Cha và con trong thế giới âm nhạc
Trong thế giới âm nhạc cổ điển, hiếm có trường hợp các thế hệ trong cùng một gia đình đều thành công như gia đình Shostakovich: Người cha là một người khổng lồ trong số các nhà soạn nhạc thế kỷ 20; còn con trai của ông cũng rất xuất sắc trong số các nhạc trưởng.
Ông đã chỉ huy tất cả các thể loại âm nhạc. Vậy chỉ huy những tác phẩm của cha mình có phải là điều gì đặc biệt không?
Chắc chắn rồi, đặc biệt gần đây tôi đưa vào ngày càng nhiều tác phẩm của cha mình. Đó thực sự là thứ âm nhạc máu thịt của tôi, tôi không thể sống thiếu nó. Nó giúp tôi sống, giúp tôi hạnh phúc.
Phải chăng âm nhạc của cha ông máu thịt hơn âm nhạc của Tchaikovsky, Mussorgsky, hay cả những nhạc sĩ khác như Schnittke?
Không, bởi vì nó thật sự là máu thịt. Đó là kết nối trực tiếp, kết nối bằng dòng máu.
Ông có cảm thấy nghĩa vụ phải đem âm nhạc của cha mình đi khắp thế giới không, hay ông thấy rằng tự bản thân nó đã có chỗ đứng xứng đáng?
Tôi thích làm việc đó, và tôi cảm thấy rằng đó là một phần trách nhiệm của mình, thực tế là vậy.
Ông có nghe các nhạc trưởng khác chỉ huy tác phẩm của cha mình không?
Tất nhiên rồi! Rất nhiều, rất nhiều nhạc trưởng xuất sắc và những dàn nhạc xuất sắc đã trình diễn âm nhạc của cha tôi, và tôi thấy rất nhiều, rất nhiều những điều chỉnh mới mẻ so với truyền thống khá mạnh vốn có.
Những điều chỉnh đó đều hay chứ?
Vâng, và điều này sẽ đem đến những nhạc trưởng khác, những nhạc trưởng mới, một thế hệ trẻ trung.
Nhưng màn trình diễn của ông, ít nhiều sẽ gần gũi hơn với tác giả?
Có thể với tôi nó đơn giản hơn, bởi vì tôi cảm nhận được âm nhạc của Shostakovich. Shostakovich là cha tôi, điều đó giúp tôi gần gũi với ông hơn. Tôi có thể nhận ra giọng nói của ông, đặc điểm tính cách của ông, cách nói và cách nghĩ của ông thông qua âm nhạc. Về mặt sinh học, tôi hiểu rõ mọi tính nết của cha mình vì tôi sống với ông cả đời. Sự hài hước của ông, cơn giận dữ của ông, cách nói năng của ông; với tôi ông sẽ không bao giờ chết bởi vì khi tôi chỉ huy tác phẩm của ông, tôi cảm thấy ông như đang ở bên và trò chuyện cùng tôi. Tôi nhận ra giọng nói của ông thông qua âm nhạc của chính ông.
Và ông truyền đạt giọng nói đó đến với công chúng?
Chắc chắn rồi. Đó là nghề của tôi.
Ông có cảm thấy công chúng cũng hiểu âm nhạc của cha mình không?
Ngày càng hiểu hơn chứ. Điều thú vị và rất đáng chú ý là ở châu Âu và Mỹ, ngày càng có nhiều công chúng yêu âm nhạc của ông ấy.
Các bản giao hưởng, tứ tấu đàn dây cũng như các vở opera?
Thực tế là âm nhạc thính phòng kém phổ biến hơn ở mọi nơi trên thế giới. Tôi không biết tại sao nhưng vô cùng đáng tiếc. Thú vị là có nhiều nhóm tứ tấu đàn dây hiện nay chơi toàn bộ các bản tứ tấu của Shostakovich. Đầu tiên là nhóm tứ tấu Borodin, rồi nhóm tứ tấu Fitzwilliam ở Anh và nhóm tứ tấu đàn dây Manhattan.
Ông có nghĩ rằng cách ông tiếp cận âm nhạc của các nhà soạn nhạc khác ít nhiều chịu những tác động bởi vì ông là con trai của một nhà soạn nhạc vĩ đại và được học hỏi mọi điều ngay từ khi còn nhỏ?
Với việc tiếp cận âm nhạc của các nhà soạn nhạc khác ư, ồ không. Tôi chỉ nói rằng tôi dễ dàng hiểu được thứ ngôn ngữ âm nhạc của cha tôi bởi vì tôi nhớ cấu trúc trong những phân tiết âm nhạc của ông, cách ông truyền đạt. Nhưng với các nhà soạn nhạc khác thì không.
Ông có bao giờ hình dung khả năng có một đoạn nhạc nào đó trong tác phẩm của Beethoven giống với những gì cha ông sẽ viết nếu ông ấy là người làm ra tác phẩm đó?
Không. Trong suốt quá trình học tập của tôi, tôi được nghe rất nhiều ý kiến của cha tôi về các nghệ sỹ biểu diễn khác nhau và các nhà soạn nhạc khác – Mahler, Beethoven, Stravinsky, Brahms…., và tôi nhớ hết những gì ông ấy nói. Quan điểm của ông rất quan trọng đối với tôi. Thật là một niềm hạnh phúc hết sức lớn lao khi được sống gần gũi với một nhà soạn nhạc tầm cỡ như Shostakovich.
Ông có bị bắt ép đi theo lĩnh vực âm nhạc không, hay điều đó xảy ra vì ông muốn như vậy?
Khi cha tôi đưa tôi đến buổi ra mắt bản giao hưởng số 8 của ông lúc tôi còn rất nhỏ, tôi đã quyết định sẽ làm nhạc trưởng. Nhưng cha tôi bảo tôi luyện piano để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn. Sau đó tôi bắt đầu học cả piano và chỉ huy – và cuối cùng tôi trở thành nhạc trưởng. Đó là bổn phận của tôi. Cha tôi sáng tác rất nhiều bản giao hưởng, tôi nghĩ rằng bổn phận của mình là chỉ huy chúng.
Liệu cha ông có thất vọng không nếu ông là một kỹ sư hay công chức, hoặc họa sĩ?
Tôi thích vẽ. Thậm chí có lần tôi đã vẽ một bức chân dung không tồi về cha tôi. Nhưng không, tôi nghĩ rằng cả đời này tôi chỉ mơ trở thành nhạc trưởng.
Ông đã rời nước Nga…
…năm 1981.
Vì lý do chính trị?
Vâng, hoàn toàn đúng vậy.
Âm nhạc có tính chính trị không?
Không, nhưng chính trị có thể ảnh hưởng tới âm nhạc.
Trong sáng tác hay trình diễn, hay cả hai?
Ảnh hưởng một cách tổng thể; âm nhạc cũng như nhà soạn nhạc. Đặc biệt trong âm nhạc của Shostakovich, ông không bao giờ thể hiện chính trị một cách riêng biệt; ông chỉ cho thấy hình ảnh con người trên trái đất trong mọi hoàn cảnh – bị áp lực, hạnh phúc, khổ đau, tất cả mọi thứ. Trên hết là sự đau đớn, và mọi cảm giác của con người đều được thể hiện trong âm nhạc, tôi nghĩ như vậy.
Tôi muốn hỏi về các vở opera Katerina Ismailova và Lady Macbeth [of the Mtsensk District]1. Phải chăng chỉ có một vở được hoàn thành [đúng theo ý tác giả], còn vở kia thì không?
Không, cả hai đều đã hoàn thành! Đơn giản là Shostakovich đã phải sửa lại lần thứ hai, điều này là rất quan trọng vào thời kỳ đó bởi hoàn cảnh của nó. Khi chính quyền cấm vở opera này [Lady Macbeth], bản thân họ cũng cảm thấy có lỗi, và họ bắt Shostakovich viết một phiên bản mới. Khi đó họ sẽ có thể nói: “Ồ, Shostakovich đã thỏa mãn!” Họ nói đó là ý tưởng của ông bởi ông không thích phiên bản đầu tiên. Điều đó là không đúng, nhưng khi cha tôi bắt tay vào viết phiên bản mới này [Katerina Ismailova], ông đã làm được rất nhiều điều tốt về hòa âm. Hòa âm cân đối hơn, nhưng đồng thời chính quyền lại bắt ông phải thay đổi nhiều chỗ ở phần lời. Tôi nghĩ rằng phần lời ở phiên bản đầu hay hơn. Ngôn từ mạnh mẽ hơn.
Có cách nào để chuyển phần lời ở phiên bản một sang phiên bản hai không?
Ồ, vâng, có thể! [khẽ cười]. Một cảnh diễn gợi tình rất nổi tiếng cũng không tồn tại trong phiên bản thứ hai. Tôi thích cảnh đó lắm, ông đồng thời cũng điều chỉnh cả một khúc intermezzo trong phiên bản cuối. Có thể có lúc tôi sẽ nhào trộn chúng…
Có phải một số tác phẩm của cha ông vẫn chưa được tiếp nhận một cách thật sự đúng đắn, vì vậy cần được biểu diễn nhiều hơn nữa?
Một số bản giao hưởng của ông ấy rất dài và rất khó. Đôi khi không phải dàn nhạc nào cũng có thể biểu diễn những bản giao hưởng này. Dẫu sao, như tôi đã nói, nhạc thính phòng kém phổ biến hơn nhạc giao hưởng, nhưng nó luôn phát triển lên. Quả thật rất khó nói; tôi thích tất cả các tác phẩm của cha mình.
Có tác phẩm nào của cha ông chưa được trình diễn nhưng rất đáng được trình diễn không?
Có thể đó là những tác phẩm khó như vở opera The Nose của cha tôi. Nó rất, rất, cực kỳ khó. Tôi nhớ lần tôi chỉ huy nó tại English National Opera ở London. Nó là một điều gì đó thật đặc biệt. Wozzeck và The Nose đều là những vở opera khó nhất. Nhưng bây giờ trình độ của các nghệ sỹ độc tấu, như nghệ sỹ violon hay cello, piano, đều rất cao. Vài năm trước, các concerto cho các nhạc cụ độc tấu của cha tôi dường như rất khó đối với một số nghệ sỹ biểu diễn. Nhưng bây giờ, giống như trong thể thao, trình độ biểu diễn đã đạt tới mức xuất sắc về mặt kỹ thuật. Họ có thể chơi được những thứ còn khó hơn.
Có lẽ đây là một câu hỏi động chạm, nếu muốn ông có thể bỏ qua. Đã có những tranh cãi về việc có hay không việc cha ông đã cố gắng nói điều gì đó trong tác phẩm của mình. Ông có nghĩ rằng những ý tưởng thật sự của cha ông đã được thể hiện trong các buổi trình diễn?
Tôi nghĩ cha tôi là một người hết sức thành thật trong sáng tạo, và thông qua âm nhạc ông cất tiếng một cách tự do và trọn vẹn – ngoại trừ một số tác phẩm ông buộc phải sáng tác như một thứ nghĩa vụ dưới chế độ Stalin. Đó là những ca khúc và những tác phẩm ái quốc; Chính phủ đặt hàng những tác phẩm này. Nhưng âm nhạc của ông giống như một tấm gương của thời đại chúng ta, và chúng ta có thể nhận ra và hiểu được những năm tháng, những giờ phút đó khó khăn như thế nào; biết bao gian truân không chỉ người dân Nga mà cả thế giới trong thế kỷ 20 phải nếm trải. Thông qua âm nhạc của ông, chúng ta có thể thấy và hiểu được. Ông giúp chúng ta hiểu thông qua âm nhạc của mình.
Và ông ấy chạm vào tâm hồn chúng ta bằng cách đó?
Vâng.
Vậy mục đích của âm nhạc là chạm vào tâm hồn?
[Ngừng lại trong giây lát] Mục đích của âm nhạc, điều đó quá lớn, anh biết đấy. Một phần là chạm đến tâm hồn của chúng ta, giúp chúng ta hiểu thế giới quanh ta, hiểu được điều tốt và điều xấu, để [suy nghĩ một lúc]. Tôi không biết nữa. Xin lỗi, tiếng Anh của tôi không đủ.
Tiếng Anh của ông rất tốt nhưng khi chúng ta trò chuyện về âm nhạc, tự bản thân âm nhạc đã nói những gì chúng ta không thể nói thành lời!
Thanh Nhàn lược dịch theo http://www.bruceduffie.com/shostakovich.html)
1. Vở Lady Macbeth of the Mtsensk District của Shostakovich ra mắt lần đầu năm 1934 ở Leningrad. Bất chấp thành công của nó, vở opera bị coi là chạy theo chủ nghĩa hình thức, thô thiển và tục tĩu, trở thành cái cớ cho một cuộc tổng công kích âm nhạc của Shostakovich vào năm 1936, còn bản thân vở opera bị cấm biểu diễn suốt gần 30 năm. Nhà soạn nhạc sau đó đã sửa lại vở opera, đặt tên mới cho nó là Katerina Izmailova. Vở này đã ra mắt lần đầu ở Moscow vào năm 1962.
Maxim Shostakovich sinh năm 1938 ở Leningrad. Ông học piano tại Nhạc viện Moscow với Yakov Flier, và học chỉ huy với Gennady Rozhdestvensky và Igor Markevich. Năm 1971, ông trở thành nhạc trưởng chính và giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh và Truyền hình Liên Xô. Cùng với dàn nhạc, ông đã lưu diễn khắp thế giới, bao gồm Tây Âu, Nhật Bản, Mỹ. Ông cũng chỉ huy ra mắt nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có Giao hưởng số 15 của cha mình tại Nhạc viện Moscow vào ngày 1-1-1972. Năm 1979, ông chỉ huy vở opera của cha mình, The Nose, tại nhà hát English National Opera.
Maxim Shostakovich đã chỉ huy nhiều dàn nhạc lớn khắp thế giới: tại Mỹ ông làm việc với New York Philharmonic; Washington National Symphony; các dàn nhạc của Boston, Chicago, Cleveland, Philadelphia, Los Angeles, Detroit, Pittsburgh, Cincinnati, Atlanta, Toronto, Ottawa, Vancouver, Calgary, San Diego, Dallas, Houston… Vào những năm 1986-1991, ông là giám đốc âm nhạc của New Orleans Symphony Orchestra. Ông cũng chỉ huy nhiều ở châu Âu: tại Đức, ông làm việc với Bayerischer Rundfunk, Beethovenhalle Orchestra of Bonn, Dortmund Philharmonic và với Hamburg Staatsoper cho vở opera Lady Macbeth of the Mtsensk District. Maxim Shostakovich còn thường xuyên được mời chỉ huy tại các kỳ Festival Đêm trắng nổi tiếng ở St. Petersburg. |