Cây & Người

Lê Thiết Cương là một cái tên trong những cái tên quen quen của hội họa Việt Nam hôm nay. Đã 15 năm anh đi theo con đường tối giản. Giai đoạn đầu, “tối giản” với bảng mầu tương phản mạnh, nóng lạnh triệt để, sặc sỡ, rực rỡ, chói chang, xanh đỏ tím vàng. Đặc biệt là ở loạt tranh về đề tài đồng dao, Chăn trâu, Nhẩy dây, Thả diều... Nhưng vài năm gần đây, Cương có sự chuyển hướng đột ngột. Hình như anh muốn trở mặt, muốn đoạn tuyệt với con đường mà mình đã đi qua. Cương quay ngoắt về với cực còn lại: Đen & Trắng.

Lý giải cho điều này, Cương bảo: thì ít nhất cũng là được hai năm rõ mười, được thật thà, được trắng đen rõ ràng, không bị mầu mè mà cũng chẳng phải mầu mè với ai. Không phải chiều ai, vả lại sao mà chiều hết nổi, được người này thì lại mất người kia, tốt với người này lại thành xấu với người kia, ngộ điều này lại mê điều khác. Trắng cũng tốt mà Đen cũng tốt, đã đến lúc chẳng muốn mà cũng chẳng thể nghi hoặc được điều gì nữa. Đúng đã đành mà ngay cả những điều sai lầm, nhầm lẫn vẫn có thể chấp nhận được. Đẹp cần mà xấu cũng cần. Nói gì thì nói, cái xấu cũng có thật và cũng gần tự nhiên như cái đẹp. Mất thì vẫn có thể nhưng được thêm nữa cũng chả muốn, mà cũng chắc đã hay ho gì.
Thời kỳ đen trắng khởi đầu với những tác phẩm vẽ về Hạt gạo. Cũng là tên của triển lãm tại Gallery Thăng Long năm 2005. Sau đó là serie tranh “Bản thảo” lấy cảm hứng từ những trang nháp viết tay của các nhà văn. Những tác phẩm này cũng đã trưng bày tại Gallery 39 năm 2006.
CÂY là những bức tranh tiếp theo của giai đoạn đen trắng. Khoảng 15 bức, chất liệu sơn dầu trên vải. Cùng với bát đũa, đèn dầu, hoa sen thì cây cũng là một đề tài quen thuộc trong tranh của Cương. Nhưng đây là lần đầu CÂY được diễn tả bằng một bảng mầu không mầu, chỉ thuần đậm nhạt. Ngay cả các độ ghi chuyển giữa đen và trắng cũng gần như không có. Khác hẳn với “Hạt gạo” và “Bản thảo” ghi xám là chủ yếu. Mức độ cực đoan, cực đen, cực trắng, cực yêu, cực ghét, cực vui, cực buồn ngày càng biểu hiện rõ, dù vẫn biết rằng cương nhu tương tế, động tĩnh hợp thời, âm dương điều hòa thì vẫn tốt hơn cho đời sống nhưng sao mà làm nổi.
Cổ nhân bảo: Nhất thụ nhị nhân- vẽ cây khó nhất, nhì là vẽ người. Người là người mà cũng là mình, vẽ cây (hay núi sông, trăng sao, mưa gió gì gì đi nữa) suy đến cùng cũng là vẽ người, cũng là vẽ mình cả thôi. Như nhất cả thôi.
15 bức tranh, mỗi tranh chỉ vẽ một cây, chỉ với đen và trắng. Xin dẫn lại một câu của chính Lê Thiết Cương viết về quan niệm hội họa tối thiểu cho cuộc triển lãm Con đường tĩnh lặng của anh tại Singapore năm 1995 để kết thúc bài viết này.
“ Tôi thích số ít thậm chí chỉ là một, nơi chúng ta ra đi và sẽ trở về.
Tôi không thích nhiều mầu. Tôi thích trắng và đen
Trắng, nơi các mầu trở về
Đen, mầu ban đầu khi mắt chưa mở.

P.V

Tác giả