Buổi độc tấu “Charles Valentin Alkan: Những kiệt tác”: Khám phá thế giới nghệ thuật của Alkan

Một thế giới nội tâm đầy rẫy bi thương, ám ảnh và tuyệt vọng trước những giới hạn mà con người phải đối mặt, một thiên tài ẩn dật bị lãng quên sau những cái bóng lớn đương thời với những tác phẩm ít nghệ sỹ dám thử sức cuối cùng sẽ được khám phá ở Việt Nam qua tiếng đàn của hai nghệ sỹ trẻ, Alessandro Marino (Ý) và Nguyễn Đức Anh (Việt Nam) trong hai đêm độc tấu “Charles Valentin Alkan: Những kiệt tác”.

 



Nghệ sỹ Alessandro. Nguồn: NVCC.



Nghệ sỹ Nguyễn Đức Anh. Nguồn: NVCC.

Sống trong thời đại mà Chopin, Liszt và Schumann đều nổi lên như những nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ piano bậc thầy, thì hẳn nhà soạn nhạc tài năng nào có một niềm tin mãnh liệt vào khả năng chính mình mới có thể tồn tại ngang hàng. Nhưng Charles Valentin Alkan lại không có được điều này. Nhút nhát, rụt rè và quá đỗi nhạy cảm, ông gần như bị chìm lấp trong đời sống xã hội Paris có phần náo nhiệt và hiếu kỳ trước những tài năng quốc tế hơn là dành sự ưu ái cho những nghệ sỹ trong nước. Cùng với đó, những lời đàm tiếu của xã hội chĩa mũi dùi vào cuộc sống riêng tư cũng làm ông bị tổn thương. “Tôi ngày càng trở nên căm ghét con người và căm ghét phụ nữ… không có gì đáng giá, tốt hay đáng để làm… không có gì để tôi có thể hiến dâng bản thân mình. Tình trạng này khiến tôi cảm thấy vô cùng buồn thảm và đau khổ. Ngay cả việc sáng tác nhạc cũng không còn thu hút được tôi bởi tôi không còn thấy mục đích nữa”, ông từng thổ lộ trong một bức thư gửi bạn. 

Trên thực tế, Alkan lại là một nhà soạn nhạc xuất chúng. Các tác phẩm của ông mang sắc thái khác biệt với các đồng nghiệp Pháp đương thời. “Cá nhân tôi thấy Alkan có sự kế thừa phong cách từ Beethoven, và có những dấu ấn ảnh hưởng lên những nhạc sỹ thế hệ sau như Debussy, Ravel… Nét phổ quát có thể dễ dàng nhận thấy là âm nhạc của Alkan mang đậm chất âm nhạc thời kỳ Lãng mạn và thấm đượm tính tôn giáo, bắt nguồn từ gốc rễ Do thái của ông”, Nguyễn Đức Anh, một nghệ sỹ piano từng theo học tại Nhạc viện âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Freiburg và hiện biểu diễn, giảng dạy tại Leipzig, Đức, giãi bày nguyên nhân vì sao anh lựa chọn Alkan và coi đây là một dự án lớn, “Alkan project”. Mong ước khám phá thế giới nghệ thuật của Alkan và thế giới tâm hồn ông đã thôi thúc Nguyễn Đức Anh kết nối với Alessandro Marino, người chia sẻ giải nhì với anh tại cuộc thi piano quốc tế Alkan-Zimmerman năm 2014 tại Athen, Hy Lạp (cuộc thi không có giải nhất), cùng trải nghiệm một cuộc hành trình âm nhạc trải dài từ Lugano, Thụy Sĩ đến Hà Nội, Việt Nam trong tháng 7 và tháng 10/2019. 

Alkan ít được biết đến ở Việt Nam và dĩ nhiên các tác phẩm của ông cũng hiếm khi được biểu diễn ở Việt Nam bởi “âm nhạc của ông đòi hỏi người chơi phải có một trình độ kỹ thuật điêu luyện, nhiều trường hợp còn vượt quá khả năng của một nghệ sĩ giỏi. Vì thế ngay cả với thế giới thì đến những năm 1950, các nghệ sỹ mới bắt đầu biểu diễn tác phẩm Alkan”, Nguyễn Đức Anh cho biết. 

Trong cuốn sách Alkan: The Man, the Music (Alkan: Con người, âm nhạc) xuất bản năm 2000, tác giả Ronald Smith – nghệ sỹ piano, giảng viên và nhà soạn nhạc Anh, đã trích lời công nhận của Franz Liszt khi coi Alkan là nghệ sỹ kỹ thuật xuất sắc bậc nhất mà ông từng biết. Bản thân Nguyễn Đức Anh sau thời gian suy ngẫm về âm nhạc của Alkan và Liszt cũng so sánh lối chơi của hai: “Liszt được nhắc đến là một trong những người có kỹ thuật tinh tế nhất trong lịch sử và trong sáng tác cho piano của mình, ông đã tối ưu hóa những kỹ thuật mà ông đã đạt được. Đặc trưng cho âm nhạc Liszt là sự trưng trổ, khi vang rền như bão táp, khi thì êm đềm như dòng suối qua những nốt chạy nhỏ li ti đầy phóng khoáng và ngẫu hứng. Trong khi đó, Alkan với thiên tài kỹ thuật và tư duy âm nhạc vượt thời đại không hướng đến đại chúng giống như Liszt mà chỉ như sự bày tỏ cảm xúc của chính ông trước số phận khúc khuỷu, những giới hạn vật lý mà ông tự trải qua với tư cách nghệ sỹ biểu diễn và nhạc sỹ”.

Niềm say mê tìm hiểu những tác phẩm và nhà soạn nhạc bị lãng quên trong lịch sử đã là nguyên cớ để Nguyễn Đức Anh “nghĩ đến việc làm mới và khai phá những tác phẩm mà công chúng còn chưa tiếp cận nhiều, ngay cả khi nó ẩn chứa những thử thách thật sự với các nghệ sỹ chuyên nghiệp”. Do đó, dự án Alkan mà anh và Alessandro Marino theo đuổi bao gồm những tác phẩm đẹp nhất và cũng khó bậc nhất của nhà soạn nhạc: 12 Etudes in minor keys Opus 39; Symphonie pour piano seul; Concerto pour piano seul; Ouverture. Maestoso-Lentement-Allegro; Etude Le Festin d’Ésope. Việc lựa chọn chương trình khiến các buổi độc tấu sẽ trở nên “độc nhất vô nhị” và mang những xúc cảm đặc biệt, không riêng cho khán giả Việt Nam, những người còn biết quá ít về nhà soạn nhạc ẩn dật này, mà còn cho cả hai nghệ sỹ trẻ. “Hai bản etude trên điệu thứ Opus 39 của Alkan đối với tôi là bộ tác phẩm quan trọng nhất của ông. Bộ đại tác phẩm (dài khoảng 2 tiếng rưỡi) này khai thác triệt để tính năng của cây đàn piano thời bấy giờ với những đòi hỏi cao nhất về kỹ thuật chơi đàn và đem đến rất nhiều các hình thái của mỗi tác phẩm”, Nguyễn Đức Anh nói về lý do vì sao anh chọn những tác phẩm này, dù trong lịch sử chỉ có ba nghệ sĩ piano đã từng chơi trọn vẹn cả bộ Opus 39 trong một buổi hòa nhạc. 

Việc lựa chọn đôi khi cũng đòi hỏi sự can đảm của người trong cuộc để có thể vượt qua những thách thức, ví dụ bản concerto cho piano độc tấu được đánh giá là một thiên sử thi với những đòi hỏi về khả năng kỹ thuật và thể lực của người nghệ sỹ ở mức chưa từng có. Nguyễn Đức Anh tự tin mình có thể vượt qua, không chỉ vì từng đoạt giải một cuộc thi về Alkan. “Bản concerto ngày dài tới 121 trang và thời lượng chơi kéo dài trung bình khoảng 55 đến 60 phút. Đây là khối lượng khó có thể tưởng tượng được viết ra cho một tác phẩm độc lập dành cho piano. Tuy vậy, đây cũng là một trong những tác phẩm mà tôi yêu thích nhất và tôi cho rằng nó có thể đại diện cho sự biểu cảm đặc biệt của thời kỳ Lãng mạn cũng như sự khai phá tính năng của cây đàn để đưa nó thành một vũ trụ riêng với tất cả màu sắc kỳ ảo như thế giới thật”, anh nói về những suy nghĩ của mình trong quá trình luyện tập tác phẩm từ tám tháng trước, khi dự án bắt đầu hiển hiện hình hài. Nét độc đáo trong bản concerto của Alkan là chỉ có phần độc tấu của cây đàn mà không có sự xuất hiện của dàn nhạc, yếu tố khiến nó khác biệt với các tác phẩm thông thường thuộc thể loại concerto. Nhưng Nguyễn Đức Anh thấy, cách phân đoạn và phối hợp giữa phần piano và ‘dàn nhạc” cũng được chú thích rất rõ ràng, giúp nghệ sỹ có thể nắm bắt tác phẩm tốt hơn.   

Hai buổi độc tấu ở Hà Nội, một tại Trung tâm văn hóa Pháp (ngày 5/10) và một tại Nhà hát lớn Hà Nội (ngày 16/10), được cả hai nghệ sỹ mong chờ bởi nó sẽ giúp họ thử nghiệm ý tưởng nghệ thuật của mình: tái hiện bộ tác phẩm này ở những phòng diễn có quy mô vừa và lớn tại các địa điểm khác nhau. “Chủ yếu các phòng hòa nhạc được chúng tôi hướng đến là quy mô vừa (100 – 200 thính giả) nhằm tạo điều kiện cho khán giả thưởng thức trọn vẹn tính năng của cây đàn với những tưởng tượng âm thanh phong phú, đồng thời giúp chúng tôi có thể khai thác triệt để hơn những hiệu ứng âm thanh trong tưởng tượng của những nhà soạn nhạc lỗi lạc với sự toàn diện của chiếc đàn piano hiện đại”, Nguyễn Đức Anh nói. □

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)