Cần tin vào tương lai

Nhạc trưởng Leonid Nicolayev đến Việt Nam, ông mang theo một phong cách âm nhạc Nga thật đẹp. Ông đã chỉ huy khúc mở màn Ruslan và Lutmilla của Glinka, Concerto cho Violon Rê trưởng và Giao hưởng số 5 của Tchaikovsky với tất cả niềm tự hào về một nền âm nhạc mà dân tộc ông đã xây dựng nên, một nền âm nhạc có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới.

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc phỏng vấn ông bằng một câu hỏi muôn thuở:
Thưa ông, làm thế nào để có thể phổ biến Âm nhạc Cổ điển một cách rộng rãi trong quần chúng, và điều gì đã khiến Âm nhạc Cổ điển Nga phát triển rực rỡ đến vậy?   
Đây là một việc rất phức tạp và khó khăn, nó thuộc về vấn đề giáo dục văn hóa. Sẽ chẳng có kết quả gì cả nếu mọi người chỉ đi nghe hòa nhạc giao hưởng một vài lần. Điều cần thiết phải giáo dục một cách tự nhiên về văn hóa và âm nhạc cho mỗi con người từ khi còn nhỏ tuổi. Để tiếp thu được Nhạc Cổ điển, người ta phải biết rung động thực sự khi nghe nó, phải là một sự phấn khích giống như có động đất ở bên trong con người. Trong các trường học ở Hy Lạp, người ta dạy cho học sinh những nền tảng văn hóa nghệ thuật cổ đại. Ở Mỹ, người ta thường thổi kèn ở nhiều nơi một cách rất tự nhiên, và chi tiết ấy cũng có thể là cơ sở để sản sinh ra những người thổi kèn giỏi. Ý tôi là, sự giáo dục ở đây phải theo mô hình Kim tự tháp, phải có một nền tảng văn hóa trong đời sống thường nhật. Ở Nga, những người dân rất thích hát, dân tộc chúng tôi có rất nhiều thể loại hát và hợp xướng. Âm nhạc của người dân gắn liền với tôn giáo, gắn liền với những bài thánh ca và hợp xướng trong nhà thờ. Đó chủ yếu là những hình thức a-cappella, hát không cần nhạc đệm. Qua đó những người dân phát triển được khả năng về âm nhạc. Điều này trở thành một nền tảng rất quý báu cho sự phát triển của Âm nhạc Nga. Phong trào âm nhạc quần chúng cũng là chất liệu cho việc xây dựng nên một nền nhạc kịch Nga vĩ đại.
Thưa ông, trong những thập kỷ gần đây, âm nhạc Cổ điển Nga có vị thế như thế nào trên thế giới?
Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Âm nhạc Nga và đặc biệt là opera Nga đã được biểu diễn phổ biến ở Tây Âu. Đầu tiên là “Boris Godunov”, một vở opera của Modest Petrovich Mussorgsky. Khi Tây Âu được thưởng thức tác phẩm này, họ đã hoàn toàn bị mê hoặc. “Khovanshchina” cũng là một vở opera nổi tiếng khác của Mussorgsky được Tây Âu ưa thích, thậm chí vở này còn hoành tráng hơn cả “Boris Godunov”. Những tác phẩm này thể hiện tính chất dân tộc Nga rất đậm nét. Từ giai điệu bài hát đến tính cách nhân vật, tất cả đều mang đặc trưng Nga. Tôi có thể nói rằng, trên phương diện tinh thần, Âm nhạc Nga đã ảnh hưởng đến nhiều nền Âm nhạc trên thế giới. Ví dụ như Âm nhạc Pháp chẳng hạn, nó chịu ảnh hưởng rất nhiều của Âm nhạc Tchaikovsky. Trên thực tế là đã có sự trao đổi văn hóa giữa Tây Âu và Nga, chẳng hạn như các đoàn nhạc kịch của Nga ngày xưa đã từng sử dụng rất nhiều nghệ sỹ, diễn viên  nước ngoài. Sự giao lưu của các nhà soạn nhạc Nga với nước ngoài cũng là cơ sở để tạo nên một tầm ảnh hưởng đáng kể. Ví dụ như Tchaikovsky đã mang Âm nhạc Nga sang Ý, còn Stravinsky đã mang Âm nhạc Nga sang Pháp. Ngày nay, người ta có thể nhận ra những tương đồng về phong cách âm nhạc giữa Moscow và Ý hay giữa St. Petersburg và Pháp.
Theo ông thì trong thế kỷ 21, ở Nga có thể xuất hiện những “Shostakovich” và “Prokofiev” mới hay không?
Ồ! Vấn đề này rất là phức tạp! Có nhiều người nói rằng, thế kỷ của Âm nhạc Cổ  điển đã kết thúc. Rất nhiều những khuynh hướng và trường phái âm nhạc mới đều đi đến ngõ cụt. Thực tế là hiện nay, sự phát triển trên phương diện sáng tác ở Nga gặp rất nhiều khó khăn. Một số nhạc sỹ lớn bây giờ nói rằng, chúng tôi đã mất tới 10 năm mà không đạt được sự phát triển nào cả. Cái khó nhất của sáng tác chính là tạo ra được những giai điệu. Những nhà soạn nhạc như Beethoven và Tchaikovsky trở thành những nhà soạn nhạc vĩ đại bởi vì họ đã viết nên những giai điệu vô cùng hay và đẹp. Cách đây không lâu, tôi có thu một bản concerto dành cho kèn trompet, trong khi thu thì tác giả của tác phẩm này – một nhạc sỹ trẻ có đến chỗ tôi và hỏi tôi rằng: “Theo ông thì có đúng thật là giai điệu của tôi nó hay hay không?”. Bạn thấy đấy, chính bản thân người nhạc sỹ cũng không tin rằng mình đã tạo ra một giai điệu đẹp. Hiện nay, trên lĩnh vực sáng tác, nền Âm nhạc của chúng tôi vẫn chưa tìm ra phương hướng nào đúng đắn để có thể lạc quan khẳng định về tương lai.

Tuy nhiên, phải luôn thừa nhận rằng, nước Nga có một truyền thống, một quá khứ vĩ đại và đẹp đẽ của Âm nhạc Cổ điển. Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng, một đất nước đã từng sản sinh ra những tên tuổi lừng lẫy trong lịch sử âm nhạc thế giới như Glinka, Tchaikovsky, Rimsky-Korsakov, Mussorgsky, Stravinsky, Rachmaninov, Shostakovich, Prokofiev… sẽ vẫn có thể tìm được một tương lai tươi sáng cho nền Âm nhạc Cổ điển. Và cũng giống như khi chúng tôi hỏi Nicolayev rằng ông có suy nghĩ gì về sự phát triển của Âm nhạc Cổ điển Việt Nam, ông đã thân thiện trả lời: “Các bạn cần phải tin tưởng vào tương lai chứ!”.

 Leonid Nicolayev (NSND Nga) sinh ra tại thành phố Arsamas cổ kính. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Moscow và tiếp tục học chỉ huy ở Vienna. Năm 1974, ông được nhận giải thưởng Herbert von Karajan trong cuộc thi Dàn nhạc Giao hưởng Quốc tế tổ chức ở Berlin. Nicolayev đã chỉ huy nhiều dàn nhạc lớn của Nga, ông cũng là giáo sư của nhạc viện Moscow. Cùng với Leonard Slatkin và Zubin Menta, ông là chỉ huy chính của của dàn nhạc trẻ Nga-Mỹ từ những ngày đầu thành lập năm 1988. Nicolayev đã thu thanh các tác phẩm của Tchaikovsky, Beethoven, Berliotz, Shostakovich, Weber,  Richard Strauss và Rossini, ông cũng đã từng đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Nói chung, Nicolayev được nhìn nhận là một nhạc trưởng đại diện cho trường phái chỉ huy Nga danh tiếng.

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)