Câu chuyện về bản giao hưởng số 7 của Shotstakovich (Phần 1: Trong lòng vây hãm)

LTS: Vào ngày 9/8/1942, những nghệ sỹ đói lả của Leningrad đã trình diễn một buổi hòa nhạc khác thường bậc nhất trong số các buổi hòa nhạc đã được tổ chức trên thế giới. Hơn 60 năm sau, nhà báo Anh Ed Vulliamy đã đi tìm lại những người sống sót cuối cùng của dàn nhạc để tìm hiểu những kẻ xâm lược hùng mạnh lại chịu thua họ, và chịu thua sức sống bền bỉ của thành phố này. Tia Sáng xin giới thiệu với bạn đọc bài viết xuất bản năm 2001 kỷ niệm buổi hòa nhạc đặc biệt này.

 



Nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich. Nguồn: Saint-Petersburg.com



Edith Katya Matus thích nhảy, dù cho đôi chân quấn băng và bà ở tuổi 84, bên cạnh cửa sổ của một phòng khách nhỏ nhưng gọn gàng, nhìn ra ngoài khu vực ngoại ô phía Nam hoang vắng của St Petersburg. Đôi mắt bà còn sáng và ánh lên sự tinh nghịch. Âm nhạc, bà nói, “là cuộc đời tôi”. Bà hút thuốc kiểu Nga với những cái đầu lọc dài, sống chủ yếu vào cà phê, kẹo khi bà có thể nhận được, và ký ức của bà – một ký ức hết sức đặc biệt. 

Khi người ta hạ bà xuống huyệt mộ ở nghĩa trang Bolsheochtunsky vào tháng 5/2000, Nga đã mất đi người sống sót cuối cùng của buổi hòa nhạc khác thường bậc nhất từng được tổ chức. Buổi trình diễn này, bà chơi oboe, do Dàn nhạc đài phát thanh Leningrad trình tấu, vào ngày 9/8/1942, bản giao hưởng số 7 của Shostakovich trong thời kỳ cao điểm của cuộc vây hãm khủng khiếp – tác phẩm vĩ đại đề tặng “thành phố quê hương tôi”. Thêm vào đó là một mùa đông khắc nghiệt, khi tuyết tan, người ta thấy trên phố đầy những xác người, góp phần vào con số một triệu người chết vì đói. Bất chấp thành phố bị phong tỏa, khi cái chết rình rập mỗi góc phố và tất cả dường như sẽ mất mát, những người chơi trong dàn nhạc chỉ nghĩ buổi hòa nhạc có thể đảo ngược hoàn cảnh này. Thật trớ trêu, ngày 9/8 cũng là ngày quân đội Đức mở tiệc chiêu đãi tại khách sạn Astoria, đối diện Nhà thờ Thánh Isaac ở trung tâm của Leningrad, để kỷ niệm việc chiếm đóng thành phố này. “Bọn chúng đã không thể hưởng trọn vẹn bữa tiệc”, bà Matus cau mặt nói. “Thay vào đó, chúng tôi chơi bản giao hưởng của chúng tôi, và Leningrad đã được giải phóng”. 

Dẫu thời điểm đó là giữa hè nhưng “thời tiết quá lạnh để chơi mà không có găng tay”, bà Matus hồi tưởng; “chúng tôi xỏ găng tay hở ngón; ngay cả khi đó thì vẫn khó để chơi các âm điệu trên nhạc cụ của mình”. Cái lạnh tỏa ra từ trong tim là một triệu chứng gắn liền với cái đói, nhà văn Primo Levi- người sống sót của Auschwitz, từng viết như vậy. “Nhưng đó là đêm vĩ đại nhất trong đời tôi”, bà kể, ngón tay run rẩy vì tuổi tác của bà cầm lấy điếu thuốc và nở nụ cười đắc thắng của người sống sót. Đó là buổi trò chuyện cuối cùng của chúng tôi, tháng 9/2000. Trong số 4 người còn lại của dàn nhạc danh tiếng này, bà nói “tôi là người duy nhất còn giàu sức sống”.

Các nhạc công đã có một buổi tái hợp vào năm 1992 để biểu diễn bản giao hưởng, trong đó chỉ còn 14 người sống sót trong buổi hòa nhạc lịch sử năm 1942. Họ ngồi trên đúng những chiếc ghế trong đúng khán phòng như cách mình đã làm nửa thế kỷ trước. Nghệ sỹ trombone Mikhail Parfionov chào đón Matus. “Edith yêu quý, khi chúng ta trình diễn lần đầu tác phẩm này cùng nhau, chúng ta vẫn còn trẻ và đẹp”. “Còn giờ?’, bà Matus thách thức (tôi có thể tưởng tượng ra cái ngạo ngược trong ánh mắt bà). “Giờ thì Edith yêu quý, ít nhất thì chị còn đẹp hơn cả trước đây, Parfionov vui vẻ đáp lại.

Parfionov là người đóng vai trò quan trọng trong số quân tăng viện từ chiến hào để dàn nhạc đủ quân số chơi tác phẩm kỳ vĩ của Shostakovich, sau buổi diễn tập đầu tiên chỉ có 15 nhạc công gày gò. Không từ ngữ nào có thể tả được buổi diễn tập đó bởi bất cứ ai có thể chơi được nhạc đều có thể xin tham gia. Thông thường, công việc của Parfionov là dẫn dắt một nhóm nhạc quân đội biểu diễn ở ngoài mặt trận trình diễn các vở operetta và các bài hát được sáng tác để cổ vũ tinh thần của các chiến sĩ như “Chào súng máy Nga!”

Tôi gặp Parfionov lần cuối vào tháng 6, sau đó ông qua đời. Ông sống ở phía rìa thành phố gần sân ga Pishev, dẫu nơi đó gần những chuyến tàu ầm ĩ và vội vã phóng qua, còn xung quanh là một cái chợ tạm – nông dân bán mấy thứ rau quả vườn nhà. “Các buổi diễn tập đều diễn ra vào buổi sáng, sau đó là đi thẳng ra mặt trận biểu diễn, đó là bổn phận của nghệ sỹ âm nhạc quân đội chúng tôi. Một ngày khi kết thúc diễn tập, chúng tôi tới nghĩa trang Piskayorsky để chôn cất những người chết trong những nấm mồ tập thể. Chúng tôi đào hết cả buổi chiều”, Parfionov đặt tay lên đầu và nắm chặt mái tóc trắng của mình – “và đội trưởng nói ‘bây giờ hãy mang xác và đặt vào mộ’. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi lại trở lại diễn tập tác phẩm đó”. 





Bảo tàng Thời kỳ Phòng ngự và phong tỏa Leningrad trưng bày những kỷ vật thời kỳ thành phố trong vòng vây hãm của quân đội Đức. Nguồn: Saint-Petersburg.com

Viktor Koslov, một người trong đoàn nhạc của Parfionov, chơi clarinet và hiện vẫn còn sống: trên tầng 12 của chung cư được xây bằng gạch kiểu Lego, gần sân ga tàu điện ngầm Tionyorskaya. Ông đẹp trai, gương mặt tươi cười và khi về hưu, ông tham gia đóng phim. Khuôn mặt ông tối sầm lại khi bật một video tài liệu về thời kỳ bị phong tỏa, ông không thoát khỏi nỗi ám ảnh, dù đã xem “hàng trăm lần”. Những lời bình đi kèm hình ảnh người dân trên đường phố Leningrad, cơ thể họ trơ xương, làn da khô khốc như giấy da vô hồn, hàm nhô ra, đáy mắt họ trống rỗng, lẩn quất bóng dáng cái chết. Koslov đang xem lại câu chuyện lịch sử của chính mình. “Tất nhiên chúng tôi đã nhìn thấy tất cả những đó”, ông nói với vẻ gần như phẫn nộ. “Đó là những gì chúng tôi trải qua mỗi ngày! Đó là những gì chúng tôi phải chứng kiến khi đi trên con đường tới phòng tập. À nhưng buổi biểu diễn đó tự nó là câu trả lời của chúng tôi về những gì phải chịu đựng. Tôi đã nhìn thấy điều đó trong mơ nhiều lần, và đến giờ vẫn còn như nghe thấy những tràng vỗ tay như sấm của khán giả. Đó sẽ là hình ảnh cuối cùng trong mắt tôi khi tôi chết”. 

Một thời kỳ khủng khiếp

Những đêm trắng của St Petersburg năm nay thu hút nhiều thanh niên nhấm nháp bia bên bờ sông Neva, khi ánh Mặt trời giữa nửa đêm rọi xuống Cung điện mùa hè. Tuy nhiên 6 thập kỷ trước thì nó không như vậy. Vào ngày 21/6, sân ga Phần Lan, nơi Lenin từ Thụy Sĩ trở về để phát động cuộc Cách mạng tháng 10, đông đảo người dân Leningrad tới mua kem rồi tỏa ra các con đường ven biển. Một trong những người con nổi tiếng nhất thành phố, Dmitri Shotstakovich, đã có kế hoạch mua vé tới sân để cổ vũ cho đội nhà Zenith Leningrad. Nhưng dẫu trong đêm ngắn nhất này thì Adolf Hitler đã điều không quân Đức (Luftwaffe) tới Liên Xô. Vào thời điểm đó, Stalin ra các công lệnh điều động quân tới Leningrad, khi Mặt trời lên cao thì Nga đã bước vào cuộc chiến với Đức.





Nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich lên bìa tạp chí Time. Nguồn: tạp chí Time

Leningrad có sức hút đặc biệt với Hitler. Việc chiếm đoạt và phá hủy thành phố bằng mọi giá là tâm điểm của giấc mơ tiến đến phương Đông, vượt qua cả những lời tuyên bố chiếm vùng Baltic của những người Teuton thời cổ đại (một bộ lạc Đức thời cổ đại tham gia chiến tranh Crimbi với người La Mã vào cuối thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên). Leningrad là thủ đô còn tráng lệ hơn cả Berlin hay Vienna. Chính thành phố này đã sinh ra cái mà Hitler vẫn coi là “ý tưởng Do thái” của chủ nghĩa Bolshevik. Ông ta công khai nói như vậy và trong các truyền đơn thả xuống thành phố với nội dung để tránh bị xóa sổ, thành phố phải đầu hàng. Tuy nhiên, ông ta lại ngầm ra lệnh cho tướng của ông ta ở mặt trận phía Đông, nguyên soái Marshal Wilhelm von Leeb, từ chối đầu hàng và phải xóa sổ hoàn toàn các công dân của của thành phố, dù có xảy ra điều gì đi chăng nữa. Trong một chỉ thị mang tên “Tương lai của thành phố St Petersburg”, tướng Đức Walter Warlimont viết: “Lãnh tụ đã quyết định đánh sập thành phố St Petersburg khỏi mặt đất. Sau khi đánh bại nước Nga Xô viết, sẽ không còn bất cứ lý do nào để thành phố này tồn tại trong tương lai”. 

Trong khi Hitler lập kế hoạch cho cuộc chiến, những năm trước đó Leningrad đã phải trải qua thời kỳ thanh trừng. Shostakovich và người thân sống trong nỗi sợ hãi khi nghe thấy tiếng bước chân trên cầu thang và tiếng gõ cửa. Bản thân ông cũng bị các an ninh mật vụ NKVD của Stalin gọi lên thẩm vấn, nhưng ngay cả thời điểm đó thì Zanchevsky, nhân viên điều tra ông cũng bị bắt. Tác phẩm âm nhạc gần gũi nhất với trái tim của Shostakovich, vở opera Lady Macbeth of Mbtesk, bị khiển trách vì là “bùn đất thay vì âm nhạc” trong một bài xã luận trên báo Pravda mà người ta tin rằng do chính Stalin viết – một thông điệp đáng lo ngại và không thể nhầm lẫn.

Shostakovich từng tình nguyện tham  gia Hồng quân nhưng bị loại vì mắt kém. Sau đó ông lại gửi đơn đến “Lữ đoàn tình nguyện của nhân dân”, viết: “Đến giờ thì tôi mới biết làm việc trong bình yên. Nhưng tôi đã sẵn sàng cầm lấy vũ khí. Chỉ bằng chiến đấu, chúng ta mới có thể cứu loài người khỏi sự hủy diệt”. Thời điểm đó ông đã được chấp nhận và được giao nhiệm vụ đào công sự quanh thành phố. Sau đó, ông được chuyển đến một đội cứu hỏa và tạp chí Time đã kịp đưa lên trang bìa của mình nhà soạn nhạc đội mũ cứu hỏa.

Ông tiếp tục viết, chủ yếu là chuyển soạn các aria từ những vở opera của mình cho các ca sỹ quân đội hát, ví dụ “Trung đoàn dũng cảm hành quân”. Nhưng vào cuối tháng 8, tuyến đường sắt cuối cùng nối thành phố với thế giới bên ngoài bị cắt. Thòng lọng bị thắt chặt và cuộc vây hãm Leningrad bắt đầu.

Cuộc vây hãm

Những chuyến tàu điện loảng xoảng bên ngoài căn hộ của Viktor Koslov. Ông bật to tiếng video lên để nghe rõ hơn giọng nói nồng nhiệt của Dmitri Shostakovich phát trên sóng phát thanh. Nghệ sỹ clarinet già cả này lắng nghe từng lời của nhà soạn nhạc như người Leningrad lắng nghe thông báo vào ngày 1/9/1941. “Mới chỉ một giờ trước, tôi hoàn thành bản thảo phần 2 của tác phẩm giao hưởng mới của  mình. Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh và những nỗi đe dọa Leningrad, tôi phải làm việc thật nhanh. Thưa các đồng nghiệp và bạn bè… chúng ta sẽ tận tâm làm việc và thà hi sinh còn hơn để bất cứ ai phá hủy thành phố này”. Koslov nhấn vào nút tạm dừng. “Tôi nghe thấy giọng nói của ông ấy qua sóng phát thanh vào thời điểm đó”, ông nói, “và từ đó, tôi đã phải tập luyện bản giao hưởng hàng trăm lần”. 

Nhưng vào thời điểm nói trên sóng phát thanh, Shostakovich mới hoàn thành hai chương đầu – mực in trên bản thảo mới chỉ vừa khô trên bàn làm việc. Trong vòng 3 tuần, ngày 19/9, không quân Đức ném bom trúng khu vực Gostiny, giết chết hàng trăm người. Đêm đó, Shostakovich mời một nhóm bạn đến nghe phiên bản piano của tác phẩm mà ông mới viết xong; những vị khách tới để tìm những trang bản thảo bay tán loạn trong căn hộ tầng 5 của nhà soạn nhạc, còn ông ngồi bên đàn trong trạng thái căng thẳng tột độ.

Khi ông mới bắt đầu chơi, những hồi còi báo động vang lên. Kết thúc chương một, Shostakovich hối thúc vợ con xuống hầm trú ẩn nhưng lại cầu khẩn khách ở lại nghe chương 2. Những trái bom vẫn thả xuống thành phố nhưng buổi hòa nhạc vẫn tiếp tục, các vị khách chờ đợi cho đến khi họ được “khởi hành”. Trong suốt tuần lễ tiếp theo, Shostakovich, hốc hác và làm việc thâu đêm, chuyển sang sáng tác chương adagio, có lẽ là phần âm nhạc tràn ngập xúc cảm nhất mà ông từng sáng tác, mở đầu bằng một chủ đề u ám gợi lên khung cảnh chiến tranh và tác động của chiến tranh, vốn được ông gọi là “trung tâm kịch tính của tác phẩm”.

Trước khi bị phong tỏa, tinh hoa văn hóa Leningrad đều được sơ tán, bao gồm dàn nhạc Philharmonic và nhạc trưởng chính Evgeny Mravinsky, bạn của Shostakovich. Khi đang sáng tác phần ba adagio, chính quyền thành phồ đề nghị Shostakovich đi sơ tán nhưng ông từ chối – cho đến đêm 29/9. Khi phần adagio hoàn thành thì Shostakovich mới chấp nhận kêu gọi từ văn phòng Trung ương Đảng yêu cầu ông rời đi. Với vợ và hai đứa con nhỏ, ông rời khỏi thành phố vào ngày 1/10 cùng tổng phổ của bản giao hưởng số 7 trong vali.

Bà Matus lúc đó là một sinh viên nhạc viện, trước đó bà từng học nhạc trong một dàn hợp xướng nhà thờ. Bà Matus “không thể nhớ” năm sinh của mình – “1916, tôi nghĩ vậy”, bà nói, năm trước cách mạng. “Thật khó khăn để kể lại những gì diễn ra suốt những năm đó. Tôi còn sống sót bởi mình đã tránh được những khó khăn”. Nhưng vì kẻ thù đã tới gần, bà kể lại “chúng tôi được gửi tới đào các chiến hào, mang theo mặt nạ phòng độc. Tôi nhớ quả bom đầu tiên rơi xuống vào ngày 9/9 – chúng tôi  vừa tới nhạc viện đã thấy máy bay vụt tới và bom rơi. Những đám mây đen tỏa ra từ mặt đất tới bầu trời; bom rơi trúng nhà kho bánh mì và đường của thành phố. Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến những quả bom có thể rơi lên đầu chúng tôi – nhưng những bài học nhạc thì đã ngừng lại”. 

Dẫu dàn nhạc Philharmonic đã rời Leningrad, vẫn còn dàn nhạc khác của đài phát thanh, Leningrad Radio Committee Orchestra, vẫn được lệnh ở lại. Họ đã học hỏi rất nhiều từ Philharmonic từ năm 1931, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Karl Illych Eliasberg, một người đàn ông gầy gò đeo kính. Dàn nhạc đài phát thanh chơi nhạc cho đến trước thời kỳ phong tỏa mùa thu năm 1941. Chương trình biểu diễn của buổi hòa nhạc kết thúc mùa diễn này dự kiến phát sóng trực tiếp tới Anh vào ngày 28/9 nhưng bị hoãn đến ngày 14/12, gồm hai tác phẩm của Tchaikovsky là bản giao hưởng số 5 và overture 1812 miêu tả việc đội quân Sa hoàng đánh thắng đội quân xâm lược của Napoleon. Trong dòng nhật ký của dàn nhạc có một số thông tin hữu ích: “Không có diễn tập. Srabian chết. Petrov bị ốm. Borishev chết. Dàn nhạc không thể hoạt động”. Tiếp theo, Eliasberg thuật lại chi tiết, “Thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dàn nhạc, nhiều nhạc công bị chết còn một số người khác, gần gũi với tôi nhất, thì chết vì đói”. ¨

(Còn tiếp)

Anh Vũ dịch

Nguồnhttps://www.theguardian.com/theobserver/2001/nov/25/features.magazine57

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)