Các nghệ sĩ Dada
Luôn được xem là biểu tượng cho tinh thần nổi loạn của nghệ thuật, trào lưu Dada chưa bao giờ chỉ là một hiện tượng lịch sử. Các tác phẩm, tư tưởng của các nghệ sĩ Dada vẫn tiếp tục gây nên những tranh luận, thách thức nhiều quan điểm mỹ học, và quan trọng hơn cả, vẫn lan tỏa ảnh hưởng đến những thực hành nghệ thuật đương đại.
Marcel Duchamp (1887-1968)
Marcel Duchamp tiếp thu cả khuynh hướng Lập thể và Vị lai trước khi ông có khúc ngoặt quyết định, trở thành kẻ thách thức tất cả các quy phạm vào năm 1913, khi tác phẩm “The Nude Descending the Staircase” (Người khỏa thân bước xuống cầu thang) được giới thiệu tại Amory Show ở New York và gây ấn tượng mạnh mẽ. Hành động giao chiến của Duchamp với chủ nghĩa duy mỹ thị giác, vốn được bắt đầu từ thời kỳ ông sáng lập chủ nghĩa Dada, đã làm dấy lên những trào lưu nhỏ của nghệ thuật hiện đại. Nó vừa mở đường cho các nghệ sĩ muốn khẳng định vai trò tri thức của mình trong việc hình thành nghệ thuật hiện đại, vừa tạo không gian cho những kẻ muốn chối từ các quy phạm, đưa vào trong nghệ thuật sự hóm hỉnh, tinh thần hài hước, châm biếm. Nói như Wilhem de Kooning, riêng Marcel Duchamp đã là cả một trào lưu – “trào lưu một người”.
Năm 1913, tôi nảy ra một ý nghĩ hay ho: buộc một bánh xe đạp với một chiếc ghế đẩu nhà bếp, rồi xem nó quay như thế nào.
Mấy tháng sau đó, tôi mua một bức tranh chép vẽ phong cảnh một buổi tối mùa đông với giá rẻ – tôi đặt lại tên cho nó là Nhà thuốc sau khi thêm vào bức tranh ấy hai dấu chấm nhỏ, một đỏ, một vàng ở đường chân trời.
Tại New York, vào năm 1915, tôi mua một chiếc xẻng xúc tuyết tại một cửa hàng đồ gia dụng, trên đó, tôi viết dòng chữ “Lường trước chuyện gãy tay”.
Chính trong khoảng thời gian này, cái từ “readymade” (đồ làm sẵn) lóe lên trong đầu tôi như tên gọi cho hình thức biểu đạt này.
Một điểm mà tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh là việc lựa chọn những “đồ làm sẵn” chưa bao giờ chịu chi phối bởi khoái thú thẩm mỹ cả.
Sự lựa chọn ấy dựa trên một phản ứng của sự lãnh đạm thị giác đồng thời gạt bỏ hết ý niệm về khiếu thẩm mỹ tốt hay xấu… trên thực tế, đó là một sự mất cảm giác tuyệt đối.
Một đặc điểm quan trọng ở những tác phẩm “làm sẵn” là những câu văn ngắn mà thỉnh thoảng tôi viết lên các đồ vật.
Câu văn ấy, thay vì mô tả đồ vật như một nhan đề, lại đưa tâm trí người xem liên tưởng đến những vùng khác, nơi có nhiều lời hơn.
Đôi khi, tôi lại bổ sung một chi tiết hình họa trên lời giới thiệu, để thỏa mãn khoái cảm muốn chơi phép điệp của bản thân, mà tôi gọi là “chi tiết trợ giúp” cho tác phẩm làm sẵn.
Lại ở dịp khác, khi muốn phơi bày xung khắc cơ bản giữa nghệ thuật và tác phẩm làm sẵn, tôi đã tưởng tượng ra cái gọi là “readymade tương hỗ”: Sử dụng một bức tranh của Rembrandt như một mặt bàn dùng để là quần áo.
Tôi nhận ra rất sớm mối nguy hiểm của việc lặp đi lặp lại một cách bừa bãi hình thức biểu hiện này và quyết định chỉ sản xuất một số lượng nhỏ các “tác phẩm làm sẵn” này mỗi năm mà thôi. Ở thời điểm đó, tôi ý thức được rằng, hơn cả nghệ sĩ, đối với người xem, nghệ thuật giống như một thứ ma túy quen dùng và tôi muốn bảo vệ những “tác phẩm làm sẵn” của mình khỏi sự ô nhiễm ấy.
Một khía cạnh khác của “tác phẩm làm sẵn” là nó thiếu tính chất độc nhất… Bản sao của một “tác phẩm làm sẵn” cũng mang cùng một thông điệp; trên thực tế, gần như mọi “tác phẩm làm sẵn” còn tồn tại đến nay đều không phải là bản gốc, hiểu theo nghĩa quy ước của khái niệm này.
Một nhận xét cuối cùng trong bài phát biểu của kẻ nghiện chính mình (egomaniac) này:
Kể từ khi những ống màu mà họa sĩ sử dụng được sản xuất hàng loạt và là những sản phẩm làm sẵn, chúng ta được quyền kết luận rằng mọi bức tranh trên thế giới này đều là những “sự trợ giúp” cho “tác phẩm làm sẵn” và đều là những tác phẩm lắp ghép.
[1961]
Francis Picabia (1879-1953)
Francis Picabia gặp Marcel Duchamp và những người anh em trong nghề của mình vào thời điểm tất cả đều đang say sưa thể nghiệm, khám phá những khả năng biểu đạt của Hội họa Lập thể mà kết quả là cuộc triển lãm gây nhiều tiếng vang của nhóm Section d’Or vào năm 1912. Tranh của Picabia đã thể hiện những ngụ ý châm biếm sự máy móc, tình trạng cơ giới hóa của đời sống hiện đại thậm chí trước cả khi ông đến New York năm 1913. Sau đó, tác phẩm của Picabia trở nên đáng chú ý bởi những áp đặt mang tính cơ giới, lạ lùng và mỉa mai, lên những hình thức hữu cơ (organic forms). Từ năm 1915, khi Duchamp đến New York, Picabia trở thành một nhân vật nổi bật của trào lưu Dada. Ông đã đưa đến những phê phán bằng ngôn ngữ thị giác hài hước nhất, ngộ nghĩnh nhất đối với chủ nghĩa hiện đại qua những bức vẽ đăng trên tạp chí Camera Work của Alfred Steiglitz – một tạp chí ủng hộ các khuynh hướng tiên phong của nghệ thuật thế giới ra đời năm 1902 và tiếp tục xuất bản cho đến năm 1917.
Francis Picabia – Love Parade,
sơn dầu trên bìa, 95 x 72 cm, 1917
Nếu anh muốn có những ý tưởng sạch sẽ, hãy thay đổi chúng thường xuyên như thay áo.
Một niềm xác tín giống như một căn bệnh.
Chỉ có một cách duy nhất để cứu rỗi đời mình: hãy hy sinh danh tiếng.
Ai cũng phải đi qua cuộc đời này, dù nó màu đỏ hay xanh, hoàn toàn trần truồng và được dẫn dắt bởi âm nhạc của một người câu cá tinh tế, lúc nào cũng sẵn sàng trong tâm thế câu được con cá lớn.
Chúng ta không chịu trách nhiệm cho những gì mình làm; chúng ta chẳng biết gì về hành động của chúng ta chỉ đến khi chúng ta kết thúc chúng.
Khi tôi hút thuốc xong, tôi chẳng còn quan tâm đến mẩu thuốc lá còn lại.
Tội ác thực ra còn ít vô đạo đức hơn sự công bằng của nhân loại.
Những gì giúp hoàn thiện nhân cách chúng ta tượng trưng cho những điều tốt; những gì làm hại nó tượng trưng cho điều xấu. Đấy là lý do Thượng đế chẳng có nhân cách gì.
Chẳng có gì hiện đại trong cách làm tình cả, tuy nhiên, đấy lại là việc tôi thích làm nhất.
Mọi thứ cho hôm nay, không có gì cho ngày hôm qua, không có gì cho ngày mai.
[1920]
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Twentieth – Century Artists on Arts, Dore Ashton biên tập, NY:Pantheon Books, 1985, trang 21-24.