Berlioz và Liszt – Một tình bạn bị ngăn trở

Nhà soạn nhạc Franz Liszt là một trong những người bạn thân của nhà soạn nhạc Hector Berlioz cho đến khi người thứ ba đến gieo rắc mối bất hòa giữa họ.


Bức “Một buổi sáng ở nhà Liszt” năm 1846. Từ trái sang phải: Joseph Kriehuber (tác giả bức họa), Hector Berlioz, Carl Czerny (học trò của Beethoven), Franz Liszt chơi piano, Heinrich Wilhelm Ernst cầm violon. Nguồn: wikipedia

Câu chuyện tình bạn này bắt đầu vào năm 1830, khi gần đến buổi công diễn lần đầu Giao hưởng Ảo tưởng của Berlioz: “Đúng vào hôm trước buổi hòa nhạc, Liszt bất ngờ tới gặp tôi. Trước đó, chúng tôi vẫn còn chưa quen biết nhau. Tôi đã nói với anh về Faust của Goethe, còn anh thú nhận rằng mình chưa đọc (nhưng sau đó cũng sớm say mê nó như tôi). Chúng tôi cảm thấy có sự đồng cảm và từ đó mối quan hệ giữa chúng tôi ngày càng khăng khít và bền chặt”, Berlioz đã kể lại trong Hồi ký của mình như vậy. Ông viết thêm: “Anh ấy đã tham dự buổi hòa nhạc diễn ra vào ngày hôm sau và tôi rất dễ được nhận ra anh trong đám thính giả bởi những tràng pháo tay và biểu hiện nồng nhiệt”.

Berlioz đã ở Paris từ mùa thu năm 1821; còn Liszt đến đó vào ngày 11/12/1823, đúng sinh nhật lần thứ hai mươi của người bạn tương lai. Từ năm 1823 đến năm 1830, Berlioz bắt đầu tạo dựng được tên tuổi và thật đáng ngạc nhiên là đến lúc đó, ông vẫn chưa một lần gặp Liszt – người kém ông tám tuổi và đã được nhiều người biết đến. Nhưng, như Berlioz viết, tình bạn giữa họ đã rất mau chóng hình thành.

Liszt sinh ra ở Hungary nhưng văn hóa Đức mà ông hấp thụ thuở ban đầu đã dần biến chuyển thành văn hóa Pháp trong những năm ông sống ở Paris. Hai nhạc sĩ trẻ có chung những đam mê: Faust, Shakespeare, Byron, Beethoven. Liszt chơi piano còn Berlioz chỉ huy dàn nhạc, cả người này lẫn người kia đều ấp ủ trong đầu những tham vọng lớn.

Để âm nhạc của bạn mình được biết đến nhiều hơn, Liszt ngay lập tức chuyển soạn Giao hưởng Ảo tưởng (cho piano solo) rồi Harold ở Ý (cho viola và piano); ông cũng sẵn lòng tham gia các buổi hòa nhạc do Berlioz tổ chức ở Paris. Hai nhạc sĩ có chung giới giao du, từ Chopin đến George Sand, từ Heine đến Hugo. Và Liszt là một trong những nhân chứng trong đám cưới của Berlioz vào ngày 3/10/1833.

Điểm bất đồng duy nhất của họ liên quan đến vấn đề chính trị: Liszt, người ngưỡng mộ Lamennais 1 và có niềm tin vào tiến bộ xã hội và vào sứ mệnh nhân đạo của các nghệ sĩ, ngay từ năm 1832 đã viết một tác phẩm cho piano để ủng hộ cuộc nổi dậy của thợ dệt ở Lyon. Nhà âm nhạc học Nicolas Dufetel khẳng định: “Liszt thậm chí còn tổ chức một số buổi hòa nhạc để gây quỹ thành lập các nhà trẻ”. Trong khi đó, bản thân Berlioz, sau khi trải qua một số cám dỗ về một xã hội tươi đẹp, bảo đảm thỏa mãn nhu cầu sinh sống và văn hóa cho tất cả mọi giai cấp theo kiểu Saint-Simon2 vào khoảng những năm 1831-1832, đã thề chỉ cho phép những người theo phái chuyên chế nghe nhạc của mình, dù đó là các hoàng thân Khai sáng người Đức hay Sa hoàng Nicolas đệ nhất, kẻ hành quyết những người Tháng Chạp 3, kẻ mà ông đã đề tặng Giao hưởng Ảo tưởng: “Ôi những chính phủ đại nghị và lại còn rẻ tiền, đúng là trò hề ngu ngốc! Nhưng đừng nói vì chuyện mà tôi nghĩ là chúng ta chẳng mấy hòa hợp. May mắn là chúng ta đồng cảm ở mọi vấn đề khác”. (trích thư gửi Liszt ngày 20/7/1837). Trên phương diện này, thứ duy nhất gắn kết họ là một tinh thần Âu châu sâu sắc cùng hệ quả của nó, sự khước từ hoàn toàn chủ nghĩa dân tộc.

 

Đồng điệu trái tim và tâm hồn

 

Từ năm 1835, Liszt bắt đầu hành hương: ông lên đường đến Thụy Sĩ và Ý cùng Marie d’Agoult, người sẽ sinh cho ông ba đứa con. Việc theo đuổi sự nghiệp của nghệ sĩ trình tấu điêu luyện đã đưa ông đi khắp châu Âu nhưng vẫn thường xuyên quay trở lại Paris. Chuyện thư từ giữa họ cũng diễn ra tốt đẹp và đầy say mê. Mỗi bức thư đều kết thúc bằng một tình cảm dạt dào, ít nhất là những bức thư Berlioz gửi Liszt (thư Liszt viết cho Berlioz phần lớn đã bị thất lạc): “Tạm biệt bạn của tôi, hôm nay anh hẳn phải hiểu trái tim tôi mong đợi điều gì từ anh” (ngày 19/12/1832), “Người bạn cao cả thân mến của tôi” (ngày 10/3/1834), “Tạm biệt, tạm biệt, tôi ôm hôn anh với tất cả tâm hồn mình” (ngày 22/1/1839)…

Năm 1848, Liszt chọn Weimar, Đức để định cư ở tuổi ba mươi bảy. Nhưng Marie d´Agoult đã gần như bị ông lãng quên: dưới bút danh Daniel Stern, bà xuất bản một cuốn tiểu thuyết báo thù mang tên Nelida. Nguyên nhân là Liszt đã tìm thấy một nàng thơ mới là công nương Carolyne Sayn-Wittgenstein. Bắt đầu vào năm 1847, tình duyên của họ sẽ kéo dài cho đến khi nhạc sĩ qua đời (Carolyne mất sau ông vài tháng vào năm 1887). Năm sau đó Liszt trở thành nhạc trưởng (kapellmeister) ở Weimar, đem lại cho ông niềm vui ‘bảo vệ’ âm nhạc của những người cùng thời, trước hết là âm nhạc của Berlioz, tác giả vở opera Benvenuto Cellini mà Liszt phục dựng vào năm 1852, mười bốn năm sau sự đón nhận thảm hại mà tác phẩm nhận được từ Nhà hát Opéra. Cho đến năm 1856, khi có mặt hay vắng mặt Berlioz, mỗi năm Liszt đều chỉ huy các tác phẩm của bạn mình tại Weimar, nhưng cũng dành thời gian để viết báo (chẳng hạn như về giao hưởng Harold ở Ý trên tờ tạp chí Neue Zeitschrift für Musik do Schumann sáng lập). Đáng chú ý, vào ngày 17/2/1855, Liszt đã ngồi bên đàn piano trình diễn bản Concerto giọng Mi giáng thứ của mình dưới sự chỉ huy của chính Berlioz.

Giữa lúc đó, Harriet, người vợ đầu của Berlioz qua đời. Liszt viết thư an ủi bạn: “Cô ấy đã truyền cảm hứng cho anh, anh yêu cô ấy, anh đã hát về cô ấy, cô ấy đã hoàn thành vai trò của mình!”.


Bức ‘Franz Liszt bên cây đàn piano” của họa sĩ Josef Danhauser. Nhà văn Alexandre Dumas cầm sách ngồi cạnh nữ sĩ George Sand, đằng sau là nhà văn Victor Hugo cầm sách, nhà soạn nhạc Gioacchino Rossini ôm vai nghệ sĩ violin kiêm nhà soạn nhạc Niccolo Paganini, Marie d’Agoult ngồi sát bên đàn. Nguồn: wikipedia

 

Sự xuất hiện của một đối thủ

 

Nhưng chính trong thời gian đó Liszt cũng chỉ huy Tannhäuser ở Weimar, và trên hết, vào năm 1850, Liszt đã bảo trợ cho buổi công diễn lần đầu Lohengrin của Wagner! Dẫu dành tình thân cho Liszt nhưng Berlioz vẫn cảm thấy khó chấp nhận được chuyện Liszt lại chia sẻ tình cảm với người khác, nhất là với một nhà soạn nhạc đối thủ của ông, người mà ông đã lường được nguy cơ có thể đại diện cho âm nhạc châu Âu nhờ sự vượt trội của riêng mình.

Berlioz coi sự xuất hiện của Wagner trong cuộc đời Liszt là sự xuất hiện của một nhạc sĩ tài ba và một người bạn vụ lợi, người sau này sẽ thành một cậu con rể sỗ sàng. Đôi khi ông ăn năn về sự ích kỷ của mình. Trong một bức thư (đề tháng 7/1853), ông đi đến chỗ thừa nhận: “Cũng như anh, tôi tin vào khả năng dễ dàng bắt nhịp giữa Wagner và tôi, song chỉ khi anh ta chịu khó tra chút dầu vào các bánh răng của anh ta”. Nhưng khoảng cách giữa Berlioz và Wagner quá xa cả về mặt cá nhân lẫn mặt thẩm mỹ âm nhạc (ngay cả khi Wagner đã bắt đầu nhận ra món nợ âm nhạc của mình đối với Berlioz, người hơn mình mười tuổi), và những hiểu lầm về quan điểm “âm nhạc của tương lai” do Wagner khởi xướng càng đổ thêm dầu vào lửa. Dù trong sự nghiệp sáng tác của mình, Berlioz đã có được một số tác phẩm táo bạo  nhưng những gì mới mẻ ông mang đến chỉ khu trú trong những gì ông có chứ không có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của bất cứ ai, hoặc cũng không đem đến một thứ thẩm mĩ âm nhạc mới cho cả thế giới âm nhạc cổ điển như Wagner. Quan trọng nữa, là bạn nhưng ông không hiểu hết sáng tác của Liszt, huống chi là sáng tác của Wagner. Sự tự tôn ngấm ngầm trong ông khiến ông không thèm “để mắt” đến ai.

Rút cục, Liszt đã nếm trải nhiều nỗi đau đớn trong cuộc đời: ông từ chức nhạc trưởng ở Weimar năm 1858; công nương Carolyne không được phép li hôn chồng nên sẽ không bao giờ có thể kết hôn với ông; ông mất con trai Daniel năm 1859 và con gái Blandine năm 1862. Chỉ cô con gái Cosima sống thọ hơn em trai và chị gái mình: cô kết hôn với nhạc trưởng kiêm nghệ sĩ piano Hans von Bülow năm 1857, sau đó tái hôn với Wagner năm 1870, một năm sau cái chết của Berlioz.□

Liszt thân mến ơi, anh chưa từng trải qua tâm trạng lưỡng lự thế này đâu; dù ở thành phố hay nơi nào anh chỉ định ghé qua, với anh có hệ trọng gì đâu nếu dàn nhạc được tổ chức tốt hay không, nếu nhà hát mở cửa hay không, nếu người quản lý có sẵn lòng cho anh sử dụng hay không… vv… Bởi những thông tin như thế sao có thể khiến anh bận lòng! Phỏng theo lời vua Louis XIX, anh có thể tuyên bố một cách tự tin:
“Dàn nhạc chính là tôi! Dàn hợp xướng chính là tôi! Nhạc trưởng cũng chính là tôi. Đàn piano của tôi ca hát, mộng mơ, lóe chớp và nổi sấm; nó thách thức những tay cung khéo léo nhất về độ mau lẹ; nó có những hòa âm lanh lảnh giống như một dàn nhạc; nó có thể tạo ra làn gió ban chiều bằng những hợp âm mơ hồ và những giai điệu thần tiên như cả dàn nhạc mà không cần tới một bộ máy tổ chức dù là nhỏ nhất; Tôi chẳng cần nhà hát lẫn phông cảnh khép kín hay những bục bệ rộng rãi; tôi không phải mệt mỏi vì những buổi diễn tập dài dặc; tôi không đòi phải có một trăm, năm mươi hay hai mươi nghệ sĩ; tôi không đòi hỏi gì cả, tôi thậm chí không cần tới bản nhạc. Chỉ cần một căn phòng lớn, một cây piano lớn và một lượng lớn khán giả làm khách của tôi. Tôi xuất hiện giữa những tiếng vỗ tay; ký ức của tôi trỗi dậy, những khúc phóng túng rực rỡ nảy sinh dưới những ngón tay tôi và đáp lại là những lời tung hô nhiệt tình; Tôi hát Ave Maria của Schubert hay Adélaïde của Beethoven và mọi con tim hướng về tôi, mọi lồng ngực như nín thở… đó là một sự im lặng đầy cảm xúc, một niềm ngưỡng mộ sâu xa và bị kìm nén… Rồi những chùm pháo hoa lớn đột ngột bừng sáng cùng với tiếng hò reo của công chúng, những bó hoa và vòng nguyệt quế tới tấp vây quanh vị thánh âm nhạc đang run rẩy trên chiếc ghế ba chân; và những cô gái trẻ đẹp, trong cơn mê cuồng hâm mộ, hôn lên gấu áo choàng của chàng nghệ sĩ và thấm đẫm nó bằng những giọt nước mắt; những lời khen ngợi chân thành của những người nghiêm túc cùng những tràng pháo tay nồng nhiệt làm bầm gan tím ruột những kẻ đố kị; những bậc đại trí thức nghiêng mình ngưỡng mộ còn những kẻ lòng dạ hẹp hòi cũng hớn hở lây…” Và hôm sau, khi chàng trai trẻ đầy cảm hứng đã lan truyền những gì chàng muốn lan truyền từ niềm đam mê vô tận của mình, chàng ra đi và biến mất, để lại sau mình một hoàng hôn rực rỡ nhiệt tình và vinh quang… Đó là một giấc mơ! Đó là một trong những giấc mơ vàng mà người ta nếm trải khi người ta tên là Liszt hoặc Paganini. (trích “Thư Berlioz gửi Liszt” trong Hồi ký Hector Berlioz)

 

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.maisondelaradio.fr/article/berlioz-et-liszt-une-amitie-contrariee

 

* Nhà văn và nhà phê bình âm nhạc người Pháp, tác giả nhiều chuyên khảo về Berlioz.

—-

1. Félicité Robert de La Mennais (hay Lamennais, 1782–1854): linh mục người Pháp, triết gia và nhà lý luận chính trị Công giáo. Ông là một trong những trí thức có ảnh hưởng nhất của nước Pháp thời quân chủ phục hồi. Lamennais được coi là bậc tiền bối của Công giáo tự do và Công giáo xã hội.

2. Claude Henri de Rouvroy, Bá tước de Saint-Simon (gọi tắt là Henri de Saint Simon, 1760–1825) là nhà tư tưởng người Pháp có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của nhiều trường phái.

3. Cuộc nổi dậy của binh lính Nga diễn ra vào Tháng Chạp năm 1825 và bị Nicolas I đàn áp.

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)