“Bút ký dưới hầm” của Dostoyevsky: Những niềm vui của việc bị hạ nhục
Sự độc đáo của Bút ký dưới hầm phát sinh từ khoảng không gian u tối giữa đầu óc duy lý của Dostoyevsky và con tim giận dữ của ông - giữa việc ông chấp nhận rằng Nga hưởng lợi từ quá trình Tây phương hóa và sự phẫn nộ trước những trí thức Nga kiêu hãnh rêu rao các tư tưởng duy vật khách quan.
Hãy nhớ điều mà tất cả các học giả về Dostoyevsky đều đồng tình: Bút ký dưới hầm là điểm xuất phát cho Tội ác và hình phạt và những tiểu thuyết lẫy lừng sau đó; đó là cuốn đầu tiên ông tìm ra được giọng thật của mình.
Tất thảy chúng ta đều biết đến những niềm vui của việc bị hạ nhục. Có lẽ tôi nên diễn đạt lại ý này: Chúng ta thảy hẳn đều sống qua những quãng thời gian mà ta khám phá ra rằng tự miệt thị mình thì cũng thú, thậm chí còn thư thái. Ngay cả khi cứ tự nhủ rằng mình chẳng đáng đồng xu cắc bạc nào – thật nhiều lần, như thể việc lặp lại sẽ biến điều đó trở thành hiện thực – thì đột nhiên chúng ta thoát khỏi mọi kiềm chế về đạo đức cần tuân thủ và khỏi nỗi âu lo ngộp thở về việc phải tuân theo những quy tắc và luật lệ, về việc phải cắn răng cố làm cho mình giống người khác. Khi người khác hạ nhục ta, thì ta cũng đi đến chỗ y hệt như khi ta chủ động tự sỉ nhục mình. Rồi ta thấy ta ở một chốn mà ở đó ta có thể sảng khoái đằm mình trong sự hiện hữu, mùi, sự nhơ bẩn và những thói quen của mình, cái chốn nơi ta có thể từ bỏ mọi hy vọng về tinh tấn và thôi cố nuôi dưỡng ý tưởng lạc quan về những con người khác. Chốn nghỉ ngơi ấy quá thoải mái đến độ ta không thể không cảm thấy biết ơn sự giận dữ và ích kỷ đã đưa ta đến thời khắc tự do và cô đơn này.
Chính nhận thức này làm tôi choáng váng nhất khi đọc lại Bút ký dưới hầm của Dostoyevsky ba mươi năm sau lần đọc đầu tiên. Nhưng thời thanh niên, khi đọc cuốn này, tôi không mấy chú ý đến những niềm vui và logic của việc bị hạ nhục với cảm hứng lấy từ cơn giận dữ của nhân vật lang thang một mình qua thành phố St. Petersburg vĩ đại, châm chích tất cả những gì anh ta thấy với trí tuệ sắc như dao cạo. Tôi thấy Người Dưới Hầm là một biến thể của Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt, một người đánh mất mọi cảm quan tội lỗi. Sự mỉa mai mang đến cho nhân vật một logic quyến rũ và giọng điệu thuyết phục. Mười tám tuổi, lần đầu tiên đọc Bút ký dưới hầm, tôi yêu quý cuốn sách bởi nó phơi bày nhiều ý nghĩ chưa thành tiếng của chính tôi về cuộc sống của mình ở Istanbul.
Khi là thanh niên, tôi có thể dễ dàng và ngay tức khắc cảm thông với người nào tự tách mình ra khỏi xã hội và rúc vào vỏ ốc của chính mình. Đặc biệt đồng cảm là khi anh ta khẳng định rằng “sống lâu hơn bốn mươi tuổi là đê tiện” (Dostoyevsky nhét những từ này vào miệng nhân vật bốn mươi tuổi của mình khi bản thân ông bốn mươi ba) – mặc dù tôi cũng đồng ý rằng ông đã bị cắt lìa khỏi đời sống ở nước ông do bị văn học phương Tây đầu độc, và rằng sự tự ý thức thái quá – hoặc, thực ra là, bất kỳ hình thái ý thức nào – là một dạng bệnh hoạn. Tôi hiểu anh ta làm dịu nỗi đau của mình bằng cách tự giày vò như thế nào, tại sao anh ta thấy bản mặt mình khá ngốc nghếch, và tại sao anh sa vào trò chơi tự vấn, “Mình có thể chịu đựng cú nhìn của thằng cha này bao lâu?” Tôi chia sẻ tất cả những điểm lập dị này; chúng buộc tôi vào nhân vật mà không cần trước hết phải tra vấn về “bản chất lạ lùng và thù nghịch” của anh ta. Còn thì nỗi niềm sâu sắc hơn mà cuốn sách và nhân vật của nó thầm thì giữa những dòng chữ, có thể tôi đã cảm nhận được lúc mười tám tuổi nhưng, bởi không thích – thực ra là bởi thấy nó bức bối – thành thử tôi từ chối dính líu với nó và mau chóng xóa nó khỏi ký ức.
Hôm nay, ít ra tôi có thể nói một cách thoải mái hơn về đề tài và nguyên ủy thực thụ của cuốn sách: Đó là sự ganh tị, giận dữ, và lòng kiêu hãnh của một người không thể biến mình trở thành một người châu Âu. Trước đây tôi đã lẫn lộn sự giận dữ của Người Dưới Hầm với cảm quan cá nhân của anh về sự thù nghịch. Bởi vì, như những người Thổ đã bị Tây hóa khác, tôi thích cho rằng mình mang nhiều tính cách Âu châu hơn mức thực tế, tôi có khuynh hướng tin rằng triết lý được Người Dưới Hầm mà tôi hết sức ngưỡng mộ lý giải tường tận là sự lập dị phản ánh tuyệt vọng cá nhân. Tôi đã không hề liên hệ triết lý ấy với sự bất ổn về mặt tinh thần của anh đối với châu Âu. Văn học Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như văn học Nga, chịu ảnh hưởng của các nhà tư tưởng châu Âu. Trong những năm cuối thập niên 1860, chủ nghĩa hiện sinh từ Nietzsche đến Sartre phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ như ở châu Âu, nên đối với tôi những ngôn từ mà Người Dưới Hầm dùng để giải thích triết lý lạ lùng của anh dường như không phải là lập dị mà về căn bản là “Âu châu tính” – điều này càng khiến tôi xa cách những gì cuốn sách thì thào vào tai mình.
Để hiểu rõ hơn những bí mật mà Bút ký dưới hầm thì thào vào tai những ai sống bên rìa châu Âu, tranh cãi với tư tưởng châu Âu, giống như tôi, chúng ta cần nhìn vào những năm tháng Dostoyevsky viết cuốn tiểu thuyết lạ lùng này.
[…]
Bút ký dưới hầm thoạt đầu được thai nghén như một bài tiểu luận phê bình. Ý tưởng của Dostoyevsky là viết bài phê bình cuốn Cần phải làm gì của Chernishevsky1, được xuất bản trước đó một năm. Cuốn sách này được nhiều người trong thế hệ trẻ, hiện đại và theo lối Tây phương, ưa thích; đó không phải là tiểu thuyết mà như là một cuốn sách giáo khoa cổ vũ một phiên bản màu hồng của phong trào khai minh thực chứng. Khi được dịch sang tiếng Thổ và xuất bản ở Istanbul vào giữa những năm 1970, lời mở đầu của cuốn sách chỉ trích Dostoyevsky kịch liệt (gán cho ông cái mác tiểu tư sản tối tăm và lạc hậu); bởi vì lời nói đầu này phản ánh thuyết quyết định luận ngây ngô và những ảo vọng không tưởng của những người Cộng sản trẻ tuổi ủng hộ Xô viết ở Thổ Nhĩ Kỳ, với tôi, sự giận dữ Dostoyevsky dành cho Chernishevsky hiện thực như thể bật ra từ chính trái tim tôi.
Nhưng sự giận dữ của ông không phải là sự bộc lộ giản đơn thái độ chống phương Tây hay thù ghét tư tưởng châu Âu: Cái Dostoyevsky không tán thành là tư tưởng châu Âu đến với đất nước của ông như một thứ nước xái. Điều làm ông giận dữ không phải là vẻ huy hoàng, tính độc sáng, hay những khuynh hướng không tưởng của tư tưởng ấy, mà là cái vui thú dễ dãi nó mang đến cho những người đón nhận nó. Ông ghét nhìn thấy cái kiểu các trí thức Nga vớ lấy một tư tưởng xuất phát từ châu Âu và ngỡ như thế là họ rành rẽ tất cả bí mật của thế giới và – quan trọng hơn – của đất nước họ. Ông không thể chịu đựng được sự vui sướng mà cái ảo tưởng đồ sộ này mang lại cho họ. Sự bất đồng của Dostoyevsky không hướng vào những thanh niên Nga đọc Chernishevsky và dựa vào nhà văn Nga này để triển khai một “biện chứng quyết định luận” thô thiển, non nớt, nước xái; điều làm ông phiền lòng là cái cách tư tưởng triết học châu Âu mới mẻ này được ca tụng với một hào quang thành công dễ dàng như thế. Mặc dù ông ưa chỉ trích các trí thức Nga Tây phương hóa về việc xa rời quần chúng, tôi lại thấy việc này là một sự lảng tránh. Để Dostoyevsky tin vào một tư tưởng, điều quan trọng không phải là nó phải logic mà là nó “không thành công”; không phải là nó khả tín mà là nó chạm vào một dạng bất công nào đó. Đằng sau sự giận dữ và thù ghét ghê gớm của Dostoyevsky đối với những người theo chủ nghĩa tự do Tây phương hóa và những người hiện đại hóa, những người truyền bá chủ nghĩa không tưởng tất định luận của Fourier ở Nga trong những năm 1860, là sự phẫn nộ của ông trước cái cách họ thích thú khi các tư tưởng của họ được công chúng hoan nghênh, đón nhận thành công một cách trơ tráo và đầy vẻ hiển nhiên.
Vấn đề ở đây còn trở nên tối tăm hơn và rắc rối hơn nữa – như nó vẫn luôn luôn như thế ở những nơi do dự giữa Đông và Tây hoặc giữa địa phương và châu Âu. Vì mặc dù Dostoyevsky ghét những người tự do và những người duy vật phương Tây, ông lại chấp nhận lý luận của họ. Chúng ta hãy nhớ rằng Dostoyevsky lớn lên cùng chính những tư tưởng này; ông hưởng thụ một nền giáo dục hiện đại và được đào tạo để trở thành kỹ sư. Đầu óc của ông được định hình bởi tư tưởng phương Tây và ông không biết tới tư tưởng nào khác. Chúng ta có thể giả định rằng có thể ông đã muốn lý luận theo một cách khác, nương tựa vào một logic khác, “Nga” hơn, nhưng Dostoyevsky đã không lựa chọn trải qua kiểu giáo dục này.
[…]
Sự độc đáo của Bút ký dưới hầm phát sinh từ khoảng không gian u tối giữa đầu óc duy lý của Dostoyevsky và con tim giận dữ của ông – giữa việc ông chấp nhận rằng Nga hưởng lợi từ quá trình Tây phương hóa và sự phẫn nộ trước những trí thức Nga kiêu hãnh rêu rao các tư tưởng duy vật khách quan. Hãy nhớ điều mà tất cả các học giả về Dostoyevsky đều đồng tình: Bút ký dưới hầm là điểm xuất phát cho Tội ác và hình phạt và những tiểu thuyết lẫy lừng sau đó; đó là cuốn đầu tiên ông tìm ra được giọng thật của mình. Điều này khiến việc tìm hiểu những cách thức mà Dostoyevsky sử dụng để dung hòa sự căng thẳng giữa kiến thức và sự giận dữ của ông vào thời điểm này trong cuộc đời ông trở nên thú vị hơn nhiều.
Dostoyevsky không bao giờ viết bài tiểu luận chống Chernishevsky mà ông đã hứa với người anh của mình. Hiển nhiên ông không thể viết bài phê phán một thứ triết lý mà bản thân ông chấp nhận. Như mọi nhà văn giàu sức tưởng tượng khác, ông ưa thích triển khai các ý tưởng của mình trong truyện và tiểu thuyết hơn. Điều này có nghĩa là, nửa đầu của Bút ký dưới hầm giống như một bài tiểu luận dài hơn là tiểu thuyết; đôi khi nó được in riêng.
Câu chuyện mượn hình thức một màn độc thoại đầy cáu bẳn của một anh chàng bốn mươi tuổi người St. Petersburg, được hưởng một khoản thừa kế nho nhỏ, bỏ việc và khước từ xã hội bình thường, chỉ để gánh chịu một sự cô lập đau đớn mà anh ta gọi là “dưới hầm”. Mục tiêu đầu tiên của nhân vật của chúng ta là cái mà Chernishevsky gọi là “chủ nghĩa vị kỷ hợp lý”. Chernishevsky nhìn nhận con người là tính bản thiện; nếu được “khai sáng” nhờ vào khoa học và lý trí, họ sẽ thấy cư xử một cách hợp lý thì sẽ có lợi ích; ngay cả khi chỉ theo đuổi lợi ích của riêng mình, họ vẫn có thể tạo ra một xã hội không tưởng duy lý hoàn hảo. Nhưng Người Dưới Hầm kiên trì tin rằng con người – thậm chí ngay cả nếu họ có đầy đủ lý trí và có thể hiểu rõ quyền lợi của mình – vẫn là những sinh vật không thể luôn luôn hành động theo quyền lợi của họ. (Điều này có thể hiểu là, “Tây phương hóa có thể là có ích cho nước Nga, nhưng tôi vẫn muốn chống lại nó.”) Sau này, Người Dưới Hầm khắc họa cách sử dụng “lý trí” của con người thậm chí còn rắc rối hơn. “Sức mạnh đầy đủ của một người chứng tỏ rằng anh không là một bánh răng cưa trong một tổ cỗ máy mà là một con người… Vì lẽ này, chúng ta không làm cái mà ta được trông đợi phải làm, thay vào đó chúng ta gục ngã trước phi lý trí.” Người Dưới Hầm thậm chí còn kháng cự thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của tư tưởng phương Tây, đó là logic, tranh cãi ngay cả việc hai lần hai là bốn.
Điều ta phải lưu ý ở đây không phải lập luận vững chắc (hoặc ít ra là chín chắn) của Người Dưới Hầm trước Chernishevsky mà là việc Dostoyevsky đã sáng tạo ra một nhân vật có thể tiếp thu và bảo vệ những tư kiến khác một cách thuyết phục. Những khám phá của ông trong khi sáng tạo nhân vật này – giữ vai trò trung tâm đối với những tác phẩm sau này của Dostoyevsky – là yếu tố giúp ông trở thành một tiểu thuyết gia đích thực. Hành động ngược lại lợi ích của mình, cảm nhận khoái lạc trong đau đớn, đột ngột khởi sự bảo vệ cái hoàn toàn ngược lại điều người ta trông đợi ở bạn – tất cả những thôi thúc này thách thức chủ nghĩa duy lý châu Âu, sự theo đuổi những nhu cầu của một bản ngã đã được khai sáng, và đại khái thế? Có lẽ khó cảm nhận hết được chương trình này có tính sáng tạo thế nào vào thời đó, vì nó đã bị sao chép quá thường xuyên.
Chúng ta hãy nhìn một thử nghiệm mà Người Dưới Hầm thực hiện để chứng tỏ chính anh là một sinh vật từ chối tuân theo ý tưởng rằng mọi người hành động vì quyền lợi tốt nhất của họ.
Một tối, đi ngang một quán rượu bình dân anh thấy một đám đánh nhau quanh bàn bi-da. Rồi anh thấy một người bị quẳng ra khỏi cửa sổ. Ngay lập tức một sự ganh tị da diết dâng lên trong lòng Người Dưới Hầm: Anh muốn bị sỉ nhục một cách tương tự; anh cũng muốn bị quẳng ra ngoài cửa sổ. Anh vào bên trong quán, nhưng thay vì nhận trận đòn mơ ước, anh lại bị sỉ nhục theo một cách hoàn toàn khác. Một sĩ quan cho rằng anh cản đường bèn kéo anh vào một góc, nhưng anh ta làm như thế theo một kiểu cách cho thấy anh ta đang xử lý một phi thực thể, một thứ thậm chí chẳng đáng khinh. Chính sự sỉ nhục không mong đợi này sẽ ám hại anh.
Tôi nhìn thấy tất cả yếu tố đặc trưng cho các tiểu thuyết sau này của Dostoyevsky trong tiểu cảnh ấy. Nếu Dostoyevsky tiếp tục trở thành một nhà văn, như Shakespeare, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về con người, thì góc nhìn mới mẻ này bắt đầu trỗi dậy chính ở trong Bút ký dưới hầm, và nếu xem xét kỹ, chúng ta có thể thấy khám phá của ông vĩ đại như thế nào. Thất bại và bất hạnh đã khiến Dostoyevsky ở cách rất xa những người chiến thắng tự mãn và thế giới tinh thần của những kẻ kiêu hãnh, và ông bắt đầu cảm thấy giận dữ trước các trí thức phương Tây coi thường nước Nga. Nhưng dù muốn tranh cãi với khuynh hướng Tây hóa, ông vẫn là một sản phẩm của nền giáo dục và nuôi dưỡng theo kiểu phương Tây và vẫn thực hành một nghệ thuật phương Tây, nghệ thuật tiểu thuyết. Bút ký dưới hầm được sinh ra từ khao khát muốn viết một câu chuyện trong đó nhân vật đi qua mọi trạng thái tinh thần và ý thức, hoặc một mong ước khẩn thiết sáng tạo ra một nhân vật và một thế giới có thể giữ mọi mâu thuẫn này với nhau một cách thuyết phục.
Khi bắt tay vào cuốn sách, Dostoyevsky viết cho người anh làm chủ bút tạp chí, “Em không biết cuốn này sẽ ra sao; có lẽ sẽ rất tồi.” Những khám phá vĩ đại trong lịch sử văn chương (như phong cách) ít khi được hoạch định trước và rất khó giải thích. Chúng là những khám phá gây choáng váng, mang tính khai phóng chỉ có được khi các nhà văn sáng tạo sử dụng toàn lực trí tưởng tượng của họ để xâm nhập bề mặt thế giới hư cấu của họ, để rút ra tất cả những gì có vẻ mâu thuẫn và không thể hòa hợp.
Khi thoạt tiên ngồi xuống viết, tác giả không biết tác phẩm của mình sẽ dẫn đến đâu. Nhưng nếu ngày nay chúng ta chấp nhận rằng muốn đón nhận cái mùi của mình, rác rưởi của mình, thất bại của mình, nỗi đau của mình cũng là chuyện có thể xảy ra – nếu ta hiểu rằng việc thích bị hạ nhục cũng hợp logic – thì tức là chúng ta mắc nợ Bút ký dưới hầm. Chính từ sự lẫn lộn yêu ghét u ám và đọa đày của Dostoyevsky – sự gần gũi của ông với tư tưởng châu Âu và sự giận dữ của ông đối với tư tưởng ấy, những khao khát ngang bằng và đối lập nhau vừa muốn thuộc về châu Âu vừa chối từ nó – mà tiểu thuyết hiện đại tìm ra nguồn sáng tạo; và thật khuây khỏa biết bao khi nhớ chuyện là như thế.
Trích Chương ba mươi sáu (Những màu khác – Orhan Pamuk) với sự đồng ý của Nhã Nam
—-
1 Chernishevsky (1828-1889): nhà cách mạng và triết gia Nga theo đường lối xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo phong trào dân chủ cách mạng những năm 1860.