Bệnh hình thức trong kiến trúc công sở

Có lẽ không đâu như ở ta, xu hướng ngoái lại quá khứ lại chiếm lĩnh ưu thế và phát triển nhanh chóng như vậy. Nổi bật lên một tình trạng là ưa chuộng kiểu kiến trúc cổ điển Pháp do người Pháp mang đến khi đô hộ VN, đến nay họ không dùng cho chính họ nữa nhưng ở ta lại đang trở thành một hội chứng.

Việc sao chép, bắt chước và xây dựng tràn lan khắp nơi kiểu ”kiến trúc Pháp”, cùng với sự theo đuổi hình thức, trang trí rườm rà, diêm dúa và đắp điếm ở nhiều công trình kiến trúc và lạ thay lại thấy rất nhiều ở các công trình công sở nhà nước,…đã thành một đặc điểm tiêu cực trong kiến trúc Việt Nam hiện nay. Về thực chất thì tất cả những gì biểu hiện sự sa đà của các xu hướng ”nệ cổ, nhại cổ”, ”biểu hiện mới” hoặc ”hiện đại – dân tộc”… đều thể hiện bệnh hình thức chủ nghĩa và mang dấu hiệu của chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc.

 
Báo Nhân Dân

Xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVI, chủ nghĩa hình thức quốc tế bắt nguồn từ một trào lưu kiến trúc ở Italia có tên gọi là chủ nghĩa thủ pháp ( hình thức tỉa tót, nhiều kiểu cách…), nó coi trọng hình thức hơn nội dung, coi công năng và kỹ thuật là thứ yếu. Nhưng thế giới ngày nay, ngoài những tìm kiếm thử nghiệm hầu như không tồn tại chủ nghĩa hình thức, mà kiến trúc chú trọng vào mục đích, chất lượng sử dụng và những ý nghĩa nghệ thuật mới.
Ở nước ta và chủ yếu ở phía Bắc đã nổi lên một hiện tượng là có rất nhiều công sở – một loại công trình được xây dựng bằng nguồn quỹ công, từ thuế của dân, do Nhà nước làm chủ đầu tư và cũng là chủ sử dụng, xuất hiện trong thời gian gần đây lại là tiêu biểu của bệnh hình thức chủ nghĩa. Bệnh hình thức trong kiến trúc công sở – nếu xét theo góc độ tư tưởng thì đó là biểu hiện của một nhận thức sai lệch về quan điểm giai cấp, ở góc độ sáng tác là đóng cửa sáng tạo, về kinh tế lại là sự lãng phí tiền bạc và về thời đại là biểu hiện của lạc hậu… Điều nguy hại hơn sẽ dẫn đến nguy cơ là công trình của Nhà nước lại không thể hiện được vai trò định hướng, dẫn dắt xã hội phát triển về nghệ thuật kiến trúc mà đúng ra, phải đi tiên phong với tinh thần hướng tới tương lai. Có lẽ do bị ám ảnh nặng nề bởi những giá trị của ”kiến trúc Pháp” một thời và thiếu lòng tin vào hiện tại của nhiều chủ đầu tư và người sáng tác liên quan nên kiến trúc công sở đã có những biểu hiện lạc hướng, không phản ánh được thời đại, xa rời tư tưởng và mục tiêu là phục vụ nhân dân.
Cũng không mấy khó khăn để nhận biết điều này từ thực tế đã qua.

 
Sở Tài nguyên và Môi trường HN

Có thể thấy ngay trong quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai của khu trung tâm hành chính mới ở một số tỉnh mới tách ra gần đây. Có một tình trạng là hầu hết vị trí công sở của cấp chính quyền, các sở ban ngành… luôn chiếm giữ nơi đắc địa, cấp càng cao càng được chú ý. Quy hoạch đều thể hiện việc hướng đến một bố cục cân xứng, quy mô lớn đến hàng trăm hecta cùng những con đường thẳng tắp nhiều làn xe chạy,… Các công sở được xếp hàng như ”duyệt binh” bên đại lộ, trụ sở của mỗi cơ quan lại cát cứ trong một khuôn viên riêng biệt… đang như một mẫu hình được nhân rộng ở nhiều nơi.
Cần phải thấy rằng quy hoạch cân xứng là không hiện đại, vì nó không đếm xỉa đến tính phức tạp của môi trường đô thị ngày nay, đến mối liên hệ qua lại giữa các hình thức đứng cạnh nhau, nó đề cao tính khép kín, sự cách biệt, tách rời và hạn chế khả năng phát triển. Phần lớn các trường hợp cân xứng trong quy hoạch là biểu hiện của chủ nghĩa hình thức, là sự gò ép công năng để đạt hình thức và nhận thức nghề nghiệp cứng nhắc đối với khung cảnh, môi trường. Trong quy hoạch sử dụng và cấu trúc không gian của nhiều khu trung tâm hành chính hiện nay, tuy làm mói nhưng lại bộc lộ tư duy quá xưa cũ, không phù hợp với thời đại dân chủ và năng động. Về mặt tâm lý đã tạo ra cảm giác khó giao tiếp và không thân thiện.
Những gì xây dựng đã diễn ra ở các khu trung tâm hành chính mới của những tỉnh mới tách ra như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên … có thể đã trở thành những điển hình của một loại cấu trúc không gian cứng nhắc và đều giống nhau ở tính lỗi thời, khoa trương hình thức và lãng phí đất đai.

 
UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Hình thức bố cục cân xứng vốn ra đời và thích hợp với thời của chủ nghĩa cổ điển trong kiến trúc, bởi vì nó bao giờ cũng là tượng trưng cho mức độ tột cùng của tập trung quyền lực của các chế độ vua chúa, giương uy để cai trị dân…Hiện nay lại được nhiều nơi sùng bái, chú ý đầu tư công của để dựng lên và say sưa mô tả, tô đắp.
Rất nhiều công sở xây mới nhưng lại tái hiện hình thức kiến trúc xưa cũ, bố cục đối xứng, trang trí gờ chỉ,…nhái theo kiến trúc cổ điển Pháp, cổ điển châu Âu. Bộ mặt kiến trúc của các trụ sở UBND các tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên-Huế…, trụ sở Tỉnh uỷ các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh…là những ví dụ tiêu biểu. Nhưng có lẽ về sự công phu, mô tả kỹ lưỡng, biểu hiện đắm đuối và khả năng bắt chước kiểu kiến trúc châu Âu, ”kiến trúc Pháp” vào lọai xịn, có tay nghề cao phải kể đến kiến trúc của trụ sở Bộ Tài chính và Toà báo Nhân dân ở Hà Nội. Chờ đến một thời gian có chút rêu phong, có thể chúng sẽ được lớp con cháu xếp nhầm hạng về độ cổ kính cùng với Nhà Thờ lớn hay Nhà hát Thành phố đây? điều đó là nguy hại và đâu phải là điều mong đợi của chúng ta.
Hội chứng ”kiến trúc Pháp” lây lan tới mức nhà xây mới cũng như cải tạo đều muốn thể hiện ”kiến trúc Pháp” mới thoả mãn cho một số người si mê thứ kiến trúc này. Trụ sở của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) trên phố Hai Bà Trưng, vốn là một toà nhà làm việc chân phương có thể làm đại diện cho kiến trúc Hà Nội trong những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng nó đã mang bộ mặt khác hẳn ban đầu sau khi tốn rất nhiều tiền để hoá trang thành ”kiến trúc Pháp”. Thật trớ trêu cho những hân hoan nông cạn, nếu suy nghĩ và cách làm này không được chú ý trong hướng dẫn và quản lý kiến trúc các công trình cải tạo, bộ mặt đô thị sẽ biến dạng khôn lường.

 
Tỉnh ủy Hà Nam

Hà Nội – một địa chỉ có nhiều kiểu kiến trúc dễ được nhiều địa phương khác rất quan tâm tham khảo, áp dụng… cũng có nghĩa là sự ảnh hưởng rất lớn kể cả những tích cực và tiêu cực. Chỉ riêng cái mái nhà thôi cũng được để ý. Trụ sở của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội có kiểu mái nghiêng bắt chước ”kiến trúc Pháp”và rất hình thức ở chỗ không để làm gì, chỉ tạo dáng chơi vui. Toàn bộ phần mái là bức tường quây nghiệng cao và cửa mái giả là những lỗ trống trơ phản cảm…nhưng tốn tiền làm mái giả để cho công trình giống Pháp và cảm thấy thêm cao to chăng? Có lẽ do cả hai nên được Yên Bái và một số nơi đã áp dụng ngay sau đấy.  
Sự cố gắng quá thái khi thể hiện lối kiến trúc cổ điển như ở trụ sở của Sở Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc lại thêm bằng chứng cho thấy căn bệnh hình thức có thể nói là đã leo thang đến đỉnh điểm. Với bố cục đăng đối,  mái vòm đủ lệ bộ cùng các cột, phào, gờ chỉ…ở công trình này, mới xem qua đã muốn nói nhiều điều. Nhưng điều đầu tiên khiến người xem phải đặt câu hỏi tại sao một công trình của ngành thể thao mà kiến trúc lại lạc hậu và phi thể thao đến như vậy?!
Những biểu hiện phi lý giữa nội dung với hình thức và việc sử dụng vật liệu khá tuỳ tiện ở nhiều công trình khác nhau, đặc biệt là sự tái hiện kiểu kiến trúc cổ điển như ở công trình trụ sở Sở Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc, trụ sở Bộ Tài chính, toà báo Nhân Dân… đã làm nảy sinh mối nghi ngờ không những về một bế tắc trong sáng tác kiến trúc mà cả về nhận thức của xã hội hiện nay đối với kiến trúc. Nếu cứ quẩn quanh với những cũ kỹ, giả tạo… lại mắc bênh khoa trương, hình thức trong kiến trúc là đồng nghĩa với việc kìm hãm sự sáng tạo và đóng cửa đi đến tương lai của cả một nền kiến trúc.
Hình thức của công trình kiến trúc không chỉ là đối tượng tìm tòi sáng tạo bền bỉ của kiến trúc sư mà còn là mục tiêu bình phẩm, soi xét và đôi khi lại trở thành sự kiện văn hoá của xã hội…là lẽ đương nhiên. Nhưng ở ta, chủ thể sáng tạo nên những công trình kiến trúc lại không hẳn thuộc về quyền của người sáng tác (là những kiến trúc sư) mà đã diễn ra tình trạng luôn có sự tham gia, can thiệp sâu từ phía chủ đầu tư – người đặt hàng. Đó là nguyên nhân chính trong nhiều nguyên nhân làm xuất hiện những công trình kiến trúc không như ý muốn, phản ánh trực tiếp trình độ và thị hiếu của chủ đầu tư. Người thiết kế đã rơi vào nhiều trường hợp chỉ là người thực hiện ý định của một sở thích cá nhân áp đặt, về điều này có phần lỗi của KTS do thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, trình độ và khả năng thuyết phục còn phần lớn lại là không vượt qua được quyền lực của chủ đầu tư. Có chuyện, khi bắt tay vào công việc, một cán bộ lãnh đạo của tỉnh nọ chỉ giao cho KTS vẽ mặt bằng sử dụng để ông duyệt còn phần mái và hình thức của công trình thì…để đấy, ông lo! Như vậy là quyền lực đã vào cuộc quyết liệt đến ngỡ ngàng.
Trước một thực tế và những liên quan nêu trên, nếu không hiểu nguyên nhân và không có giải pháp chữa trị bệnh hình thức trong kiến trúc và trước tiên là đối với công sở các cấp chính quyền nhà nước thì chưa thể nói gì hơn trong việc thực hiện mục đích xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại có bản sắc.

KTS Doãn Đức

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)