Bồ công anh: Nhà của Phật và nhà của người điên

Nhà của Phật cũng là nhà của người điên. Và nhà điên, cũng như chùa, là nơi lánh đời, hoặc giả nhà điên là một bước đệm để người ta bước vào chốn bồng lai, vì trong cái loạn trí đã sẵn có mầm mống của thoát tục rồi.

Cuốn “Bồ công anh” của Kawabata Yasunari do Huy Hoàng Bookstore và NXB Thanh Niên ấn hành, An Nhiên chuyển ngữ. Nguồn: Huy Hoàng Bookstore.

Từ “đẹp” trong tiếng Nhật là ,một ký tự Trung Quốc gồm hai ký tự: (cừu) và (lớn). Cái đẹp ban đầu đơn giản là một con cừu lớn. Cuốn Thuyết Văn Giải Tự, một từ điển chữ Hán từ đầu thế kỷ thứ II sau Công nguyên, có lý giải về việc vì sao cái đẹp gắn với loài cừu. Đó là vì trong sáu loài gia súc quen thuộc thì cừu là loài thường được dùng làm vật hiến tế. Như vậy, cái đẹp luôn đi kèm cùng sự hiến sinh. Kawabata Yasunari là một cuộc đời mưu cầu cái đẹp, và có lẽ vì thế chăng, mà cuộc đời ấy không thể tránh khỏi sự hiến sinh, một sự kết liễu tự nguyện, dâng lên xác thân này.

Nhà văn Nhật Bản nói rằng ông không tán dương việc tự sát, thế rồi năm 72 tuổi ông cũng tự sát như bao bằng hữu và tiền bối của mình. Khi ông ra đi, cuốn tiểu thuyết Bồ công anh (theo bản dịch của dịch giả An Nhiên) vẫn còn dang dở.

Bồ công anh bắt đầu bằng cảnh bờ sông Ikuta hoa bồ công anh nở rợp. Hoa bồ công anh, quý ngữ của mùa xuân, món quà cho Phật, như trong thơ của tăng Ryokan, vị thi nhân mà Kawabata yêu mến vô ngần:

Trong chiếc bát khất thực của tôi,

Hoa violet và hoa bồ công anh

Đua nhau nở.

Đây sẽ là lòng thành,

Tôi dâng lên Đức Phật1

Và ngay sau quang cảnh hoa bồ công anh là một ngôi nhà thương điên đặt trong ngôi chùa Joko, mà nay ta chẳng biết nhà điên nằm trong chùa, hay chùa nằm trong nhà điên nữa. Ở ngôi nhà điên ấy, có một người thiếu nữ tên Inako vừa được mẹ và Kuno, người yêu của mình đưa tới. Nàng mắc chứng nhân thể khuyết thị, một chứng bệnh hư cấu mà hiểu nôm na là một chứng mù chọn lọc, khiến nàng không thấy được nhân dạng một số điều, trong đó có người tình Kuno.

Chúng ta, người đọc, cũng không được thấy nàng. Khi câu chuyện mở ra thì nàng đã ở trong bệnh xá, khi câu chuyện tạm dừng lại thì mẹ và người yêu nàng còn chưa trở lại bệnh xá. Nàng đôi khi là một âm thanh, là tiếng chuông nàng gióng lúc ba giờ, đôi khi là một hồi tưởng, một hình dung, nhưng không bao giờ là nàng bằng da bằng thịt. Chúng ta bị ép vào thế phải nhân thể khuyết thị với nàng.

Mù, đó là họa tiết trở đi trở lại trong Bồ công anh. Nhân vật nào hình như cũng có một phút mù. Người mẹ không thấy một con chuột bạch mà Kuno thấy ở bên kia sông. Kuno lại không thấy một cái cây chảy nước mắt trước cổng nhà thương mà người mẹ thấy. Lão nhân già Nishiyama, một bệnh nhân điên khác, thì mắc chứng đục thủy tinh thể. Cha của Inako rơi xuống vực thẳm trong khi cưỡi ngựa – phải chăng ông đã không thấy bờ vực ấy? Hay con ngựa đã mù?

Và vì ai cũng mù theo nghĩa nào đó, câu chuyện này, nhìn kiểu gì, cũng là một ảo cảnh. Ảo cảnh mơ hồ, nơi điên dại và giác ngộ, u mê và tỉnh thức, mù lòa và sáng suốt, ma giới và pháp giới, tâm thần và hoa thơm, tất cả như những áng mây trôi lẫn vào nhau, làm sao phân tách nổi. Nhà của Phật cũng là nhà của người điên. Và nhà điên, cũng như chùa, là nơi lánh đời, hoặc giả nhà điên là một bước đệm để người ta bước vào chốn bồng lai, vì trong cái loạn trí đã sẵn có mầm mống của thoát tục rồi. Thậm chí, khi người mẹ và Kuno nghe tiếng chuông đồng vang vọng từ bệnh viện, Kuno đã nghĩ, tiếng chuông ấy hẳn phải là của một người hoặc điên ác hoặc cao quý. Hai thái cực càng khác xa lại càng giống nhau. “Không thể có thế giới của Phật nếu không có thế giới của ma vương”, như trong bài diễn từ Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản của Kawabata năm 1968.

Bồ công anh tiếp diễn bằng một cuộc đàm luận dài giữa người mẹ và Kuno. Họ nói về sự mù, từ sự mù bệnh lý đến sự mù hiện sinh, rằng khi Kuno và Inako chưa từng thấy nhau thì họ có tồn tại không?; Nếu ta không gặp hết người trên thế gian này thì phải chăng điều đó có nghĩa là họ không có thật?. Họ nói về cái chết, về bản chất của định mệnh, về sự sám hối, về kết cấu của bất hạnh, về nỗi buồn vô hạn của con người, về cả tình yêu. Cuộc tranh luận như cuộc đấu vật giữa hai bàn tay trên cùng một thân thể người nhân dạng phân liệt, như thể thực ra Kawabata chỉ đang tự dằn vặt mình. Thi thoảng, cuộc chuyện trò đang say sưa thì một hồi chuông ngân nga rồi mất hút, gọi người ta về thực tại, khiến họ nhận ra bốn bề im ắng đến nhường nào, cõi tịch mịch xao động giây lát rồi lắng xuống – có phải chăng con người sống trong vũ trụ cũng như hạt sỏi ném vào hồ, chỉ kịp bắn lên một tiếng rồi biệt tích, như giấc mơ.

Đi tới đâu trong cuốn tiểu thuyết dở dang này, ta cũng như sảy chân vào một giấc mơ, từ ngôi chùa-nhà điên đến căn bệnh khiến nàng Inako không thể thấy người mình yêu dẫu cho đang nằm trong lòng chàng, tựa như được âu yếm bởi hư vô. Nhưng đỉnh điểm của sự mơ hồ ấy hình như chính là cách lựa chọn hai điểm nhìn chính: người mẹ của Inako và người yêu của Inako. Tại sao lại phải là cuộc chuyện trò giữa hai người đó? Có thể gọi đó là mối quan hệ mơ hồ này là gì? Không có tên gọi cho một mối quan hệ như thế, và đến tận cùng giữa họ cũng chỉ là mối quan hệ giữa một người đàn bà với một người đàn ông.

Tương tự những khoảnh khắc gợi cảm nhất của văn chương Kawabata, như gương mặt huyền ảo của nàng Yoko mà chàng Shimamura đã thấy trên toa tàu trong Xứ tuyết, cái khoảnh khắc khi người mẹ của Inako thay áo chuẩn bị đi ngủ, và phía bên kia cánh cửa lùa là chàng trai trẻ, người yêu của con gái mình, nhưng sau rốt vẫn là một chàng trai trẻ, đó là khoảnh khắc ta nhác thấy một dục vọng lẩn khuất đâu đây dưới lớp băng của tuổi già, một cảm thức loạn luân thấp thoáng khi nhòa khi tỏ giữa những trang văn đẹp mê hồn về thiên nhiên và những hội thoại sâu thăm thẳm về cõi sống, cõi chết, cõi tỉnh và cõi điên. Kawabata dụ dỗ ta trong thế giới mà mọi thứ đều như không như có, ta khăng khăng nó hiện hữu cũng được mà nói rằng nó vô ảnh cũng xong, và tất cả, tất cả đều đượm buồn.

Có một đoạn trong ký ức của người mẹ về Inako, hai mẹ con đã trò chuyện với nhau về nỗi buồn. Họ nhắc lại cái lần sau khi Nhật Bản đầu hàng, cha của Inako suýt tự vẫn nhưng được một tiên cô cứu giúp. “Buồn mẹ nhỉ”, Inako thốt lên. Và người mẹ đã đáp rằng:

Nên nếm trải nỗi buồn của cuộc đời này để sống nhỉ? Nỗi buồn vừa phải thôi. Người sống mà không biết cả nỗi buồn vừa phải thì… […] Khi biết được nỗi buồn rồi thì sẽ hiểu nỗi buồn của con người là vô hạn. Khi biết được nỗi buồn rồi sẽ hiểu rằng trên đời này còn biết bao nhiêu người buồn hơn mình nhiều lắm…”.

Đây cũng không phải điều gì mới mà ta chưa biết ở Kawabata, nhưng đọc những lời này, ta rất muốn hỏi thực ra điều gì khiến ông tìm tới cái chết? Chẳng phải chính ông cũng biết rằng nỗi buồn của mình là một nỗi buồn vừa phải, và có chán vạn kẻ còn đau khổ gấp ngàn lần ông? Chẳng phải ông từng viết “tự sát không phải là một giải pháp giúp đạt đến giác ngộ”? Vậy thì cớ gì mà ông tự sát? Kawabata đã đầu hàng ngay trên đường tới Niết Bàn ư, hay là vì đằng nào cũng không thể đạt tới giác ngộ, nên chi bằng chết?

Nhân đến đây, xin nhắc qua về bộ phim câm A page of madness của đạo diễn Teinosuke Kinugasa mà Kawabata là biên kịch, với câu chuyện xoay quanh một trại tâm thần. Trong phim, có một cảnh khi người gác cổng nhà điên và cũng là chồng một bệnh nhân điên đem đến những chiếc mặt nạ kịch Noh đeo cho tất thảy người điên. Hình ảnh rùng rợn về một đám người điên đeo mặt nạ cười giấu đi gương mặt u uất rầu rĩ bị bóp méo bởi cơn điên, thậm chí tung tẩy hân hoan nhảy múa khiến tôi chợt nghĩ có lẽ nào thà điên thực còn hơn là tỉnh giả, thà buồn cho vẹn nỗi buồn còn hơn là nửa vời hạnh phúc?

Bồ công anh kết thúc dang dở tại một hồi ức của Kuno về Inako, khi anh ôm cô và họ chẳng biết được lần này thì cô có thấy được anh không. Một chứng bệnh cũng mập mờ khi tồn tại, khi biến mất. Ta không biết rồi ra sao, liệu tất cả sẽ dẫn tới đâu. Sự không trọn vẹn của nó rất gần với kỹ thuật non-finito trong nghệ thuật thị giác mà ở đó người nghệ sĩ cố ý không hoàn thiện tác phẩm, để nó trong sự bất toàn mãi mãi. Và bằng cách không kết thúc tác phẩm cuối cùng của mình, Kawabata đã để Bồ công anh là vật thể sinh ra từ mỹ học Nhật Bản, trong đó cái đẹp đến từ sự ngắn ngủi vô thường và sự không hoàn chỉnh, một cái đẹp không vĩnh viễn mà buộc phải hiến sinh.

Cũng như bức tranh Shooting the Rapids, Saguenay River của họa sĩ Winslow Homer về ba người đang chèo thuyền vượt sông, nhưng hai chiếc mái chèo đáng lẽ phải có mặt thì một chiếc chưa được vẽ, một chiếc đang vẽ dở trước khi Homer qua đời, luôn nhắc ta về sự vắng mặt của phương tiện giúp con người lèo lái cuộc đời, thì mỗi khi đọc đến dòng kết mà không phải dòng kết của Bồ công anh, ta cũng ngậm ngùi rằng, tất cả có thể đột ngột kết thúc không báo trước vậy đó, cõi vô thường là cái vực thẳm mà bất cứ lúc nào trên đường thiên lý, ta và ngựa cũng có thể lao vào. Rồi còn gì nữa? Cũng chỉ đành thốt lên: “Buồn nhỉ!”□

——

1 Hợp tuyển văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến giữa thế kỷ 19, Mai Liên tuyển chọn và dịch (NXB Lao Động Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây).

Tác giả