César Franck- nhà cách tân lớn của âm nhạc Pháp

Là một trong những nhân vật vĩ đại của đời sống âm nhạc Pháp nửa cuối thế kỷ 19, César Franck đã trở thành người truyền sức mạnh cho phong cách giao hưởng Pháp. Sử dụng ngôn ngữ hoà âm theo nguyên mẫu hậu Lãng mạn nhưng César Franck đãsáng tạo ra một bút pháp mới là “thể thức chu kỳ”. Sau này, nhiều nhà soạn nhạc Pháp như Claude Debussy và Maurice Ravel đã áp dụng “thể thức chu kỳ” mặc dù quan niệm của họ về âm nhạc không còn giống với quan niệm của Franck.

César Franck sinh ngày 10 tháng 12 năm 1822 ở thành phố Liège, nước Bỉ. Ông là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ và nhạc sư gốc Bỉ nhưng sinh sống và làm việc tại Pháp. Nguồn gốc văn hóa của César Franck cũng là một đề tài gây tranh cãi. Trước năm 1830, Liège là một phần của vùng Wallonie vốn nằm dưới sự đô hộ của Pháp rồi trở về với nước Bỉ. Mẹ của ông có dòng dõi Đức trong khi cha ông, Nicolas-Joseph, một thầy ký đang bị thất nghiệp khi con trai mình cất tiếng khóc chào đời, lại xuất thân từ Gemmenich, gần biên giới với Đức. Sự kết hợp của một tài năng phát triển sớm, một cặp cha mẹ vô trách nhiệm song quá nhiều tham vọng sống đúng vào thời kỳ sùng bái thần đồng đã đẩy César Franck vào một hoàn cảnh trớ trêu: thời thơ ấu và thanh xuân của ông bị khai thác đến cùng kiệt và có lẽ như người ta nói, đã góp phần làm chậm trễ sự thành thục hoàn toàn trong sáng tác sau này.

Vào năm 1830, cha của César Franck đăng ký cho cậu con trai vào nhạc viện thành phố Liège nơi mà cậu bé nhanh chóng giành được những giải thưởng lớn về xướng âm (1832) và piano (lớp của Jalhheau, 1834). Từ năm 1833 đến năm 1835, César Franck đã học hòa âm dưới sự chỉ dẫn của Dassoigne, một hậu duệ của Étienne Méhul (1763 – 1817, tác giả opera quan trọng nhất của Pháp trong thời Cách mạng và là nhà soạn nhạc đầu tiên được gắn mác “Lãng mạn”). Được khuyến khích bởi những thành công mang tính kinh viện này, cha của Franck đã tổ chức một loạt các buổi hòa nhạc cho con trai mình ở Liège, Bruxelles và Aachen.

Năm 1835, gia đình Franck chuyển đến sống ở Paris. Sự kiện này đã báo trước trong bản thân ông một cuộc đua hướng tới những công chúng mới mẻ cũng như tới những bài học với Zimmermann và một khóa học hòa âm và đối vị với Anton Reicha (1770 -1836), cũng là giáo viên dạy Berlioz, Liszt và Gounod.

Ban đầu người ta đã từ chối César Franck vào học Nhạc viện Paris vì lý do quốc tịch và phải đợi một năm trong khi cha của ông làm các thủ tục nhập quốc tịch Pháp cho con trai. Cuối cùng ngày 4 tháng 10 năm 1837 Franck trúng tuyển vào lớp piano của giáo sư Zimmermann và lớp đối vị của Leborne. Một năm trong lớp organ của Benoist chỉ đem lại cho Franck một giải nhì (1841). Franck đã bỏ nhạc viện theo yêu cầu của cha mình ngày 22 tháng 4 năm 1842 mà không có cơ hội tham dự Giải thưởng Roma để ông có thể chuyên tâm vào vào sự nghiệp nghệ sĩ piano điêu luyện. Gia đình Franck lại trở về sống ở Bỉ. Trong thời kỳ này Franck lại chuyên tâm vào sáng tác. Ông xuất bản các bản tam tấu Op. 1 vào năm 1843 và khởi thảo oratorio tôn giáo “Ruth” của mình. Vào thời điểm ấy, bản tam tấu này đã gây ấn tượng mạnh với Franz Liszt và nhà soạn nhạc người Hungari danh tiếng đã dành những lời khen ngợi xứng đáng cho tài năng của César Franck.

Sau thời gian lưu lại Bỉ hai năm nơi cha của ông không thấy những lợi ích mà mình tìm kiếm, gia đình ông đã quay trở về Paris vào năm 1844. Ở đây, một tấn thảm kịch đầy đau đớn đã đến với César Franck. Sự nghiệp của một nghệ sỹ độc tấu điêu luyện đã suy tàn còn trên phương diện sáng tác, buổi công diễn lần đầu oratorio “Ruth” của ông vào ngày 4 tháng 1 năm 1846 bị công chúng phản ứng. Kết quả này đã góp phần làm hỏng mối quan hệ của ông với người cha đang ngập tràn thất vọng về những ảo tưởng bị đổ vỡ. Ít lâu sau, không thể chịu được sự căng thẳng, César Franck đã rời bỏ sự quản thúc của gia đình.

Để kiếm sống, Franck đã giảng dạy ở nhiều trường công và trường tôn giáo khác nhau và giành được vị trí người chơi organ ở nhà thờ nhỏ Notre-Dame-de-Lorette (từ năm 1847 đến năm 1851). Franck trải qua phần lớn thời gian ở nhà người vợ chưa cưới của mình, Félicité Saillot Desmousseaux, một nữ diễn viên kịch. Họ đã kết hôn vào ngày 22 tháng 2 năm 1848. Thoạt đầu, cha của César Franck kịch liệt phản đối mối quan hệ này song cuối cùng ông cũng chấp nhận và ngồi sau tấm ngăn lò sưởi để dự hôn lễ. Trong thời kỳ này, Franck đã sáng tác một thơ giao hưởng có tên “Ce qu’on entend sur la montagne” (Tiếng nghe trên núi) và tiếp tục viết vở opera mà ông bỏ dở có tên “Le valet de la ferme” (Người làm công ở trang trại). Trừ hai tác phẩm này, không một tác phẩm quan trọng nào khác được viết trong thời gian từ 1848 đến 1858.

Vào năm 1853, César Franck trở thành người chơi organ ở nhà thờ Saint-Jean-Saint-Franois du Marais, nhà thờ sở hữu một cây organ do nhà làm đàn organ người Pháp Aristide Cavaillé-Coll sản xuất. Franck gắn bó với hãng làm đàn này với tư cách là “đại diện về mặt nghệ thuật”. Lấy cảm hứng từ lối diễn xuất của nhà soạn nhạc và nghệ sỹ organ người Bỉ, Jacques-Nicolas Lemmens (1823 –1881), hẳn là César Franck đã quyết định hoàn thiện kỹ thuật, nhất là kỹ thuật dùng pedal và phát triển các kỹ thuật ứng tác của mình trong thời gian này.

Một thời kỳ mới trong sự nghiệp của César Franck bắt đầu. Từ năm 1858, sau một cuộc thi có nhiều nhà soạn nhạc tham dự, ông trở thành người chơi organ của nhà thờ Saint Clotilde Basilica mới được khánh thành vào ngày 19 tháng 12 năm 1859, nơi có một trong những nhạc cụ đẹp nhất do hãng Cavaillé-Coll sản xuất. Ông lưu lại đó cho đến tận cuối đời.

Dẫu rằng phải tham gia vào việc soạn các tác phẩm âm nhạc chất lượng cho các nghi lễ tôn giáo, nhưng những bản ứng tác của ông sau các nghi lễ đã nhanh chóng trở thành một sức hấp dẫn đối với công chúng. Bộ “Sáu tác phẩm cho organ” rất đáng được ghi nhớ trong thời kỳ này, được xuất bản năm 1868 khi tác giả 46 tuổi trong đó có tác phẩm hay nhất cho organ của ông là Grande Pièce Symphonique. Ngoài ra thời kỳ này ông còn sáng tác một số nhất định các tiểu phẩm cho organ mà chỉ được xuất bản sau khi tác giả qua đời.

Vào năm 1871, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ông được được bổ nhiệm làm giáo sư organ của Nhạc viện Paris thay cho Benoist. Để giành được vị trí này, cần phải là công dân Pháp. Ông đã có lớp dạy chính thức của mình vào ngày 1 -2 -1872. Các học trò của ông tại nhạc viện gồm cả Vincent d’Indy, Ernest Chausson, Louis Vierne và Henri Duparc. 

Chính trong năm 1872 này ông đã hoàn thành phiên bản đầu tiên của oratorio “Rédemption” (Sự cứu thế), một thất bại thê thảm trong lần công diễn đầu tiên vì biểu diễn tồi. Franck đã cải biên tác phẩm, rồi thuyết phục Henri Duparc và Indy làm phiên bản thứ hai sẽ được tung hô. Giai đoạn từ 1874 cho đến khi César Franck qua đời đánh dấu một thời kỳ sáng tạo mãnh liệt: các oratorio, các tác phẩm cho piano, các tứ tấu cho dàn dây, sonata cho violin, ballet, các thơ giao hưởng và biến tấu giao hưởng, các tác phẩm cho organ… Với tư cách một nghệ sỹ organ, ông được đặc biệt chú ý vì kỹ năng ứng tác của mình và chỉ dựa vào 12 tác phẩm lớn cho organ mà Franck được nhiều người xem là nhà soạn nhạc organ vĩ đại nhất sau J. S Bach. Tác phẩm cho đàn organ của Franck là những tác phẩm hay nhất xuất xứ từ Pháp trong hơn một thế kỉ và đã đặt nền tảng cho phong cách organ giao hưởng Pháp. Đặc biệt là tác phẩm dài 25 phút “Grande Pièce Symphonique” đã dọn đường cho các giao hưởng organ của Widor, Louis Vierne và Marcel Dupré.

Nhiều tác phẩm của Franck áp dụng “thể thức chu kỳ”, một bút pháp để đạt được sự thống nhất giữa một số chương trong tất cả chủ đề của tác phẩm được sinh ra từ một motif ban đầu. Các chủ đề giai điệu chính của tác phẩm, tương quan với nhau theo cách đó, được tóm tắt lại trong chương cuối. Âm nhạc của ông thường phức tạp về đối âm, sử dụng ngôn ngữ hòa âm theo nguyên mẫu cuối thời Lãng mạn, thể hiện một sự ảnh hưởng lớn từ Franz Liszt và Richard Wagner. Trong các sáng tác của mình, Franck đã thể hiện một tài năng và thiên hướng đối với việc chuyển điệu thức thường xuyên và duyên dáng. Những học trò của Franck kể rằng, lời nhắc nhở thường xuyên nhất của ông luôn là “chuyển điệu, chuyển điệu”. Phong cách chuyển điệu của Franck và bút pháp đặc ngữ trong việc chuyển đổi các tiết giai điệu của ông là những nét dễ nhận biết nhất. Chìa khóa cho âm nhạc của ông có thể tìm thấy trong tính cách của ông. Bạn bè ông ghi nhận rằng ông là một người vô cùng khiêm tốn, giản dị, sùng đạo và siêng năng. Nhiều tác phẩm âm nhạc của Franck nghiêm túc một cách sâu sắc và mang vẻ tôn kính, thường là hân hoan, nồng nhiệt và bí ẩn, nhưng hầu như không bao giờ thư thái hay hài hước. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, âm nhạc của Franck dường như trái ngược với thứ cảm xúc bộc lộ mãnh liệt ở bề mặt, đôi khi hơi thái quá của Franz Liszt, Richard Wagner, thậm chí ở chừng mực nào đó của cả Beethoven.

Hiếm có một nhà soạn nhạc nào lại có tầm quan trọng và danh tiếng như vậy, tiếng tăm của Franck phần lớn dựa vào một số nhỏ các sáng tác viết trong những năm cuối đời, đặc biệt là Giao hưởng giọng Rê thứ (1886-88), Các biến tấu giao hưởng cho piano và dàn nhạc (1885), Prelude, Chorale và Fugue cho piano solo (1884), sonata cho violin và piano giọng La trưởng (1886) và ngũ tấu cho đàn piano và dàn dây giọng Pha thăng thứ. Bản giao hưởng đặc biệt được khen ngợi và gây ảnh hưởng trong thế hệ các nhà soạn nhạc Pháp trẻ hơn và mang trọng trách đối việc làm tăng sức mạnh cho truyền thống giao hưởng Pháp sau những năm bị suy yếu. Một trong những tác phẩm ngắn hơn nổi tiếng nhất của ông là motet Panis Angelicus (ban đầu được viết cho giọng tenor solo cùng organ, harp, cello và double bass nhưng ngày nay thường được hát bằng giọng soprano.) Tác phẩm này về sau được bổ sung vào bản Mass cho ba giọng năm 1861. Năm 1885 César Franck được trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh và một năm sau, năm 1886 ông trở thành chủ tịch của Hội âm nhạc quốc gia.

Năm 1890 Franck bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chính sau tai nạn đó ông đã viết ba kiệt tác choral cho organ. Một thời gian ngắn sau khi hoàn thành những choral này, ông bị viêm màng phổi do những biến chứng từ vụ tai nạn. César Franck trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8–11-1890. Tang lễ được cử hành một cách khiêm tốn và không có một phái đoàn chính thức nào của bộ hay chính quyền có mặt trong khi Nhạc viện Paris có Delibes đại diện. Trong số những người có mặt tại tang lễ, người ta nhận thấy Fauré, Bruneau, Widor, Lalo, Duparc, d’Indy, Chausson, Lekeu, Vierne, Dukas, Guilmant cũng như người đọc điếu văn, Chabrier. César Franck được chôn cất tại nghĩa trang Montparnasse ở Paris.

César Franck đã để lại một tầm ảnh hưởng đáng kể trong âm nhạc. Thứ nhất là ông đã giúp tăng cường sức mạnh và làm mới âm nhạc thính phòng. Tiếp theo là ông đã phát triển các nguyên tắc của “thể thức chu kỳ” mà là điển hình trong âm nhạc của ông. Ảnh hưởng của Franck cũng một phần là do bản tính của “một người vô cùng khiêm tốn, giản dị, sùng đạo và siêng năng”. Claude Debussy và Maurice Ravel đã áp dụng “thể thức chu kỳ” mặc dù quan niệm của họ về âm nhạc không còn giống với quan niệm của Franck.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)