Bảo tồn văn hóa dân tộc ?

Sự tích hợp các yếu tố văn hóa ngoại lai trong các thành tố văn hóa dân tộc, trong đó, các yếu tố Tây phương lấn lướt hơn cả là điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thôi thì đủ mọi thành tố, từ ngôn ngữ đến trang phục, nếp ăn nếp ở, ma chay cuới xin…, tất cả không ít thì nhiều đều nhuốm màu Tây phương. Và nếu tiếp thu các giá trị mới từ bên ngoài mà không có bản lĩnh văn hóa dân tộc, thì sự hòa tan, mất gốc… sẽ là điều khó tránh khỏi.

Trong dòng chảy lịch sử, đã có một thời văn hóa dân gian được coi như tầng nền cơ bản của văn hóa dân tộc và chiếm giữ vị trí độc tôn trong lòng người dân nước Việt. Thời gian trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử đã làm thay đổi cả một thời kỳ của văn hóa dân tộc. Vị trí địa lý “mặt tiền” cửa biển kéo dài khiến cho lịch sử dân tộc ta luôn phải đối mặt với những cuộc xâm lăng triền miên, trước là đất đai, sau đến văn hóa, nền văn hóa dân tộc từ chống trả quyết liệt, dần chuyển sang thế cầm cự và chấp nhận giao lưu. TIẾP & BIẾN – Đó là số phận văn hóa dân tộc ta! “Tiếp biến” khiến cho nền văn hóa dân tộc có thể thích ứng với mọi cuộc “thử lửa” trớ trêu của lịch sử.
Trước hết phải nói đến sự thay đổi về chữ viết. Từ chỗ dùng chữ Hán, hệ thống chữ Nôm của riêng người Việt ra đời. Cho đến thời vua Quang Trung đã có quy định thống nhất dùng chữ Nôm trong các văn bản Nhà nước. Khi người Pháp bắt đầu đặt nền móng cho cuộc đô hộ 100 năm, hệ thống chữ Quốc ngữ với ký tự La – tinh đã xuất hiện và dần thay thế hệ thống chữ Nôm, chữ Hán một cách có chủ đích. Cùng với nó, trào lưu văn hóa phương Tây (với văn hóa Pháp là nòng cốt) dần dà lấn lướt, bén rễ và chiếm một chỗ đứng vững chắc trong thành phần văn hóa dân tộc.

Thử phân tích sự thay đổi về chữ viết, chúng ta sẽ thấy rõ tính hai mặt của vấn đề. Bên cạnh việc dễ phổ cập cũng như sự tiện dụng mà nhiều người đã nói, chỉ trong khoảng một thế kỷ, chữ quốc ngữ đã thực sự trở thành một thành tố không thể tách rời của văn hóa dân tộc Việt Nam, mở ra một trang sử mới của văn hóa dân tộc với ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa phương Tây. Người ta gọi đó là “tiếp thu văn hóa mới”. Có lẽ không cần bàn nhiều về những hệ quả xán lạn của sự chuyển biến này, ở đây xin nêu ra một góc nhìn khác, một tham chiếu hoàn toàn khác với những giả định theo phép logic.
Hãy tưởng tượng, nếu không có sự thay đổi đó, chắc chắn nền Nôm tự của Việt Nam cũng sẽ tự thân vận động phát triển để dần thích ứng với thời cuộc, hội nhập với hoàn cảnh lịch sử. Có thể lấy nhiều ví dụ ở các nước đồng văn phía Bắc để minh chứng cho tính hợp lý của lập luận này: Họ cũng hoàn thiện dần chữ viết tượng hình trong sự phát triển bộn bề của thời đại mới, mà “không cần” phải chuyển con chữ dân tộc sang ký tự La – tinh phương Tây1. Một thực tế không thể phủ nhận được là, sau khi dân tộc ta đổi chữ viết theo ký tự La – tinh, toàn bộ hệ thống thư tịch của ông cha trong quá khứ nghiễm nhiên dần bị “đặt” ra ngoài luồng nhận thức phổ thông, lượng người có thể đọc – hiểu chữ Hán, chữ Nôm ngày càng thưa dần theo thời gian. Điều đó có nghĩa là toàn bộ những di sản, những thông điệp dạng văn tự mà người xưa muốn gửi gắm, lưu truyền cho hậu thế đã vô tình bị đặt ở thế khó tiếp cận và các tác phẩm của cha ông gần như trở thành một kiểu dạng… “ngoại ngữ” (nghĩa tương đối). Muốn hiểu được cha ông viết gì, buộc phải chuyển đổi các văn bản Hán tự, Nôm tự qua một cầu dịch thuật thành chữ Quốc ngữ với nhiều hạn chế khó tránh khỏi. Hơn thế nữa, làm sao có thể dịch hết toàn bộ kho tàng thư tịch cổ?! Càng không thể thay thế, chuyển đổi toàn bộ hoành phi, câu đối, văn bia ở hệ thống các thiết chế văn hóa cổ truyền thành… chữ Quốc ngữ!!! Đành phải chấp nhận một thực tế, đó trở thành cõi riêng “đi về” của một bộ phận trí thức nhỏ. Giới trẻ mỗi thế hệ ngày càng khó có thể tiếp nhận kho tàng vô giá đó. Hoàn cảnh lịch sử khiến họ phải thu nạp thông tin ngày càng nhiều hơn các thế hệ đi trước. Giờ đây, một thanh niên trí thức thời đại mới luôn được đòi hỏi phải biết vài ba ngoại ngữ bên cạnh hàng mớ tri thức khổng lồ khác để cập nhật với thời cuộc. Sự quá tải văn hóa, ngôn ngữ, tri thức mới trong thời đại bùng nổ thông tin – “thế giới phẳng” sẽ là tất yếu. Trong tình trạng đó, chữ viết – tri thức của tổ tiên cũng như  biết bao thành tố văn hóa dân tộc khác đương nhiên dễ bị rơi vào thế yếu trong sự lựa chọn của giới thức giả thời đại.
Sự tích hợp các yếu tố văn hóa ngoại lai trong các thành tố văn hóa dân tộc ngày nay, trong đó các yếu tố Tây phương lấn lướt hơn cả, là điều không thể phủ nhận. Thôi thì đủ mọi thành tố, từ ngôn ngữ đến trang phục, nếp ăn nếp ở, ma chay cuới xin…, tất cả không ít thì nhiều đều nhuốm màu Tây phương. Giao lưu văn hóa luôn có hai mặt, nếu tiếp thu các giá trị mới từ bên ngoài mà không có bản lĩnh văn hóa dân tộc, thì khó tránh khỏi bị hòa tan, mất gốc… Ngày nay, mấy ai hiểu được bản chất việc học ngoại ngữ chính là sự mở đầu cho quá trình tiếp nhận, thụ hưởng các giá trị văn hóa của dân tộc sở hữu ngôn ngữ đó. Khi đến Viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp… học ngôn ngữ của họ, cũng chính là ta đang mở ra một phương hướng tiếp cận – hấp thụ văn hóa dân tộc của họ. Lẽ thường, học gì “nhiễm” nấy, sự thâm nhập của văn hóa nước ngoài vào từng cá thể luôn là điều tất yếu trong thời đại mới, đặc biệt là khi cách mạng công nghệ thông tin bùng nổ tạo nên một “thế giới phẳng”. Thế nên bản lĩnh văn hóa dân tộc mới là vấn đề cần phải bàn. Bởi nó chính là “nội lực” cân bằng, những mong tạo được thế “ỷ dốc” để con người Việt Nam thời đại vững tiến.
Xin lấy ví dụ: Thời xưa, màu trắng vốn được coi là màu biểu tượng tang tóc, thì ngày nay, tuyệt đại đa số cô dâu đều muốn mặc váy đầm trắng tinh… như Tây. Nhiều năm gần đây mới thi thoảng có người dám mặc áo dài đỏ (vốn là biểu tượng Hỷ của thời xưa). Lễ phục truyền thống dân tộc, mấy ai dám mặc trong dịp đại lễ? Ngay trong các lễ hội nơi dân dã, sẽ không mấy ngạc nhiên khi ông chủ tế mặc áo lễ kiểu cổ truyền nhưng bên trong vẫn lòi ra cái củ cà-vạt. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc dùng các thuật ngữ Tây hay lai Tây thay cho các từ thuần Việt hiện nay không còn là điều hiếm thấy. Đặc biệt trong nghệ thuật, sự “Tây phương hóa” đã một thời được coi là công cuộc “hiện đại hóa, khoa học hóa, thời đại hóa” để “canh tân” văn  hóa dân tộc. Ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, dường như có yếu tố Tây phương thì sẽ được coi là “trẻ trung, sôi động, thời đại”. Có đến nghìn lẻ một dẫn chứng cho hiện tượng này, đến nỗi, phải mất rất nhiều năm, chính bản thân người viết bài này mới ngộ ra được cái gọi là “bản lĩnh văn hóa dân tộc” là gì. Có rất nhiều việc, tưởng chừng như thật đơn giản, song cũng phải có thái độ tranh đấu thực sự mới mong bảo vệ được các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc ngay trong chính bản thân. Giả sử nếu hiểu được cái váy đầm “tân thời” kia thực ra vốn là trang phục cổ truyền của Tây phương, đã thịnh hành từ nhiều thế kỷ trước… thì có lẽ nhiều người phải giật mình nghĩ lại (dù chưa chắc dám thay đổi nếp nghĩ), rằng dàn nhạc giao hưởng cùng với kho tàng âm nhạc cổ điển phương Tây cũng chính là một trong những di sản âm nhạc cổ truyền của họ.
Tôi tin sẽ có một ngày, trong lĩnh vực văn hóa (xin nhấn mạnh điều này), chúng ta sẽ cùng nhìn nhận lại tính hai mặt của sự giao lưu, tiếp biến thời đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn như tác động của phong trào Duy Tân, mà từ đó, mái tóc dài của đàn ông Việt Nam được thay thế bằng mái tóc ngắn, rồi sự lên ngôi của Âu phục, trở thành chuẩn văn minh lịch sự, nhiều tiêu chí đẹp – xấu, hay – dở đã được thiết lập lại “trật tự”… Hệ thống thẩm mỹ truyền thống dân tộc đã được “di dời một thời” như vậy!
Diễn giải dài dòng thế để thấy được cái nhìn toàn cảnh và xu thế thời đại của một trường đoạn lịch sử. Văn hóa dân tộc Việt Nam không thể thoát khỏi sự chi phối lớn bởi bước chuyển mình của thời cuộc. Hà tất phải bàn đến sự sinh tồn của các chân giá trị, nhất là các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, vốn chỉ được lưu truyền trong lòng dân gian như nó! Điều đó có nghĩa, từ toàn bộ đến từng phần của văn hóa dân tộc Việt Nam, cái sự “nước nổi bèo trôi”, “sóng cả ngã chèo” là điều không thể tránh khỏi.
Thật may mắn là, cùng với quá trình hội nhập toàn cầu đang diễn ra ngày càng toàn diện với tốc độ chóng mặt của thời đại bùng nổ thông tin, chúng ta đã dần nhận thức đúng vấn đề. Sự bảo lưu các giá trị mang tính bản sắc trong công cuộc toàn cầu hóa đã được UNESCO đề cao hơn bao giờ hết. Đa dạng hóa văn hóa được nêu rõ như một tôn chỉ mang tính quốc tế. Nguy cơ bản sắc dân tộc bị triệt tiêu bởi sự hòa đồng được cảnh báo không chỉ trong nước mà còn từ các thông điệp của bè bạn năm châu. Và, công cuộc phục hưng văn hóa dân tộc ngày càng có những chuyển biến rõ rệt với tính tích cực vượt bậc so với mấy chục năm về trước. Giờ đây, những người hết lòng với văn hóa cổ truyền Việt Nam nói chung, văn hóa dân gian Việt Nam nói riêng, đã có cơ sở để hy vọng vào một ngày mai xán lạn.
Văn hóa vốn bình đẳng. Giao lưu văn hóa, tiếp thu các giá trị bên ngoài là điều hoàn toàn nên làm, nhưng hãy để bản ngã văn hóa dân tộc trường tồn. Nhưng tại sao trên thực tế, nhiệm vụ đó dường như vẫn chỉ là một khẩu hiệu được hô to mà thôi?! Đã có khá nhiều ý kiến “đồng thanh tương ứng” cho rằng, sự thất truyền của nhiều chân giá trị là điều… tất yếu! Người ta còn khẳng định, trong sự phát triển, có “sinh” thì phải có “diệt”. Thiết nghĩ, đó là sự áp dụng thô bạo thuyết tiến hóa vào văn hóa nghệ thuật!
Ở đây, tôi cho rằng THỜI ĐẠI hay cái gọi là – HƠI THỞ THỜI ĐẠI là các khái niệm hết sức trừu tượng. Một “thời đại” như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của từng thế hệ. Nói nôm na là con người như thế nào thì sẽ tạo ra thời đại tương ứng. Thế nên THỜI ĐẠI không phải là cái TẤT YẾU, mang tính QUY LUẬT BẤT BIẾN mà hoàn toàn có thể tác động, thay đổi. Trong việc giáo dục bản lĩnh văn hóa dân tộc, nếu cứ lấy số đông khán giả thời đại làm “khuôn vàng thước ngọc” thì hẳn không còn gì phải bàn nữa, cứ thế mà buông xuôi trong cơn lốc hội nhập, hết chuyện!

THAY LỜI KẾT
Anh hô hào bảo tồn, tôi hô hào bảo tồn. Nhưng anh vẫn chỉ thích nghe Beethoven, Mozart và cho con anh đi học piano, violon cho sang. Còn tôi chỉ thích nghe nhạc pop, rock. Con tôi khi nghe nhạc dân tộc cải biên lại cứ tưởng là chèo cổ. Tôi và anh đều tán thành việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Song bảo tồn cái gì và bảo tồn như thế nào? Đó là chuyện của người khác, là chuyện của Nhà nước. Tôi và anh không cần quan tâm. Văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng là sở thích cá nhân. Chúng ta không thích nghe Ca trù, Tuồng, Chèo, Ca Huế… cũng chả phương hại gì. Váy đầm hở vai dù là trang phục cổ truyền của Tây phương từ thế kỷ 16, cũng như com-lê có từ thế kỷ 18, nhưng không sao! “Cũ người mới ta”. Và tôi vẫn thích các con tôi mặc trong ngày cưới bởi trông nó rất hiện đại. Từ thành thị đến nông thôn Việt Nam, toàn dân ta vẫn thích com-lê, váy đầm đấy thôi. Mặc áo the khăn xếp hay áo tứ thân trông cổ hủ lắm, rồi mọi người lại chê cười. Nhân cách văn hóa dân tộc ư? Cái gì ta sử dụng mà chả là của ta. Chúng ta chính là thời đại, chúng ta chính là nhân cách văn hóa mới của dân tộc. Người ta chẳng đã khẳng định là có ông nghệ sĩ nhân dân của ta chơi nhạc Chopin mà vẫn thể hiện được tâm hồn Việt Nam kia mà!
———–
1 Tháng 8/2002, nhân dịp gặp GS Tô Vũ tại hội thảo về Nhã nhạc cung đình Huế, trong một đêm dốc bầu tâm sự, tôi chia sẻ quan điểm này với vị học giả đáng kính. Ông rất tán thành quan điểm của tôi và cho biết, trong Nam cũng có một học giả có cùng quan điểm này. Nói thế để khắng định tôi không phải là người đầu tiên và duy nhất có ý kiến như vậy.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)