Cảm hứng từ Shakespeare

Các tác phẩm âm nhạc giúp tôi dần hiểu tính bi kịch tràn đầy sự sống dẫu đầy những góc cạnh phức tạp trong các tác phẩm của Shakespeare và tôi bắt đầu hiểu tại sao những vở bi kịch của ông thực chất lại là những vở hài kịch có kết thúc buồn và ngược lại.

Desert Island Discs là một chương trình của đài BBC trong đó khách mời được yêu cầu tưởng tượng rằng họ sắp lên đường tới một đảo hoang và ở lại đó vĩnh viễn; trong hành trang của họ có hai thứ bắt buộc là hai cuốn sách Kinh Thánh và Shakespeare toàn tập. Tôi cho rằng có một sự thực không thể chối cãi là ảnh hưởng của tất cả những sáng tác của Shakespeare tương đương, và đôi khi là vượt qua, so với bất kỳ tổng tập nào, kể cả Kinh Thánh.

Shakespeare là một trong những gương mặt văn chương quan trọng nhất hiện diện ở nước Nga (khi đó còn trong khối Liên Xô), bên cạnh các đại văn hào/thi hào Pushkin, Goethe, Dante và Tolstoy. Tôi không dám mạnh miệng khẳng định rằng vai trò của ông trong đời sống của người dân Nga cũng tương tự như trong nền văn hóa nói tiếng Anh, nhưng có một điều chắc chắn là ông được coi là nhà soạn kịch vĩ đại nhất. Thế hệ tôi tìm thấy ở ông điều mà chúng tôi cũng gặp ở Pushkin: các nhân vật trong các tác phẩm của ông đều đang tranh đấu để đạt được sự tự do tinh thần trong thời kỳ thiếu vắng tự do.

Dĩ nhiên, tôi tiếp xúc với Shakespeare ban đầu qua những tác phẩm dịch. Ngày nay trên mạng Internet các bạn có thể tìm thấy và so sánh 5-6 bản dịch tiếng Nga của các vở như Hamlet hay Vua Lear. Riêng cá nhân tôi rất thích những bản dịch của nhà thơ lớn Boris Pasternak. Giờ đây, tiếng Anh của tôi đã khá hơn, đủ để đọc nguyên gốc các tác phẩm của Shakespeare, và tôi nhận thấy Pasternak đã truyền vào những bản dịch của mình khá nhiều chất thơ của chính ông.

Các tác phẩm của Shakespeare đã khơi nguồn cảm hứng cho các nhà soạn nhạc từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Tôi tiếp xúc với các nhạc phẩm có liên hệ với Shakespeare lần đầu tiên có lẽ là  vở ballet Romeo và Juliet của Prokofiev (cha tôi, nhạc trưởng Mikhail Jurowski từng dàn dựng tác phẩm với đoàn ballet opera Komische ở Đông Berlin), vở opera Macbeth, Otello và  Falstaff của Verdi, bản fantasy overture Romeo và Juliet của Tchaikovsky, sau đó là các bộ phim của Nga làm về Hamlet do Shostakovich viết nhạc và các phiên bản phim chuyển thể từ kịch.

Shakespeare là nguồn gốc cảm hứng cho sự ra đời của hơn 300 nhạc phẩm. Các nhà soạn nhạc ngày nay vẫn đang tìm kiếm cảm hứng từ các tác phẩm của Shakespeare, và để thể hiện cho nền âm nhạc đương đại, chúng tôi cũng đưa vào chương trình của mình một trích đoạn trong vở opera Bão tố của Thomas Adès; tính chất ma thuật trong âm nhạc của ông phù hợp một cách kỳ lại với cái ma thuật trong vở kịch. Nửa đầu của vở opera kết thúc bằng Khúc nhạc chiều, nhạc phổ thơ từ vở Người lái buôn thành Venice của Vaughan Williams. Đây là một tác phẩm gây xúc động sâu sắc; Rachmaninoff từng bật khóc khi xem vở này tại London.

Các tác phẩm âm nhạc đó giúp tôi mới dần hiểu tính bi kịch tràn đầy sự sống dẫu đầy những góc cạnh phức tạp trong các tác phẩm của Shakespeare và tôi mới bắt đầu hiểu tại sao những vở bi kịch của ông thực chất lại là những vở hài kịch có kết thúc buồn và ngược lại. Trước đây tôi cứ nghĩ bi kịch và hài kịch là hai phạm trù khác nhau, nhưng Shakespeare không sáng tác như vậy! Shostakovich và Prokofiev có lẽ là những người đầu tiên thể hiện đầy đủ điều này trong âm nhạc.

Thu Trang lược dịch

Nguồn: http://www.theguardian.com/music/2016/apr/20/shakespeare-400-vladimir-jurowski-gala-lpo

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)