Chỉ họa

Nhắc đến hội họa Trung Quốc truyền thống người ta sẽ nghĩ ngay đến hai từ “Bút mực”, bởi bút lông và mực là hai phương tiện chủ yếu được người Trung Quốc sử dụng suốt hơn 2000 năm làm nên tên tuổi cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Nhưng ngoài bút lông, còn một loại phương tiện nữa mà ngay cả những người sống trên đất Trung Quốc cũng hiếm khi được biết đó là ngón tay. Và việc vẽ tranh bằng ngón tay, được gọi với cái tên “Chỉ họa”, trải qua gần bốn thế kỉ được các thế hệ họa gia tìm tòi sáng tạo, xét ở một vài khía cạnh đã đạt được một số thành công nhất định bên cạnh những thành tựu đồ sộ của cây bút lông trong hội họa truyền thống.


Phan Thiên Thọ – Trâu nước – Chỉ họa.

“Chỉ họa” (指画), đôi khi được gọi bằng những danh xưng thay thế như “Chỉ đầu họa” 指头画, Trảo ngấn (爪痕), Chỉ mặc(爪痕 hay Chỉ thú (指墨)… là một trong những họa pháp đặc biệt cấu thành nên Trung Quốc họa truyền thống. Chỉ(指)nghĩa là ngón tay, họa(画)là vẽ, Chỉ họa là vẽ bằng ngón tay. Trong môn Chỉ họa, họa gia sử dụng ngón tay để thay cho bút lông. Nhưng trên thực tế, việc sử dụng họa pháp này không chỉ dừng lại ở việc dùng ngón tay như tên gọi mà có sự tham gia của cả lòng và mu bàn tay tùy theo nhu cầu biểu đạt của họa sĩ.  

Những ghi chép sớm nhất về Chỉ họa xuất hiện dưới thời nhà Đường. Trong “Lịch đại danh họa ký” 1 của Trương Ngạn Viễn (815-907) có kể rằng họa gia Trương Tảo2 đã dùng tay để vẽ lên lụa trắng. Trương Tảo ưa sử dụng bút cùn, trong lúc cao hứng ông tùy ý dùng tay để bôi quết cho sự biểu tả thêm kỳ thú. Trong “Sơn tịnh cư luận họa” của Phương Huân đời Thanh lại có đoạn viết: “Chỉ đầu họa khởi nguồn từ Trương Tảo. Trương Tảo tác họa, hoặc dụng bút cùn hoặc dùng tay bôi quết lên lụa trắng”. Như vậy có thể cho rằng Trương Tảo đời Đường là người khai phá ra môn Chỉ họa vậy.

Nhưng kể từ sau Trương Tảo, trải qua hàng nghìn năm từ đời nhà Đường cho đến đầu nhà Thanh, hai từ Chỉ họa tuyệt nhiên vắng bóng không còn xuất hiện trong bất cứ tài liệu ghi chép nào. Sau Trương Tảo không còn ai vẽ Chỉ họa, ngay cả những sáng tác của họ Trương cũng hoàn toàn thất truyền.

Mãi đến đời nhà Thanh, một vị hoàng đế đã sử dụng ngón tay nhúng mực để chấm nên hình con trâu, đó cũng có thể coi là mầm mống hồi sinh của Chỉ họa. Ghi chép đầy đủ nhất về Chỉ họa xuất hiện dưới thời Khang Hy. Một họa gia có tên là Cao Kỳ Bội đã trở thành người đầu tiên sở truờng lối họa pháp này và đuợc coi như ông tổ của môn Chỉ họa.

Cao Kỳ Bội 高其佩 (1660-1734) tự Vi Chi, hiệu Thả Viên, nguời Thiết Lĩnh ( nay thuộc tỉnh Liêu Ninh) nên còn gọi là Cao Thiết Lĩnh, dòng dõi quan thần nhà Thanh. Những ghi chép về nghệ thuật Chỉ họa của Cao Kỳ Bội được cháu ông là Cao Bỉnh ký thuật rất tỷ mỷ trong tập “Chỉ đầu họa thuyết”. Trong đó có đoạn viết: “Khác Cần (thụy hiệu của Cao Kỳ Bội) tám tuổi học vẽ, hễ gặp bức họa nào liền lập tức lâm mô3, trải qua mười năm, tranh đầy hai hòm. Ngày nọ mơ thấy một cụ già, dắt vào trong một gian nhà đất, bốn bên kín tường là tranh vẽ, các thể loại họa pháp kim cổ không gì không đầy đủ. Nhưng trong phòng trống không, không thể sao chép, chỉ có duy nhất một lọ nước, đành lấy ngón tay nhúng nước để luyện tập, cảm thấy vui thú vô cùng. (Sau tỉnh dậy) những gì nhớ lại đều không thể đem ra đầu ngòi bút. Liền hồi tưởng lúc ở trong căn phòng đất dùng ngón tay nhúng nước thế nào, bèn nhúng tay vào mực, tùy ý tác họa, đắc được thần vận. Từ đấy ngộ ra mà thôi không dùng bút lông để vẽ nữa”. Sau ông còn khắc một con dấu 8 chữ: “Họa tòng mộng thụ, mộng tự dĩ thành” (画从梦受,梦自以成) nghĩa là họa pháp (Chỉ họa) từ trong mơ mà có, cũng từ trong mơ mà thành.

Về cuối đời, ông càng chuyên tâm sáng tác theo lối Chỉ họa, cũng trong Chỉ đầu họa thuyết kể rằng kể từ khi khám phá ra Chỉ họa, hai bàn tay ông không lúc nào không đen đúa như người bán than, ngày ngày chuyên cần đến nỗi mười đầu ngón tay rỉ máu. Để rồi cuối cùng, tiếng tăm trùm thiên hạ, thanh danh vang tận Triều Tiên. Trong “Quốc triều họa chính lục” của Trương Phố Sơn có nhắc: “Cao Thả Viên (Cao Kỳ Bội) thiện Chỉ họa, vẽ nhân vật, sơn thủy hoa điểu, ngư trùng, điểu thú, thiên tư siêu mại, tinh kỳ dật thú, hạ bút là thành, bốn phương đều trọng”. Ông để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ, trong “Chỉ đầu họa thuyết” có nói: “Từ lúc nhược quan (20 tuổi) cho đến khi thất tuần, vẽ không dưới năm sáu vạn bức”. Đáng tiếc, phần lớn sáng tác của ông đều thất truyền, hiện giờ chỉ còn lưu giữ được không nhiều các sáng tác vẽ bằng ngón tay của ông.


Cao Kỳ Bội – Chung Quỳ đồ – chỉ mặc họa.

Sau Cao Kỳ Bội, xuất hiện thêm một vài họa gia kế thừa kỹ thuật Chỉ họa của ông, có thể kể đến Cam Hoài Viên, Triệu Thành Mục, Lý Thế Trác, Mã Phương… nhưng hầu hết các sáng tác của họ đều không quá nổi bật. Phải sang thế kỉ 20 mới xuất hiện một danh họa làm sống lại những giá trị của Chỉ họa, đưa nó lên ngang tầm với những sáng tác bằng bút lông truyền thống, ông là Phan Thiên Thọ.

Phan Thiên Thọ (1897 – 1971), tự là Đại Di, nhà giáo dục, họa gia kiệt xuất, một trong bốn tên tuổi lớn nhất của hội họa Trung Quốc thế kỉ 20 4, đóng góp của ông trong việc xây dựng nền giáo dục mỹ thuật hiện đại của Trung Quốc là vô cùng to lớn, đặc biệt trên phương diện cách tân hội họa truyền thống. Bên cạnh những sáng tác bằng bút lông, ông cho ra đời không ít các tác phẩm vẽ bằng ngón tay lấy cảm hứng từ Cao Kỳ Bội.

Trong các sáng tác theo lối Chỉ họa của mình, ông thường đề “Mô phỏng Cao Thiết Lĩnh” hoặc “Hồi tưởng về Cao Thiết Lĩnh Thả Viên”. Ông từng nói : “Tôi ngoài việc vẽ tranh bằng bút lông còn dùng cả đầu ngón tay nữa. Vì sao? Vì tôi muốn cầu cái chỗ không giống nhau trong kỹ pháp vận dụng giữa hai thứ đó, cái giống và khác giữa cái tình của bút và cái thú vị của đầu ngón tay, hai cái cùng tham chứng tương hỗ cho nhau vậy. Vận bút là thường, vận ngón tay là biến. Trong cái thường cầu cái biến mà ngộ ra cái thường, chẳng phải giống như pháp đốn ngộ của người đốn căn sao?”. Nhưng ông cũng luôn lưu ý người học: “Muốn đạt được thành tựu trong môn Chỉ đầu họa, việc đầu tiên là phải học tập thật nghiêm chỉnh việc sử dụng bút lông. Nếu như không bắt đầu từ một nền tảng dụng bút vững chắc, mà ngộ nhận cho rằng dùng Chỉ đầu họa dễ đạt sự tân kỳ, hoặc là dùng Chỉ đầu họa dễ đạt chỗ ảo diệu tinh khéo có thể làm lóa mắt người thiên hạ mà khước từ sự khổ công rèn luyện bút mực, nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Trái lại, khi đã có một nền tảng sử dụng bút lông rồi, mới mong dần đạt sự tiến bộ trong Chỉ đầu họa. Trong việc học tuyệt đối không được phép láu cá trộm cắp mà phải thực sự vững vàng từng bước mới mong ngày càng tốt lên được, mới mong Chỉ đầu họa có ngày đơm hoa kết trái được”. Đầu tháng 9 năm 1971, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi còn nằm trên giường bệnh ông vẫn nhắc con trai Phan Hân Yếu đừng cắt móng tay của mình để khi khỏe lại ông sẽ tiếp tục vẽ Chỉ đầu họa, nhưng chỉ vài ngày sau, tức ngày 5/9/1971, ông qua đời, hưởng thọ 74 tuổi.

Sau Phan Thiên Thọ, Chỉ họa ngày một hưng thịnh. Giờ đây trên khắp Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều các hội nhóm nghiên cứu và thể nghiệm thứ họa pháp đặc biệt này. Có thể kể đến các họa gia cận hiện đại đã làm nên tên tuổi với môn Chỉ họa như Tiền Tùng Nham, Tiêu Tăng Liệt, Chu Chính Nguyên, Ngu Nhất Phong, Lý Thông Dương, Cổ Băng Ngô…. Đến tháng 5-1983, Hội nghiên cứu Chỉ họa Trung Quốc được thành lập tại Cửu Giang (tỉnh Giang Tây), đưa Chỉ họa trở thành một loại họa pháp chính thống được nghiên cứu và truyền bá rộng rãi.

Mặc dù là một môn trong hội họa Trung Quốc truyền thống được thế nhân trọng vọng, nhưng những họa gia thành công với Chỉ họa vẫn rất ít ỏi. Thứ họa pháp đặc biệt này vẫn là một thử thách với những ai muốn chinh phục nó. Do đặc tính của da bàn tay không thể thấm hút được nhiều mực như bút lông, nên việc vẽ ra những đường nét dài và những mảng hình lớn là một khó khăn đối với Chỉ họa. Họa sĩ buộc phải chấm ngón tay vào mực liên tục, liên tục bôi, kéo, vuốt sao cho hình nét được liền mạch không đứt đoạn. Dù vậy sự lưu nhuận của nét mực vẫn là điều khó đạt được, và điều đó lại hình thành nên một đặc điểm dễ nhận ra của Chỉ họa, đó là nét mực thường phân khúc thành từng ngấn từng ngấn trông giống như vết nước dột mái nhà hoặc như vết mối mọt đục trên gỗ. Để thể hiện được nhiều dáng vẻ của sự vật từ lớn đến nhỏ, các họa gia đã tận lực sử dụng các bộ phận khác nhau của bàn tay nhằm đạt được sự biểu tả phong phú nhất có thể. Như vẽ lông tóc, râu động vật, nhị hoa, gân lá… thì dùng cạnh móng tay. Vẽ lá cây, cành cây, nếp quần áo… thì dùng đầu ngón tay, đầu ngón tay có thể đặt chính giữa nét mực để tạo ra những đuờng nét tú nhuận, dày dặn như nét chữ Triện hoặc được đưa nghiêng để tạo thành những đường nét biến hóa dày mỏng đậm nhạt phong phú. Khi vẽ mây, núi hay những mảng hình lớn, họa sĩ có thể dùng cả lòng bàn tay hoặc mu bàn tay ấp vào mực rồi sau đó bôi lên giấy lụa, chà, xát, xoa, kéo theo đủ cách nhằm đạt hiệu quả theo ý muốn. Cũng có khi để trữ mực ở đầu ngón tay được nhiều hơn, người ta đã kẹp thêm bông vào kẽ móng tay để tăng độ hút mực. Nói chung mỗi họa gia đều có những phát kiến riêng và điều khiến cho Chỉ họa không được phổ biến cũng như kế thừa rộng rãi chính là bởi nó không có một phương pháp nhất quán trong kĩ thuật biểu hiện, thường là tùy biến theo sự mầy mò thể nghiệm của từng họa sĩ. Thậm chí cho đến giờ, việc sáng tác Chỉ họa đã không còn giới hạn trong phạm vi của giấy mực nữa. Có những họa sĩ đã thay thế giấy bằng kính, đồng lá, gốm sứ… và thay thế mực bằng màu nước, men gốm, thậm chí cả sơn dầu.

Nhưng dù sao với tính cách riêng có của Chỉ họa mà không một thứ công cụ nào khác có thể bắt chước được đã tạo nên sự háo hức và ham muốn chinh phục đến cùng cho những ai yêu thích nó. Vẻ đẹp của Chỉ họa toát lên từ sự hồn nhiên chất phác, tự do phóng túng không câu nệ tiểu tiết như những đường nét hoang sơ của tạo hóa. Họa gia không bị những phương pháp sẵn có câu thúc mà tùy ý sáng tạo thể nghiệm, tự hình thành những thú vị riêng, như Phan Thiên Thọ đã nhiều lần từng nói: “Tôi vẽ Chỉ họa, mỗi lần bắt chước Cao Kỳ Bội là mỗi lần “không giống”. Bắt chước mà “không giống” mới có thể gọi là bắt chước vậy”.
—-
1. Lịch đại danh họa kí (历代名画记): bộ hội họa thông sử đầu tiên của Trung quốc, do Trương Ngạn Viễn (815-907) đời Đường trước tác. Toàn tập gồm 10 quyển, ký thuật lai lịch của hơn 370 họa gia, kèm theo những lí luận phê bình về hội họa, các kinh nghiệm giám định và sưu tầm. Là bộ bách khoa thư đầu tiên về hội họa củaTrung quốc, có giá trị lịch sử cực kì to lớn.
2. Trương Tảo (张璪): họa gia đời Đường. Kế thừa họa pháp Nam tông của Vương Duy. Sáng tạo ra thủ pháp Phá mặc, ảnh hưởng lớn tới hậu thế.
3. Lâm mô: hình thức học tập thư họa truyền thống của Trung Quốc bằng cách sao chép các tác phẩm ưu tú của người đi trước. Lâm là đối diện với nguyên tác để chép theo. Mô là để một tờ giấy mỏng không thấm nước lên nguyên tác để tô theo. Lâm thì thường được ý nhưng mất hình . Mô thì thường được hình nhưng mất ý.
4. Bốn họa gia Trung Quốc họa lớn nhất thế kỷ 20 bao gồm Ngô Xương Thạc, Tề Bạch Thạch, Hoàng Tân Hồng, Phan Thiên Thọ.

 

Tác giả