Cân bằng

Sự kết hợp của hai tác giả Ngọc Thái và Đào Hải Phong trong triển lãm “Cân bằng”* là sự kết hợp hài hòa của những điều tương phản. Sự hài hòa được tạo bởi những điều tương phản. Ảnh và tranh, ảnh đen trắng của Ngọc Thái và tranh sơn dầu trên vải ngập tràn mầu sắc của Đào Hải Phong.

Mỗi loại hình nghệ thuật có một ngôn ngữ riêng. Với nhiếp ảnh là thời điểm và ánh sáng. Với hội họa là hình, mầu. Tuy hai người hàng xóm này cũng có những điểm chung nhưng làm một cuộc đối thoại giữa nhiếp ảnh và hội họa cũng chẳng dễ gì.

Cho dù đi bằng con đường nào, bằng phương tiện gì thì đích đến của nghệ thuật cũng là cái đẹp hay nói cách khác là hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm mà người xem cảm nhận được. Ở điểm này thì những tác phẩm của nhiếp ảnh gia Ngọc Thái và những tác phẩm hội họa của họa sĩ Đào Hải Phong gặp nhau. Hai tác giả đều có chung một đề tài là phong cảnh nông thôn. Họ có chung một đam mê đi tìm vẻ đẹp bình dị, yên ả, thanh bình của làng quê Việt. Nghệ thuật nào thì cũng vẫn là sự phát hiện ra vẻ đẹp (khác thường) ở những điều bình thường như thế. Người bình thường thì nhìn thấy đó chỉ là những người, những cảnh bình thường, nhìn mà không thấy. Người nghệ sĩ sẽ nhìn thấy cái đẹp trong những điều bình thường ấy.

Sự kết hợp của hai tác giả Ngọc Thái và Đào Hải Phong trong triển lãm “Cân bằng” là sự kết hợp hài hòa của những điều tương phản. Sự hài hòa được tạo bởi những điều tương phản. Ảnh và tranh, ảnh đen trắng của Ngọc Thái và tranh sơn dầu trên vải ngập tràn mầu sắc của Đào Hải Phong. Câu chuyện nghệ thuật của Ngọc Thái là câu chuyện của đen trắng, sáng tối, đậm nhạt, ngày đêm. Sự lam lũ, vất vả của đời sống thực và sự mơ mộng qua cách nhìn của Thái. Suy cho cùng đấy cũng là những cặp đôi tương phản để làm nên vẻ đẹp hài hòa trong ảnh của Ngọc Thái. Câu chuyện của Đào Hải Phong là câu chuyện của mầu sắc. Phong sở hữu một bảng mầu rực rỡ, chói lọi, đối lập, đối chọi, nóng lạnh đến tận cùng. Đó cũng là vẻ đẹp cân bằng của những đối nghịch.


Tranh: Đào Hải Phong

Mỗi tác giả đã mang đến triển lãm này sự hài hòa trong tác phẩm của riêng mình để một lần nữa tương phản cùng nhau, cùng nhau tạo ra cân bằng để viết một câu chuyện chung ca ngợi vẻ đẹp của đồng quê Việt.

Sự thống nhất của đối lập, cân bằng của những điều khác biệt là câu chuyện muôn đời, nó tự nhiên đến mức hình như người ta lãng quên mất nó. Cổ nhân bảo âm dương cân bằng, thủy thổ hài hòa, động tĩnh hợp thời, đó chính là đạo. Ấy thế mà…

Sự phát triển nào cũng chỉ thực sự tốt đẹp và bền vững nếu cân bằng được các giá trị – kinh tế và văn hóa, giàu và nghèo, nông thôn và thành thị, bảo tồn và phát triển v.v..

Ngọc Thái và Đào Hải Phong mang đến cho người thưởng ngoạn vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam cũng là muốn mang đến một tiếng gõ cửa để đánh thức rằng cân bằng là một giá trị, nó luôn thời sự. Làng quê ấy, nông thôn, nông nghiệp, nông dân ấy vẫn là nơi trú ngụ của văn hóa Việt. Vẻ đẹp này của làng quê Việt sẽ mất đi, văn hóa Việt sẽ không còn nếu chúng ta không biết hài hòa các giá trị trong quá trình phát triển.

* Từ ngày 7 đến 9/9 tại Hotel de L’Opera, Hà Nội,

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)