Broker (2022): Ước mơ về gia đình tự nguyện và nhà nước phúc lợi

Giành hai giải thưởng tại liên hoan phim Cannes, nhưng lại gây tranh cãi trong khán giả, Broker (2022) là một thử nghiệm mạo hiểm của đạo diễn Kore-eda Hirokazu trong ba đề tài quen thuộc của ông: sinh tử, gia đình, và liên đới xã hội.

Một cảnh trong phim Broker (được chiếu ở Việt Nam dưới tựa đề “Người môi giới”).

Từ hành trình khám phá ý niệm gia đình

Là người đi lên từ nghề làm phim tài liệu, Kore-eda thường mô tả đời làm phim của mình như một hành trình điều tra về các hiện tượng xã hội xung quanh ông.1 Ông cũng đưa chất tài liệu vào phim truyện khi đọc báo để xây dựng đề tài, dùng nhiều diễn viên không chuyên, phát triển kịch bản dựa trên các sự kiện ngẫu nhiên trong quá trình quay phim, và dùng ánh sáng cùng thời tiết tự nhiên thay vì dàn dựng. Các bộ phim của Kore-eda, mà ông xem như những thí nghiệm về nhân tính và đạo đức, dường như luôn xoay quanh bốn đề tài từng định hình thời làm phim tài liệu của ông. Đó là chuyện sinh tử, ký ức, gia đình, và liên đới xã hội.

Nếu chuyện sinh tử và ký ức luôn hiện diện bàng bạc trong mọi tác phẩm của vị đạo diễn sinh năm 1962, thì mức quan tâm mà ông dành cho gia đình và xã hội đã thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Có thể tạm chia quá trình đó thành ba thời kỳ nối tiếp nhau, theo như lời ông trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2018.2

Thời kỳ thứ nhất là các phim mà Kore-eda làm trước năm 45 tuổi với hai đặc điểm chính: nhìn gia đình qua ánh mắt của người con, và đặt gia đình trong tương quan với các vấn đề xã hội rộng lớn hơn. Chẳng hạn, để nghiên cứu di sản bạo lực và giai cấp mà người Nhật phải tiếp nhận từ gia đình, phim cổ trang Hana (2006) kể về một samurai tìm cách báo thù cho cha, nhưng chùn tay khi thấy hung thủ có con nhỏ. Còn bộ phim Nobody Knows (2004), dựa trên một vụ án có thật vào năm 1988, kể chuyện một bà mẹ chạy theo nhân tình, bỏ rơi bốn đứa con trong căn hộ, khiến chúng phải chật vật để kiếm sống, trong khi xã hội không hề để tâm. Bộ phim đa chiều tới mức kỳ lạ, khi mô tả sự trưởng thành của những đứa trẻ phải nương tựa nhau để sinh tồn, lặng lẽ chôn em mình ở vùng đất mà nó ước mơ được tới, lẫn cảm giác tự do khi chúng dạo chơi trong thế giới không có người lớn.

Bằng cách đẩy gia đình của nhân vật đến bờ vực tan vỡ, tái ngộ hoặc hình thành, ông khảo sát các điều kiện cho phép gia đình tồn tại.

Trong mười năm kế tiếp, Kore-eda chứng kiến một cuộc khủng hoảng về văn hóa gia đình tại Nhật Bản. Ở thời điểm làm phim Nobody Knows, nếu những diễn nhí vẫn sống cùng ông bà, và dùng kỷ niệm với ông bà để nhập vai, thì trong những năm sau, nhiều trẻ em mà ông tiếp xúc chỉ sống với cha mẹ, nên không có ký ức về đại gia đình kiểu truyền thống. Cùng khoảng thời gian đó, mẹ của Kore-eda ốm bệnh rồi mất, khiến ông nhận ra dù rất yêu thương bà, ông đã tránh mặt bà suốt nhiều năm. Không lâu sau, vợ ông sinh hạ người con đầu tiên, nhưng ông nhận thấy mình không biết làm cha, vì luôn dành thời gian cho sự nghiệp nhiều hơn cho con cái. Dường như ý niệm về gia đình của người Nhật đang bị nhịp sống hiện đại làm cho phai nhạt, và nếu muốn tiếp tục tồn tại, nó phải thay đổi nội hàm. Những quan sát này đã đưa Kore-eda đến thời kỳ thứ hai – với loạt phim tập trung nghiên cứu những mâu thuẫn nội tại trong các gia đình hạt nhân, xét lại nhằm đổi mới quan niệm truyền thống về gia đình, và nhìn gia đình qua ánh mắt của cả đứa con lẫn cha mẹ. Được phát triển từ ký ức của Kore-eda về mẹ, phim bán tự truyện Still Walking (2008) quan sát những mâu thuẫn ngầm ẩn giữa ba thế hệ của gia đình nhà Yokoyama, chỉ lộ ra khi họ tề tựu trong lễ giỗ người trưởng nam. Nhiều vấn đề quen thuộc của các gia đình Á Đông – như nạn phân biệt đối xử, kỳ vọng mà cha mẹ đặt lên các con, hay quan niệm rằng huyết thống quyết định gia đình – đã được ông mô tả một cách trung thực và đa chiều trong bộ phim gần như bức tranh tự họa. Và trong Like Father Like Son (2013), qua câu chuyện về hai cặp vợ chồng bị nhà hộ sinh trao nhầm con, trong đó có một người cha mải theo đuổi sự nghiệp mà bỏ bê gia đình, ông đào sâu vào câu hỏi mà mình phải đối diện khi có con đầu lòng: cái gì biến bạn thành cha mẹ – huyết thống hay thời gian ở bên con?3,4,5

Khi Kore-eda bước sang tuổi 55, cảm giác về sự thiếu vắng công lý trong hệ thống tòa án coi tiền bạc hơn sự thật đã thôi thúc ông làm phim hình sự The Third Murder (2017). Từ đó, ông bước vào thời kỳ thức ba, khi trở lại nghiên cứu mối quan hệ giữa gia đình hạt nhân và sự liên đới xã hội qua góc nhìn của cả cha mẹ lẫn con cái. Tiếp tục chất vấn quan niệm truyền thống trong văn hóa Á Đông – rằng huyết thống tạo nên gia đình, và mỗi người phải thụ động chấp nhận gia đình sinh học mà mình bị số phận áp đặt – ông đưa ra một câu hỏi táo bạo: liệu có thể bỏ gia đình sinh học và các áp chế, để tạo nên một gia đình chỉ dựa trên sự tự nguyện của mọi thành viên? Trong Shoplifters (2018), sáu con người bị xã hội gạt ra ngoài lề – gồm một bà lão bị người nhà hắt hủi, hai vợ chồng có tiền án phải thay tên đổi họ, một nữ sinh trốn nhà, và hai đứa bé bị cha mẹ bạo hành hoặc bỏ rơi – đã tình nguyện hợp thành một gia đình giả để sống sót bằng nghề trộm cắp. Chính trong khoảnh khắc cặp cha mẹ giả buông tay, để hai đứa con nuôi của mình được xã hội cho một tương lai tốt đẹp, đứa con đã thầm gọi họ là cha mẹ, khiến gia đình đích thực hình thành ở cuối phim. Vừa như một truyện cổ tích thời hiện đại, vừa như cuộc đối thoại thẳng thắn giữa cha mẹ, con cái và xã hội về đề tài gia đình, Shoplifters đã mang lại cho Kore-eda giải Cành cọ Vàng năm 2018.6

Một cảnh trong phim Nobody Knows (2004).

Đến góc nhìn khác về “Chiếc hộp em bé” – Baby Box

Mỗi bộ phim về gia đình của Kore-eda đều giống như một cuộc thí nghiệm. Bằng cách đẩy gia đình của nhân vật đến bờ vực tan vỡ, tái ngộ hoặc hình thành, ông khảo sát các điều kiện cho phép gia đình tồn tại, từ đó đào sâu hoặc mở rộng những khả thể của đời sống gia đình trong mắt mình và người xem phim. Khi tìm tư liệu về các tình huống nhận con nuôi để xây dựng kịch bản cho Like Father Like Son (2013), Kore-eda đã bắt gặp những bài báo về mô hình babybox – tức những chiếc lồng sưởi được đặt trước nhà thờ hoặc cơ sở phúc lợi, nơi những người muốn bỏ rơi con có thể đặt em bé vào. Từ đó, ông hình thành ý tưởng cho Broker (2022) – bộ phim lấy bối cảnh Hàn Quốc, nơi mô hình babybox phổ biến hơn Nhật Bản.7

Đầu phim, cô gái bán hoa So-young đặt đứa con sơ sinh trước cửa chiếc babybox được đặt trước cửa nhà thờ. Thấy vậy, gã giang hồ vặt Sang-hyun và trợ thủ Dong-soo đã nhanh tay mang em bé về nhà, để đợi bán cho những gia đình giàu có hiếm muộn. Khi So-young trở lại vào ngày hôm sau và tìm đứa bé, để thuyết phục cô không báo cảnh sát, cặp đôi buôn người đã đề nghị chia tiền cho cô. Bộ ba bước vào cuộc hành trình tìm kiếm khách sộp kiêm cha mẹ mới của em bé sơ sinh, giữa lúc họ bị hai cảnh sát chống buôn người bám theo, và So-young bị tình nghi giết một người đàn ông giàu có.

Trong cuộc đuổi bắt này, các nhân vật đã dần hé lộ quá khứ cho nhau, khiến giữa họ hình thành sự đồng cảm và cảm giác về một gia đình tự nguyện. Chuyện đời của các nhân vật cũng chất vấn những định kiến mà xã hội thường dành cho một gã buôn người, một cô gái bán hoa, hoặc một bà mẹ vứt bỏ con cái. Nên nghĩ sao nếu họ đều lớn lên trên đường phố hoặc trong cô nhi viện – nơi họ được dạy những nghề nghiệp bất chính để sinh tồn? Có nên trách bà mẹ không, nếu việc bán con cho nhà giàu là cách duy nhất để bảo vệ đứa bé khỏi cảnh nghèo khổ, tù tội mà mình đang vướng phải? Có nên trách gã buôn người không, nếu chính lũ trẻ trong cô nhi viện cũng xin được hắn bán để có cha mẹ nuôi? Và có nên trách guồng máy công quyền không, khi vào lúc người mẹ trẻ định dừng lại, cảnh sát lại ép cô đi bán con để họ lập thành tích phá án? Bằng cách tái hiện những góc khuất này, Kore-eda đã buộc khán giả phải đối mặt với một thực tế mà ông từng nhiều lần đề cập: tội phạm phát sinh từ các vấn nạn chung của xã hội, chứ không chỉ từ những sai lầm cá nhân.6 Xã hội cần lắng nghe tội phạm và những người ngoài lề, thay vì chỉ đổ lỗi cho họ và giữ nguyên những chứng bệnh thâm căn của nó. Đoạn kết có hậu của Broker – trong đó cảnh sát chuyển từ người phán xét thành người cung cấp phúc lợi – đã thể hiện niềm hy vọng của Kore-eda vào một xã hội nhân văn hơn, mang dáng dấp của một gia đình tự nguyện dành cho mọi người dân. Riêng ở điểm này, Broker đã là một thử nghiệm mạnh dạn hơn Shoplifters – bộ phim chỉ mô tả cảnh sát như một guồng máy vô hồn, thay vì như những con người biết xúc động và học hỏi khi tương tác với tội phạm.

Một thí nghiệm nhiều rủi ro?

Nếu Broker được tán thưởng về mặt đề tài, thì nó lại bị chất vấn khá nhiều về mặt phong cách. Không ít khán giả Việt Nam đã than phiền rằng bộ phim này bị mất “chất Kore-eda”. Sự chất vấn này có phần vô thưởng vô phạt, vì bản thân Kore-eda không tin vào lý thuyết tác giả trong điện ảnh: ông coi phim như một tác phẩm tập thể, và dành quyền sáng tạo rất lớn cho các diễn viên, nhà quay phim, nhạc sĩ hợp tác với mình.5 Chẳng hạn, ông đã cùng diễn viên Song Kang-ho (vai Sang-hyun) viết đoạn kết của Broker trong chính quá trình quay, và chỉ hoàn thành nó không lâu trước ngày bấm máy.8

Nhưng liệu Broker có thiếu “chất Kore-eda” mà người ta kỳ vọng? Dù bắt gặp một sự cường điệu thường thấy ở phim truyền hình Hàn trong nhiều đoạn thoại, và trong diễn xuất của Lee Ji-eun (vai So-young), tôi vẫn thấy Broker mang vẻ kín đáo, tiết chế đặc trưng cho vị đạo diễn người Nhật. Các nhân vật trong Broker không nói thẳng lòng mình, phần vì họ sống trong một hoàn cảnh lạc lõng hoặc nhiều đe dọa, phần vì lòng họ đầy những mâu thuẫn nội tại kình chống lẫn nhau. Chẳng hạn, So-young vì muốn giữ con mà phạm tội, rồi vì đã phạm tội mà phải bỏ con vào babybox. Cô vừa là kẻ bị bỏ rơi muốn được nhìn thấy, vừa là kẻ phạm tội muốn được vô hình – dù là trong mắt xã hội, trong mắt người mẹ đã vứt bỏ cô, hay trong mắt đứa con cô sắp bỏ rơi. Hai gã buôn người nhìn thấy điều này, bởi cũng như cô, họ là kẻ bị bỏ rơi đang sống bằng một cái tên giả. Vậy nên khi nói về cái án mà cô sắp phải chịu, Dong-soo mới giơ tay che mắt cô – để giả như cô được giấu mặt khi bị kết tội trên TV. Ở chiều ngược lại, chuyện đời của So-young – một bà mẹ vứt bỏ con để bảo vệ con – đã khiến các bạn đồng hành tin rằng mình cũng được mẹ yêu thương và bảo vệ, vậy nên mình đáng được sinh ra, và cuộc đời này còn đáng sống. Những cử chỉ vô ngôn hoặc vô hình kiểu này nói lên rất nhiều điều về tâm tình các nhân vật; nhưng cũng vì chúng vô ngôn và vô hình, mà khán giả dễ dàng bỏ lỡ chúng, rồi tưởng nhân vật thiếu chiều sâu. Có lẽ cũng như nhiều phim khác của Kore-eda, Broker cần được xem bằng thái độ kiên nhẫn.

Có lẽ, cái “chất Kore-eda” bị thiếu trong Broker thực ra là chất thường nhật và chất hoài niệm – hai điều phát sinh từ ký ức, một trong bốn trục đề tài chính của ông. Kore-eda thường dùng ký ức của mình để xây dựng đời sống thường nhật trong phim: chẳng hạn, căn nhà chật chội nhưng ấm cúng trong Shoplifters mô phỏng chính căn nhà của ông thuở nhỏ. Các nhân vật của ông luôn sống cùng lúc trong cả hiện tại lẫn quá khứ, và họ nhớ về quá khứ nhờ tiếng lục lạc (Maborosi), cánh bướm vàng (Still Walking), hoặc trò chơi trú bão (After The Storm)… Phải chăng vì ông chưa sống ở Hàn Quốc bao giờ, mà Broker thiếu mất vẻ sống động của đời sống thường nhật và đời sống kỷ niệm? Bất đồng ngôn ngữ, và việc ông chỉ biết đến Lee Ji-eun qua phim truyền hình, cũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến vẻ cường điệu của nhiều đoạn thoại có cô tham gia.

Broker là một thử nghiệm mạo hiểm của Kore-eda, chủ yếu vì nó được tiến hành trong một vùng đất và vùng văn hóa mà ông chưa quen thuộc. □

——-

Chú thích:

1 http://www.yidff.jp/docbox/13/box13-1-e.html

2 https://moveablefest.com/hirokazu-kore-eda-shoplifters/

3 https://www.indiewire.com/2018/11/shoplifters-hirokazu-kore-eda-interview-palme-d-or-ethan-hawke-1202022396/

4 https://www.thedivareview.com/Still_Walking_Interview.htm

5 https://moveablefest.com/hirokazu-koreeda-like-father-like-son/

6 https://www2.bfi.org.uk/news-opinion/sight-sound-magazine/interviews/koreeda-hirokazu-shoplifters-families-crime-politics-japan-palme-d-or

7 https://cdn-media.festival-cannes.com/film_film/0002/75/4d708c400005d 5b0938d25a40979ec2965b4bb63.pdf

8 https://www.hollywoodreporter.com/movies/movie-news/cannes-2022-hirokazu-kore-eda-shoplifters-companion-film-broker-1235147486/

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)