Câu chuyện thần tiên từ bãi rác Cateura

Cả thế giới đã chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu trong cuộc đời những đứa trẻ sống ở các khu ổ chuột của Venezuela và những khu kém phát triển nhất ở Anh khi được âm nhạc truyền cảm hứng thông qua các dự án El Sistema. Và giờ đây, một lần nữa, người ta lại được thấy điều kỳ diệu ấy ở Cateura, Paraguay, nơi đón nhận 1.500 tấn rác mỗi ngày.

Một dàn nhạc trẻ em có tên gọi Recycled Orchestra (Dàn nhạc Tái chế) đã được thành lập bên đống rác thải khổng lồ đó, nhưng khác với những dự án El Sistema thực thụ, vốn đều nhận được sự ủng hộ của chính phủ về nhiều mặt, El Sistema kiểu Cateura chỉ là nỗ lực tự thân của một chuyên viên sinh thái học, Favio Chávez.

Nhận về rác và trả lại bằng âm nhạc

Ở vùng ngoại ô Cateura của thủ đô Asunción, rác thải là tai ương, nhưng cũng là sinh kế, cung cấp hàng trăm việc làm cho những dân địa phương đã bị những chủ đất giàu có đẩy bật khỏi mảnh đất nhỏ nhoi của mình. Họ nhặt nhạnh trên đống rác nặng mùi 24 giờ mỗi ngày, tìm kiếm bất kỳ món gì có thể đem bán – một cân nhựa được 20 cent, một cân bìa giấy được 10 cent…

Câu chuyện thần tiên từ bãi rác thải bắt đầu với Favio Chávez vào năm 2006, khi đó ông 37 tuổi. Trong thời gian làm việc ở Cateura với tư cách chuyên viên sinh thái học, Favio Chávez đã kết bạn với nhiều gia đình sinh sống và hành nghề nhặt rác ở đây. Chứng kiến cuộc sống bị bủa vây bởi cảnh bần hàn, nạn mù chữ, ô nhiễm, ma túy và bạo lực của họ, Chávez nhận ra rằng, bọn trẻ cần được tiếp nhận những điều tích cực có thể đưa chúng thoát khỏi vùng đất ngập rác này để sống một tương lai tốt đẹp hơn.

Chávez, từng học nhạc năm 13 tuổi, đã quyết định chia sẻ tình yêu âm nhạc của mình với những đứa trẻ Cateura. Cứ đến cuối tuần, ông lại rời nhà ở một thị trấn nhỏ ở Carapeguá, cách Asunción 80km, để đến đây dạy nhạc cho bọn trẻ. Ông bắt đầu giảng về âm nhạc bằng một vài nhạc cụ mà ông có trong tay. Sau một lần Chávez cho dàn nhạc biểu diễn ngay tại Cateura, những người nhặt rác đã hỏi liệu ông có thể dạy nhạc cho con cái của họ được không – bọn trẻ vẫn thường chỉ biết chơi đùa trên đống rác những khi chờ cha mẹ chúng kết thúc công việc.

Favio Chavez nói rằng, âm nhạc dạy cho bọn trẻ biết tôn trọng bản thân và người khác cũng như biết sống có trách nhiệm, vốn không phải là điều phổ biến trên những đường phố đầy rẫy băng nhóm tội phạm ở Cateura. “Những đứa trẻ này quá khuất nẻo với thế giới, không ai biết đến sự tồn tại của chúng. Chúng tôi đưa các em lên sân khấu và giờ đây mọi người đều nhìn vào các em và biết đến sự tồn tại của chúng,” ông nói.

Sau một vài tháng, Chávez, một người nhiệt thành hâm mộ Les Luthiers, ban nhạc Argentina sử dụng những nhạc cụ tự chế – nhận ra rằng, sẽ không thể có đủ nhạc cụ cho bọn trẻ đang tha thiết muốn được nhận vào lớp, vả lại các em cũng cần tập luyện thêm ở nhà nếu muốn tiến bộ. “Cây đàn violin còn đáng giá hơn cả ngôi nhà của những người nhặt rác,” Chávez nói. “Chúng tôi không thể đưa cho bọn trẻ một cây đàn bình thường vì nó sẽ đặt các em vào một tình huống khó xử. Người nhà các em có thể sẽ đem bán nó hoặc đổi chác. Vì vậy chúng tôi đã thử làm đàn từ những thứ nhặt được ở bãi rác. Chúng tôi khám phá những vật liệu phù hợp nhất, đảm bảo nhạc cụ có âm thanh chuẩn và giữ được độ căng của dây đàn. Thật tốt khi trao cho bọn trẻ những nhạc cụ tự chế vì chúng không có gì đắt đỏ.”

Nicolás Gómez, 48 tuổi, một thợ mộc kiêm người nhặt rác, đã cùng với Chávez làm ra những cây đàn này. Mỗi tuần ba lần, Gómez dạo quanh Cateura để tìm nguyên liệu. Ông dùng cưa điện để định hình những cái khay kim loại thành thân của một cây đàn violon và thiết kế những cây đàn cello từ vỏ thùng đựng dầu. Cần đàn được đẽo ra từ những thanh gỗ cũ. Sáo, trống… tất cả đều được làm từ phế liệu.

Với sự hỗ trợ của Gómez, Chávez đã có đủ nhạc cụ cho hơn 70 đứa trẻ tập luyện hằng tuần tại lớp. Nhưng mục tiêu của ông còn lớn hơn bản thân âm nhạc. Chávez tin tưởng rằng thứ tinh thần cần có khi học chơi đàn có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống để giúp các em thoát khỏi đói nghèo. Khi suy nghĩ về vấn đề này, Chávez không ngờ rằng nó lại hoàn toàn tương đồng với quan điểm của những nhà quản lý dự án El Sistema ở Venezuela và Anh.

“Người nghèo cần cái ăn cho ngày hôm nay,” ông nói. “Họ không nghĩ đến những vấn đề của ngày mai. Nhưng học nhạc có nghĩa là bạn phải lập kế hoạch. Thật vô cùng thách thức để giải thích cho một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bất lợi rằng nếu em ước mơ chơi đàn piano thì em cần phải ngồi trên ghế tập tới 5 giờ mỗi ngày.”

Nhiều bậc cha mẹ cũng cố gắng tiếp nhận quan điểm này. “Phần lớn cha mẹ đều nói với con mình rằng, không thể mài đàn ra mà ăn được; rằng chúng cần phải làm việc để có cái ăn,” Jorge Ríos, 35 tuổi, một người làm nghề tái chế rác có hai con gái chơi trong Recycled Orchestra, thổ lộ. “Nhưng nhờ cây đàn violin mà các con tôi được thấy những đất nước khác. Chúng có cơ hội được sống một tương lai tốt đẹp hơn.”

Hai con gái của Jorge Ríos là Ada và Noélia Ríos bắt đầu tham gia lớp học của Chávez trong một nhà thờ nhỏ từ hai năm trước, sau khi bà nội, cũng là một người làm nghề tái chế rác, đăng ký cho cả hai vào lớp. Hai chị em thích kỷ luật nghiêm khắc của Chávez, tự giác tập luyện hai giờ mỗi ngày tại nhà – một căn lều nền đất sơ sài tại khu ổ chuột San Cayetano – và đã từng đi biểu diễn quanh khu vực Mỹ Latin cùng dàn nhạc.

“Ước mơ của cháu là trở thành nghệ sỹ,” Noélia, 13 tuổi, giữ chặt trong tay cây đàn guitar, được Gómez chế tác từ hai hộp thiếc lớn đựng món tráng miệng làm bằng khoai tây Paraguay.

“Được đến những nước khác, đầu óc cháu mở mang hẳn ra,” Ada, 14 tuổi, chơi đàn violin, nói. Sau chuyến lưu diễn ở Amsterdam – chuyến lưu diễn đầu tiên ngoài khu vực Nam Mỹ – năm nay dàn nhạc còn lưu diễn ở Argentina, Mỹ, Canada, Palestine, Na Uy và Nhật Bản. Chávez cũng đã nhận được lời mời biểu diễn tại Meltdown Festival ở London vào tháng Sáu năm tới.

Cũng như người chị của mình, Ada hy vọng trở thành một nhạc công và mơ ước sở hữu một cây đàn Stradivarius trị giá hàng triệu bảng. Nhưng lúc này cô bé hoàn toàn bằng lòng chơi thứ nhạc cụ mà cô đang sở hữu, được làm từ một hộp sơn. “Cháu không quan tâm đến việc cây đàn của mình được làm từ phế liệu,” cô bé chia sẻ. “Với cháu, đó là một báu vật.”

Từ tâm huyết và sự khéo léo của Favio Chávez và Nicolás Gómez, Recycled Orchestra đã ra đời, cho phép những đứa trẻ ở địa phương theo học và trình diễn tác phẩm của những bậc thầy âm nhạc thế giới như Bach, Mozart và Beethoven. Câu chuyện thần tiên này giống như một lời nhắc rằng, cuối cùng, âm nhạc sẽ chiến thắng ở bất cứ nơi nào.

“Thế giới đưa rác đến cho chúng tôi, chúng tôi trả lại bằng âm nhạc,” Favio từng nói như vậy, không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về một vấn đề toàn cầu mà còn muốn chứng tỏ rằng, bất chấp sự đói nghèo cùng cực, các học trò của ông vẫn có thể trở thành những thành viên có ích cho cộng đồng. Dàn nhạc đã thổi luồng gió mới, mang đến cho các em cơ hội về một tương lai vượt xa khỏi khu ổ chuột ở vùng đất ngập rác mà trước đây các em chưa bao giờ từng tưởng tượng ra.

Truyền cảm hứng cho cả thế giới

Câu chuyện về Recycled Orchestra đã dẫn đến sự ra đời của bộ phim tài liệu “Landfill Harmonic” (Hòa âm ở vùng đất rác) của hai nhà làm phim độc lập Alejandra Amarilla Nash và Juliana Penaranda-Loftus, những người phát hiện ra dàn nhạc khi họ đến Paraguay năm 2009 để làm một nghiên cứu về các cộng đồng nghèo trên thế giới. Họ đã dành nhiều ngày trò chuyện cùng Favio và Nicolás và trở lại đây vào năm 2011 với một đội làm phim chuyên nghiệp để ghi lại quá trình gia nhập dàn nhạc của những học trò mới. Năm 2012, nhóm làm phim theo chân Recycled Orchestra tới Brazil trong chuyến lưu diễn quốc tế đầu tiên của dàn nhạc.

Cuối năm 2013, nhóm làm phim đã gặp đạo diễn nổi tiếng Graham Townsley. Dưới sự dẫn dắt đầy sáng tạo của ông, nhóm trở lại Paraguay vài lần nữa, và giờ đang lên kế hoạch theo chân dàn nhạc tới châu Âu, Mỹ trong các chuyến lưu diễn và sau đó hoàn tất phần hậu kỳ bộ phim để cho ra mắt vào đầu năm 2014.

Tháng 12-2012, nhóm làm phim cũng mở màn một chiến dịch truyền thông và thu được nhiều thành công: chỉ sau bảy tháng đã có 160.000 kết nối qua Facebook và hơn 3 triệu lượt xem đoạn phim quảng cáo về bộ phim trên YouTube.

Cũng tương tự như Chávez, mục đích của nhóm làm phim “Landfill Harmonic” còn lớn hơn bản thân bộ phim: Họ muốn cho thế giới thấy rằng những giải pháp đơn giản và sáng tạo có thể mang đến cho những cộng đồng nghèo nhất những biến chuyển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, nhóm làm phim còn liên hệ với bảo tàng nhạc cụ lớn bậc nhất thế giới Musical Instruments Museum (MIM) ở Scottsdale, Arizona để bảo tàng thực hiện một cuộc triển lãm dài ngày về bộ sưu tập nhạc cụ làm từ phế liệu của Recycled Orchestra. Những nhạc cụ này, song song với bộ phim tài liệu, sẽ xuất hiện trong những bảo tàng chi nhánh của MIM.

Một dự án quyên góp kinh phí hỗ trợ bộ phim “Landfill Harmonic” và dàn nhạc Recycled Orchestra cũng đã được xây dựng. Chiến dịch Kickstarter của Alejandra Amarilla Nash bắt đầu từ tháng 4-2013, đến nay đã nhận được 200.000 USD, nhiều hơn mục tiêu đề ra ban đầu của cô là 175.000 USD. Nhóm làm phim dự tính, nếu quyên góp được từ 500.000 đến 1 triệu USD sẽ đủ để đưa Recycled Orchestra đi lưu diễn và truyền cảm hứng cho toàn thế giới.

        Thanh Nhàn tổng hợp

Tác giả