Cây lúa trĩu bông là cây lúa cúi đầu

Cuối cùng chúng tôi cùng các học trò và cộng sự của ông đã đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng ở quê nhà bên Hội Phụ, Đông Anh, Hà Nội trong thời tiết mát mẻ dễ chịu nhờ cơn mưa tối hôm trước.

Cố nhà giáo Phạm Toàn và GS Hồ Ngọc Đại. 

Trên đường đi bộ trở về nhà thờ họ tôi có dịp nói chuyện với các bạn trẻ ở nhóm Cánh Buồm và tôi thong thả kể về những ngày cuối cùng của ông. Vào ngày 11/6/2019 khi ông cố gắng giải thích với tôi tư tưởng giáo dục là gì là lần cuối cùng khi trí óc của ông còn mẫn tiệp nhất. Ông giải thích muốn có được cái A (là Kiến thức) thì phải có Kỹ thuật (KT), kỹ thuật đó bao gồm Chương trình (CT) – Sách (S) – Kỹ thuật. Nhưng cái Kỹ thuật đó phải được thực hành, kiểm chứng qua hàng triệu giờ giảng bài của các giáo viên để đúc kết ra được cái A. Và chúng ta phải vinh danh những giáo viên đứng giảng bài hàng giờ trên lớp như vậy. Tất cả cái đó gọi là Nền Giáo Dục.

Ngày 18/6, trong lúc ông đang ngồi nhắm mắt chìm đắm trong những suy nghĩ của riêng ông, đột nhiên ông nói với tôi: Con gọi Hồ Ngọc Đại đến đây. Ông Đại nhận được tin mừng quýnh và nói chú đến ngay đây. Gần hơn nửa tiếng sau chú Đại đến và tôi lại đánh thức ông dậy. Khi nhìn thấy ông Đại, ánh mắt ông sáng bừng lên và vẫy ông Đại ngồi xuống bên cạnh. Và tôi đã được chứng kiến hai con người đã từng là cộng sự thân thiết của nhau sau mấy chục năm gây dựng trường Thực Nghiệm thì giờ đây đang ôm lấy nhau thân thiết, xúc động cảm ơn nhau, người này gọi người kia là thầy. Một con người suốt cả đời là tự học thì việc ông Toàn luôn coi ông Đại là thầy của mình, người đã gợi mở cho ông những tư tưởng tiên phong về giáo dục theo tôi nghĩ đó cũng là một điều tự nhiên. Cả hai con người có những tư tưởng cách tân trong giáo dục luôn mến mộ nhau, cảm phục nhau, sau nhiều năm cộng sự đã tách ra đi theo con đường của riêng mình, nhưng điểm đến cuối cùng vẫn là cho một nền giáo dục khai phóng. Tôi không nghĩ một con người luôn đề cao các giá trị của tự do, dân chủ như bố tôi lại muốn đè bẹp sự khác biệt của người khác. Và chúng ta là ai khi mà dám cả gan thay ông để phán xét một mối quan hệ mà nó không thuộc về chúng ta, nhất là khi ông đã không còn nữa trên đời này để chứng minh hoặc giải thích được bất cứ điều gì.

Học trò mà hơn được thầy thì đấy có phải là hồng phúc không? Và như một câu danh ngôn của Nhật Bản mà tôi vô cùng yêu thích: Cây lúa trĩu bông là cây lúa cúi đầu.

Vậy thì chúng ta hãy cúi đầu trước nhân cách của một con người mà sự khiêm nhường còn vượt trên cả sự vĩ đại của chính ông. 

Tôi yêu anh, anh rất thật
Biết tin dữ, tôi đến với anh.
Ngồi một lúc, ngắm nhìn tôi, anh nói: Anh rất thật!
Mấy ngày sau, anh gọi điện bảo con gái đón anh, đưa về nhà, để người ta viết: “Ngài chết trên tay con gái ngài”.
Tôi đến thăm anh ở nhà con gái, anh bảo rót bia mời.
Chạm cốc, nhìn vào mắt tôi, anh nói: Tôi yêu anh!
– Gặp nhau năm 79 nhỉ?
– Năm 78, anh nói lại.
Hơn 40 năm với nhau.
Anh nghĩ, anh nói, anh viết, anh làm, ở Hà Nội, ở các tỉnh, trên giảng đường tập huấn, trong lớp dự giờ, quây quần vui vẻ bạn bè… lúc nào, với ai, anh cũng thật. Anh nói, nói thật. Anh làm, làm thật. Anh vui, vui thật. Anh cáu, cáu thật. Có thế nào, anh thật thế ấy…
Bây giờ, tôi viết về anh như nói với anh, anh Toàn: Tôi yêu anh, anh rất thật. □
Hồ Ngọc Đại

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)