Biếm họa bảo vệ tổ quốc, một truyền thống hào hùng

Ra đời khá muộn, chưa đầy 100 năm, nhưng biếm họa báo chí Việt Nam có một truyền thống vô cùng hào hùng, đáng tự hào: Biếm họa bảo vệ tổ quốc. Họa sĩ biếm họa, dù chuyên hay không chuyên, dù khoác hay không khoác áo lính, chính là những chiến sĩ xung kích của mỹ thuật Việt Nam trong các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc chống giặc ngoại xâm.

Thực cảm động khi được xem những bức tranh biếm họa thời Kháng chiến chống Pháp khi tranh vẽ xong phải đưa cho thợ khắc gỗ khắc trên bản mộc rồi in đen trắng trên “giấy đen”, loại giấy làm từ nứa, giang, đã bị nhàu nát vì chuyền qua quá nhiều tay. Họa sĩ Phan Kích (Phan Kế An), họa sĩ Mai Văn Hiến, họa sĩ Nguyễn Bích là những cái tên tiêu biểu nhất của biếm họa Việt Nam thời kỳ ấy. Họa sĩ Phan Kích vẽ cho báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân). Tranh biếm họa của ông luôn được đăng trang trọng trọn cả trang nhất của báo Sự thật. Có lần ông về vùng địch hậu ở Bắc Ninh vẽ một bức tranh biếm họa chống Pháp trên tường. Phát hiện, quân Pháp tức quá đã cho giật mìn nổ tung cả bức tường. Hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích vẽ cho báo Vệ Quốc (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân) đều từng nằm gai nếm mật giữa cái sống và cái chết cùng các chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ để vẽ nên những bức tranh cổ động, tranh biếm họa vô cùng giá trị. Không chỉ các báo lớn ở Chiến khu Việt Bắc mà báo địa phương cũng có tranh biếm họa. Đặc biệt nhất là ở miền Đông Nam Bộ, tiểu đoàn 307 oai hùng có riêng một tờ báo mang tên mình. Ở tờ báo khổ nhỏ in có 300 bản này, tranh biếm họa cũng đóng góp một phần quan trọng với những bức tranh biếm nhiều kỳ hoặc tranh biếm liên hoàn về chiến trận, mà nổi bật là tranh Đánh giặc giữ làng và Vâng lời bác Hai. Thời đó, quân và dân ai cũng cố tìm báo có tranh biếm họa, chuyền tay nhau đọc, cắt dán trên vách chiến hào hay cất giữ như của quý trong ba lô.

Kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến tranh khốc liệt nhất mà nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành để giải phóng và thống nhất đất nước. Không thể đếm xuể số lượng tranh biếm họa mà các họa sĩ Việt Nam đã vẽ trong suốt cuộc chiến này để đả kích đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền Sài Gòn tay sai bán nước, chống chiến tranh, đòi hòa bình cho Việt Nam. Nhiều bức tranh trong số đó đã được giới thiệu trên các sách, báo nước ngoài. Chóe, Ớt, Nguyễn Nghiêm, Văn Thanh, Phan Hồng, Kim Long, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Đạo Hưng, Võ An Lai, Tín Nhượng v.v… là những cái tên nổi bật nhất. Báo New York Times bình chọn Choé là một trong tám họa sĩ biếm xuất sắc nhất thế giới thập kỷ 1970. Lịch sử tranh biếm họa Việt Nam có một trang vô cùng ý nghĩa, khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn: Loạt tranh đả kích, lên án chiến dịch ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 hủy diệt Hà Nội cuối năm 1972 của đế quốc Mỹ. Dưới ánh đèn dầu leo lét, rất nhiều lần phải vội tắt mỗi khi có tiếng còi báo động, các họa sĩ biếm họa đã kịp thời vẽ những bức tranh biếm họa lịch sử, lên án cuộc không kích man rợ của Mỹ và ca ngợi tài trí, sự dũng cảm của quân và dân ta trong trận chiến “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Những tưởng sau khi giành được thống nhất đất nước 1975, nhân dân Việt Nam sẽ được và xứng đáng được sống trong hòa bình thì đầu năm 1979, chúng ta buộc phải cầm súng chống 600.000 quân bành trướng Trung Quốc bất ngờ tấn công sáu tỉnh phía Bắc. Và tranh biếm họa phản ánh cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô nhân tính này trong quyển sách “Mưu sâu họa càng sâu” là những bằng chúng lịch sử vô giá, cảnh báo chúng ta luôn phải cảnh giác trước kẻ thù có khả năng đổi trắng thay đen, biến màu giỏi hơn cả tắc kè hoa!

Chủ nghĩa bá quyền, âm mưu bành trướng của Trung Quốc đối với biển Đông đã có từ lâu và không hề thay đổi dù lời lẽ ngoài miệng luôn hữu hảo: dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974; gây chiến ở Trường Sa chiếm đảo Gạc Ma năm 1988; gây hấn, bắt bớ đòi tiền chuộc, đánh đập ngư dân Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh 02 trong các năm 2009, 2011, 2012… Và nay họ lại ngang ngược kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phun vòi rồng, gây hư hại cho tàu kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trắng trợn hơn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại vu cáo tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc 1.514 lần và phát hành bản đồ nuốt trọn biển Đông. Trung Quốc đã tự bóc trần bộ mặt Đại Hán nham hiểm quyết dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông với cái gọi là đường lưỡi bò vô căn cứ.

Là công dân Việt Nam, họa sĩ biếm họa chúng tôi, dù chuyên hay không chuyên, tự cảm thấy có nghĩa vụ và quyền được góp phần bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc theo cách của mình. Chúng tôi đã kịp thời vẽ hàng trăm tranh biếm họa hướng về biển Đông. Thật cảm động, có họa sĩ đã 85 tuổi vẫn hăng hái vẽ gần 20 tranh. Có nữ họa sĩ đã vẽ bức tranh biếm họa đầu tiên trong đời: tranh bảo vệ biển Đông.

Tôi may mắn và tự hào được giới thiệu đến bạn đọc Tia Sáng tranh biếm họa bảo vệ tổ quốc của các họa sĩ biếm họa đàn anh trước đây và của các đồng nghiệp của tôi hiện nay. Xin được coi đây là sự tri ân của chúng tôi đối với tổ quốc, đối với hàng triệu người con của đất Việt đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước và đối với hàng nghìn chiến sĩ đang canh giữ, bảo vệ chủ quyền đất nước ở Biển Đông.


Bá quyền bành trướng – Tranh: Nguyễn Nghiêm

Loại “hạt” mà “bồ câu” Ních-xơn ưa thích – Tranh: Võ An Lai


Tranh: Lý Trực Dũng


Tranh: Nhốp

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)