore de Loddis đã nhận xét vào thời điểm kết thúc bao cấp, Hà Nội đã triển khai những dự án phát triển đầu tiên ở trung tâm:

“Các dự án này chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát, với mục tiêu chính là xây dựng các khách sạn, nhà ở đạt tiêu chuẩn và văn phòng, cửa hàng. Giống như ở các nước đang phát triển khác, trong những năm gần đây, trung tâm lịch sử của Hà Nội chỉ có một mô hình kiến trúc duy nhất, đó là kiểu nhà tháp2.

Với mong muốn thu được nhiều lợi nhuận nhất và đẩy nhanh tiến độ thi công… các dự án thường tận dụng tối đa mật độ và xây nhiều tầng, sử dụng các sơ đồ mẫu, mà không quan tâm gì đến môi trường xây dựng và các hình thái đô thị đã tồn tại trước đó”. (Hà Nội – những di sản kiến trúc nổi bật)3

Năm 1883, khi dãy nhà khách sạn đầu tiên – khách sạn Grand – được xây bên Hồ Gươm, Hà Nội không có nhà cao trên ba tầng. Chiều cao các tòa nhà mãi đến 100 năm sau mới lên đến 11 tầng – đó là khách sạn Hà Nội bên hồ Giảng Võ. Và hơn mười năm sau, tòa tháp Hà Nội Tower trên nền nhà tù Hỏa Lò cũ (cũng là một di tích) có chiều cao tới 25 tầng. Như vậy, cũng có thể nói, công cuộc hiện đại hóa vừa kiến tạo kiểu cách mới về không gian, vừa tạo ra một di sản mới về chiều cao trong ký ức đô thị.

Khi viết những nghiên cứu về Hà Nội đầu thế kỷ 21, tác giả trên đã lưu ý Hà Nội nên tìm đến những giải pháp bảo tồn di sản hiệu quả ở chính trường hợp TP.HCM:

“Ví dụ, chúng ta có thể vận dụng những mô hình kiến trúc của các nhà cao tầng ở Sài Gòn (hơn nữa đó lại là công trình của Việt Nam) được xây dựng trong giai đoạn từ những năm 40 đến 60. Các công trình này đã biết kết hợp giữa lối xây cao tầng có vẻ ngoài tinh tế với việc quản lý mật độ và sự thống nhất của các khu nhà, tính hiện đại và liên kết đô thị”. (sách đã dẫn)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu xây dựng TP.HCM có “chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Ở đây, thông điệp của chính quyền nhấn mạnh đến đặc tính “hiện đại”, điều này không mới trong lịch sử phát triển thành phố. Trong hồ sơ quy hoạch Sài Gòn trước 1975, vấn đề bảo tồn không được đặt ra như một ý niệm quyết định. Có thể khảo sát đặc điểm này qua hồ sơ quy hoạch của Doxiadis Associates lập năm 1965, hay Quy hoạch phát triển Thủ Thiêm do công ty Wurster, Bernardi and Emmons (Hoa Kỳ) chủ trì lập năm 1972, cũng như quy hoạch của chính quyền Việt Nam Cộng hoà năm 1974, trong các vấn đề các nhà quy hoạch đưa ra cho dự kiến phát triển đô thị Sài Gòn, nội dung về các không gian di sản không được đề cập rõ ràng. Theo bài nghiên cứu của KTS Nguyễn Đỗ Dũng về ba bản quy hoạch này, đồ án 1972 đã đề xuất “sớm hoàn thành tuyến đường vành đai về phía Nam để giảm lưu lượng giao thông xuyên qua trung tâm và kết nối với sân bay tương lai, di dời Tân Cảng và Xưởng đóng tàu Hải Quân (Ba Son) để xây cầu thấp kết nối trực tiếp đại lộ Hàm Nghi và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm sang Thủ Thiêm”4. Bài nghiên cứu cũng nhắc một ý quan trọng rằng “chất lượng thực sự của công tác quy hoạch và nghiên cứu đô thị tại miền Nam lúc đó vốn vẫn bị ảnh hưởng của trường phái Beaux Arts5 do người Pháp để lại”. Lưu ý, các khu vực này giờ đây lại trở thành trung tâm những tranh cãi về bảo tồn. Những công trình của các thập niên trước, đến lúc này, với tuổi đời và cả sự lạc thời, đã khiến cho chúng có thêm giá trị bảo tàng, giá trị của quá khứ. Thông thường, các công trình đáp ứng nhu cầu đời sống đương thời trong một vài thập niên, sau đó, để chúng tiếp tục sống, phải xen cấy được tính hiện đại để chúng không mắc phải vấn đề mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn di sản đô thị. Bởi lẽ, sự bảo tồn “không phải chỉ gồm sự thờ cúng người chết và toàn bộ di sản luôn luôn dãn nở, mà còn gồm tất cả những yếu tố chi phối cấu trúc của quá khứ trong cái hiện tại” (Pierre Nora – Những di chỉ của ký ức, 1984)6.

Ở Việt Nam, chính Sài Gòn là nơi minh chứng cho sự chế tạo di sản trong lòng quá trình hiện đại hóa: Các không gian sinh hoạt của người Việt ở vùng đất mới, của người Hoa khi định cư tại đây, các kiến trúc đền thờ vua Hùng, các hội quán, Đại Nam quốc tự, chùa Việt Nam nhất trụ… hay các di sản phi vật thể: các chương trình văn hóa, các lễ kỷ niệm tổ tiên (tế lễ Hai Bà Trưng thời chính thể Việt Nam Cộng hòa hay việc tạo ra các mô hình bánh chưng bánh dày khổng lồ tại công viên Suối Tiên gần đây)… Những công trình kiến trúc trở thành biểu tượng thành phố mang dấu ấn đương thời rõ nét như trên đã đề cập, các ngôi chợ như Bến Thành hay tòa nhà Bitexco hiện nay nối tiếp nhau như những di sản được chế tạo.

Tìm mô hình thích ứng

Xung đột giữa bảo tồn di sản đô thị với phát triển đang là trung tâm của một đợt đô thị hóa mạnh mẽ trong ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Các nhà bảo vệ di sản thường có xu hướng nhìn nhận các đơn vị thực hành đô thị hóa là thủ phạm trực tiếp gây tổn hại đến sự nguyên vẹn và thống nhất của các di sản như các di chỉ khảo cổ, các công trình kiến trúc cổ, các đường phố kiểu phố chợ thời phong kiến và thuộc địa, các khung cảnh quy hoạch thời giữa thế kỷ trước, v.v… Tuy nhiên, các quy hoạch mới đều trưng ra các tính toán nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển về nhiều mặt. Khó mà cưỡng được ảnh hưởng của xu hướng hiện đại hóa, vì vậy, điều cần làm có lẽ là tìm những phương cách khai thác lợi ích của trào lưu này đem lại.

Về mặt chi tiết bảo tồn di sản, quan trọng là sản phẩm bảo tồn phải có nội dung, sau đó là nội dung hấp dẫn, được công nghệ tiếp sức, để người dân quan tâm và thu hoạch. Các bảo tàng hay các công trình văn hóa chủ lưu thiếu thao tác hiện đại hóa thì khó lòng lôi kéo các thế hệ trẻ tham gia. Và chính các thế hệ này cũng tự chế tạo cho riêng mình những vùng bảo tồn di sản khác: các “quy hoạch nhỏ” trong các khu chung cư cũ thành các không gian sáng tạo hay triển lãm, các quán cà phê tái hiện lịch sử, các cộng đồng trao đổi tàng thư cũ trên mạng, các tụ điểm ca nhạc xưa được trình diễn theo phong cách mới… Sử dụng phương tiện truyền thông mới (new media) và có tính hội tụ là một xu thế quan trọng, thay cho những loại bảo tồn tĩnh. Điều tiên quyết là việc bảo tồn phải bắt được nhu cầu và mong muốn tìm thấy chính mình của các thế hệ trong đó, chứ không chỉ là mang tư duy trong khuôn khổ phương tiện cổ điển của những nhà nghiên cứu.

Cuối thế kỷ 20 nổi lên cuộc cạnh tranh về định nghĩa bản sắc quốc gia giữa những học giả như Anthony D. Smith, người cho rằng bản sắc quốc gia (hay chủ nghĩa dân tộc) có gốc rễ tinh thần cố kết từ thời tiền hiện đại, trong khi những học giả như Benedict Anderson, Eric Hobsbawm, hay gắn với ngành Việt Nam học là Liam Kelley, cho rằng chúng là những ý niệm chính trị được dấy lên trong một hai thế kỷ lại đây, như các định nghĩa “truyền thống được chế tạo” (invented tradition, hàm ý truyền thống có thể có nhiều phần được tạo dựng mới, gián tiếp tác động lên sự hình thành hệ giá trị tư tưởng của xã hội đó) hay quốc gia dân tộc là “cộng đồng tưởng tượng” (imagined communities), được hình thành cùng với sự ra đời của các phương tiện in ấn đại trà 7. Cái nhìn về bảo tồn di sản đô thị ở Việt Nam không nằm ngoài những khung định nghĩa này.

————-
1 Sơn Nam, Đất Gia Đinh – Bến Nghé xưa & người Sài Gòn. Nxb Trẻ 2014.
2 Nhà tháp hay nhà chọc trời là các công trình cao tầng có chiều cao tương phản mạnh với bề rộng, thường có vị trí dấu mốc trong đô thị và cao nổi bật so với xung quanh.
3 Nhiều tác giả, Hà Nội chu kỳ của những đổi thay, Mạc Thu Hương và Trương Quốc Toàn dịch. Nxb Khoa học kỹ thuật, 2002, tr.181-188.
4 Nguyễn Đỗ Dũng, Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 dưới ảnh hưởng của Mỹ: http://2saigon.vn/net-xua-saigon/quy-hoach-sai-gon-truoc-1975-duoi-anh-huong-cua-hoa-ky.html.
5 Trường phái kiến trúc theo kiểu mỹ thuật, coi kiến trúc là một trong những ngành nghệ thuật cơ bản cùng với hội họa và điêu khắc, rất phù hợp cho kiến trúc cổ điển ở thế kỷ 19, nhưng không phù hợp cho sự phát triển nhanh và đa dạng của kiến trúc ở thế kỷ 20.
6 Pierre Nora, Những di chỉ của ký ức, Vũ Cận dịch. Nxb Tri Thức, 2009.
7 Anthony D. Smith, Myth and Memories of the Nation. Oxford University Press 1999; Benedict Anderson, Imagined Communities. Verso 1983-2006; Eric Hobsbawm & Terrence Range, The Invention of Tradition. Cambridge U.P 1983-2000; Liam C. Kelley, Beyond the Bronze Pillars: Envoy Poetry and the Sino-Vietnamese Relationship. University of Hawaii Press 2005.

 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)