Biểu hiện với kịch hiện đại

Thế giới đã từng biết đến những cách tân hiện đại của sân khấu kịch nói với sự dân gian hoá, hài hước hoá những bi kịch cổ điển, điển hình là kịch của đoàn nghệ thuật Royal de Lux (Pháp).

 Mới đây, trong khuôn khổ biểu diễn vòng quanh thế giới, Nhà hát Foratt (Thuỵ Điển) đã thổi một không khí mới vào sự cảm nhận của công chúng yêu nghệ thuật kịch nói ở Việt Nam. Một đoàn kịch chỉ có…hai người: đạo diễn và diễn viên. Vở kịch chỉ công diễn trong bốn mươi phút. Toàn bộ tinh thần vở bi kịch cổ điển Hamlet của W. Shakespeare hiện lên trong thời lượng ngắn ngủi ấy, với những lớp lang chọn lọc ấy thông qua sự độc thoại của Hamlet, nỗi băn khoăn của nàng Ophelia, những ám ảnh của Hoàng hậu đã lấy nhầm người giết chồng mình. Và những cái chết được diễn tả dồn dập, đầy xúc cảm, trong tiết tấu nhanh, chuyển tiếp đột ngột của diễn viên khiến khán giả dường như không theo kịp.
Sauna Turesson – nữ nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh nổi tiếng Thuỵ Điển chính là người vào vai các nhân vật, độc diễn một số lớp trong vở kịch. Đây là một phong cách và kĩ thuật độc đáo mang tính ước lệ của chủ nghĩa biểu hiện lần đầu tiên được trình diễn tại Việt Nam. Diễn xuất của nghệ sĩ nhấn mạnh vào sự phát hiện giới tính sinh học và sự thể hiện của một nữ diễn viên khi đóng nhân vật nam. Kịch phương Tây hiện đại tôn vinh những người phụ nữ thể hiện xuất sắc nhân vật nam giới bằng cái tên Ông hoàng sân khấu, nó khác với Nữ hoàng sân khấu vì sự hấp dẫn, táo bạo, khả năng diễn xuất, biểu hiện cảm xúc và tác động trực tiếp tới khán giả. Nữ diễn viên vào vai nhân vật nữ là chuyện đương nhiên, nhưng khi vào vai nhân vật nam, trong một con người mới, được tự do hơn khi ứng xử, di chuyển, suy nghĩ trong cái nhìn cởi mở của mình với giới tính. Chỉ một đêm diễn duy nhất, nhưng Sauna Turesson, cùng với sự ước lệ đến mức tối giản, đã mang đến sân khấu nhà hát kịch VN một diễn xuất tân kì, sống động. Chủ nghĩa biểu hiện đạt đến đỉnh cao của nó trong sân khấu như đường đi tìm tòi từ cảm xúc cơ bản của con người là lo âu, sợ hãi và thù ghét, những ám ảnh cuồng loạn đưa ta đến nhận thức được khả năng tiềm tàng của tính trực tiếp, đơn giản. Thế giới khép kín được mở ra ở mỗi chuyển đoạn, chuyển vai, chuyển cảnh khiến người xem không thể không nhớ đến cảm giác khi xem tranh của E. Munch ( hoạ sỹ Na Uy). Sự thăm dò của màu sắc và cảm giác đã đưa ông hào nhập với biểu hiện của hội hoạ. Và cũng giống như đường đi của mỹ thuật, mặc dù trường phái này chính thức ra đời, phát triển mạnh mẽ ở đầu thế kỉ XIX, nhưng sự thực, nó đã manh nha trong nghệ thuật nguyên thuỷ và nghệ dân gian, thì biểu hiện trong kịch nói hiện đại, với vở Hamlet, cũng khiến công chúng liên tưởng đến những loại hình nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa và Nhật Bản như Kinh Kịch, kịch Nô, nơi đầu tiên những diễn viên nữ tìm kiếm chính mình trong sự trá hình nhân vật khác giới.

Lê Mỹ 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)