Chat ở Việt Nam

Năm nay, tôi về ăn Tết ở Long An, một tỉnh nằm ở phía Tây TP Hồ Chí Minh. Nhà của cô chú tôi kiêm luôn cửa hàng tạp hoá, nhà thuốc, và phòng khám ở thị trấn nhỏ bé này. Tôi ngạc nhiên khi thấy chú - dù sống ở nông thôn - vẫn say mê với chiếc máy tính đặt ngay cạnh chiếc bàn tiếp bệnh nhân. Chiếc máy tính nối mạng không chỉ là nguồn cung cấp tin tức thời sự, mà chức năng chính của nó là để gửi e-mail, tải ảnh gia đình lên mạng và gọi điện cho các cháu ruột hiện đang sống ở vài châu lục.

Cũng trong chuyến ăn Tết đó, tôi cùng gia đình cô chú tới trung tâm thị trấn. Dọc theo con đường bụi bặm là cánh đồng lúa bất tận với những ngôi nhà khiêm tốn nằm ở giữa. Tôi ngó một cách thích thú vào những ngôi nhà đó, tò mò không biết họ đã chuẩn bị đón Tết ra sao. Và một hình ảnh đột ngột xuất hiện, có vẻ không như tôi hình dung: Trong gian ngoài của một ngôi nhà đơn sơ, không có đồ đạc gì ngoài bàn thờ và một chiếc bàn nằm trong góc có chiếc máy tính đặt trên. Hình ảnh đó dường như là tuyên ngôn về những gì đang diễn ra ở đây. Gia đình nông dân này tuy chẳng có gì nhiều nhưng ít ra cũng có một chiếc máy tính.
Còn vô số thí dụ khác về việc chỉ cần có một chiếc máy tính, hoặc được tiếp cận công nghệ thông tin, là đã có thể thỏa mãn một số nhu cầu, bất kể ở nông thôn hay thành thị. Tại một ngôi chùa ở Đà Lạt đang nhận chăm sóc 50 trẻ mồ côi, các bà sư cũng đang có kế hoạch lập một phòng máy tính cho đám trẻ. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam giờ cũng lồng ghép công nghệ thông tin vào các chương trình hỗ trợ của mình để trang bị kỹ năng cần thiết được xem là mấu chốt giúp người dân xoá đói giảm nghèo.
Song, ngoài những lợi ích kinh tế, giáo dục mà công nghệ thông tin mang lại, đôi khi, tôi không thể không nghĩ đến “Tháp nhu cầu” của Abraham Maslow. Theo Maslow, để phát huy hết khả năng của mình, người ta phải thỏa mãn những “thiếu hụt” ở bậc thấp hơn. Trong năm tầng tháp nhu cầu, những nhu cầu ở bậc thấp là Nhu cầu Sinh học, như nhu cầu về cái ăn, chỗ ở, hít thở và ngủ – những nhu cầu nhằm duy trì sự sống. Tiếp theo là Nhu cầu An toàn, nghĩa là cần được cảm thấy an toàn trong môi trường sống. Nhu cầu Xã hội được thỏa mãn bằng tình cảm gia đình, bạn bè, hay sự gắn bó với một tổ chức xã hội nào đó. Nhu cầu Tự tôn được thỏa mãn bằng sự phát triển cảm giác lành mạnh về cái tôi để tôn trọng bản thân và được tôn trọng. Mức cao nhất của tháp nhu cầu Maslow là Nhu cầu Tự khẳng định – được xem là mục đích sống và đó là khi con người có thể phát huy hết năng lực của mình.
Căn cứ theo tháp nhu cầu Maslow, có thể nói người Việt Nam đã chuyển từ Nhu cầu Sinh học và An toàn lên Nhu cầu Xã hội, thậm chí là Nhu cầu Tự tôn. Cũng có thể họ đang ở giữa giai đoạn chuyển dịch đó. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều đã được thỏa mãn hai mức nhu cầu đầu tiên, song có lẽ họ tự nhìn nhận mình đã được như vậy. Việc người Việt Nam, từ nông thôn tới thành thị đều có thể sử dụng công nghệ theo những mức khác nhau cho thấy sự khao khát vươn tới những gì lớn lao hơn, được tham gia vào sự phát triển và đầu tư cho tương lai.
Những thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam đã dần thay thế phương thức giao tiếp truyền thống. Có thể nói, nhu cầu nhanh chóng thiết lập và kết nối quan hệ bằng tin nhắn và chat đã bù đắp khoảng trống tình cảm, hoặc chính nó lại tạo ra một khoảng trống khác. Trong môi trường giao tiếp cá nhân, công nghệ bỗng trở thành sợi dây kết nối bạn bè, người yêu, gia đình, đối tác làm ăn, người quen, và cả người lạ.
Ở Đà Lạt, tôi thực sự được biết thế nào là nền văn hóa mới phát triển dưới tác động của công nghệ thông tin. Việc tăng cường đầu tư mở rộng mạng lưới internet khiến các quán cà phê internet mọc lên với tốc độ chóng mặt. Những quán cà phê không chỉ phục vụ những người không có máy tính muốn vào mạng, mà phần lớn là dành cho các “chatter”. “Chat” (đừng nhầm với ‘phòng chat’) đã trở thành một hiện tượng ở Việt Nam. Thay vì truy cập một phòng chat nào đó với những người xa lạ, người ta thường “chat” với bạn bè hay những “bạn chat thân” (chat buddies) trên khắp thế giới mà họ quen qua internet.
Tôi hay lui tới hai quán cà phê Sài Gòn 2000 và Internet Sài Gòn ở phố Bùi Thị Xuân cạnh Đại học Đà Lạt. Chủ hai quán này là một cậu trai trẻ. Trên gần hai cây số của phố Bùi Thị Xuân đã có khoảng 10 hàng kinh doanh internet. Đúng là sự phát triển trông thấy chỉ trong vòng chín tháng cuối cùng tôi ở Đà Lạt.
Quán cà phê internet ở Đà Lạt kín đáo, có không gian đẹp và phục vụ tốt. Ban đầu đó là những quán cà phê gia đình mở thêm dịch vụ ADSL, nơi bạn có thể nói chuyện qua điện thoại internet, hoặc tải ảnh lên mạng trong một khung cảnh yên tĩnh và dễ chịu. Nhưng rồi những quán cà phê gia đình đó trở nên hiện đại hơn, có “không khí” hơn với đủ các tín hiệu phát ra từ webcam, máy in, cùng tiếng nhạc đinh tai nhức óc – từ nhạc trẻ Việt Nam cho tới nhạc techno và soft rock của Mỹ hồi thập niên 80, 90 mà đáng ra chỉ nên có ở quán karaoke. Ở TP Hồ Chí Minh, người ta còn phục vụ một cốc nước lạnh và kẹo. Thông thường, tất cả những quán cà phê đó đều cài đặt sẵn phần mềm chat, phổ biến nhất là Yahoo! Messenger.
Gần trường đại học, quán cà phê internet đầy sinh viên đang chat với bạn bè hay người quen ở nước ngoài, ở trong nước, trong thành phố, và – buồn thay – ngay trong phố. Buổi chiều là giờ cao điểm của các quán cà phê internet, khi đó không còn đủ chỗ. Sinh viên say mê chat. Có vài sinh viên quây quanh một máy tính, cười ha ha khi gõ và gửi đi những câu hài hước, tán tỉnh hay trêu chọc bạn chat. Tôi đã nhìn thấy những lời tỏ tình “anh yêu em” nhiều hơn mong đợi. Nhưng làm sao mà tránh được? Các màn hình máy tính đặt san sát và chỉ ngăn cách với nhau bằng những chiếc CPU để bảo đảm sự riêng tư tối thiểu. Không ít lần, tôi cảm thấy ánh mắt – tưởng như là bất tận – nhìn vào màn hình khi tôi đang soạn e-mail. Chắc chắn là họ không đọc hoặc không hiểu những gì tôi viết. Họ chỉ muốn biết: Tôi làm cái quái gì vậy nếu không chat hay chơi điện tử?
Sinh viên không thích chat riêng từng đôi. Họ thường chat với ba, bốn người một lúc, và màn hình thì đầy những cửa sổ nhấp nháy để thu hút sự chú ý và trả lời. Tôi nhớ có một cô bé chat cùng một lúc với khoảng 10 người, cô có vẻ ngạc nhiên khi thấy không có ai đòi chat tiếp.
Tôi hỏi người phục vụ trong quán Internet Sài Gòn xem anh ta nghĩ gì về chat. Anh ta giải thích, sau khi gặp nhau, người ta thường hay trao đổi địa chỉ chat và sau đó lên mạng để nói chuyện. Nhưng anh ta cũng nhấn mạnh. đó là cách rất “phi tự nhiên” để hiểu về ai đó. Anh ta nói, đó không phải là cách để “tìm hiểu” nhau.
Đúng là một từ thú vị. Để giải thích rõ hơn, anh ta nói thêm rằng, đó là tất cả những gì người ta biết về bạn chat của mình. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là chat chẳng thể giúp bạn hiểu sâu hay biết rõ về ai đó, đặc biệt là những người mà bạn mới làm quen. Nhưng thế mới an toàn. Người ta thường thích thú trao đổi với người lạ, giành nhiều thời gian và sự ưu tiên cho những người họ chưa biết gì nhiều hơn là cho những người họ đã quen.
Một phụ nữ ở Vũng Tàu mà tôi gặp, thay vì ở nhà với chồng thì tối nào cũng háo hức ra hàng chat. Khỏi phải nói, cô ta có cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Thỉnh thoảng lại có ai đó chưa hề gặp mời bạn làm “bạn chat thân”. Đó là cách những người đi chat kết bạn với nhau. Có thể họ nhìn trộm máy tính của bạn, nhớ tên và sau đó rủ bạn cùng chat. Phần lớn sinh viên chấp nhận mời chat với một lý do không gì khác là: “Tại sao không?”
Công nghệ đã giúp nhiều người Việt Nam liên lạc với nhau. Rất ít người có thể mua vé máy bay, và đường sá đang phát triển nên đi lại chưa hẳn đã thuận tiện. Thêm nữa, nhiều gia đình ở Việt Nam có người thân đang ở nước ngoài, hoặc có chồng đi làm ở xa vài tháng mới về nhà một lần. Theo tôi, sự phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam mà tôi chứng kiến từ năm 2002 thật đáng mừng. Nhờ internet mà tôi có thể gửi tin nhắn, gọi điện cho người thân, thậm chí nhiều khi chỉ là chào một câu với bạn bè mỗi khi cần hoặc muốn. Cách xa nghìn dặm nhưng tôi vẫn giữ được liên lạc thường xuyên, được “đến” bất kỳ đâu, thậm chí cả trở về nơi tôi sống ở Bay Area(*) hoặc một nơi hoàn toàn khác với trí tưởng tượng của mình.
Tất nhiên sự phát triển này của công nghệ cũng có mặt hạn chế. Những phát triển tích cực đi kèm với tác động “tiêu cực” là tất yếu. Chúng ta nhận thức được điều đó nhưng không thể làm khác. Công nghệ thông tin làm cho người ta say mê và có cảm giác “cộng đồng” ngay cả ở ngoài phạm vi thị trấn, thành phố, hoặc đất nước của họ. Đồng thời, công nghệ thông tin cũng khiến người ta xa rời thực tế, tình cờ định nghĩa ra những giá trị văn hóa mới.
Ở tầm quốc gia, Việt Nam dường như đã bước lên những tầng bậc cao hơn của tháp nhu cầu Maslow. Nhưng chỉ thời gian mới có thể đánh giá Việt Nam đã được gì từ công nghệ kết nối đang gây huyên náo này. Nó có kết nối mọi người hay chỉ làm cho họ trở nên xa cách hơn? Nó có thể thay đổi cơ cấu xã hội và đem lại cơ hội cho những người mà thân phận dường như chẳng có gì? Và liệu nó có thể biến Việt Nam thành cường quốc trong lĩnh vực công nghệ mới này hay không?
Trước khi suy nghĩ sâu xa hơn về những câu hỏi trên thì đã có tín hiệu nhập phòng chat. Thậm chí ngay cả khi không muốn chat thì bạn vẫn nghe thấy tín hiệu nhập và ra khỏi phòng chat. Một icon xám trong danh sách “bạn chat thân” bỗng cười vui tươi. Thế là có người đã sẵn sàng chat. Tuy nhiên, trước sự sốt sắng đó, tôi vẫn để chế độ “tàng hình” (invisible) một lúc cho đến khi cảm thấy thật sự sẵn sàng.

TT (theo Nhà Magazine)

(*) Ở Bắc California.

Thúy M. Phạm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)