Biếm họa – Chông gai và hoa hồng

Tuy chưa phải đã chấm dứt các cuộc tranh cãi, ngộ nhận kéo dài triền miên trên thế giới khi đánh giá và phân loại, biếm họa vẫn được coi là một thể loại nghệ thuật được yêu thích nhất, có số lượng người xem nhiều nhất.


Không có bất kỳ tờ báo hàng ngày có uy tín nào trên thế giới này mà lại không có tranh biếm họa. Nhu cầu xã hội về biếm họa ngày càng lớn, vượt xa khả năng xuất bản và triển lãm, mặc dù trên thế giới các ấn phẩm biếm họa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này được gia tăng một cách đáng kể. Nhu cầu chính đáng này của công chúng đã gây một sức ép quan trọng đến cách nhìn nhận và đòi hỏi phải có một cái nhìn khách quan, xác đáng cho loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Bên cạnh các triển lãm biếm họa khuôn khổ quốc gia, hàng năm ở nhiều nước có rất nhiều cuộc triển lãm, thi biếm họa quốc tế như ở Tokyo (Nhật), Montreal (Canada), Toentini (Italia), Sidney (Úc), Knokke (Bỉ), Aydin Dogan (Thổ Nhĩ Kỳ), Gabrovo (Bungari)… luôn hấp dẫn mọi người, trở thành những điểm thu hút công chúng và du khách như ngày hội. Ở Knokke – Heist, một thành phố nhỏ có khoảng 35.000 dân nằm ở ven biển (Bỉ) thì cuộc thi biếm họa quốc tế hàng năm vào mùa nghỉ hè với sự có mặt trên 120.000 khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới quả là một sự kiện. Quy mô: ít nhất có trên 500 họa sĩ biếm họa gửi trên 3.000 tranh đến dự thi. Ngoài ra, mỗi năm lại có thêm một nước giới thiệu tranh biếm họa của nước mình ở đó. Bên cạnh đó là cuộc thi “Sách biếm họa đẹp nhất của năm”. Rất nhiều họa sĩ biếm họa có tiếng của thế giới cho rằng, về quy mô

Biếm họa không đi vào cái đẹp hoa mỹ, hoàn chỉnh gây cảm xúc của hội họa, cái toàn thể nói chung mà luôn khái quát hóa, cô đọng đến mức tối đa phần lớn với các đường nét, những điểm chấm phá chỉ nhằm lột tả, nhấn mạnh ý tranh. Những chi tiết rườm rà, không cần thiết làm loãng ý tranh thường được gạt bỏ. Biếm họa có lợi thế đặc biệt trong khả năng thực hiện là cường điệu bóp méo đến mức tối đa hình họa.

và ý nghĩa, cuộc thi biếm họa quốc tế hàng năm ở Knokke là quan trọng nhất. Cuộc thi này lần đầu được tổ chức vào năm 1962, chỉ mang tính chất nội bộ của Bỉ, nhưng đến năm 1968 thì trở thành thi quốc tế với chủ đề đầy nhân đạo: “Con người muốn cười” với một mục tiêu rất cụ thể: “Phải làm cho biếm họa được công nhận là một hình thức nghệ thuật ngang hàng với các hình thức nghệ thuật khác”.
Từ lâu, người ta đã nhận ra khả năng tác động hết sức to lớn đến ý thức và tư duy của con người qua sự xuất hiện hàng ngày của biếm họa. Khả năng tích cực này được khai thác khá triệt để và được sử dụng một cách có hệ thống phục vụ cho cuộc chiến của các hệ tư tưởng khác nhau.Biếm họa không đi vào cái đẹp hoa mỹ, hoàn chỉnh gây cảm xúc của hội họa, cái toàn thể nói chung mà luôn khái quát hóa, cô đọng đến mức tối đa phần lớn với các đường nét, những điểm chấm phá chỉ nhằm lột tả, nhấn mạnh ý tranh. Những chi tiết rườm rà, không cần thiết làm loãng ý tranh thường được gạt bỏ. Biếm họa có lợi thế đặc biệt trong khả năng thực hiện là cường điệu bóp méo đến mức tối đa hình họa. 

Biếm họa ra đời từ khi nào?
Hoạ sĩ biếm họa Czech JiRi Sliva trong một bức tranh của mình, đã hài hước cho rằng nó có từ thời đồ đá, khi ông vẽ một cư dân thời đó đang vẽ hình chú “Vịt Do-nan” bên cạnh hình một con bò rừng lên một vách hang đá. Còn các nhà khảo cổ thì đã chứng minh, hình biếm họa đã có trên giấy cổ Papyri của Ai Cập cổ đại, trên tượng nhỏ và lọ gốm cổ Hi Lạp, trên tranh tường Pompei… tường và cột nhà ở Rôm cũng đã được sử dụng để vẽ tranh biếm họa chính trị… Phải chăng vì thế mà chữ biếm họa được ra đời từ gốc La tinh: Carrus và Italia: Caricare = cường điệu. Ở các trụ cột của nhiều nhà thờ thời Trung cổ ở Châu Âu hoặc ở trong minh họa sách đã có nhiều hình châm biếm. Trong thời cải cách tôn giáo đã có rất nhiều truyền đơn in hình biếm họa, giễu cợt nhau giữa Đạo Tin lành và Thiên chúa giáo. Người ta cũng tìm thấy nhiều hình biếm họa trong tranh tường, tranh dân gian ở Châu Á. Ở Việt Nam, tranh Đông Hồ có nhiều yếu tố biếm họa mà bức “Đánh ghen” là một đỉnh cao.
Ở Châu Âu, cho đến thế kỷ 14, chỉ có các họa sĩ biếm họa khuyết danh. Từ thời Phục hưng (TK 14 – TK 16) mới bắt đầu có các tác phẩm biếm họa của các họa sĩ có tiếng tăm như: L.Cranach, H.Holbein … Ngay Leonardo da Vinci cũng đã vẽ nhiều bức tranh cực kỳ khôi hài về người đương thời với ông. Đây cũng là thời kỳ mà biếm họa được sử dụng một cách có hệ thống và đều đặn nhất từ trước tới lúc đó.
Xã hội tư sản cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 đã tạo điều kiện để phát triển biếm họa mang tính chất xã hội, chính trị. Tạp chí biếm họa chính trị đầu tiên được ra đời ở Hà Lan năm 1701 là tạp chí: “Asop in

 

Tranh của Naji Al Ali (Palestine)

 Europa”. Ở Anh, họa sĩ W. Hogarth cho ra đời nhiều truyện tranh biếm họa liên hoàn mang tính chất hiện thực đả kích sự đồi bại đạo đức trong xã hội tư sản. Ở Pháp, gắn liền với các sự kiện cách mạng, nhà xuất bản phái cộng hòa C.Philippon đã cho ra mắt công chúng tạp chí biếm họa “La Caricature” năm 1830 và “Le Charivari” năm 1832. Tạp chí này đã gắn liền với tên tuổi của một nghệ sĩ lớn là Honore Daummer hơn mười năm trời. Một trong những bức biếm họa của Daunier đã khiến ông bị vua Louis – Philippes tống giam 6 tháng trong tù. Tờ báo biếm họa cực kỳ nổi tiếng là “Punch” ở Anh ra đời năm 1841. (Tạp chí này đáng tiếc đã đình bản năm 2002). Ra đời rất sớm còn có tờ “Fliegenden Blattern” năm 1844. Một trong những tờ báo châm biếm hàng đầu của thế giới ra đời thời gian này dù trải qua nhiều thăng trầm vẫn còn tồn tại là tờ: “Nebelspalter” của Thụy Sĩ. Nó được sáng lập năm 1875 ở Zurich và giờ được xếp loại “cây đa, cây đề” trong làng tạp chí châm biếm thế giới.
Ở thế kỷ 20, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh lạnh, biếm họa trở thành “vũ khí” được cả hai phe XHCN và TBCN và đặc biệt là được Đông Đức và Tây Đức sử dụng hữu hiệu. Các tạp chí châm biếm như:

 
“Đồng chí cũng phải chờ, thưa đồng chí!”, 1979 – Tranh của S. Wielgus (Ba Lan)

“Krokodil” ở Liên Xô cũ, “Szpillki” ở Ba Lan, “Dikobraz” ở Tiệp Khắc, “Ludas Matyi” ở Hungari, “Starschel” ở Bungari, “Eulenspiegel” ở CHDC Đức đã có vai trò tích cực, tiên phong trong cuộc chiến chống các thế lực thù địch, hiếu chiến, chạy đua vũ trang của Mỹ, NATO… Và các tạp chí này cũng là các tạp chí đi đầu với những tranh biếm họa đả kích, châm biếm những mâu thuẫn, sự trì trệ xơ cứng, sự bao cấp quan liêu ghê gớm kìm hãm nền kinh tế của hệ thống kinh tế kế hoạch XHCN, các tệ nạn sùng bái cá nhân, tệ nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan, con người cụ thể với các nhu cầu cơ bản của nó để tồn tại và phát triển bị xem nhẹ dẫn đến sự lung lay lòng tin về lý tưởng, về chế độ chính trị xã hội và hệ quả là sự sụp đổ của phe XHCN Đông Đức thập niên 90 của thế kỷ trước.
Ở nhiều nước phương Tây, biếm họa tất nhiên được giới tư sản khai thác triệt để nhằm phục vụ lợi ích và ý thức hệ của họ. Nhiều họa sĩ tự giới hạn mình trong thể loại biếm họa nhẹ nhàng, uyên bác nhưng đã có không ít họa sĩ biếm họa nổi tiếng thế gới đã phê phán sâu sắc bản chất phản động của chủ nghĩa đế quốc, những mâu thuẫn, bế tắc của xã hội tư bản với tư cách là những nhà phê bình xã hội có uy tín như Epphen (Pháp), Bistrup (Đan Mạch), Hamintơn (Mỹ)… Cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam trước đây đã bị rất nhiều họa sĩ biếm họa khắp nơi trên thế giới lên án dữ dội… Ngay ở Mỹ, cũng đã có rất nhiều biếm họa phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Irắc hiện nay.
Một trong những thí dụ tiêu biểu nhất của “cuộc chiến” biếm họa là cuộc triển lãm có tên “Nước Đức 50 năm chia cắt và thống nhất” của các họa sĩ biếm họa CHDC Đức và Đức đã được xuất bản và trưng bày ở bảo tàng “Tòa nhà của lịch sử Đức” gần đây. Những sự kiện lịch sử của nước Đức sau khi phát xít Hitler bị tiêu diệt, việc phân chia nước Đức, sự ra đời của CHDC Đức, vụ xây bức tường Berlin 1961 và sự sụp đổ của nó vào năm 1989… Nước Đức tái thống nhất và những mâu thuẫn kinh tế, xã hội nội tại của Đông và Tây xuất hiện. Sự vui mừng quá sớm và sự vỡ mộng trước hiện thực khách quan… cùng một đề tài, có 2 tranh của 2 họa sĩ biếm họa Đông và Tây Đức cùng vẽ. Người xem nhận ra ở mỗi bức tranh chính kiến, bút pháp của từng họa sĩ Đức ở mỗi miền chính trị, xã hội khác nhau và cả cái chung ở cấp độ cao hơn về trí tuệ hướng thiện.

Phần lớn biếm họa gắn liền với các sự kiện thời sự, chính trị, xã hội nóng bỏng không lời nhưng cũng có thể có lời. Sức nặng của một bức biếm họa hay có giá trị hơn nhiều các bài bình luận, các bài diễn văn dài lê thê. Biếm họa được đông đảo bạn đọc yêu thích trên trang 16 của Báo Văn nghệ thời kỳ đổi mới, lúc số lượng phát hành lên tới con số kỷ lục gần 80.000 bản/số là một ví dụ.
Một xu hướng cho thấy người xem dần dần rất thích tranh biếm họa không lời. Đây chính là khả năng “thông điệp” rất quan trọng của biếm họa và được khai thác khá triệt để. Toàn cầu hóa làm cho con người ta xích lại gần nhau hơn. Biếm họa giúp cho con người không kể quốc gia, màu da, ngôn ngữ vẫn có thể giao lưu với nhau.

Trên thế giới, ngoài các tác phẩm biếm họa được in đều khắp ở báo hàng ngày, các sách về biếm họa và với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, biếm họa được phổ cập một cách cực kỳ nhanh và rộng đến khắp mọi xó xỉnh của trái đất chúng ta. Ở rất nhiều nước trên thế giới, có các bảo tàng chuyên về tranh biếm họa của nhà nước, của tư nhân… và luôn được sự đón nhận nhiệt tình, hưởng ứng của người xem. Ta có thể nêu ra đây bảo tàng biếm họa Basel ở Thụy Sĩ hiện lưu giữ tới 3.000 tranh biếm họa nguyên bản của 700 họa sĩ biếm họa từ 40 nước khác nhau trên thế giới ở thế kỷ 20 và 21. Đây là một bảo tàng tư nhân được các nhà hảo tâm tài trợ. Hoặc bảo tàng biếm họa Wilhelm Busch Hanover, hay Bảo tàng biếm họa Krems ở Áo… Ngày nay các bảo tàng cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khá quyết liệt của giới sưu tầm biếm họa ngày trở nên đông đảo một cách bất ngờ. Các cuộc bán đấu giá tranh biếm họa của các họa sĩ biếm họa Berlin Đức là một minh chứng.

Biếm họa là gì và tại sao nó được đông đảo mọi người yêu thích đến vậy?
Biếm họa là một loại hình nghệ thuật có chính kiến rõ ràng dùng ngôn ngữ tạo hình đặc biệt vạch ra, biểu đạt một cách cường điệu, khuếch đại được các mâu thuẫn nội tại đối với các quan hệ chính trị, xã hội, giá trị đạo đức… trong sự hình thành và phát triển xã hội loài người. Nó chủ yếu giới hạn ở sự biểu đạt mang tính chất đặc trưng, các mâu thuẫn đối kháng có khi đến khôi hài, sự mất tương xứng giữa mục đích và phương tiện, giữa hình thức và nội dung, giữa ảo tưởng và thực tế phũ phàng, giữa cái cũ lạc hậu và đổi mới, giữa cái đẹp và cái xấu, giữa cái ác và cái thiện, phát triển và môi trường, tồn tại hay không tồn tại… Thông qua tác phẩm của mình, họa sĩ biếm họa bày tỏ được quan điểm của mình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và buộc người xem phải bày tỏ thái độ đồng tình hay phản đối.
Nhưng sự hấp dẫn tuyệt vời nhất của biếm họa chính là ở yếu tố chốt của sự bất ngờ, thường đem được tiếng cười cho người xem dù sau khi cười buộc người ta phải suy nghĩ. Trước đây người ta thường phân định tranh cười, tranh hài hước “Humour” hoặc tranh châm biếm đả kích “Satire” nhưng dần dần, thế giới đã thông dụng với khái niệm Karikatur hay Cartoon: biếm họa.

 
“Tôi đang cho ra bức tranh biếm họa tiếp theo của mình”, 1898 – Tranh của T.T. Heine, đăng trên tạp chí Simplicissimus (Đức)

Nhiều hình tượng biếm họa trở nên quen thuộc, tiêu biểu cho một dân tộc, một nước hay giai tầng xã hội, các tổ chức nhất định như chàng “Michel” tượng trưng cho người Đức hay nước Đức, nàng “Mariane” cho người Pháp hay nước Pháp, “chú SAM” hay “Yankee” cho người Mỹ hay nước Mỹ. Trang phục cũng được điển hình hóa: Comlê, mũ phớt dành cho giới chủ, quần và mũ bảo hộ lao động cho thợ. Thú vật cũng trở thành nhân vật tiêu biểu như sư tử dành cho Anh, gấu dành cho Nga, hay rồng dành cho Trung Quốc…
Một loại hình khác của biếm họa là tranh liên hoàn, mà một trong những bậc thầy là họa sĩ biếm họa: E.O.Plauen (tên thật: Erich Ohser). Với tác phẩm nổi tiếng “Vater und Sohn” (Cha và con) ra đời ở Đức, vào ngày 13/12/1934. Vì tư tưởng tiến bộ, khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, ông bị cấm hành nghề. Sau đó chúng cho ông được phép vẽ tranh biếm họa phi chính trị. Nhân vật chính là một người cha và một người con đặc Đức, với những tình huống xử lý cực tài tình được hàng triệu người Đức nồng nhiệt đón nhận. Chính tác phẩm “Cha và con” đã gây ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của chuyện tranh Manga ở Nhật, nơi Manga đã trở thành một thứ “tôn giáo” có tín đồ đông đảo hơn cả bóng đá. Tài năng và tư tưởng tiến bộ của Ông đã bị bọn phát xít coi là hiểm họa. Vì những lời phỉ báng Hitler, Himmler và Goebbels, ông bị bắt giam ngày 28/03/1944 và bị tuyên án tử hình. Ông đã phải tự vẫn một ngày trước khi bị đưa ra hành hình. Nhưng tác phẩm “Cha và con” của ông vẫn sống mãi và mới đây vẫn được tiếp tục tái bản ở Đức.

 Tranh của Fei Huang (Trung Quốc – họa sĩ sinh năm 1982)

Một thể loại biếm họa khác ngày càng được ưa chuộng là chân dung biếm mà anh em nhà Carraxi (Italia) được coi là cha đẻ từ thế kỷ 16. Ngày nay, các nhà hiền triết, chính trị gia, các kẻ độc tài, các trùm khủng bố… luôn là đối tượng của chân dung biếm từ Socrate, Napoleon, Karl Marx, Einstein, Sadam Hussein, Bush, Bil Laden… Nguyên tổng thống Mỹ Nixơn đã cho ném bom hủy diệt Bắc Việt Nam đã bị hàng trăm họa sĩ biếm họa có tên tuổi trên thế giới lúc bấy giờ lên án với cái mặt hiếu chiến hình quả lê không lẫn lộn vào đâu được. Các chính trị gia quen dần với việc các họa sĩ vẽ chân dung biếm về mình. Nhờ các họa sĩ biếm họa mà từ trời cao, lấp lánh trong ánh hào quang họ được đặt chân trở lại trên bề mặt trái đất và thấy mình cũng chỉ ở tầm cao của mắt người bình thường. Chân dung biếm ngày một phát triển được mọi giới yêu thích: nghệ sĩ, cầu thủ, nhà văn, giới bình dân… Ai mà không khoái chân dung biếm của gã béo Ronaldo với hai cái răng thỏ, hay cái môi trề và bộ răng hô đẹp nhất hành tinh của Ronaldinho… Ở Việt Nam đã từng có hai họa sĩ vẽ chân dung biếm rất giỏi là lãng tử Hoàng Lập Ngôn gọi tranh của mình là “Tướng tinh họa” và họa sĩ biếm họa Chóe.
Khuynh hướng phát triển cho thấy phần đông có họa sĩ biếm họa rất coi trọng kỹ thuật thể hiện. Kỹ thuật ấn loát hiện đại đã tạo điều kiện để các họa sĩ thoát khỏi cái khung đen trắng, thể hiện bằng mọi chất liệu nghệ thuật cực kỳ đa dạng, và gần đây nhất là cả đồ họa vi tính. Vì thế tranh biếm họa trở nên đa dạng, phong phú hơn rất nhiều.
Biếm họa phi thời gian: Khác với tranh biếm họa thời sự, biếm họa “phi thời gian” là những tranh được điển hình hóa tối đa mà người xem lúc nào cũng thích bất chấp thời gian và không gian.

 
“Tuyên ngôn bầu cử của Đại đế (Hitler): Máu và sắt”, 1934 – Tranh của J. Heartfield

Tay nghề: Thường thường, trong những bức biếm họa đơn sơ với vài đường nét chấm phá, có khi run rẩy, ngây thơ, có khi nguệch ngoạc thoạt nhìn quá giản đơn không ít người lầm tưởng họa sĩ biếm họa không biết vẽ! Để có một bút pháp riêng trông có vẻ ngây thơ đơn giản đó, nhiều họa sĩ biếm họa đã phải khổ luyện suốt cả đời mình để chỉ cần xem tranh là người ta nhận ra ngay tác giả. Ronald Scarle, họa sĩ biếm họa tài năng người Anh cho rằng: “Biếm họa phải được thể hiện bằng sự khéo léo của một bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của anh hàng thịt”. Họa sĩ biếm họa Tomiek cho rằng: “Thiên chức của nó là một công việc xương xẩu” bởi trước hết phải “nghĩ nát đầu nát óc rồi mới đến lượt tay nghề nghệ thuật phô diễn”. Sự thật cho thấy, các họa sĩ biếm họa nổi tiếng không những là những người hài hước mà còn là những người đầy trí tuệ.
Trái lại với phần lớn các nghệ sĩ tạo hình khác, tuyệt đại đa số họa sĩ biếm họa trên thế giới đều là những người tự học. Cho đến nay trên thế giới chưa có trường lớp nào đào tạo họa sĩ biếm họa. Trong số các họa sĩ biếm họa nổi tiếng thế giới có không ít người theo học hội họa nhưng có rất nhiều người nghề nghiệp không hề liên quan đến nghệ thuật như: kỹ sư, nhạc sĩ, nhà giáo, sĩ quan quân đội, bác sĩ… Bởi vậy đề tài mà biếm họa đề cập hàng ngày là vô hạn, mỗi người một cách, không ai giống ai, vô cùng phong phú.
Quá trình sáng tác của các họa sĩ biếm họa vô cùng đa dạng, nhiều khi chỉ vì cố mang lại một tiếng cười cho người xem mà họ phải đập trán, vò đầu, bóp má, nhăn mày nhăn mặt, tháo cúc cổ, nới cà vạt, bỏ cả áo tự giày vò mình mờ cả mặt, lẩm bẩm những câu vô nghĩa rồi một tay kéo tóc, một tay nắm chân tự quăng mình vào sọt rác chỉ vì cả ngày không nghĩ nổi lấy một ý tranh nào, đúng như trong một tranh biếm họa liên hoàn của H. Bitrup. Có hoạ sĩ bật dậy như một cái lò xo lúc một hay hai giờ sáng trong sự hốt hoảng của vợ con rồi loay hoay ghi vội một ý tranh chợt đến trong giấc ngủ chập chờn của mình để khỏi quên mất.
Để hiểu được biếm họa, người xem phải suy nghĩ, tìm tòi cho được cái lõi ẩn ý, lấp lửng của tranh vì không phải ý tranh nào cũng phơi bày ra ngay một cách đơn giản. Biếm họa đòi hỏi chính người xem sự tự hoàn thiện bản thân mình.
Lịch sử hình thành và phát triển của biếm họa đã xác định vai trò của nó. Họa sĩ biếm họa với khả năng châm biếm, hài hước chính là những người dũng cảm nhất trong việc đương đầu với “sự ngu dốt của đám

 
“Internet đang tấn công báo viết” – G. Haderer (Áo)

đông”. Và rất nhiều người trong số họ sẵn sàng chấp nhận thiên chức đó.
Ở nhiều nước, do không hiểu bản chất của phê bình, của biếm họa, người cầm quyền thường ngộ nhận sự châm biếm cái xấu, cái lạc hậu… của cá nhân, hay cơ chế đồng nghĩa với việc chống chế độ!!!  Đó chính là hiểm họa tiềm ẩn đối với giới biếm họa. Đã có họa sĩ biếm họa bị giết chết, bị tù đày và thậm chí đang bị đe dọa xử tử như trường hợp của 12 họa sĩ vẽ biếm họa Mohammed in trên tờ báo hàng ngày “Jyllands – Posten” Đan Mạch ngày 30.9.2005. Sự ngây thơ của họ đối với tôn giáo đã bị nhiều thế lực tôn giáo và chính trị khác nhau khai thác, kích động thành một cuộc chiến văn hóa Đông – Tây. Điều đáng nói là trong số họ, hầu như không có người nào được xem tận mắt tranh Biếm họa Mohammed: Đặc trưng cho sự khác biệt, thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa văn hoá Đông và Tây và nó trở nên phức tạp hơn bởi cuộc chiến dầu lửa ở Irắc và cuộc chiến khủng bố quốc tế hiện nay…
Biếm họa đã trở thành một phần lịch sử của phát triển xã hội loài người. Có nước biếm họa được đem vào trường học để phân tích như là một bằng chứng sống động của lịch sử.
Thật bất hạnh cho ai biết và không hiểu nổi tiếng cười. Cao hơn, trí tuệ hơn là tự cười mình. Đối với họa sĩ biếm họa, không có hạnh phúc nào to lớn hơn, sứ mạng nào cao cả hơn và nhân đạo hơn là được đem đến cho người đời tiếng cười dí dỏm, thông minh, vật báu của loài người. Càng ngày đội ngũ họa sĩ biếm họa trên thế giới càng trở nên đông đảo hơn và đã trở thành một lực lượng đáng nể trong giới mỹ thuật nói chung. Người ta đã buộc phải đánh giá đúng mức vai trò của nó. Thay vì treo cổ các họa sĩ biếm họa như trước đây, nay người ta lại tranh nhau treo tranh của họ. Thế mới biết, thế giới của chúng ta chính là một bức tranh biếm họa vĩ đại.

Lý Trực Dũng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)